logo

Dàn ý Phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích học sinh giỏi

Qua đoạn trích Kiểu ở lầu Ngưng Bích, cảm nhận được tâm trạng cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều. Để hiểu rõ hơn về tâm trạng Kiều, hãy cùng Toploigiai tìm hiểu đoạn thơ này qua Dàn ý và Phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích dưới đây!


Dàn ý và Phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích học sinh giỏi

Mở bài:

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm. Nêu nội dung chính của đoạn trích

Thân bài:

Điệp từ “buồn trông” được sử dụng liên tiếp bốn lần thể hiện sâu sắc về nỗi buồn cũng như nỗi nhớ của Thúy Kiều thông qua cảnh sắc thiên nhiên.

- Cặp lục bát 1: Diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. Ở đây nàng luôn nhớ về người sinh thành ra nàng. Hình ảnh “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa” chính là minh chứng cho nỗi nhớ da diết của nàng.

- Cặp lục bát 2: Tâm trạng của Thúy kiều lại trở về với thực tại của đời mình, trở về với nỗi đau hiện thực. Tiêu biểu là hình ảnh “ngọn nước mới sa”, “hoa trôi man mác” đã thể hiện sự lo lắng của Thúy Kiều về số phận không biết sẽ trôi dạt về nơi đâu.

- Cặp lục bát 3: Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu”, “chân mây mặt đất” gợi tả sự vô định của Kiều. Từ láy “rầu rầu” gợi cho ta sự tàn úa đến thảm thương, màu xanh tàn úa, héo hắt.

- Cặp lục bát 4: Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh”, “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” gợi sự sợ hãi, hoảng hốt của Kiều. Sự lênh đênh trên chặng đường đời nhiều sóng gió trước mặt Kiều, cũng là những phong ba, gập ghềnh mà Kiều sẽ phải đi qua.

- Trong đoạn trích này tác giả Nguyễn Du đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như điệp từ, điệp cấu trúc, hình ảnh có sự tăng tiến gợi tả sự tăng tiến của cảm xúc và đặc biệt không thể thiếu nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

Kết bài:

Tổng kết lại nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích học sinh giỏi kèm dàn ý

Phân tích 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích học sinh giỏi

Tác giả Nguyễn Du được mệnh danh là đại thi hào của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới và là một cây bút xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Không chỉ có đóng góp lớn cho văn học nước nhà ông còn được cả thế giới biết đến với tác phẩm nổi tiếng là Truyện Kiều. Có thể nói Nguyễn Du chính là một hiện tượng của nền văn học Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Những câu thơ mà ông viết  có sức cuốn hút diệu kì, vương vấn mãi tâm hồn ta, mang đến cho ta niềm cảm thương sâu sắc với "tấm gương oan khổ" Thúy Kiều, giúp ta thấu hiểu được tâm trạng của Thúy Kiều qua cảnh vật ở lầu Ngưng Bích. 

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Tám câu thơ cuối đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp điệp từ “buồn trông” để thể hiện nỗi buồn sâu sắc của Thúy Kiều. Từ “buồn trông” được lặp bốn lần như để thể hiện cho chúng ta thấy rằng tâm thế của Thúy Kiều đều đã bị gói trọn lại ở lầu Ngưng Bích. Ở nơi đây, Kiều chỉ biết lấy cảnh sắc thiên nhiên để diễn tả nỗi buồn sâu thẳm trong thâm tâm mình. Trước hết Thúy Kiều hướng tầm mắt ra xa xa để nhớ về hình ảnh ngôi nhà thân thương và những người mà nàng yêu quý nhất.

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Không gian mêmh mông rộng lớn càng khiến cho nàng nhớ về nơi mình được sinh ra và nhớ đến cha mẹ của nàng. Hình ảnh “cửa bể chiều hôm” đã thể hiện không gian và thời gian mà nàng nhớ về những người thân yêu. “Cửa bể” thì luôn mênh mông rộng lớn khiến nàng cảm thấy lạc lõng, hiu quạnh. Đã vậy thời gian “chiều hôm” càng khiến Kiều lâm vào cảm giác buồn man mác hơn bởi khi về chiều tối lòng chúng ta luôn mong muốn được trở về nhà, trở về vòng tay thân yêu của cha mẹ. Câu hỏi tu từ "Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?", chính là câu hỏi mà Kiều tự hỏi lòng mình. Thời khắc thấy cảnh thuyền lênh đênh trên biển, lại thêm cảnh mờ mịt xa khơi, rồi lại nghĩ đến phận mình nàng có khác chi chiếc thuyền kia không, cũng lênh đênh vô định, gia đình chẳng hay tin, đến chính bản thân nàng cũng chẳng thể quyết định đời mình sẽ về đâu, nàng càng nhìn lại càng thấy mờ mịt, thấy cô đơn, đau một nỗi đau ẩn trong lòng, nàng nhớ quê hương, nhớ gia đình khôn xiết.

