logo

Nghị luận bài thơ Thương vợ

Thương vợ là một trong những thi phẩm độc đáo của nhà thơ Tú Xương. Hiếm có một nhà thơ nào lại thể hiện tình cảm dành cho vợ chân tình, mộc mạc và lại đằm thắm yêu thương như vậy trong thơ ca. Cùng Toploigiai Nghị luận bài thơ Thương vợ để hiểu thêm về vẻ đẹp của nhân vật bà Tú cùng tình yêu thương vợ sâu sắc của Tú Xương nhé.


Nghị luận bài thơ Thương vợ - Mẫu 1

Mở bài Nghị luận bài thơ Thương vợ

        Tú Xương là một cá tính thơ có phần nổi loạn, bằng giọng thơ chua chát và sắc nhọn của mình ông đã làm phơi bày xã hội phong kiến thối nát, bất công. Nhưng trong mạch thơ trào phúng ấy, Thương Vợ dường như là một mạch nguồn rất riêng, mà ở đó nhà thơ thể hiện những niềm lắng lòng thiêng liêng sâu xa cho người phụ nữ tần tảo hi sinh cho đời ông.

Nghị luận bài thơ Thương vợ | Văn mẫu 11 hay nhất

Thân bài Nghị luận bài thơ Thương vợ

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

         Chỉ từ một vài điểm tựa trong câu thơ đầu tiên về mặt ngôn ngữ, có thể thấy được hoàn cảnh ngặt nghèo và đầy nguy hiểm của bà Tú. Buôn bán ở mom sông, nơi gặp không ít những trắc trở gập ghềnh của kẻ buôn người bán, thế nhưng vẫn đều đặn ngày này qua tháng khác, quanh năm ngày tháng bươn chải, lặn lội trên chính mảnh đất của sự nguy hiểm ấy để kiếm sống nuôi gia đình, cụ thể là nuôi đủ năm con với một chồng. Điều đó có thể thấy được sự hi sinh và những tần tảo sớm hôm của bà Tú cho gia đình của mình, đó không chỉ là sự hy sinh, mà còn là sự đánh đổi, một sự cao thượng và vị tha mà không phải bất cứ người vợ nào cũng có thể làm được.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

       Các từ láy tượng thanh tượng hình được đảo ngữ, đặt lên đầu câu như bản lề khép mở bức tranh thân phận của bà Tú. Một lần nữa, hình ảnh thân cò mong manh một mình lặn lội kiếm ăn lại được xuất hiện trong ca dao. Nếu như trong ca dao xưa, con cò là một chất liệu dân gian, dáng cò hao gầy cũng như nắng mưa mà người lao động phải gánh trên đôi vai cùng dáng đi thấp thỏm và cô đơn trong chiều muộn của nó, gợi đến hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ thì ở đây Tú Xương dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy để gợi một cái tứ mới hơn, cái tứ về người vợ. Từ láy “eo sèo” gợi chút gì đó trôi nổi, tàn tạ, héo hon của gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai gầy người phụ nữ. Lặn lội bươn chải quanh năm, dầu dãi nắng mưa chen chúc nơi những phiên chợ vốn ồn ã và lắm thị phi, bà Tú lại vốn là con gái nhà quan, thế chẳng phải là một sự hy sinh, một sự dấn thân rất mực cao cả và thậm chí nén chặt những ngậm ngùi trong gánh hàng bán buôn của mình ư. Chính vì thế, nó làm dấy lên trong ông Tú những chua xót ngậm ngùi, về việc thế thời đã làm ông ra nông nỗi này, cái thời buổi thật giả trắng đen lẫn lộn, khiến những kẻ thị tài và chơi ngông với cả cái tài của mình như ông Tú chẳng còn chỗ nương thân, sự hy sinh của bà Tú để vun vén cho đường hoạn lộ công danh của chồng, vừa là sự hi sinh, vừa khiến ông Tú cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn, thế nhưng cái bệnh nghệ sĩ, cái máu văn thơ đã ngấm vào từng thớ vỏ tâm hồn mình nên ông Tú lại chỉ âu đành phận, và cứ để bà Tú một mình bươn chải với chốn lao xao:

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”.

