logo

Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai”

Hướng dẫn lập dàn ý Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai” hay nhất. Với mẫu dàn ý và bài văn được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn Văn. Cùng tham khảo nhé! 


I. Dàn ý Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai”

1. Mở bài: giới thiệu câu ca dao "Thân em như quả ấu gai, thân trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Ví dụ: Có thể nói những câu tực ngữ và ca dao có vai trò vô cùng quan trọng, một trong những ý nghĩa quan trọng đó là dạy bảo chúng ta những thói hư trong cuộc sống, những cách ứng xử vô cùng ý nghĩa và những bài học về cách là người ý nghĩa. Những câu ca dao mang đậm tình cảm và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Một trong những câu ca dao nói về thân phận của người phụ nữ rất sâu sắc là “ Thân em như quả ấu gai, thân trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”.

2. Thân bài: phân tích câu ca dao "Thân em như quả ấu gai, thân trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

a. Sử dụng hình ảnh “Thân em”

- Mô típ chung của những câu hát than thân

- So sánh thân phận người phụ nữ với một hình ảnh nào đó

- Xót thương cho thân phận người phụ nữ, đồng thời cảm thông với số phận ấy

b. Hình ảnh “ củ ấu gai”

- Củ ấu gai là một loại củ rất thân thiết và gần gũi với người dân Việt Nam

- Qua hình ảnh củ ấu gai thấy được hình ảnh người phụ nữ bình thường dân dã

c. Hình ảnh “ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen”

- Nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ

- Bên ngoài xấu xí nhưng tâm hồn họ đẹp đẽ

- Trình bày một cách rõ ràng phẩm chất người phụ nữ

d. Ý nghĩa

- Lời mời gọi nếm thử

- Ý muốn nói quả ấu gai rất ngọt ngào

- Thể hiện số phận chua xót của người phụ nữ xưa

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về bài ca dao
Ví dụ:

Câu ca dao thể hiện thân phận của người phụ nữ xưa, những người phụ nữ đẹp nhưng không có số phận tốt đẹp.

Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai”

II. Bài văn mẫu Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai”


Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai” - Mẫu số 1

Người phụ nữ là một hình tượng tiêu biểu cho những số phận bi đát, đáng thương trong xã hội cũ. Họ là những người có đủ tài sắc đức hạnh nhưng bị xã hội vui dập đến ngõ cụt, họ đã tự mình cất lên những tiếng hát than thân từ cuộc đời nhiều đắng cay mà cho đến ngày nay vẫn vang vọng tiếng kêu cứu não nùng, đau đớn của những con người trong vũng lầy xã hội, tiêu biểu qua bài ca dao:

"Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi"

Chắc hẳn ai cũng biết người phụ nữ Việt Nam chứa đựng nhiều phẩm chất cao đẹp, họ là những viên ngọc sáng vô giá trị. Nhưng hỡi ơi! Dưới cái xã hội phong kiến suy đồi mục nát thì họ bị vùi dập xô đẩy, đối xử tệ bạc bất công thậm chí còn không có quyền quyết định số phận của mình mà chỉ bị phụ thuộc vào may rủi cuộc đời.

"Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen"

Củ ấu gai là một loại củ sống ở đồng ruộng bên ngoài sần sùi xấu xí thô kệch nhưng bên trong lại trắng nõn nà thanh tao. Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo hình ảnh người phụ nữ càng được tôn lên, họ xấu xí đen đuốt vì họ phải lam lũ nắng mưa ngoài đồng ruộng để tìm kế mưu sinh nhưng họ chứa đựng một vẻ đẹp tiềm tàng đó là tâm hồn trong sáng thanh cao, thuần khiết một vẻ đẹp thật giản dị mà không thể bị mất đi hay phai nhòa theo năm tháng như sự hào nhoáng bên ngoài kia.

