logo

Phân tích Bài ca ngất ngưởng học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích Bài ca ngất ngưởng học sinh giỏi. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Phân tích Bài ca ngất ngưởng học sinh giỏi - Bài mẫu 1

            Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất, hiệu là Hi Văn, sinh năm 1778, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Nguyễn Công Tấn, đậu hương cống, từng làm tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình), sau đó do hưởng ứng phong trào phò Lê chống lại Tây Sơn, nên được triều Lê phong tước Đức Nghi Hầu.

Nguyễn Công Trứ là một người tài năng hiếm có về nhiều mặt, đã sớm xác định con đường tiến thân bằng khoa bảng công danh. Thời trẻ, Nguyền Công Trứ học hành cần mẫn, nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ giải nguyên. Cuộc đời làm quan của ông lên xuống bất thường, vậy mà lúc nào ông cũng ôm ấp chí lớn và giữ đạo tôi trung Nguyễn Công Trứ hăng hái thi hành chức trách, phận sự, kể cả việc nhiều lần đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, nhưng không thể mất yếu tố tiến bộ của nhà nho chân chính. Khi làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Trong việc khai khẩn đất hoang, đắp đê lấn biển. Nguyễn Công Trứ đã Đem lại lợi ích cho nhân dân ở nhiều nơi, đáng kể là vùng Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, mặc dù đã 80 tuổi. Nguyễn Công Trứ vẫn dâng sớ xin cầm quân đánh giặc. Cũng năm đó, ông qua đời.

Nguyễn Công Trứ là hiện tượng đặc biệt về một kẻ sĩ mà lại có cuộc sống phóng túng và cá tính tự do, độc đáo.

Thơ ca còn lại của Nguyền Công Trứ gồm khoảng 50 bài thơ, trên 60 bài ca trù, một bài phúng, đều viết bằng chữ Nôm. Ngoài ra còn có một số bài thơ chữ Mán, một số câu đối Nôm.

Bài ca ngất ngưởng là tác phẩm được viết vào sau năm 1848, lúc Nguyễn Công Trứ cáo quan về hưu. Đây là tiếng nói của Hi Văn sau quãng đời hoạn lộ gập ghềnh. Thời kì suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam được đánh dấu bằng sự xuất hiện của con người khát vọng tự do (như Chim trong lồng của Nguvền Hữu Cầu), người anh hùng “phản nghịch” (như Từ Hải trong Truyện Kiều), người phụ nữ “nổi loạn" (trong thơ Hồ Xuân Hương)… Cũng là sự phản ứng với hoàn cảnh, nhưng ở Nguyễn Công Trứ, sự biểu hiện chủ yếu trên phương diện quan niệm và lối sống bằng hình thức phóng to hình ảnh con người cá nhân đến mức khôi hài. Dưới con mắt của người đời và sự tôn xưng của Hi Văn thì đó là sự ngất ngưởng.

Bài thơ được viết theo thể ca trù hay còn gọi là hát nói, một lối thơ tự do về nhịp điệu, câu chữ. Ở đây, thể tài phù hợp với nội dung cảm xúc của bài thơ.

Kết cấu bài thơ gần như kết câu một bài thơ hát nói, chia làm nhiều đoạn gọi là khổ). Mỗi đoạn được kết bằng câu có từ “ngất ngưởng”, soi sáng những góc độ khác nhau của hình tượng nhân vật trữ tình, trên cơ sở cảm hứng chủ đạo mang tính nhân văn và ý nghĩa chống phong kiến.

Con người ngất ngưởng của Nguyền Công Trứ trước hết là con người tài năng, danh vọng.

Câu thơ chữ Hán mở đầu cô đúc quan niệm lập thân của Nguyễn Công Trứ: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”.

