logo

Nội dung chính bài Yêu và đồng cảm SGK Ngữ văn 10 trang 77 (KNTT)

Giới thiệu Nội dung chính bài Yêu và đồng cảm SGK Ngữ văn 10 trang 77 (KNTT) chi tiết nhất về bố cục, thể loại, biện pháp nghệ thuật, phương thức biểu đạt và câu hỏi trong SBT của bài Yêu và đồng cảm.

Bài Yêu và đồng cảm SGK Ngữ văn 10 có nội dung chính như sau

Nội dung chính

Những quan niệm về cái chân, thiện, mỹ trong nghệ thuật đích thực được tác giả thể hiện trong văn bản. Đồng thời, qua văn bản tác giả khẳng định đồng cảm là phẩm chất không thể thiếu ở người nghệ sĩ và chứng minh bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật đích thực. 


1. Giới thiệu về tác giả 

Tiểu sử

- Phong Tử Khải (1898-1975) là họa sĩ, tác giả tản văn, dịch giả và nhà lý luận giáo dục âm nhạc nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc. Ông đã xuất bản 160 tác phẩm ở các lĩnh vực trên.

Phong cách sáng tác

- Tản văn của ông có phong cách bình dị mộc mạc, ý nghĩa khoan hậu nhân từ mà sâu sắc, và cả sự thú vị hồn nhiên như trẻ thơ, là những giai phẩm được tôn sùng trong văn học hiện đại Trung Quốc, nhiều lần được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn bậc tiểu học và trung học.

- Tản văn và những bức “mạn họa” của ông được công chứng đặc biệt yêu thích bởi sự dung dị, thuần khiết mà ẩn chứa nhiều suy nghiệm thâm sâu của người thông hiểu cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây.

- Trong các sáng tác của mình, ông luôn đề cao tấm lòng thơ trẻ trong cách nhìn đời và thực hành nghệ thuật

- Tranh của ông hài hước dí dỏm, lưu truyền rộng rãi, được nhiều người yêu thích, sưu tầm.


2. Tìm hiểu khái quát về tác phẩm 

Thể loại: Tản văn

Xuất xứ: Văn bản “Yêu và đồng cảm” được trích từ cuốn sách Sống vốn đơn thuần là tuyển tập văn học - mỹ thuật của Phong Tử Khải, bao gồm 41 bài tản văn và 43 bức tranh tiêu biểu do ông sáng tác.

Tóm tắt: Văn bản “Yêu và đồng cảm” của Phong Tư Khải đã gợi lên những quan niệm về cái chân, thiện, mỹ trong nghệ thuật đích thực. Đồng thời, tác giả khẳng định đồng cảm là phẩm chất không thể thiếu ở người nghệ sĩ và chứng minh bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật. 

Nội dung chính bài Yêu và đồng cảm SGK Ngữ văn 10 trang 77 (KNTT)

3. Nội dung chính và bố cục tác phẩm

Nội dung chính

Những quan niệm về cái chân, thiện, mỹ trong nghệ thuật đích thực được tác giả thể hiện trong văn bản. Đồng thời, qua văn bản tác giả khẳng định đồng cảm là phẩm chất không thể thiếu ở người nghệ sĩ và chứng minh bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật đích thực. 

Bố cục

Chia văn bản làm 6 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “cũng như không có tình”: Giới thiệu câu chuyện về chú bé với tấm lòng đồng cảm với vạn vật.

- Phần 2: Từ “hôm sau tới trường” đến “đồng cảm và nhiệt thành”: Góc nhìn riêng về sự vật của người nghệ sĩ so với những nghề nghiệp khác.

- Phần 3: Từ “họa sĩ đưa tấm lòng mình” đến “có nhân cách vĩ đại”: Khẳng định đồng cảm là một phẩm chất quan trọng ở người nghệ sĩ.

- Phần 4: Từ “lòng đồng cảm” đến “của người họa sĩ”: Biểu hiện của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật. 

- Phần 5: Từ “Người bình thường” đến “chính là nghệ sĩ”: Bản chất của trẻ em là nghệ thuật

- Phần 6: Đoạn còn lại: Ý nghĩa của việc đặt tình cảm vào tác phẩm nghệ thuật.


