logo

Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

Để nghị luận về một tư tưởng đạo lí, cần phải giải thích chính xác từ ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng,…nhằm xác lập một cách hiểu đúng đắn và sâu sắc có tính biện chứng để chống đi sai vấn đề, hiểu không đầy đủ, không hết ý. Sau đây mời quý thầy cô và các bạn học sinh cùng tham khảo bài viết Nghị luận về một tư tưởng đạo lí


Trình tự lập luận về một tư tưởng đạo lí

Thường thì để làm một bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý phải thực hiện lập luận theo 5 bước sau:

+ Phải nêu rõ được nội dung, ý nghĩa của vấn đề nghị luận là tư tưởng đạo lý gì.

+ Phải giải thích 3 loại nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa sâu.

+ Bàn luận chứng minh các mặt đúng – sai, tích cực – tiêu cực.

+ Mở rộng, nâng cao vấn đề tư tưởng đạo lý đó.

+ Khẳng định vấn đề và liên hệ.

nghị luận về một tư tưởng đạo lí

Các cách làm văn nghị luận về tư tưởng đạo lý

Bước 1: Đọc kỹ đề

Đọc kỹ đề là yêu cầu đầu tiên vì đọc kỹ đề giúp ta hiểu rõ yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống. Đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ, cụm từ quan trọng để giải thích và xác lập luận điểm cho toàn bài. Từ đó có định hướng đúng mà viết bài cho tốt.

 Bước 2: Lập dàn ý

Thứ nhất: Mở bài

Giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.

Nêu khái quát nội dung, ý nghĩa tư tưởng đạo lý

Thứ hai: Thân bài

Cần trình bày các ý chính sau:

– Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận:

Lí giải từ ngữ, điển tích, khái niệm, đi vào nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hẹp, nghĩa mở rộng, đi vào những cách nói tế nhị bóng bẩy để hiểu được đến nơi đến chốn luận đề được đưa ra nhằm xác lập một cách hiểu đúng đắn, sâu sắc có tính biện chứng nhằm chống tránh cách hiểu sai, hiểu không đầy đủ, không hết ý. Bước kết thúc của thao tác giải thích là rút ra được ý nghĩa của luận đề.

– Phân tích, chứng minh vấn đề bằng những dẫn chứng cụ thể

+ Làm sáng tỏ chân lý bằng các dẫn chứng và lí lẽ.

+ Tìm hiểu điều cần phải chứng minh, không những chỉ bản thân mình hiểu, mà còn phải làm cho người khác thống nhất, đồng tình với mình cách hiểu đúng nhất

+ Lựa chọn dẫn chứng. Từ thực tế cuộc sống rộng lớn, tư liệu lịch sử rất phong phú, ta phải tìm & lựa chọn từ trong đó những dẫn chứng xác đáng nhất, tiêu biểu, toàn diện nhất (nên chỉ cần vài ba cái để làm sáng tỏ điều cần CM).

Dẫn chứng phải thật sát với điều đang muốn làm sáng tỏ và kèm theo dẫn chứng phải có lí lẽ phân tích – chỉ ra những nét, những điểm ta cần làm nổi bật trong các dẫn chứng kia.

Để dẫn chứng và lí lẽ có sức thuyết phục cao, ta phải sắp xếp chúng thành 1 hệ thống mạch lạc và chặt chẽ: theo trình tự thời gian, không gian, từ xưa đến nay, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong hoặc ngược lại… miễn sao hợp logic.

– Bình luận (bàn bạc, mở rộng vấn đề): phải bày tỏ thái độ, để khách quan và tránh phiến diện, ta phải xem xét kĩ luận đề để từ đó có thái độ đúng đắn.

– Bày tỏ thái độ: có 3 khả năng.

+ Hoàn toàn nhất trí.

+ Chỉ nhất trí 1 phần (có giới hạn, có điều kiện).

+ Không chấp nhận (bác bỏ).

– Sau đó, ta bình luận – mở rộng lời bàn để vấn đề được nhìn nhận sâu hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn.

Thứ ba: Kết bài

– Liên hệ thực tế bản thân

– Rút ra bài học cho bản thân bài học nhận thức và hành động.

Bước 3: Kết bài

Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.


Dàn ý Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

1. Mở bài

Xác định và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận là một tư tưởng đạo lí thuộc lĩnh vực đạo đức, lối sống của con người ( Ví dụ vấn đền cần nghị luận là câu nói “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”).