Đây là quan niệm mà ông đã nói nhiều bài thơ, cho rằng con người sinh ra do “ý của trời đất” (“Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý” – Trời đất sinh ra ta là có ý), nên phải có trách nhiệm, phải gánh vác việc đời (Vũ trụ giai ngô phận sự” – Những việc trong vũ trụ đều thuộc trong phận sự của ta). Trong Nguyễn Công Trứ, quan niệm ấy gắn liền với ý tưởng “tu, tề, trị, bình”, với chí làm trai và chủ nghĩa anh hùng mà ông đeo đuổi với tất cả lòng tin tưởng, lạc quan trong suốt cuộc đời.

Sau quan niệm ấy là sự hiện diện một con người tài năng xuất chúng và danh vọng vẻ vang:

“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng…

… có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”

Tính tự thuật qua các nhân vật từ nhân xưng về tên hiệu, quan chức, tài năng đã khắc họa con người cá nhân tự ý thức về mình, mức độ lộ ra ngoài bộ dạng: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng". Câu thơ còn có ý vị trào phúng: một con người tầm cỡ thế mà lại chịu đặt mình vào chiếc lồng hạn hẹp. Nhưng chút cười đùa này thực ra là để khẳng định lòng tự tin của Nguyễn Công Trứ.

Ông không phải không biết chốn quan trường đầy rẫy những dây nhợ nào buộc trói được.

Trong hình thức biểu hiện có sự kết hợp hệ thống từ Hán – Việt và từ Nôm: những từ Hán Việt về quan chức, danh vị thể hiện một tài năng thành đạt gắn liền với xã hội phong kiến; còn từ Nôm là những từ thông dụng được sử dụng linh hoạt trong các câu thơ dài ngắn xen nhau, nhịp điệu nhịp nhàng, đến dàn trải thế hiện con người cá nhân tự do, đồng thời ghi rõ các gốc sự ngất ngưởng ở con người đó là gì: “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Như vậy con người ngất ngưởng ở đây là con người cũng là cơ sở để cá nhân vượt lên khỏi mọi ràng buộc.

Cái ngất ngưởng trong thơ Nguyền Công Trứ là sự ngất ngưởng trước cuộc đời được mất.

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ được ghi nhận bằng những chiến tích, những lần thăng quan tiến chức.

“Lúc bình Tây, cờ đại tưởng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.

Nhưng cũng có những bước thụt lùi, cay đắng. Theo sử sách ghi thì Nguyễn Công Trứ làm đại tướng, khi bị cách tuột làm lính thú, thăng quan hẳn là do tài năng hơn người của ông. Nhưng còn những lần bị giáng chức? Và còn đó những lời thẩm bình của dư luận. Nguyễn Công Trứ thấy rõ đằng sau sự bất công mà ông phải chịu là mặt trái của xã hội phong kiến. Khi cần ông tố cáo gay gắt:

“Thế thái nhân tình gớm chết thay

Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.

(Vịnh nhân tinh thế thái)

Tuy vậy, cách biểu hiện thái độ mà Nguyễn Cõng Trứ đặc biệt lựa chọn là đem đối lập con người mình với thói tục bằng một tư thái ngông nghênh và tiếng cười đắc ý. Sách vở chép rằng lúc về hưu Nguyễn Công Trứ thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò, nói là để che miệng thế gian. Và ông cho việc làm đó là sự ngất ngưởng:

“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.

Bên trong tiếng cười và điệu bộ ấy là triết lí tự nhiên về sự được mất: “Được mất dương dương người tái thượng”. Nguyền Công Trứ đã thông qua điển tích “Tái ông thất mã” để phơi bày bản chất xã hội và đưa ra cách nhìn nhận của mình. Xã hội đầy biến động thời Nguyễn Cóng Trứ thiếu gì cảnh “lên voi xuống chó” và đó là mảnh đất sản sinh quan niệm về sự rủi may. Có điều là ở con người bản lĩnh cứng cỏi và niềm tin ở bản thản như Nguyễn Công Trứ thì quan niệm ấy không thể biến thành tư tưởng hoài nghi làm con người nhụt chí hay bị xô đẩy đến chủ nghĩa “vô vi” của Lão Trang. Trái lại, nó đem đến lí lẽ để ông không phải bận tâm với chuyện đời “nóng lạnh” và thêm vẻ “dương dương”.