4. Giá trị nội dung và nghệ thuật

Giá trị nội dung

- Cho thấy lòng đồng cảm luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người và tác động đến cả vạn vật xung quanh

- Khẳng định giá trị và ý nghĩa của lòng đồng cảm đối với con người, giúp cuộc sống nhiều cảm xúc và con người có thể gần gũi, gắn kết nhau hơn

- Lòng đồng cảm không chỉ giữa con người với nhau mà còn giữa con người với thiên nhiên, vạn vật

- Càng tự nhiên, thuần khiết, chúng ta càng giàu lòng đồng cảm với người khác hơn, ví dụ như trẻ thơ, họa sĩ, là những đối tượng dễ đồng cảm với vạn vật

- Có sức truyền cảm mạnh mẽ tới độc giả, thúc đẩy mỗi cá nhân biết yêu thương và cảm thông với người khác

Giá trị nghệ thuật

- Ngôn từ mộc mạc, dễ hiểu

- Cách triển khai ý và luận điểm trong văn bản rõ ràng, logic

- Văn phong tự nhiên, dễ tiếp nhận


5. Câu hỏi trong SBT

Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 - 80) và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Nêu cảm nhận chung nhất của bạn về văn bản Yêu và đồng cảm.

Lời giải

Bạn có thể nêu cảm nhận chung nhất của mình về văn bản từ các góc độ khác nhau:

– Đặc điểm và tính chất của văn bản (Cũng thuộc loại văn bản nghị luận nhưng văn bản này có điểm độc đáo gì trong cách triển khai, làm sáng tỏ luận đề?).

– Nội dung được văn bản đề cập (Tác giả có kiến giải mới mẻ như thế nào về vấn để đồng cảm trong thưởng thức, sáng tạo nghệ thuật và trong quan hệ giao tiếp với cuộc đời?).

– Sức thuyết phục của văn bản (Văn bản thuyết phục người đọc bằng yếu tố gì? Ở đây, sự trải nghiệm đã đóng vai trò như thế nào?).

Câu 2: Trong văn bản, từ “đồng cảm” đã được tác giả giải thích như thế nào và từ góc độ nào? Đâu là khía cạnh được chú ý nhấn mạnh?

Lời giải

Trong văn bản, từ “đồng cảm” đã được tác giả lần lượt giải thích như sau:

- Đồng cảm là khả năng hiểu thấu nỗi niềm của vạn vật và biết cách chia sẻ với chúng.

- Đồng cảm là việc biết đặt mình vào vị trí, trạng thái, tình cảm của đối tượng (thậm chí hoá thân vào đối tượng) khi miêu tả, thể hiện đối tượng đó.

- Đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ.

- Đồng cảm là phẩm chất tự nhiên vốn có ở con người nhưng được bộc lộ rõ nhất trong cách giao hoà với vạn vật của trẻ em.

- Đồng cảm là phẩm chất cần được gìn giữ và phát triển để cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp.

Tác giả đã giải thích về từ “đồng cảm” từ góc độ của một người sáng tạo nghệ thuật và là người luôn hướng đến một thế giới đại đồng, bình đẳng.

Một khía cạnh của “đồng cảm” được tác giả chú ý nhấn mạnh là khía cạnh thứ ba: đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ. Nội dung của các đoạn 2, 3, 4, 6 đều góp phần tô đậm, làm rõ khía cạnh này.

Câu 3: Văn bản đã giúp bạn hiểu thêm gì về đặc trưng của nghệ thuật (trong đó có văn học)?

Lời giải

Văn bản đã đưa lại một số hiểu biết về đặc trưng của nghệ thuật (trong đó có văn học):

- Nghệ thuật thường quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng từ góc nhìn thẩm mĩ, đưa lại cho người thưởng thức một cách cảm nhận khác về thế giới.

- Nghệ thuật được tạo nên nhờ tấm lòng đồng cảm với vạn vật và khả năng hoá thân vào mọi sinh thể (có tình), vật thể (không có tình) của người nghệ sĩ, nhằm làm phát lộ tiếng nói riêng của các đối tượng được miêu tả, thể hiện. – Nghệ thuật là nơi gặp gỡ giữa người sáng tác và người tiếp nhận trong niềm cảm thông, chia sẻ (“Thực ra nếu chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ, mở rộnglòng ra để biết đồng cảm nhiều hơn với vạn vật thì sẽ cảm nhận được rõ rệt những tình cảnh ấy”).