2. Thân bài

- Giải thích về tư tưởng đạo lí đó, bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

+ Nghĩa đen: Ăn quả thì phải nhớ đến người đã vất vả chăm bón, trồng cây.

+ Nghĩa bóng: Sống ở đời phải biết ơn, kính trọng những người đã giúp ta trong lúc gian khổ, khó khăn. 

- Biểu hiện của lòng biết ơn: Biết ơn, yêu quý, kính trọng những người cung quanh, những người giúp đỡ mình…=> Nêu một vài dẫn chứng cụ thể: con cháu lễ phép, ngoan ngoãn, hiếu thảo với ông bà cha mẹ; tặng hoa cho thầy cô giáo vào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 để bày tỏ tấm lòng yêu thương thầy cô đã dạy bảo mình…

- Ý nghĩa: Giúp con người hoàn thiện về mặt nhân cách, tạo ra một xã hội văn minh…

- Phản đề: nếu sống vô ơn, không biết trân trọng những người từng giúp đỡ mình thì sẽ gặp kết quả không tốt.

3. Kết bài 

Liên hệ bản thân 


Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

Từ xưa đến nay, ông cha vẫn thường căn dặn chúng ta sống phải biết ơn, tôn trọng những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng. Điều đó thể hiện rõ trong câu tục ngữ:

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Câu tục ngữ như một lời khuyên đối với chúng ta. Xét về nghĩa đen, “quả” là cái thơm ngon nhất của cây, kết tinh sự tinh khiết qua thời gian. Vì vậy khi ăn một trái quả thơm ngon thì ta phải nhớ tới những người đã trồng ra cây đó. Nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ lại muốn khuyên chúng ta khi được hưởng một thành quả nào đó thì phải nhớ ơn những người đã tạo ra thành quả ấy. “Ăn quả” là hình ảnh nói về những người hưởng thành quả, còn “trồng cây” là hình ảnh nói về những người làm ra thành quả cho người hưởng thụ.

Vậy vì sao “ăn quả” phải nhớ “kẻ trồng cây”? Vì tất cả những thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên mà có được. Những thành quả đó là mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệ và cả xương máu của biết bao lớp người tạo nên để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho chúng ta.

Đã bao giờ ta tự hỏi: Tại sao ta lại có mặt trên đời này? Đó là công ơn của cha mẹ. Cha mẹ luôn ở bên cạnh ta ngay cả những lúc ta buồn vui, san sẻ, nuôi dưỡng những ước mơ của chúng ta. Còn thầy cô giáo là những người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi chỉ bảo, mở ra cho chúng ta những kho tàng kiến thức của nhân loại, để rồi chắp cánh ước mơ cho chúng ta. Bên cạnh đó, công ơn của các chú bộ đội, các cô thanh niên xung phong cũng rất to lớn.

Không có họ, làm sao chúng ta được hưởng sự bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay, được cắp sách tới trường vui đùa với bạn bè. Rồi những người công nhân, kĩ sư, bác sĩ không tiếc mồ hôi, công sức, trí tuệ lao động của mình. Họ đều là những người dám hi sinh cuộc đời mình để cống hiến cho đất nước. Chúng ta phải nhớ ơn họ, vì đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay : “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”.

Hiểu vấn đề trên ta phải hành động như thế nào? Hằng năm, nhà nước ta vẫn luôn nhớ đến công ơn của những người đã tạo ra thành quả cho chúng ta được hưởng thụ, điều đó rất hợp với tình người. đối với cha mẹ, cũng có những người con hết lòng thương yêu, kính trọng cha mẹ vì họ hiểu cha mẹ chính là người tạo ra cuộc sống cho họ ngày hôm nay.

Thật đúng với lời khuyên của câu tục ngữ. Chúng ta, mỗi người ai cũng cần phải có ý thức bảo vệ và phát huy đạo lí đó. Thực hiện tốt bổn phận làm con trong gia đình, bổn phận người học trò trong nhà trường, biết ơn những thế hẹ đi trước là những điều chúng ta phải ghi nhớ.

Câu tục ngữ đã để lại một bài học thật quý giá. Chúng ta những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ học tập để giữ gìn những thành quả mà ông cha đã tạo dựng và luôn nhắc nhở nhau sống.

-----------------------------

Qua bài viết trên đây của Top lời giải đã cùng bạn tìm hiểu Nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Mong rằng các bạn sẽ có thật nhiều kiến thức bổ ích giúp học tốt hơn. Chúc các bạn đạt kết quả cao! 

icon-date
Xuất bản : 17/06/2022 - Cập nhật : 15/08/2023