Tuy nhiên, đối mặt với sự “được mất” cũng có nghĩa đối mặt với sự giàu nghèo,  vinh nhục vốn là những giá trị vật chất tinh thần truyền thống. Hiểu như thế chúng ta sẽ thấy con người “dương dương”, “ngất ngưởng” thực sự là con người có tài năng, phẩm chất vượt lên trên những thế lực xưa nay ngự trị trong cuộc sống con người.

Ngất ngưởng còn biểu hiện trong phong cách, lối sống.

Ở Nguyễn Còng Trứ có con người lí tưởng của chí làm trai thời phong kiến. Nhưng cũng có con người cá nhân sống hết mình; có con người hành động hăm hở, lạc quan và con người vui chơi bám đuổi theo sở thích: “Tay kiếm cung… một đôi dì” Nguyễn Công Trứ đã đem hết tài nàng và cảm hứng để vẽ bức tranh về cuộc sống riêng của mình: những từ láy đặc tả màu sắc, đường nét {“phau phau”, “đủng đinh”, “phơi phới”), những điệp từ kết hợp với nhịp thơ phóng khoáng (“Khi ca, khi tửu… không Phật, không Tiên…”) Khả năng biểu cảm dồi dào của tiếng Việt đã thể hiện đặc sắc cái phóng túng, đam mê của con người Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một nhu cầu hưởng lạc được thi vị hóa. Nguyễn Công Trứ đã nâng được những gì được mô tả thành một phong cách, thành lối sống, và dụng ý nghệ thuật của nhà thơ là đã biến nó thành hình ảnh trái ngược với những tính giáo điều phong kiến. Hệ tư tưởng Nho giáo đòi hỏi ở mỗi con người trách nhiệm đổi với cộng đồng, nhưng lại phủ nhận “cái tôi”, áp đặt lên con người một cuộc sống khắc nghiệt, phi nhân tính. Còn đạo Phật, đạo Giáo thì hướng con người đến con đường thoát tục và giải thích việc đáp ứng những nhu cầu cuộc sống con người là nguyên nhân của sự đau khổ. Từ cuộc sống mà mình làm chủ Nguyễn Công Trứ tìm đến “non tiên’’, “cảnh phật” vì thấy ở đó một thế giới thiên nhiên tươi đẹp gắn với những tư tưởng phong kiến siêu hình vươn lên một cuộc sống đích thực của con người.

Phần kết cra bài thơ Nguyễn Công Trứ khái quát về con người mình với đặc điểm: một tài năng, hoài bão lớn, sống trong xầ hội phong kiến không thể không thấy con đường, lí tưởng của xã hội để thi thố tài năng, làm nên sự nghiệp; một nhân cách và ý thức cá nhân mạnh mẽ, tự tin có đủ điều kiện chủ quan và tiền đề xã hội để đối lập với hoàn cảnh và giải phóng cá tính. Tổng hòa các mặt đó ở một con người, tạo nên phong cách sông ngất ngưởng. Từ “tay ngất ngưởng”, “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” đến “trong triều ai ngất ngưởng như ông” bài thơ đã nâng lên sự khẳng định, đúng hơn là tự khẳng định một con người tiêu biểu cho một kiểu người có tính chất phi chính thống mang đậm sắc “cái tôi” hiện đại ngang nhiên tồn tại trong lòng xã hội phong kiến.


Phân tích Bài ca ngất ngưởng học sinh giỏi - Bài mẫu 2

           Khi đã nghỉ hưu ở quê nhà, Nguyễn Công Trứ viết Bài ca ngất ngưởng thể hiện phong cách sống của ông. Đây là triết lí sống trong cuộc đời khi còn là một thư sinh, khi xuất chính hay lúc đã về hưu của ông. Ngất ngưởng là từ tượng hình có giá trị biểu đạt, diễn tả ở một vị trí cao chênh vênh, không ổn định, liên hệ vào con người là một lối sống khác người: ngông nghênh, thách thức với mọi người, vượt lên thế tục bình thường!