Tương tự như thế hai câu ca dao tiếp theo họ đã một lần nữa khẳng định vẻ đẹp phẩm giá của mình là không thấy cân, đo, đong, đếm bằng hình thức bên ngoài mà phải dùng trái tim chân thành để cảm nhận mới hiểu thấu được hết:

"Ai ơi nếm thử mà xem

Ném ra mới biết rằng em ngọt bùi"

Bài ca dao như một tiếng than thân ai oán mà chắc hẳn ai nghe qua cũng phải nào lòng xót dạ, từng câu từng chữ như xoáy vào tâm hồn người đọc, cái âm điệu u buồn ấy nó lắng động sâu lắng như tiếng đàn cầm vân vẫn bên tai. Người phụ nữ Việt Nam hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp chung thủy, hiếu thảo, đảm đang và dành trọn cuộc đời mình cho cha mẹ chồng con. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được đức hy sinh cao cả, nhưng chính xã hội đã khiến cuộc đời họ phải sa vào bế tắc đau khổ đến cùng cực đến rồi bà chúa thơ Nôm phải đau đớn mà thốt lên rằng:

"Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung"

Dù đã cố gắng nhưng rồi số phận bà bao giờ cũng lâm vào cảnh "chồng chung" nhưng đâu chỉ thế mà còn bị vùi dập:

"Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm

Cầm bằng làm mướn, mướn không công"

Những hủ tục khắc khe thời phong kiến đã xô đẩy cuộc đời người phụ nữ đi đến ngỏ cụt, những quan niệm "trọng nam khinh nữ" hay "trai năm thê bảy thiếp gái chính chuyên một chồng "hết sức phi lý và bất công nhưng rồi họ cũng chỉ biết chấp nhận thôi, số phận hẩm hiu chỉ biết phụ thuộc vào may rủi nhưng dù có ra sao thì tấm lòng chung thủy sắc son luôn tồn tại vĩnh cữu trong họ. Họ khao khát hạnh phúc, cuộc đời họ chỉ mong được một lần hầu hạ chồng con mà có thể bỏ qua hết những quyền lợi hay nhiều thứ quan trọng của bản thân, thế nên mới có câu ca dao:

"Cầm trầu, cầm áo, cầm khăn

Cầm dây lưng lụa, xin đừng cầm em"

Phía sau bức màn thành công của người đàn ông, một gia đình hạnh phúc luôn hiện hữu hình ảnh người phụ nữ đảm đang nâng khăn sửa gối cho chồng, là một người có đủ các yếu tố "Công- Dung- Ngôn- Đức- Hạnh". Ngày nay người phụ nữ càng khẳng định giá trị của mình trên trường quốc tế, họ không hề thua kém đàn ông và biết đấu tranh dành quyền lợi cho mình. Là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, pháp luật đã ban hành nhiều chính sách đòi lại công bằng cho phụ nữ vì thế mà họ càng phát huy được vẻ đẹp tài năng trong con người mình.

Thế đấy mà cũng thật đáng buồn khi mà người phụ nữ bị danh vọng phù hoa, tiền tài vật chất mà làm mai một đi sự trong sáng và vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ Việt Nam, làm nhiều điều không đúng để rồi lâm vào cảnh tù tội. Hơn thế nữa họ dùng thân xác của mình để đổi lấy tiền tài vật chất hoặc có nhiều nữ sinh khi xảy ra mâu thuẫn để dùng bạo lực để giải quyết. Thật làm xấu đi hình tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh độc đáo, bài ca dao chị vẻn vẹn hai mươi tám từ mà giúp ta thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc về thân phận người phụ nữ trong cuộc đời đầy ngang trái. Đồng thời bài ca dao còn lên án gay gắt xã hội phong kiến đã đẩy con người vào bế tắc cũng từ đó ta thấy được tầm quan trọng của người phụ nữ. Dù cho bạn đang làm gì hay đang ở đâu luôn có một người phụ nữ luôn ngày đêm giỏi theo bạn đó chính là người mẹ kính yêu.


