logo

Phân tích bài ca dao Đường lên xứ Lạng

Bài ca dao “Đường lên xứ lạng” mang đến cho ta những rung cảm sâu sắc. Mời các bạn tham khảo bài phân tích do Toploigiai biên soạn dưới đây.


Dàn ý Phân tích bài ca dao Đường lên xứ Lạng

1. Mở bài:

- Giới thiệu về vai trò của ca dao

- Giới thiệu chung bài ca dao “đường lên xứ Lạng”

2. Thân bài:

* Phân tích bài ca dao:

- Bài ca dao được cấu tứ theo câu hỏi tu từ và lời đáp lại đầy dí dỏm 

- “Đường lên xứ Lạng bao xa?” như một lời thúc giục, tưởng chừng đó là một quãng đường dễ dàng để đi đến

- “Một trái núi, ba quãng đồng” cho thấy sự xa xôi, cách trở 

- “Ai ơi đứng lại mà trông” cho thấy cái nhìn bao quát cảnh đẹp thiên nhiên xứ Lạng

- Từ “ai” được dùng để diễn tả những tâm tư, tình cảm, cảm xúc sâu kín nhất của con người

- “Ai ơi” là một lời mời gọi nồng nàn tha thiết

- “Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ” là những địa danh nổi tiếng của vùng đất Lạng Sơn

- “Kìa” được lặp lại hai lần 

- Mang đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế khi đứng trước núi non hùng vĩ, ngắm toàn cảnh của núi sông, niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước sâu nặng

=> Lời ca dao còn nhắc nhở chúng ta về cội nguồn, khơi dậy trong ta tình yêu quê hương.

* Nghệ thuật:

- Sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc 

- Lời ca dao trên đã mang giai điệu nồng nàn cùng những cảm xúc sâu lắng

- Các hình ảnh, ngôn ngữ giản dị nhưng ẩn sâu là những ý nghĩa sâu sắc

3. Kết bài:

- Giá trị của bài ca dao


Phân tích bài ca dao Đường lên xứ Lạng

Từ xa xưa, ca dao đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như tinh thần của con người Việt Nam. Nó được ví von như “món ăn tinh thần” giúp người dân giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi sau những giờ phút làm việc vất vả. Ca dao là tiếng hát tâm tình của người lao động, là những rung cảm trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên, của núi sông hùng vĩ. Qua những lời ca dao ta càng cảm nhận rõ hơn sự gắn bó giữa thiên nhiên với con người, đó là tình yêu tha thiết với quê hương xứ sở. Bài ca dao “đường lên xứ lạng” mang đến cho ta những rung cảm sâu sắc.

“Đường lên xứ Lạng bao xa

Cách một trái núi với ba quãng đồng

Ai ơi, đứng lại mà trông

Kìa núi thành Lạng, kìa sông Tam Cờ.”

Phân tích bài ca dao Đường lên xứ Lạng

Bài ca dao được cấu tứ theo câu hỏi tu từ và lời đáp lại đầy dí dỏm nhằm đưa đến ta những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp phong phú của quê hương Lạng Sơn- dải đất địa đầu Tổ Quốc. Đường lên xứ Lạng có xa lắm không, như một lời thúc giục những người con về với quê hương của mình. Mảnh đất Lạng Sơn từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn, các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Để rồi từ đó bằng những ca từ, giai điệu, lời thơ, lời ca dao hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Lạng hiện lên một cách toàn diện đẹp đẽ nhất. Đọc câu hỏi đầu bài ca dao ta tưởng chừng như đường lên xứ Lạng chẳng cách bao xa, đó là một quãng đường dễ dàng để đi đến. Thế nhưng thực tế ở câu trả lời ta lại thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Cách nói cách “một trái núi, ba quãng đồng” cho thấy sự xa xôi, cách trở để đi đến mảnh đất hùng vĩ này. Để đi đến được vùng núi non hùng vĩ của Tổ Quốc với trùng điệp núi rừng thăm thẳm, con người phải đi qua quãng đường dài với biết bao khó khăn. Trên nền thiên nhiên núi non hùng vĩ đó, hình ảnh con người xuất hiện càng tô điểm thêm vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi đây. “Ai ơi đứng lại mà trông” cho thấy cái nhìn bao quát cảnh đẹp thiên nhiên xứ Lạng. Từ “ai” được dùng để diễn tả những tâm tư, tình cảm, cảm xúc sâu kín nhất của con người. “Ai ơi” là một lời mời gọi nồng nàn tha thiết, một hình thức rất đặc trưng trong ca dao. Cả câu thơ là một lời mời gọi nghiêm túc cùng giọng thơ ấm áp, giản dị nhẹ nhàng duyên dáng. “Kià núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ” là những địa danh nổi tiếng của vùng đất Lạng Sơn. Những ngọn núi và vùng nước mang đến những gam màu tươi sáng khác nhau cho thiên nhiên Việt Nam. Nó đã đi vào lời ca dao một cách nhẹ nhàng, rất tự nhiên. Khiến cho thiên nhiên vùng Lạng Sơn hiện lên tuyệt đẹp, khơi gợi lòng tò mò, muốn khám phá thiên nhiên. Tác giả đã liệt kê những địa danh tiêu biểu, rất đáng tự hào của vùng đất Lạng Sơn. “Kìa” được lặp lại hai lần trong một dòng thơ tạo nên điểm nhấn nổi bật, khiến cho người đọc ngạc nhiên về bức tranh thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ mà vùng đất Lạng mang lại. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất ấy một vẻ đẹp hùng vĩ, bao la với núi sông trùng điệp. Qua những lời ca dao trên, tác giả muốn mang đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế khi đứng trước núi non hùng vĩ, ngắm toàn cảnh của núi sông. Thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước sâu nặng. Lời ca dao còn nhắc nhở chúng ta về cội nguồn, về vùng đất tổ tiên mà chúng ta đã chiến đấu và bảo vệ đất nước trước nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Lời ca dao đơn giản, ví von nhẹ nhàng thấm đẫm vào lòng mỗi người, khơi dậy trong ta tình yêu quê hương.
Với cách sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc trong ca dao, lời ca dao trên đã mang giai điệu nồng nàn cùng những cảm xúc sâu lắng. Các hình ảnh, ngôn ngữ giản dị nhưng ẩn sâu là những ý nghĩa sâu sắc. Mang đến những giá trị biểu đạt khác nhau để bày tỏ những cảm xúc sâu kín của mình. Thiên nhiên núi non hùng vĩ của mảnh đất Lạng Sơn nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung là một về đẹp giàu bản sắc, thiên nhiên được ưu đãi với những cảnh núi sông đẹp, với lịch sử truyền thống lâu đời và con người với những vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo.

Những làn điệu dân ca, ca dao ngợi ca vẻ đẹp của quê hương trải dài khắp đất nước. Đọc những lời ca dao trên, lòng ta thôi thúc trách nhiệm xây dựng và bảo quê hương ngày càng giàu đẹp, đồng thời biết trân quý những giá trị văn hóa đặc sắc của đất nước.            

icon-date
Xuất bản : 18/12/2023 - Cập nhật : 18/12/2023