           Mở đầu là câu thơ chữ Hán thể hiện lí tưởng của nhà Nho: phận sự của kẻ sĩ là phải coi việc gánh vác trong vũ trụ là bổn phận của mình.

           Nhà thơ tự xưng mình là ông – Ông Hi Văn – lần lượt làm các việc: thi đỗ thủ khoa, khi làm quan Tham tán vụ bộ Hình, khi làm Tổng đốc Hải An, lúc làm Đại tướng Bình Tây, lúc làm Phủ doãn Thừa Thiên, nhưng ông không ở lâu chức vụ nào vì bị giáng chức.

           Sự nghiệp như thế thật không hổ thẹn với chí lớn kẻ làm trai. Mặc dù trên đường công danh có những lúc thăng trầm nhưng cuối cùng ông cũng ở được phẩm tước khá cao dù cái xã hội ấy, ông gọi là cái lồng.

           Cuộc đời lập nghiệp công danh kéo dài từ năm 1820 đến năm 1848, ông đã tự chứng tỏ cái tài song toàn về văn võ một cách hiển hách lừng danh, đến nỗi ông không che dấu khi tự thuật về mình. Một tay ngất ngưởng trên hoan lộ:

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng!

           Sau khi làm xong phận sự, ông không ngần ngại cởi trả áo mão triều đình cáo lão về hưu.

           Quãng đời sau cùng của Nguyễn Công Trứ là quãng đời không màng danh lợi, hoàn toàn hưởng nhàn theo sở thích cá nhân. Với một tâm hồn tự do và một cuộc sống độc lập, ông tha hồ ngất ngưởng cỡi bò vàng đeo nhạc ngựa tiêu dao đây đó, khi chùa, khi núi, lại đèo theo đủng đỉnh một đôi dì. Cách hưởng nhàn hành lạc của ông ở đây thật đến quá quắt, mà có lẽ khôi hài lập dị của một trang nam tử có một thị hiếu riêng, đến nỗi:

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!

           Lối hưởng lạc này có một sinh khí và một tính cách riêng, đó là lối hưởng lạc nhập tục theo chiều hướng phóng khoáng cá nhân, không giống một ai, không Tiên không Phật cũng không tục, nhưng vẫn trọn nghĩa vua tôi:

Khi ca, khi tửu, khi các, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

           Hướng nhàn hành lạc chỉ là thời kì sau cùng của ông khi làm xong phận sự. Ông muốn mọi người hiểu rằng cuộc đời là trung nghĩa. Biết bao lần lên bổng xuống trầm trên hoan lộ, vì ganh ghét, vì vu cáo, thế mà vẫn giữ vững đức trung quân, ái quốc, không hề có một ý tưởng bất mãn.

           Bởi vậy khi về hưu vui thú tuổi già, ông sống với một cõi lòng yên vui bình thản; trên không lỗi với vua, dưới không mất lòng dân chúng. Cho nên khi Tiền Hải, Kim Sơn, lúc chống gậy đến chốn triều đình nghị quốc quân đại sự. Năm Tự Đức thứ 12, ông nghe tin liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công cửa bể Đà Nẵng, không quản ngại thân già, ông chống gậy đến chốn triều đình dâng sớ xin vua cầm quân đánh giặc; nhưng vua không chấp thuận vì thấy ông tuổi tác đã già nua.

           Tự xét hiểu mình như thế, nên ông kiêu hãnh tự ghi nhận về mình:

Chẳng Trái Nhạc cũng vào phường Hàn Phú,

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

           Phải chăng đó là lối sống mang cái chí khí ngất ngưởng. Chẳng những ông không sợ ai chê cười mà còn đầy lòng tự hào về cái đạo sống ngất ngưởng đó. Tóm tắt lại có bốn cái ngất ngưởng nổi bật trong đời ông:

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng!

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng!

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!