Phân tích bài ca dao “Thân em như củ ấu gai” - Mẫu số 2

Bài ca dao mở đầu với việc nhân vật trữ tình thừa nhận trước người nghe (trong đó có người cô muốn gắn bó) cái thua thiệt hiển nhiên, có tính định mệnh của mình: 

"Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi"

Trong cuộc sống, để giúp đời hiểu mình hơn, người ta có khi phải đứng ra tự quảng cáo. Thật là một điều bất đắc dĩ, nhất là đối với một cô gái. Nhưng biết làm sao được, ý thức về phẩm giá và sự tự trọng có khi bắt người ta phải làm vậy! Có thể tưởng tượng ra một hoàn cảnh diễn xướng gần với các dữ kiện được thông báo trong bài ca dao như sau (tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể hình dung ra những hoàn cảnh diễn xướng khác): cô gái - nhân vật trữ tình - tác giả đã không gặp nhiều may mắn trong việc thu hút sự chú ý của "đối tác" trong tình yêu, bởi vậy, cô phải cất lời để tự bảo vệ và để mời.

Bài ca dao mở đầu với việc nhân vật trữ tình thừa nhận trước người nghe (trong đó có người cô muốn gắn bó) cái thua thiệt hiển nhiên, có tính định mệnh của mình: "Thân em như củ ấu gai". Thật là thẳng thắn, bộc trực! Tương tự thế là sự thẳng thắn, bộc trực trong việc khẳng định cái "chất" của mình ở câu tiếp đó: "Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen". Giọng ngậm ngùi vừa thoáng hiện ở dòng thơ thứ nhất đã nhanh chóng được thay thế bằng giọng tự tin và thậm chí là thách thức, vỏ ngoài đen - đó là một thực tế và tôi đã ý thức được hoàn toàn. Nhưng ruột trong thì trắng lại cũng là một sự thật không thể chối cãi.  Anh, hay tất cả mọi người đều đã biết củ ấu gai rồi đấy! Đọc bài ca dao đến đây, hẳn ta đã nhận ra tính chính xác của sự ví von - chính xác theo mục tiêu tác phẩm nhắm đến, đó là thuyết phục ngưòi đời hãy biết nhìn vào thực chất, đừng để bị vẻ ngoài hào nhoáng hay xấu xí đánh lừa. Nếu nhân vật trữ tình ví mình với một đối tượng nào khác, chưa chắc sức thuyết phục đã đạt được mức cao như vậy. Củ ấu gai quá gần gũi với đời sống của người bình dân. Sự kiểm chứng nếu cần thực hiện sẽ chẳng có gì là khó, thậm chí là quá dễ dàng. Đó là chưa kể có sử dụng hình ảnh củ ấu gai thì tác giả mới có thể gieo tiếp được một chữ “nếm” đầy ý vị, thấm đượm trong đó rất nhiều sự đợi chờ - đợi chờ một thái độ, một cử chỉ ân nghĩa, ân tình từ phía những ai kia trong cuộc đời.

Cái lí đã được trình bày. Tiếp sau là việc cái tình đòi thổ lộ. "Ai ơi, nếm thử mà xem!" đúng là một tiếng gọi, một lời mời - cứng cỏi, táo bạo mà không kém phần tha thiết. Hậu thuẫn cho nó là niềm tin vào bản thân và cả nỗi khao khát được giao cảm, được yêu thương, được dâng hiến. Câu cuối được thốt ra trung hậu, tình cảm và thấm thìa lạ thường. Ai nỡ quay lưng, ai nỡ "lầm" mãi trước một tiếng nói như thế! Từ chỗ tồn tại như một đối tượng so sánh thuần túy, củ ấu gai bỗng chốc được đồng nhất với chính nhân vật trữ tình, khiến nhân vật trữ tình không ngần ngại dùng tiếng em lần thứ hai ở dòng thơ cuối, bất chấp trước đó "cô" đã dùng từ nếm có vẻ chỉ thích hợp với củ ấu gai thật sự mà thôi. Em đã thành một củ ấu gai nhỏ bé, gần gũi trong tay anh, sao anh không thể có một cử chỉ phải chăng, dịu dàng hơn đối với nó?

Một lời than, một tiếng nói khẳng định mình, một bài học về cách thẩm định các giá trị, một nhu cầu và khát vọng yêu đương đã được thể hiện súc tích trong bài ca dao gồm bốn câu ngắn ngủi ấy!

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Phân tích bài ca dao “thân em như củ ấu gai” để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 24/01/2022 - Cập nhật : 07/02/2022