logo

Phân tích 4 câu thơ đầu Đập đá ở Côn Lôn theo cách tổng phân hợp

Phan Châu Trinh là một nhà yêu nước lớn của dân tộc Việt Nam. Ông hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi, trong quá trình đó, ông đã sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị lớn, Đập đá ở Côn Lôn là một trong số đó. Để giúp các bạn hiểu hơn về bài thơ, Toploigiai đã mang tới bài viết sau, mời các bạn tham khảo.


Dàn ý Phân tích 4 câu thơ đầu Đập đá ở Côn Lôn theo cách tổng phân hợp (ngắn gọn)

- Khái quát nội dung chính của 4 câu thơ đầu bài Đập đá ở Côn Lôn

- Hai câu đầu: Thể hiện khí chất hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất của đấng nam nhi. Dù bị giam tại nhà tù Côn Đảo nhưng không hề mất đi sự oai phong, khí chất của người chiến sĩ yêu nước.

- Hai câu thơ tiếp: Hoàn cảnh sống và lao động khó khăn, khổ cực của những người yêu nước (hằng ngày phải đập đất đá để thực dân Pháp xây nhà tù). Nhưng trong hoàn cảnh đó, sự ngạo nghễ, anh dũng của họ càng được thể hiện rõ ràng hơn.

- Tổng kết lại nội dung, giá trị của 4 câu thơ đầu bài Đập đá ở Côn Lôn

>>> Tham khảo: Dàn ý phân tích bài Đập đá ở Côn Lôn


Phân tích 4 câu thơ đầu Đập đá ở Côn Lôn theo cách tổng phân hợp (ngắn gọn) – Mẫu 1

Phân tích 4 câu thơ đầu Đập đá ở Côn Lôn theo cách tổng phân hợp (ngắn gọn)

      Bốn câu thơ đầu bài Đập đá ở Côn Lôn đã khắc hoạ được những khó khăn, khổ cực trên con đường cách mạng cũng như sự anh dũng, ý chí kiên cường của người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Mở đầu bài thơ, người đọc đã cảm nhận được khí chất hiêng ngang của những con người yêu nước: "Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho lở núi non." Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn được Phan Châu Trinh sáng tác năm 1908, khi đó, ông tham gia chống thuế Trung Kỳ và bị bắt đày đến Côn Đảo, nơi giam giữ và tra tấn những người yêu nước, chống chế độ cai trị tàn ác. Tuy phải sống trong cảnh tù đày, khó khăn và cực khổ, bị tra tấn tàn ác cả thể chất lẫn tinh thần nhưng Phan Châu Trinh vẫn thể hiện khí chất của một đấng nam nhi. Ông đã "làm trai" cho ra dáng làm trai, đứng giữa đất trời Côn Lôn tạo nên một hình ảnh thật ngạo nghễ, tự do và mạnh mẽ của một người đàn ông "đầu đội trời chân đạp đất". Những chiến công hiển hách của Phan Châu Trinh cũng như nhiều người chiến sĩ yêu nước khác ở đây rất "lừng lẫy", mỗi khi nhắc tới có thể làm "lở núi non", vang cả vùng đất đá Côn Đảo cằn cỗi. Hình ảnh người anh hùng yêu nước hiện lên thật phi thường và to lớn giữa vùng đất Côn Lôn rộng lớn. Hai câu thơ tiếp theo đã tái hiện sự gian khổ của những người yêu nước bị giam ở nhà tù Côn Đảo, tuy nhiên trong cái gian khó, người đọc vẫn cảm nhận được tinh thần bất khuất và khí khái anh hùng của họ: "Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập bể mấy trăm hòn". Hằng ngày ở trong tù, Phan Châu Trinh cũng như những người chiến sĩ têu nước khác phải lao động cực nhọc, dùng những dụng cụ lao động thô sơ, tốn sức và nguy hiểm như búa để đập đá xây nhà tù cho thực dân Pháp. Nhưng qua ngôn từ của Phan Châu Trinh, những hành động đó đã không còn đơn thuần nói lên sự khó khăn của những người yêu nước mà đây còn là lời tuyên bố hùng hồn sức mạnh của họ. Họ "xách búa", miêu tả sự dễ dàng, nâng nhẹ búa lên rồi "đánh tan" đất đá khô cằn thành "năm bảy đống", chỉ số lượng nhiều và nặng nề của đất đá. Hai hình ảnh có trái ngược với nhau đã làm nổi bật lên sức mạnh to lớn của người chiến sĩ ở Côn Lôn. Câu thơ thứ tư của bài thơ Đập đá ở Côn Lôn càng làm nổi bật tầm vóc của người anh hùng. Họ dùng hành động mạnh mẽ "ra tay", thể hiện sự quyết tâm cao độ để đập vỡ đá thành "mấy trăm hòn". Bằng cách sử dụng biện pháp nói quá, Phan Châu Trinh đã khắc hoạ thật thành công hình ảnh to lớn, phi thường của những con người yêu nước anh dũng. Chỉ với bốn câu thơ đầu của bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, người đọc chúng ta đã được chứng kiến hình ảnh của những con người yêu nước bị đày ra Côn Đảo, tuy phải sống và sinh hoạt vô cùng cực khổ, khó khăn nhưng với họ đó chỉ là một thách thức nhỏ để thực hiện lý tưởng cách mạng to lớn, họ vẫn luôn thể hiện khí thế hiên ngang, ngạo nghễ của bậc anh hùng.