Trọng triều ai ngất ngưởng như ông!


Phân tích Bài ca ngất ngưởng học sinh giỏi - Bài mẫu 3

           Nguyễn Công Trứ, cái tên thật sự quen thuộc và gần gũi mà từ xưa đến nay vẫn được bao người dân Việt Nam nhắc đến như một sự biết ơn trân trọng về công lao khai phá ra hai vùng đất trù phú: Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Song không vì thế mà ta có thể quên đi một Nguyễn Công Trứ, nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách đã khẳng định được cái bản ngã của chính mình, để từ đó định hình nên một tính cách, một bản lĩnh trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật. Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Cõng Trứ sẽ cho ta thấy rõ cái bản lĩnh riêng không thể trộn lẫn ấy của ông.

           Theo Từ điển Tiếng Việt, ngất ngưởng được hiểu là ở thế không vững lắc lư, nghiêng ngả như chực ngã. Tuy nhiên hai chữ ngất ngưởng trong bài thơ này của Nguyễn Công Trứ cần được hiểu theo một cách khác, ở đây ngất ngưởng cần hiểu gắn với một cách sống, một thái độ sống. Có như vậy ta mới có thể hiểu được về con người Nguyễn Công Trứ – một con người có lối sống khác người, bất chấp mọi thế lực ở đời, một lối sống được khắng định bằng chính tài năng và bản ngã.

           Toàn bộ bài thơ không chỉ là sự cắt nghĩa lí giải về cái sự ngất ngưởng của chính mình, mà nó còn được xem như là một lời tự thuật về cuộc đời, là niềm tự hào về tài năng, công danh, đồng thời cho ta thấy một phong cách lối sống tài tử phóng khoáng của Nguyễn Công Trứ.

           Mở đầu bài thơ là lời khẳng định về quan niệm sống của một đấng làm trai:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự.

(Mọi việc trong vũ trụ chẳng có việc nào không là phận sự của ta).

Câu thơ vang lên chắc nịch, khẳng định một cách mạnh mẽ và tự hào về quan niệm làm trai của Nguyễn Công Trứ. Đây là một quan niệm cho thấy Nguyễn Công Trứ luôn luôn ý thức được về bản thân mình, đồng thời luôn xác định được vị trí của mình trong cuộc đời. Điều này có được từ một kẻ sĩ có tài năng. Tuyên ngôn này của Nguyễn Công Trứ đã được khẳng định như một chân lí và trở đi trở lại như một mệnh đề quen thuộc trong thơ ông.

Vũ trụ giai ngô phận sự

(Những việc trong vũ trụ đều thuộc phận sự của ta – Nợ tang bồng).

           Hay trong bài Gánh trung hiếu, Nguyễn Công trứ cũng đã khẳng định:

Vũ trụ chức phận nộ

(Việc trong vũ trụ là chức phận của ta)

           Nói như vặy để ta khẳng định rằng Nguvền Công Trứ luôn luôn xác định cho mình một quan niệm sống tích cực, đồng thời càng cho thấy rõ sự tự ý thức về bản thân của chính tác giả.

           Chính vì luôn luôn có ý thức về vị trí của chính mình trong trời đất mà Nguyễn Công Trứ không ngại ngùng khẳng định tài năng về chí làm trai, tác giả lần lượt chứng minh cho người đọc thấy được tài năng và bản ngã của chính mình:

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

           Nguyễn Công Trứ đã tự xưng danh, đồng thời khẳng định tài bộ (tài năng lớn, nhiều mặt) của mình. Và trên thực tế với những thực danh: Thủ khoa, tham tán, Tổng đốc Đông đã chứng minh cho tài năng lớn của Nguyễn Công Trứ. Câu thơ được ngắt nhịp ngắn đều, chậm rãi cùng với việc sử dụng điệp từ khi tạo nên một lối nói khẳng định đầy sự tự hào.