         Cái duyên chỉ là một nửa, còn trong ông Tú cũng phần nào xót thương cho người vợ tri kỷ của mình, mà tự nguyện thấy rằng, bà Tú một mình gánh trên vai kiếp đèo bòng, là phận bạc héo hon khi phải từ bỏ thân thế cao quý của mình mà nuôi sống gia đình. Tránh hồng nhan bạc phận, từ phận trong câu thơ của ông Tú nghe mới thật chua chát ngậm ngùi làm sao, tự ông cũng cảm thấy mình là gánh nặng, là nỗi hao gầy làm hao mòn đôi vai nhỏ bé và gầy guộc của bà Tú, “năm nắng, mười mưa” vẫn kiên trì gánh vác tất cả những lo toan, tất bật và khó nhọc trên đôi vai nhỏ của mình.

         Thế nhưng một người như ông Tú, chẳng biết làm gì hơn, là chua xót về thân phận kiếp đời mình, tiếng than mà cũng là tiếng chửi chính mình ở hai câu thơ cuối vì thế là sắc độ trào phúng sâu sắc nhất mà nhà thơ gửi đến chính mình:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không”.

         Thói đời ăn ở bạc, thói đời bất công đầy thối nát đã biến ông Tú từ một kẻ đầy ý thức về tài năng, thế nhưng cũng bị xã hội ấy rửa trôi đi cái tài ấy, và khiến ông trở thành kẻ ăn bám vợ, khiến ông say trong men rượu, mượn rượu ca tửu để quên đi nỗi chua chát của đời, nhưng cũng vì thế, mà ông Tú càng thương bà Tú, niềm thương ấy không chỉ là sự thương xót, mà còn là sự trân trọng, thương cảm, thấu hiểu và đầy dằn vặt ăn năn về bản thân mình.

Kết bài Nghị luận bài thơ Thương vợ

         Xã hội trung đại vốn là một xã hội phân biệt đẳng cấp, người phụ nữ thấp cổ bé họng chỉ như con sâu, con kiến, cái chổi cùn…ấy thế nhưng, Thương Vợ đã dường như cho thấy một bước ngoặt mới trong thơ trung đại, khi người phụ nữ được trân trọng, và lắng nghe những nỗi đắng cay tủi hờn của chính họ.


Nghị luận bài thơ Thương vợ - Mẫu 2

       Tú Xương là một nhà thơ có phong cách độc đáo trong văn học trung đại Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác của mình có một đề tài chiếm vị trí quan trọng trong thơ ông chính là hình ảnh bà Tú. Ông đã từng sáng tác văn tế sống vợ để nói về những vất vả, lam lũ, những sự hy sinh không mệt mỏi của bà Tú. Với bài thơ Thương vợ ông đã thể hiện một tình cảm yêu thương chân thành dành cho người vợ của mình. Hình ảnh bà Tú cũng hiện lên thật sinh động với những vẻ đẹp đáng trân trọng của người phụ nữ trong xã hội xưa.

     Những câu thơ đầu tiên gợi lên cuộc đời đầy vất vả với công việc nặng nhọc của bà Tú nơi bến sông. Với công việc buôn bán khiến bà Tú luôn phải phơi sương, phơi gió ngoài đường. Mốc thời gian quanh năm từ nơi này sang khác, không có lấy một ngày để nghỉ ngơi. Chỗ làm việc của bà cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm “mom sông”. Đây là chỗ đất nhô ra bên bờ sông điều đó càng gợi thêm cuộc đời nhiều nắng mưa, cơ cực của bà.

