logo

Phân tích bài thơ Mời trầu Ngữ văn 8 Cánh Diều

Bài thơ “Mời trầu” chỉ với bốn câu thơ nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu là tâm sự thầm kín, bao nhiêu là tâm tình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy oan trái, bất công mà cụ thể ở đây là Hồ Xuân Hương. Dưới đây là bài viết Phân tích bài thơ Mời trầu, mời các bạn cùng tham khảo nhé!


Dàn ý Phân tích bài thơ Mời trầu Ngữ văn 8 Cánh Diều

a, Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả, đôi nét về tác phẩm

b, Thân bài

- Ý nghĩa nhan đề “Mời trầu”.

- Hình ảnh miếng trầu quả cau nhỏ bé như chính số phận của ngượi phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

- Lời khẳng định bản thân, tuyên bố chủ quyền của thi sĩ.

- Câu nói giao duyên, tự đi tìm hạnh phúc, tự se duyên cho chính mình.

- Nỗi niềm trăn trở, mong mỏi về hạnh phúc lứa đôi.

c, Kết bài

Khẳng định giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung của tác phẩm qua những câu thơ bình dị, giàu tính nhân văn mà nhà thơ Hồ Xuân Hương thổ lộ.

Phân tích bài thơ Mời trầu

Bài văn phân tích bài thơ Mời trầu

      Thi sĩ Hồ Xuân Hương không chỉ được nhắc đến với vẻ ngoài xinh đẹp, tính cách trẻ trung, phóng khoáng mà còn gọi bà với cái tên “bà chúa thơ Nôm”. Bà là nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19 với những lời thơ thấm đẫm suy tư, trăn trở trước những bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa suy tàn, độc đoán. Bài thơ “Mời trầu” là một trong những bài thơ nổi bật cho phong cách sáng tác của bà.

      Bài thơ thuộc thể thơ tuyệt cú cổ điển. Nhắc đến hình ảnh miếng trầu chắc hẳn đã không còn xa lạ với chúng ta. Ông cha ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, bởi miếng trầu là hình thái giao tiếp thường thấy trong văn hóa của người Việt Nam xưa. Khi có khách đến nhà, chủ nhà muốn tỏ lòng hiếu khách sẽ mời khách ăn miếng trầu sau đó mới bắt đầu câu chuyện. Không những thế, miếng trầu còn gắn liền với truyền thống cưới hỏi, là hình tượng của sự thủy chung, son sắt giữa vợ và chồng. Nó còn thể hiện những giá trị đạo đức đẹp đẽ của ông cha qua sự tích trầu cau. Riêng trong thơ của Hồ Xuân Hương, miếng trầu nói lên nỗi lòng của bà ước mong về một mái ấm gia đình, khao khát tình yêu đôi lứa thắm nồng, tình cảm.

Hai cầu thơ đầu tiên trực tiếp miêu tả hình ảnh quả cau, miếng trầu:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

Quả cau nhỏ nhỏ tạo thành miếng trầu hôi. Quả cau nhỏ chính là số phận của người phụ nữ nhỏ bé, bị đè nén, chà đạp dưới xã hội phong kiến đầy oan trái, bất công. Thay vì nói rằng miếng trầu xanh ngắt thì Hồ Xuân Hương lại là “miếng trầu hôi”, phải chăng đó là lòng xót thương của bà với số phận của người phụ nữ, cũng chính là xót thương cho số phận bèo trôi của mình. Từ “này” cho ta thấy miếng trầu chua xót đó là của bà, bà dịu dàng nhưng cũng quả quyết, thẳng thừng khẳng định chủ quyền riêng của mình. Miếng trầu “mới quệt” chứng tỏ nó còn xanh lắm, bùi lắm. Thế nhưng nó không phải miếng trầu bình thường là miếng trầu này chất chứa bao nỗi niềm thầm kín của người con gái phải gồng lên mạnh mẽ trước số phận hẩm hiu.

Thế nhưng, mạnh mẽ đến đâu thì không thể không có những lúc yếu mềm. Hai câu thơ còn lại bộc lỗ nỗi niềm xúc động, dạt dào cảm xúc của bà:

“Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Theo câu chuyện dân gian xưa, khi đôi lứa mời nhau miếng trầu, đôi môi sẽ đỏ thắm lên đồng nghĩa với việc tơ duyên ấy đã thành. Hồ Xuân Hương không ngần ngại hỏi rằng: “Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Đường đường là phận nữ nhi nhưng với tâm hồn phóng khoáng, bà chủ động đi tìm tình yêu của cuộc đời, bà tự se duyên cho chính mình. Thấu hiểu tình người, thi sĩ biết rằng nếu đã gặp “duyên” thì nên “thắm lại”, nhưng cũng đừng vì một phút đắm say mà khiến cả hai lâm vào đau khổ. Màu xanh của lá trầu với màu trắng nõn nà của vôi vốn là sự kết hợp đẹp đẽ, hoàn hảo nhưng trong mắt “bà chúa thơ Nôm”, màu sắc đó ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc. Ý của bà rằng nếu đã nguyện cùng nhau se mối duyên này thì hãy biết trân trọng, vun đắp. Đừng để tình yêu nhạt nhòa dần theo năm tháng giống như màu xanh non nớt của lá trầu, đừng phụ tình, bạc bẽo với nhau như màu của vôi. 

Chắc hẳn Hồ Xuân Hương phải trải đời lắm nên mới có được cái nhìn đa chiều với vạn vật, sự việc được như vậy. Cũng chính nhờ bà mà hình ảnh bánh trôi nước cũng được nhân hóa lên với thân phận bi thương của người phụ nữ “Ba chìm bảy nổi với nước non” - Bánh trôi nước. Đó không chỉ thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa mà còn chứa đựng kinh nghiệm, bài học thâm thúy về tình yêu. 

      Với lời thơ dịu dàng,  giản dị, bài thơ “Mời trầu” khiến ta thêm khâm phục tài làm thơ, đối chữ của bà mà còn cảm nhận được thi vị của tình yêu qua khát khao sống với hạnh phúc đôi lứa. Bởi Hồ Xuân Hương với đường tình duyên trắc trở và sự cảm thông sâu sắc với số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà thấy bất công, luyến tiếc khi phận nữ nhi yếu thế không thể xoay chuyển thời thế, vì vậy bà gửi gắm vào trong những lời thơ để tự khẳng định bản thân, cổ vũ chính mình cũng như cổ vũ cho phái đẹp tiến tới tình yêu hạnh phúc, phê phán thứ tình yêu rẻ tiền, bạc bẽo ở đời. Điều đó làm cho chúng ta càng thêm yêu mến người phụ nữ tài ba, “hồng nhan bạc phận”.

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến bài văn mẫu Phân tích bài thơ Mời trầu. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

icon-date
Xuất bản : 24/02/2023 - Cập nhật : 15/08/2023