           Tuy nhiên hiện lên trong bài thơ không chỉ là một Nguyễn Công Trứ tài năng, mà còn là một Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế:

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

           Như vậy đến đây chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định một con người có tài năng thực sự và luôn luôn ý thức được về tài năng của chính bản thân mình. Đây cũng chính là sự khẳng định bản ngã của Nguyễn Công Trứ, là một phần trong phẩm chất mà ông tự hào gọi là tay ngất ngưởng. Để từ đó ta có thể hiểu ngất ngưởng theo một nghĩa tích cực, trong đó có sự khẳng định bản ngã của chính mình.

           Một Nguyễn Công Trứ có tài, có thực danh như vậy, ấy mà khi trờ về đời thường lại là một tay ngạo nghễ giễu đời:

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Cho nên ông không ngại ngùng bày tỏ một cách sống thật khác người, khác đời:

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đinh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

           Là một nhà nho, từng là một danh tướng, từng xông pha trận mạc ấy vậy mà lại sống cuộc sống bình dị nên dạng từ bi. Tuy nhiên cái lối sống ấy của Nguyễn Công Trứ lại chẳng bình thường một chút nào: đi vãng cảnh chùa mà: gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì phải chăng ông đang bất chấp cuộc sống, đang giễu cợt sự đời, có lẽ hiểu biết như vậy còn phiến diện. Bởi sinh thời Nguyễn Công Trứ là một người biết chơi theo quan niệm sống hết mình và chơi cũng hết mình. Trong trần hoàn mấy mặt làng chơi… Biết mùi chơi chưa dễ mấy người hay ông từng tuyên bố Nếu không chơi thiệt ấy ai bù… Vậy cũng có thể hiểu đây là một lối sống phóng túng, không chịu gò bó. Câu thơ được Nguyễn Công Trứ miêu tả bằng nụ cười hóm hỉnh, nhiều tự hào của tác giả, phải chăng là cười cho sự khen chê cùa thiên hạ, có lẽ là cả hai điều đó, bởi một điều thật đơn giản.

Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

           Với Nguyễn Công Trứ một khi đã thoát khỏi vòng danh lợi thì những chuyện được mất, khen chê ở đời xin bỏ ngoài tai, như ngọn gió đông thổi qua mà thôi. Điều này chỉ có được khi người ta có bản lĩnh tự tin về tài năng của mình. Đó cũng chính là cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ trong đó chứa đựng hạt nhân của phong cách sống phóng túng, hiếm thấy của ông. Chính vì vậy mà ông có được cuộc sống thanh cao vui vẻ:

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

           Câu thơ được ngắt nhịp hai, kết hợp với lối diễn đạt trùng điệp tạo cho câu thơ chậm rãi, qua đó lột tả được phong thái ung dung yêu đời, thanh cao của nhà nho Nguyễn Công Trứ.

           Thái độ sống như vậy của ông có được từ con người luôn tự tin vào bản thân mình, luôn ý thức được bản ngã của chính mình.

           Sự phô bày bản ngã được bộc lộ rõ nét một cách cực độ ở khổ thơ cuối:

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo xơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

           Nguyễn Công Trứ đã tự khẳng định mình là con người trung thần, làm tròn đạo vua tôi, điều này góp phần khẳng định thêm quan niệm về chí làm trai của tác giả ở đầu bài thơ. Bằng lối so sánh với những bậc anh hùng như Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật… của đời Hán, Tống bên Trung Quốc. Tác giả đã khẳng định tài năng và công lao của mình một cách đĩnh đạc hào hùng. Cùng có thể xem đó là những lời nói đầy tự hào về bản thân của chính tác giả. Để từ đó Nguyễn Công Trứ ngạo nghễ tuyên bố:

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

           Như vậy đến đây hẳn chúng ta đã hiểu cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ. Đó chẳng phải là cái gì khác mà chính là thái độ, cách sống của một nhà nho tài tử. Nguyễn Công Trứ có được điều đó xuất phát từ tài năng, thực danh, từ sự làm tròn bổn phận. Vậy cái ngất ngưởng của ông không phải tiêu cực mà sự khẳng định bản ngã của mình, là bản lĩnh dám sống ở đời, và một phong cách sống tài hoa tài tử.