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Cảnh sắc ngoài cửa bể xa xa không khiến nàng thay đổi được tâm trạng nên nàng đã thu tầm mắt mình lại gần. Hình ảnh "Ngọn nước mới sa" như chứa đựng một sức mạnh của tự nhiên có thể vùi dập, cuốn trôi, hủy diệt những gì nhỏ bé. Trên ngọn nước đang chảy là những bông hoa nhỏ nhắn thuận theo dòng nước mà trôi đi, trôi đến một nơi rất xa. Một câu hỏi tư từ nữa lại tiếp tục được sử dụng "Hoa trôi man mác biết là về đâu?", hoa mà lại trôi man mác như thế, chỉ gợi đến một cảm giác nhẹ bẫng, không có sức nặng, thêm vào đó là nỗi buồn, nỗi u uất của phận làm hoa. Hình ảnh này càng khiến cho chúng ta liên tưởng đến thân phận của Thúy Kiều hơn. Nàng cũng như đóa hoa đang trôi dập dìu ngoài kia, không biết đến bao giờ mới có thể dừng lại và tìm được bến đỗ hạnh phúc cho bản thân mình. Cớ sao nàng lại phải chịu cảnh “hồng nhan bạc phận” như thế. 

Khi đọc hai câu thơ tiếp theo, ta sẽ thấy được tâm trạng sợ hãi, lo lắng của Kiều đã nâng lên thành tâm trạng tuyệt vọng, bế tắc khi Kiều còn nhìn thấy ngọn cỏ rầu rầu:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Những hình ảnh “nội cỏ rầu rầu”, “chân mây mặt đất” thể hiện sự vô định của Kiều. Dù cho hiện tại đang là mùa xuân, thời gian để cây cối đâm chồi nảy lộc, ngàn hoa khoe sắc nhưng trong mắt Thúy Kiều chỉ là “nội cỏ rầu rầu” mà thôi. Màu xanh ở lầu Ngưng Bích cũng là một màu xanh gợi nỗi buồn, nó khiến cho cảnh vật ngày càng ảm đạm và héo úa.

Một lần nữa nàng lắng lòng mình, để nghe những âm thanh vang vọng của cuộc sống như tìm lấy chút hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Nhưng những thứ nàng nghe được chỉ là chuỗi âm thanh khủng khiếp.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Những âm thanh vang vọng lại như một sự báo trước về tương lai đầy sóng gió của Thúy Kiều. Tiếng sóng ầm ầm dữ dội như cuốn lấy số phận nàng và nhấn chìm nàng vào trong bóng tối khiến nàng không thể nào thoát ra được. 

Ở đoạn thơ này tác giả Nguyễn Du đã vận dụng tài tình nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Chỉ cần nhìn vào cảnh sắc thiên nhiên ta cũng có thể mường tượng ra được tâm trạng của Thúy Kiều, mỗi cảnh là một tâm trạng, là một nỗi đau mà Kiều phải ghánh chịu. Không chỉ vậy Nguyễn Du còn có sự miêu tả theo trình tự hợp lí: từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt nhòa đến đậm nét, khắc họa nỗi buồn da diết của Kiều. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, lớp từ láy giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Tất cả những yếu tố đó góp phần tạo nên thành công cho đoạn trích.

Qua đây ta có thể thấy rằng tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là một tuyệt tác của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Cũng từ đó thể hiện được nội tâm của nàng Kiều một cách chân thực và sinh động. Không chỉ vậy, tám câu thơ còn gieo vào lòng chúng ta sự cảm thông sâu sắc trước số phận éo le của Kiều, cùng với sự thấu hiểu thân phận người đàn bà của đại thi hào Nguyễn Du.

icon-date
Xuất bản : 20/10/2022 - Cập nhật : 01/07/2023