Quần xã có các đặc điểm cơ bản về số lượng và thành phần các loài sinh vật. Số lượng các loài được đánh giá qua những chỉ số về độ đa dạng, độ nhiều, độ thường gặp... của các loài đó trong quần xã. Thành phần các loài sinh vật được thể hiện qua việc xác định loài ưu thế, loài đặc trưng... Để nắm được những dấu hiệu điển hình của một quần xã như thế nào, hãy cùng Top lời giải tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Quần xã sinh vật là một tập hợp những quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian nhất định. Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó như một thể thống nhất và do vậy, quần xã có cấu trúc tương đối ổn định.
Các sinh vật trong quần xã thích nghi với môi trường sống của chúng (hình 49.1,2).
Những dấu hiệu điển hình của một quần xã sinh vật bao gồm:
– Thứ nhất: Đặc trưng về thành phần loài trong quần xã:
Thành phần loài trong quần xã biểu thị qua số lượng các loài trong quần xã và số lượng cá thể của mỗi loài, loài ưu thế và loài đặc trưng.
Số lượng các loài trong quần xã và số lượng cá thể của mỗi loài đặc trưng biểu thị mức độ đa dạng của quần xã, quần xã có thành phần loài càng lớn thì độ đa dạng càng cao. Do nhiệt độ, lượng mưa cao và khá ổn định nên các quần xã sinh vật vùng nhiệt đới thường có nhiều loài hơn so với các quần xã phân bố ở vùng ôn đới. Tuy nhiên, trong một sinh cảnh xác định khi số loài tăng lên, chúng phải chia xẻ nhau nguồn sống, do đó số lượng cá thể của mỗi loài phải giảm đi.
Loài đặc trưng là loài chỉ có ở một quần xã nào đó, hoặc có số lượng nhiều hơn hẳn và có vai trò quan trọng hơn loài khác (Ví dụ: Cây cọ là loài đặc trưng của quần xã vùng đồi Phú Thọ; Cá cóc – Tam Đảo; Tràm – U Minh,… ).
Loài ưu thế là loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hoặc hoạt động mạnh của chúng (Ví dụ: Đối với quần xã trên cạn, thực vật có hạt thường là loài ưu thế vì chúng quyết định khí hậu của môi trường).
– Thứ hai: Đặc trưng về không gian phân bố:
Trong mỗi quần xã, do có sự khác nhau về điều kiện sinh thái và sự thích nghi của các loài với các điều kiện sinh thái khác nhau nên xảy ra sự phân bố khác nhau nên đã giảm mức độ cạnh tranh giữa các loài và tăng khả năng sử dụng nguồn sống của môi trường.
Có các kiểu phân bố là phân bố theo chiều thẳng đứng và phân bố theo chiều ngang. Trong đó phân bố theo chiều thẳng đứng như sự phân thành nhiều tầng cây, phân tầng thẳng đứng giúp cho sinh vật thích nghi với các điều kiện chiếu sáng khác nhau và bên cạnh đó sự phân tầng của thực vật kéo theo sự phân tầng của động vật. Phân bố theo chiều ngang trên mặt đất như sự phân bố sinh vật từ chân núi đến sườn núi và đỉnh núi; phân bố sinh vật từ vùng đất ven bờ đến vùng ngập ven bờ và vùng khơi. Phân bố theo chiều ngang giúp sinh vật thường tập trung ở nơi có điều kiện sống thuận lợi.
– Thứ ba: Đặc trưng về quan hệ dinh dưỡng:
Quần xã sinh vật gồm nhiều nhóm có các quan hệ dinh dưỡng khác nhau:
+ Nhóm các sinh vật sản xuất bao gồm cây xanh có khả năng quang hợp và một số vi sinh vật tự dưỡng.
+ Nhóm các sinh vật tiêu thụ bao gồm các sinh vật ăn thịt các sinh vật khác như động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật.
+ Nhóm sinh vật phân giải là những sinh vật dị dưỡng, phân giải các chất hữu cơ có sẵn trong thiên nhiên. Thuộc nhóm này có nấm, vi khuẩn, một số động vật đất.
Xem thêm:
>>> Đặc trưng nào sau đây không đúng cho quần xã sinh vật?
- Rừng dừa là một quần xã, gồm có các quần thể: dừa, chuối, cỏ, bọ dừa, giun đât, vi sinh vật...
- Dừa che mát, chắn bớt gió cho chuối.
- Chuôi che mát và giữ ầm gốc cho dừa.
- Giun làm xốp đất cho dừa, chuôi, cỏ.
- Cỏ giữ ẩm gốc cho dừa, chuối đồng thời cạnh tranh chất dinh dưỡng trong đất với dừa, chuối.
- Dừa, chuối, cỏ giữ cho đất ẩm, có nhiệt độ thích hợp cho hệ vi sinh vật phát triển.
------------------------
Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi trên đây về Những dấu hiệu điển hình của một quần xã sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc học tập và ôn luyện hơn. Nhằm nâng cao kết quả học tập cho các bạn.