Nghị luận bài thơ Thương vợ ảnh 2

     Công việc vất vả, nặng nhọc là thế nhưng bà Tú vẫn tảo tần một tay: “Nuôi đủ năm con với một chồng”, không than vãn, không kêu ca. Gánh nặng đè lên đôi vai người phụ nữ là thế, cách đếm con : “năm con” với: “một chồng” càng gợi ra cuộc sống cơ cực, khó khăn. Năm đứa con tốn kém nhưng thêm ông chồng là thi sĩ : “dài lưng tốn vải” thì càng tốn kém hơn. Đằng sau hình ảnh đó là một gia đình đông con, nhiều khó khăn còn người chồng cũng đang phải “ăn bám nhờ vợ”.

     Những từ láy eo sèo, lặn lội đặt lên đầu câu thơ giàu tính tạo hình đã gợi ra hình ảnh của bà Tú lặn lội bươn chải với công việc bên bến sông. Câu thơ gợi người đọc liên tưởng đến hình ảnh con cò trong ca dao xưa, đời bà Tú là cuộc đời của người phụ nữ vất vả, lầm lũi quanh năm : “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cũng là số phận chung của những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Công việc buôn bán nơi bến vắng, mom sông nguy hiểm, lại một mình lặn lội thật đáng thương. Những câu thơ là những tiếng thở dài chua xót của ông Tú dành cho người vợ của mình. Lời thơ vì thế càng trở nên, thấm thía hơn. Để kiếm được miếng cơm manh áo, bà Tú đã phải vất vả đến nhường nào. Từ láy “eo sèo” gợi ra cảnh mua bán chen chúc nơi quãng sông. Để nuôi được năm con với một chồng bà Tú đã phải giành giật, trả giá bằng cả mồ hôi lẫn nước mắt trong thời buổi khó khăn này.

     Vất vả và khó khăn là thế nhưng bà Tú chưa bao giờ dám than thân, trách phận, lúc nào bà cũng chấp nhận với cái “kiếp” của mình:

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

     Tú Xương đã vận dụng rất sáng tạo hai thành ngữ: “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”. Hai thành ngữ đối xứng với nhau hài hoà, tạo nên chất dân gian, mộc mạc, chất truyền thống trong thơ ca của Tú Xương. Duyên là duyên số, duyên phận, là cái nợ từ kiếp trước mà bà Tú phải cam chịu. Nắng và mưa là hình ảnh ẩn dụ cho những vất vả, khó khăn của cuộc đời. Những số từ trong câu một, hai, năm, mười đã làm rõ đức hy sinh thầm lặng của bà Tú, người phụ nữ luôn chịu thương, chịu khó tất cả vì hạnh phúc của chồng con.

     Qua bài thơ chúng ta không chỉ thấy hình ảnh đẹp về sự hy sinh vất vả của bà Tú mà còn là vẻ đẹp của tình yêu thương vợ. Viết về vợ, Tú Xương không dấu được sự xót xa, thương cảm với những sự cam chịu của vợ, ông ăn năn, day dứt vì chẳng làm gì được cho vợ. Ông chẳng ngần ngại cất tiếng chửi đời, chửi đổng : “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”. Đó là tất cả sự bất lực dồn nén trong tâm hồn của ông. Ông biết mình là gánh nặng của vợ, mình chưa làm gì được cho vợ, ông dám tự nhận những khuyết điểm của mình. Từ đó cho thấy ông là người có nhân cách cao đẹp.

     Có thể nói “Thương vợ” là một bài thơ xuất sắc của nhà thơ Tú Xương. Với thể thơ Đường luật nhưng bằng cách nói dân gian, gần gũi, bài thơ trở nên mộc mạc, dễ tiếp cận với đông đảo độc giả. Qua bài thơ người đọc thêm đồng cảm với thân phận người phụ nữ trong xã hội và thêm tin yêu, cảm phục nhân cách của người trí thức Tú Xương. 

Tham khảo thêm: Vẻ đẹp nhân cách Tú Xương trong bài thơ Thương vợ

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 18/08/2023