logo

Phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh (Văn 8 Kết nối tri thức)

“Quang Trung đại phá quân Thanh” tái hiện cuộc tiến quân thần tốc ra Thăng Long và chiến thắng vĩ đại của quân ta dưới sự chỉ huy của Quang Trung. Bên cạnh đó, thể hiện sự thảm bại của quan quân nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống. Dưới đây là bài viết Phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh, mời các bạn cùng tham khảo nhé!


Dàn ý phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh

a, Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Hoàng lê nhất thống chí”  và đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh.

b, Thân bài

- Bối cảnh đất nước lúc bấy giờ và phản ứng của Bắc Bình Vương.

- Hành động của vua Quang Trung vào thời điểm đó và quyết định xuất quân.

- Lời phủ dụ của Quan Trung với quân sĩ và lời lên án, căm hờn trước những việc làm tán ác của quân giặc lên đất nước.

- Khí thế oai hùng của vua Quang Trung và đoàn quân lính trong trận khói lửa mù mịt của quân Thanh.

- Tiếng tăm, khí phách lừng lẫy của Quang Trung khiến quân Thanh, Tôn sĩ Nghị và vua Lê phải khiếp sợ.

c, Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

- Cảm nghĩ của em về thông điệp mà tác phẩm gửi gắm.

Phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh

Bài văn phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh

      “Quang Trung đại phá quân Thanh” là hồi thứ 14 trích trong Hoàng lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái – một nhóm các nhà văn Việt Nam thuộc dòng họ Ngô. Đoạn trích trên với thành công xây dựng nội dung, nghệ thuật biểu đạt đặc sắc tái hiện cuộc tiến quân thần tốc ra Thăng Long và tinh thần chiến đấu vĩ đại của dân tộc nhờ sự chỉ huy tài ba của vua Quang Trung. Bên cạnh đó, đoạn trích còn thể hiện thất bại bi thảm của quân Thanh và vua Lê Chiêu Thống.

      Đoạn trích mở đầu nhắc lại thời thế đất nước lúc bấy giờ, lúc này Ngô Văn Sở sau khi cùng đại quân rút lui, liền phái Nguyễn Văn Tuyết chạy trạm để cấp báo nhưng lại không thống nhất được giữa hai miền nên đến khi Sở lui về Tam Điệp, Tuyết đã vào đến thành Phú xuân. Bắc Bình Vương thấy vậy giận lắm, họp bàn các tướng sĩ để chấn chỉnh. nhưng sau khi nghe họ giải trình, Bắc Bình Vương mới xuôi chuyện. Ta có thể thấy Quang Trung - Nguyễn Huệ là một con người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán trong mọi hoàn cảnh. Ông luôn giành thế chủ động, giải quyết vấn đề nhanh gọn. Khi nhận được tin giặc chiếm Thăng  Long ông “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Các tướng sĩ đã phải can ngăn, khuyên giải giúp ông bình tĩnh lại. Sau khi bàn bày binh bố trận chu toàn, đến ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), ông mở lễ tế trời đất, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung để “chính vị hiệu”, “yên kẻ phản trắc”, “giữ lấy lòng người”.

      Vừa cầm quân chiến đấu, vừa chiêu mộ thêm binh sĩ. Với chính sách nhất quán lấy dân làm gốc, ông được lòng nhân dân sùng bái hết mực. Khi nhận được tin đất Hà Tĩnh có vị cao nhân Nguyễn Thiếp, ông không quản ngại năm lần bảy lượt thỉnh cầu sự giúp đỡ của Nguyễn Thiếp. Đồng thời, để chuẩn bị cho trận chiến với quân Bắc Hà, ông cho tổng duyệt binh lực, củng cố đội ngũ, đề cao tinh thần nghĩa khí, quyết tâm chống giặc. Quả thật, từng hành động của Quang Trung – Nguyễn Huệ thật biết cách trọng dụng nhân tài, mạnh mẽ, quả quyết và tin tưởng vào sức mạnh của đội binh sĩ.

