logo

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu (Thu điếu)


Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu ngắn gọn - Mẫu số 1


Mở bài Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu

       “Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”. Mùa thu với những chiếc lá vàng, tiết heo may lành lạnh luôn là niềm cảm hứng bất tận cho tâm hồn thi sĩ. Thu gợi lên những cảm xúc xốn xang và nỗi buồn tinh tế, khiến người ta bất giác nhớ về một thời vang bóng. Lẽ tự nhiên, khi “ngô đồng nhất diệp lạc”, những vần thơ nói về tình thu, cảnh thu luôn khiến ta chìm vào dòng cảm xúc miên man của nỗi buồn thi sĩ. Và đến với Nguyễn Khuyến, người đọc có cơ hội được chiêm ngưỡng một dáng hình mùa thu rất riêng qua “Thu điếu”.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.


Thân bài Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu

       Ở hai câu thơ đầu, Nguyễn Khuyến không chọn cảnh núi non hùng vĩ hay sông hồ khoáng đạt vào lúc sang thu mà chọn những hình ảnh rất quen thuộc với nơi ông sinh ra và lớn lên: vùng đồng bằng Bắc Bộ:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

       Cái hồn của mùa thu hiện lên thật trong sáng, thuần khiết qua hình ảnh “ao thu lạnh lẽo” và “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Những hình ảnh ấy gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác yên bình khó tả, tưởng như đã tìm lại được cái hồn của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Từ “một chiếc” đến “tẻo teo”, các từ ngữ được Nguyễn Khuyến sử dụng theo cấp độ tăng tiến khiến những sự vật vốn đã bé mọn nay lại càng trở nhỏ bé hơn.

       Bức tranh mùa thu tiếp tục được Tam Nguyên Yên Đổ gợi lên bằng những nét vẽ tinh tế:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ bay vèo”

        Những quan sát tinh tế cùng sự tĩnh lặng trong tâm hồn đã giúp nhà thơ cảm nhận được những đường nét, chuyển động rất riêng của mùa thu: sóng gợn lăn tăn trên mặt ao, lá vàng rơi trong gió. Chữ “vèo” trở thành nhãn tự của bài thơ mà Tản Đà từng một thời thán phục: “Chỉ 1 chữ "vèo" cũng đủ suy tôn cụ là bậc thầy về tài luyện chữ rồi”. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh thường thấy trong văn thơ trung đại cũng làm nổi bật lên sự tĩnh lặng, thanh vắng của không gian mùa thu.

        Nhắc đến mùa thu, ngoài lá vàng rơi trong gió, làm sao có thể bỏ qua sắc xanh biếc đặc trưng của bầu trời:

“Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

       Ở trong “Thu vịnh”, bầu trời mùa thu được Nguyễn Khuyến dùng đôi mắt hướng thượng để khám phá xuyên qua các tầng mây: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”. Màu sắc trời thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn được nhận diện là “xanh ngắt”. “Xanh ngắt” mở ra cái bát ngát của bầu trời, đồng thời giúp người đọc cảm nhận được cái nhìn vời vợi của ông lão đánh cá khi ngắm nhìn những áng mây đang lững lờ trôi. Mở ra một không gian khoáng đạt, những sự vật được thâu vào cặp mắt của nhà thơ không phải là “thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” mà lại là những hình ảnh hết sức thân thương mà làng quê Bắc Bộ nào cũng có: hình ảnh tre trúc, ngõ xóm quanh co không một bóng người qua lại.

       Cả bài thơ tưởng như là một bức tranh thu đậm chất truyền thống thì đến hai câu thơ cuối, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên trong một trạng thái thật bất ngờ và ý vị:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

       “Tựa gối ôm cần” là tư thế trầm ngâm suy tư, đồng thời cũng thể hiện tâm thế nhàn nhã của bậc tao nhân mặc khách đã thoát khỏi vòng danh lợi. Nhà thơ dường như đang chìm vào trong thế giới của riêng mình, của những suy tư, trăn trở, bởi vậy nên một tiếng động rất nhỏ như tiếng cá đớp động dưới chân bèo cũng đủ để khiến người đi câu tỉnh thức và quay trở về thực tại. Đằng sau câu chữ, ta còn nhận ra sự cô đơn cùng nỗi buồn về nhân tình thế thái đang đè nặng lên tâm hồn nhà thơ- một ông quan nhà Nguyễn quyết giữ sự thanh liêm, trong sạch.


Kết bài Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu

       Khi nhận xét về bải thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu có viết: “Bài thơ Thu vịnh là có thần hơn hết, nhưng ta vẫn phải nhận bài Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Sự giản dị trong hình ảnh và nét độc đáo trong ngôn từ của “Thu điếu” phải chăng chính là chất men khiến cho lòng người nguyện say mê, chìm đắm?

Tham khảo: Cảm nhận về bài thơ Câu cá mùa thu

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 18/08/2023