           Cùng với những bài thơ khác như Đi thi tự vịnh, Chí làm trai, Nợ tang bồng, Gánh trung hiếu… Bài thơ Bài ca ngất ngưởng đã một lần nữa vẽ rõ nét chân dung của nhà thơ. Đây chính là phong cách sống, phong cách nghệ thuật của con người và của thơ Nguyễn Công Trứ.


Phân tích Bài ca ngất ngưởng học sinh giỏi - Bài mẫu 4

           Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859) là một ông quan lớn văn võ toàn tài dưới triều Nguyễn. Nhắc đến ông người ta nhớ đến công lao khai khẩn đất hoang, lấn biển, lập nên hai xã Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Người ta cũng không quên một nhà thơ với những vần thơ đầy khẩu khí của một bậc chính nhân quân tử về chí nam nhi phụng sự đất nước, về cái tôi ngất ngưởng của một con người hiểu rõ về mình, về xã hội mà mình đang sống. Nếu như Chí anh hùng tràn đầy khí phách của người tuổi trẻ, thì Bài ca ngất ngưởng, được viết lúc ông đã thành danh, là bài thơ tổng kết về cuộc đời và khẳng định cái tôi (bản ngã) của cụ Thượng Trứ.

           Để làm rõ được cái tôi ngất ngưởng của mình, nhà thơ đã chọn thể hát nói bằng chữ Nôm – một thể thơ tài tử của dân tộc tương đối tự do, viết ra không phải để đọc mà để ngâm nga, hát xướng. Người thể hiện có thể theo đà cảm xúc mà luyến láy cho phù hợp. Bài thơ vì vậy mà đầy âm sắc, nhạc điệu.

           Nếu tính cả nhan đề, bài thơ có đến năm lần dùng từ “ngất ngưởng”, được đặt ở cuối mỗi đoạn như nốt nhấn của bài ca. Đây là cái dáng vẻ của một tinh thần ngạo nghễ, tự coi mình, hơn người, trên thiên hạ. Đây cũng là tư thế chung của toàn bài.

           Mở bài ta bắt gặp sự khác đời trong cách tự giới thiệu về mình:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự.

           Câu thơ chữ Hán tạm dịch là: Phàm những việc trong trời đất này không có việc gì không phải là phận sự của ta – Tiếp theo tác giả dùng một loạt từ Hán – Việt cùng thủ pháp liệt kê, kể cụ thể những chức tước danh phận của mình: Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông…/ Lúc bình Tây, cờ đại tướng/ Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên… Nhịp thơ trầm bổng nhấn nhá của lối ca trù nghe thật êm đềm nhẹ nhàng như mặt sông mùa xuân. Một sự khẳng định tài năng kiệt xuất của mình thật khéo mà cũng thật kiêu ngạo khác đời. Nguyễn Công Trứ dám nói thẳng không hề né tránh. Ngay cả cách đưa biệt hiệu “ông Hi Văn” vào bài cũng chẳng giống ai. Hi Văn – chữ Hán có nghĩa là nhà văn hiếm. Tự gọi mình một cách trang trọng là ông và nhận mình như vậy thì chỉ có ông. Nguvễn Công Trứ đã phá vỡ tính phi ngã của thi pháp trung đại, không chịu ép mình vào cái ta chung của cộng đồng, xã hội. (Ở câu cuối ta thấy ông còn tự tách mình ra, đối lập mình với cả tầng lớp phong kiến). Tất nhiên ông có cái thế của một bậc đại nhân quân tử để viết như vậy. Nhưng nói được như ông ở thơ văn trung đại không nhiều. Nếu có chăng, trước đó có Nguyễn Trãi với một tình yêu lãng mạn ở Cây chuối, Phạm Thái đau đớn xót xa đến tuyệt vọng trước cái chết của người yêu trong Văn tế Trương Quỳnh Như. Gần nhất có cách xưng danh khắng định mình của Hồ Xuân Hương (Này của Xuân Hương mới quệt rồi – Mời trầu), hay Nguyễn Du (Thiên hạ ai người khóc Tố Như – Độc Tiểu Thanh kí). Các nhà văn ấy vẫn còn nhún nhường, khép nép hoặc còn bóng gió, chung chung.

