logo

Phân tích bài Người lái đò sông Đà

Nguyễn Tuân là “người lữ khách suốt đời theo đuổi cái đẹp”, là tín đồ ngoan đạo của cái đẹp. Nhưng cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân không phải là cái đẹp bình phàm, giản dị, mà là cái đẹp độc đáo, mang phong cách của riêng Nguyễn Tuân, đóng một dấu triện riêng trên trang giấy. Người lái đò sông Đà chính là một trong những trang hoa tờ hoa đẹp nhất đời văn của Nguyễn Tuân. Hãy cùng nhà văn thả hồn vào con sông qua bài phân tích dưới đây nhé:

Phân tích bài Người lái đò sông Đà | Văn mẫu 12 hay nhất


Mở bài Phân tích bài Người lái đò sông Đà

        Nhà văn là người dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở của cái đẹp, bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã dẫn người đọc đến xứ sở của cái đẹp nơi Tây Bắc, ông đến để tìm chất thơ trong thiên nhiên chất vàng mười trong tâm hồn người dân lao động nơi đây.


Thân bài Phân tích bài Người lái đò sông Đà

        Trước hết, đó là vẻ đẹp vừa hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ, dịu dàng của thiên nhiên Tây Bắc, của con sông Đà. Cái hùng vĩ dữ dội của sông Đà trước hết là ở đá dựng vách thành. Ngay chỗ này, cách dùng từ của Nguyễn như đã yểm linh hồn cho cảnh vật. Từ “vách thành” gợi cái gì đó âm u, thâm sâu, bí hiểm giống như thành xưa quách cũ, hầm cao hào sâu, giống như một thành trì kiên cố bất khả xâm phạm. Tiếp theo đó, những so sánh ví von gắn với thực tế về cảm giác lạnh khi ngồi dưới khoang thuyền đi khiến cho thiên nhiên, không gian nơi đây tuy hùng vĩ, nhưng lại đầy hoang lạnh, bí hiểm vô cùng. Hùng vĩ của sông Đà còn ở tiếng gầm của thác: “hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gầm ghè suốt năm”, giọng nghe “vừa oán trách, vừa van xin” rồi lại khiêu khích “giọng gằn mà chế nhạo”. Đặc biệt là những hút nước như cống bê tông, đầy nguy hiểm rình rập. Con sông Đà hùng vĩ, dữ dội, hung bạo, cái nét hùng vĩ hung bạo ấy của Sông Đà khác hẳn con sông Hương trong văn Hoàng Phủ, sông Hương hùng vĩ, dữ dội nhưng mang nét đẹp mãnh liệt, phóng khoáng như một bản trường ca của rừng già, còn con sông Đà lại mang tâm địa của một loài thủy quái. Để thuần phục nó, chế ngự nó trên trang văn của mình, Nguyễn đã chơi ngông dùng “nước để tả lửa, lấy rừng để tả sông”, từ đó thấy được sức mạnh, cũng như sự ghê gớm, ác liệt của con sông Đà. Nét đẹp dù dữ dội, hùng vĩ của nó cũng đẹp theo một cách rất riêng.

         Nhưng bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội, con sông Đà còn mang trong nó vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc, bung nở như hoa ban hoa gạo tháng hai, cuồn cuộn mùi khói núi Mèo đốt nương xuân”. Chỉ một chữ áng tóc, ta đã thấy được hết cái tài hoa và màng lọc tâm hồn tinh tế của Nguyễn Tuân, ông luôn nhìn sự vật dưới góc độ văn hóa nghệ thuật, đây chính là minh chứng cho điều đó. Xưa nay người ta chỉ nói áng thơ, áng văn, mái tóc, mấy ai gọi áng tóc bao giờ? Vậy là dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, con sông Đà bỗng mang trong nó phẩm giá và cốt cách của một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ đẹp mà còn duyên dáng, mềm mại, tràn đầy sức sống, sức xanh, và nhựa sống như đang bừng nở trên mảnh đất của tổ quốc này. Nét trữ tình, thơ mộng ấy, là tất cả tài hoa và nội lực của ngòi bút Nguyễn Tuân dồn lên trang giấy, để từ đó dẫn đường cho người đọc đến xứ sở của cái đẹp.

        Nếu trên kia là vẻ đẹp của con sông Đà, vừa hùng vĩ dữ dội, vừa thơ mộng trữ tình, thì bên cạnh đó Nguyễn Tuân trong “Người lái đò sông Đà” còn đào sâu để tìm kiếm chất vàng mười trong tâm hồn con người Tây Bắc, mà ở đây có thể thấy rõ nhất là người lái đò. Con sông Đà nhiều khi dữ dằn như muốn ăn tươi, nuốt sống những người chèo đò qua đây, ấy thế nhưng, ông lái Đò ấy vẫn bằng tất cả sức mạnh của mình để chế ngự nó. Ông lái Đò vừa khéo léo, lại vô cùng dũng cảm, đầy mưu lược, tài hoa đã vượt qua được các của tử của con thủy quái này. Ấy thế nhưng, ngay khi vừa ngừng tay chèo, ông lại trở về với cuộc sống giản dị, bình đạm, không hề khoe khoang hay tự hào về chiến tích của mình. Hình ảnh ông lái Đò tay lái ra hoa ấy, qua đó phần nào thể hiện sự vận động trong cách nhìn của Nguyễn Tuân về con người. Trước đó, ông chỉ nhìn thấy cái đẹp ở những con người đặc tuyển, bây giờ ông thấy cả vẻ đẹp bình dị mà lấp lánh của người dân lao động trong cuộc sống mưu sinh, ông đã đi từ chốn tháp ngà nghệ thuật để gần gũi hơn với cuộc sống của nhân dân lao động, hòa nhập với hơi thở cuộc sống mới. Đó cũng là lí do mà văn Nguyễn Tuân trong “người lái đò sông Đà” làm ấm lòng nhiều bạn đọc.


Kết bài Phân tích bài Người lái đò sông Đà

        “Người lái đò sông Đà” là một kiệt tác của Nguyễn Tuân, một trang hoa tờ hoa bất ngủ trong dòng chảy văn học Việt Nam, qua đó một lần nữa đóng một dấu triện riêng của Nguyễn vào lịch sử văn học nước nhà.

Trên đây là bài viết phân tích bài Người lái đò sông Đà. Mời bạn tham khảo các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021