Câu 4: Trong văn bản, yếu tố tự sự đã được tác giả sử dụng như thế nào và nhằm mục đích gì?

Lời giải

Trong văn bản, yếu tố tự sự đã được tác giả sử dụng một cách rất chủ động ở đoạn 1 (“Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc.”) và đoạn 2 (“Hôm sau tới trường cấp ba dạy nghệ thuật, tôi cũng giảng cho các em thế này...). Các câu chuyện được kể lại khá vắn tắt, đều hướng tới việc làm nổi bật nhận thức của tác giả về vấn đề đồng cảm. Nhờ đưa yếu tố tự sự thể hiện những trải nghiệm riêng vào văn bản, tác giả đã tạo được không khí trò chuyện gần gũi, thân mật, khiến độc giả cảm thấy lí lẽ thuyết phục trở nên dễ hiểu và không hề khô khan. Khi nói về nghệ thuật - một lĩnh vực chú trọng tác động vào người đọc, người xem, người nghe bằng con đường tình cảm - rõ ràng, đây là một sự lựa chọn hết sức phù hợp.

Câu 5: Nêu đánh giá khái quát của bạn về hiệu quả thuyết phục của văn bản trên phương diện lập luận.

Lời giải

Văn bản đã đạt hiệu quả thuyết phục cao với những nét riêng trong cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng:

- Li lẽ thường được nêu lên sau khi tác giả mời người đọc cùng trải nghiệm những tình huống gần gũi trong cuộc sống. Sự thực, bản thân những mẫu tự sự cũng hàm chứa lí lẽ, hay nói cách khác, ở đó lí lẽ và bằng chứng đã quyện chặt vào nhau.

- Lí lẽ thường được triển khai qua những so sánh hợp lí nhằm làm nổi bật vấn đề (ở đoạn 2, tác giả phân biệt cách nhìn nhận thế giới giữa nhà khoa học, bác làm vườn, chủ thợ mộc với anh hoạ sĩ; ở đoạn 4, tác giả nêu sự khác nhau mà thống nhất giữa hoạ sĩ và nhà thơ trong việc chọn hình thức biểu hiện sự đồng cảm ở đoạn 5 – 6, tác giả chỉ ra mức độ đồng cảm khác nhau giữa người lớn và trẻ em để nhấn mạnh việc cần học trẻ em ở cách nhìn thế giới).

- Tác giả nêu nhiều bằng chứng lấy từ hội hoạ là lĩnh vực ông rất thông thuộc, nhưng đó đều là những bằng chứng có ý nghĩa điển hình, có thể đại diện cho nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác.

Nhìn chung, cách thuyết phục của tác giả nhẹ nhàng mà thấm thía, xuất phát từ những nếm trải thực tế của một nghệ sĩ thực thụ, luôn đề cao cách sống hồn nhiên và lòng nhân ái.

Câu 6: Nêu một số bằng chứng cho thấy tác giả đã rất quan tâm tới việc đảm bảo mạch lạc và liên kết khi viết văn bản này.

Lời giải

Văn bản mang màu sắc của một bản phiếm đàm về nghệ thuật nhưng có sự kết nối chặt chẽ giữa các ý, câu, đoạn:

- Chuyện về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc (đoạn 1) thường xuyên được nhắc đến và phát triển trong các đoạn tiếp sau (rõ nhất là trong đoạn 3, 5, 6), tạo thành một mạch ý tưởng xuyên suốt.

- Từ “đồng cảm” liên tục xuất hiện, có thể xem là từ khoá của văn bản.

- Khái niệm “thế giới của Mĩ” cũng được dùng nhiều lần, cho thấy tác giả luôn muốn độc giả nhìn ra đặc trưng của nghệ thuật và hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

- Những ví dụ lấy từ hội hoạ được tác giả đưa vào nhiều đoạn của văn bản (đoạn 1, 2, 3, 4) gây được ấn tượng rất rõ rằng tác giả đã duy trì góc nhìn và thể hiện trải nghiệm của mình một cách nhất quán.

Tất cả những điều nêu trên đã chứng minh tác giả luôn có ý thức làm rõ mạch lạc và liên kết trong văn bản.

icon-date
Xuất bản : 08/10/2022 - Cập nhật : 29/11/2022