      Trong lời dụ quân linh của vua Quang Trung, ngài đã phân tích sáng suốt thời thế trận địa của ta và địch. Ngài đã khẳng định đanh thép chủ quyền của dân tộc: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng”. Xong, ngài cũng lên án gay gắt tội ác tày trời của quân Thanh và giã tâm thâm độc của chúng: “chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải”. Nhận thấy tình hình cấp bách đó, ngài đốc thúc, khởi xướng tinh thần tự hào dân tộc, kêu gọi binh sĩ đồng lòng đồng sức quyết thắng kẻ thù. Lời phủ dụ tuy ngắn gọn nhưng cũng đủ để tác động và kích thích lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc, lại càng chứng tỏ rằng, Quang Trung ngài là một người có trí tuệ kiệt xuất, nhạy bén trước mọi thời cuộc. Không những thế, ngài còn rất quyết đoán và khôn khéo trong việc dùng người. Khi đoàn quân đến núi Tam Điệp, Sở và Lân ra đón cùng với thanh gươm trên lưng xin chịu tội vì đã không dẹp được quân địch hung bạo. Quang Trung giận lắm bởi tưởng soái mà không đánh nổi một trận địch, nhưng ông thấu hiểu được năng lực của bề dưới, khen chê đúng người đúng việc, ông còn không quên khích lệ lại tinh thần của tướng sĩ: “Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?”

      Một chút thất bại chẳng hề hấn gì với bậc anh hùng giáng thế, dù mới khởi binh nhưng Quang Trung đã khẳng định chắc nịch “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, “Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh”. Phải chăng với con mắt nhìn đời, nhìn người tài giỏi, tâm thế phi phàm đã làm nên một con người dũng tướng, hiếm có trong lịch sử nhân loại. Mới được bước đầu chặng đường nhưng ông đã tính đến chính sách ngoại giao sau cuộc chiến: nước Thanh vốn là “nước lớn gấp mười lần nước mình” ắt hẳn sau khi bi thua trận sẽ “làm thẹn mà lo mưu báo thù”, nhân lúc đó có thời gian “yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”. Ông quả thật có trí tuệ song toàn, biết lo cho nước cho dân. 

      Trong cuộc hành quân từ Thanh Hóa ra đến Bắc Hà của nghĩa quân Tây Sơn thần tốc do chính Quang Trung chỉ huy. Tuy quân tư trạng nặng nề, vừa phải hành quân vừa chiến đấu nhưng Quang Trung vẫn nhất quyết điều động binh sĩ nhanh gọn trong bảy ngày. Quang Trung quả là người có tài dùng binh, là vị tướng hiếm có trong ngàn năm văn hiến của dân tộc. Chính những vị tướng quân như vậy mới làm nên đội bình hùng hậu, vững mạnh. Đội quân của ngài với đội hình đội ngũ nghiêm chỉnh, hành binh theo sát kế hoạch. Kết hợp với phương pháp bày binh bố trận tài tình, hợp lí, đội quân càng tiến công, quân giặc càng trở tay không kịp. Chẳng mấy chốc quân địch đã bị bao vây. Trong quá trình chiến đấu, Vua Quang Trung dẫn đầu binh sĩ không phải chỉ trên danh nghĩa mà là tư cách một tổng chỉ huy thực thụ. Ông đích thân cầm tay chỉ dạy, bày binh bố trận, trực tiếp chinh chiến cùng quân lính. Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc từng đoàn binh sĩ, đến sáng ngày mùng 5 đã tiến sát đồn Ngọc Hồi. Người lãnh đạo tài bà đo đã cùng những chiến binh sắt của mình khiến cho kẻ địch khiếp hồn, bỏ chạy toán loạn. Khiến cho tên tướng cầm đầu quân Thanh là Sầm Nghi Đồng tự thắt cổ chết, quân ta giành được thắng lợi. Giữa khung cảnh hỗn loạn, khói lửa tỏa mù trời như vậy qua vua Quang Trung vẫn cưỡi voi xông vào mặt trận, “nhất tề xông tới mà đánh”.

Phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh

      Nét tài ba của vị vua Quang Trung còn được thể hiện ở cách ông xử lý triệt để quân địch. Đề phong quân địch tháo chạy, Quang Trung sai một toán quân éo từ đê Yên Duyên kéo lên mở cờ gióng trống làm cho quân Thanh khi chạy về phải khiếp sợ. Cách bày binh bố trận không hổ danh là bậc hào kiệt anh hùng của dân tộc, Quang Trung còn cho quân voi từ Đại Áng tới, dồn quân địch xuống đầm Mực, làng Quỳnh Đô, từ đó quân Tây Sơn cứ thể mượn sức của voi mà đạp chết hàng vạn tên giặc.

      Cứ thế tiếng tăm vua Quang Trung lừng lẫy khắp các vùng, ai ai khi nghe thấy tên ông cũng đều cuống quýt lo sợ. Khi vua Quang Trung tiến quân vào Thăng Long, quân ở đồn Ngọc Hồi về cấp báo với Tôn Sĩ Nghị rằng: “Tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Câu nói trên cho ta thấy được vua Quang Trung không chỉ là vị tướng quân tầm thường mà là bậc tướng sĩ trên trời giáng thế, binh đoàn của ông cũng là những chiến binh bất tử, từ dưới đất chui lên. Tôn Sĩ Nghị cuống cuồng bỏ chạy sợ mất mật, ngựa còn chưa kịp đóng yên, áp giáp còn chưa kịp mặc. Binh lính thì hỗn loạn chạy qua cầu đến nỗi cây cầu bị đứt khiến sông Nhĩ Hà tắc nghẽn bởi xác người không thể chảy được. Với chi tiết này, ta có thể thấy được Quang Trung còn không cần dùng đến đao kiếm, ngựa sắt, giáp sắt, ngày tiêu diệt quân thù bằng chính quyền uy, danh tiếng. Khí chất bậc anh hùng chính là thanh gươm sắc bén nhất khiến bất cứ giặc nào cũng phải khiếp sợ. Vua Lê Chiêu Thống nghe được tin cũng phải vội vã tháo chạy. Cùng với hoàng hậu và nhưng người tùy tòng của mình chạy trốn đến Đồn Hòa lạc thì gặp được người thổ hào thương vua nên cho tá túc. Vừa kịp ăn chén cơm đã lại nghe tin quân tây Sơn đuổi tới, Vua Lê Chiêu Thông cuống quýt tạ ơn thổ hào rồi nhờ ông tính kế cho. Thế nhưng dù có trốn đến chân trời góc bể thì vua Quang Trung cùng tìm đến đó, lúc này Tôn Sĩ Nghị cũng chỉ biết cúi gằm mặt lấy làm tủi hổ.

      Với quan điểm sử thi đúng đắn và niềm tự tôn dân tộc, “Hoàng lê nhất thống chí” tái hiện chân thực về quang Trung - Nguyễn Huệ trong cuộc chiến tốc hành với quân Thanh. Đồng thời cũng diễn tả được sự thất bại bi thảm của tướng nhà Thanh và kết cục tủi hổ, bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. 

      Đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh” khắc họa đậm nét bậc hào kiệt song toàn của dân tộc. Ở vua Quang Trung ẩn chứa sự quả cảm, ngông cuồng, mạnh mẽ, trí tuệ hơn người. Hơn cả, ngài đã lãnh đạo dân ta đứng lên chiến đấu, là linh hồn của những chiến công vang dội ngàn đời. Qua đó, ta cũng cảm nhận được sự tôn kính, coi trọng lịch sử và tấm lòng thiện chí với vua Quang Trung bởi trong lịch sử hiếm có được bậc anh hùng nào kiệt suất như vậy.

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến bài văn mẫu Phân tích Quang Trung đại phá quân Thanh. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

icon-date
Xuất bản : 24/02/2023 - Cập nhật : 03/03/2023