           Cái ngất ngưởng còn ở lối sống, cách sống khác đời. Nguyễn Công Trứ là người biết sống. Khi trai trẻ, hoạt động hăng hái hết mình theo quan niệm nhập thế hành đạo tích cực của nho gia, Trở về già thì sống nhàn hạ hưởng lạc. Một trong những thú vui của ông là nghe hát ả đào (còn gọi là ca trù). Người ta lên xe xuống ngựa xênh xang thì cụ Thượng Trứ ngao du sơn thủy, thưởng lãm chùa chiền cùng các cô đầu bằng xe bò. Mà là bò cái vàng với cái mo cau che sau đuôi. Cụ giải thích: Để che miệng thế gian:

Điển viên dạo chiếc xe bò cái

Sẵn chiếc mo che miệng thế gian

           Sự ngông ngạo này chính ông đã nhận xét: Bụt cũng nực cười… Nguyễn Công Trứ đã vượt ra khỏi lẽ sống được tầm thường ở đời:

Được mất dương dương người tái thượng

Khen che phơi phới ngọn đông phong

Khi cơ, khi tửu, khi cắc khi tùng

Không phật, không tiên, không vướng tục

           Như trên đã nói, Nguyễn Công Trứ tự tách mình ra khỏi cái trật tự xã hội nhố nhăng, ô uế, bẩn thỉu, nhiều kẻ vỗ ngực là quân tử nhưng thực chất chỉ là hạng cây vông: Tuổi tác càng già càng xốp xáp/ Ruột gan không có, có gai chông (Vịnh cây vông).

           Ngông ngạo nhưng ở hai bài này Nguyễn Công Trứ không rơi vào tình thế bi quan bế tắc hay phá phách bất cần đời như một số nhà văn lãng mạn sau này. Mục đích sống của ông rất rõ ràng: Phò vua giúp nước:

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Hay như có lần đối lại ý của một nhà sư ông hóm hỉnh nêu:

Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ

Không quân thần phụ tử đếch nên người.

           Nói khác đi, sự ngất ngưởng của ông ta là để nhằm lật tung cái trật tự xã hội phong kiến đương thời tưởng như yên ả bằng phẳng nhưng thực chất thối nát, mục ruỗng đến cùng cực. Ông không muốn mình bị “đồng hóa” cùng hội cùng thuyền với lũ tham quan vô lại.

           Vì vậy tiếng cười tự trào của Nguyễn Khuyến có ngạo nghễ nhưng không ngoa ngôn, lộng ngữ, vừa cụ thể lại vừa có tính biểu tượng, vừa có chút trào phúng lại vừa mang tính triết lý, thể hiện quan niệm sống của nhà thơ.

           Thơ văn Nguyễn Công Trứ vốn phóng khoáng ngang tàng như bản chất con người ông. Bài ca ngất ngưởng là một trong những bài thơ hay được nhiều người nhắc đến với sự tán thưởng thích thú. Một phần bởi bài thơ giàu tính nhạc, nhưng phần lớn bởi bản lĩnh vững vàng cứng cỏi của con người tài năng xuất chúng này. Nguyễn Công Trứ đã thổi một luồng sinh khí mới lạ cho văn chương đương đại, đưa yếu tố cá nhân, cái tôi cần được giãi bày vào trực tiếp trong văn chương. Đó cũng là một trong những bước đệm quan trọng để văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX có những bước chuyến mình vượt bậc, bước qua cái ta, giải phóng yếu tố cá nhân, cho văn chương Việt Nam tiến kịp nền thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật hiện đại thế giới nói chung.

icon-date
Xuất bản : 08/05/2021 - Cập nhật : 10/05/2021