Phân tích 4 câu thơ đầu Đập đá ở Côn Lôn theo cách tổng phân hợp (ngắn gọn) – Mẫu 2

      Bốn câu thơ đầu của bài thơ Đập đá ở Côn Lôn đã mang tới hình ảnh những người yêu nước bị giam ở nhà tù Côn Đảo tuy phải chịu khó khăn, cực nhọc nhưng họ vẫn thể hiện khí chất hiên ngang, anh dũng phi thường. Bài thơ mở đầu bằng câu thơ: "Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn". Phan Châu Trinh đã sáng tác bài thơ vào năm 1908 khi bị đày ở nhà tù Côn Đảo. Tuy bị giam giữ nhưng khí chất của một vị anh hùng vẫn không thể xoá mờ, thay vì sợ hãi, nhún nhường thì Phan Châu Trinh cũng như những người chiến sĩ của ta lại ngạo nghễ "làm trai" đứng giữa Côn Lôn đất đá. Câu thơ đã thể hiện khí phách đầu đội trời chân đạp đất của bậc nam nhi có lý tưởng lớn. Lý tưởng cứu nước đã giúp họ lập được nhiều chiến công, nhiều người có tiếng tăm "lừng lẫy" trong phong trào chống thực dân Pháp cứu nước, khiến lở cả núi non nơi Côn Đảo hoang vắng.  Họ bị giam ở Côn Lôn trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, bị tra tấn bằng nhiều hình thức tàn độc nhưng họ vẫn dũng mãnh, phi thường: "Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập bể mấy trăm hòn". Những người yêu nước thường phải "xách búa", "ra tay" để đập đất đá thành "năm bảy đống", "mấy trăm hòn" để thực dân Pháp xây dựng nhà tù. Tuy công việc cực khổ là vậy, nhưng qua lời thơ của Phan Châu Trinh, người đọc đã thấy được hình ảnh họ với sức chiến đấu và lao động mạnh mẽ vung búa đập tan thử thách. Bốn câu thơ đầu của bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh đã khắc hoạ thành công hình ảnh cao đẹp của những người làm cách mạng, yêu nước, tuy họ phải chịu cảnh tù đày bất công, khổ cực, nhưng khí chất anh hùng vẫn luôn sáng mãi quanh họ.

----------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích 4 câu thơ đầu Đập đá ở Côn Lôn theo cách tổng phân hợp (ngắn gọn). Qua bốn câu thơ, hình ảnh hiên ngang, anh dũng của những người cách mạng đã hiện lên thật chân thực.

icon-date
Xuất bản : 05/01/2023 - Cập nhật : 28/08/2023