logo

Nghị luận bài thơ Nhàn

         Nhàn là bài thơ thấm đẫm nhiều triết lý sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vậy thì hãy cùng tham khảo những bài viết dưới đây cho đề văn nghị luận về bài thơ Nhàn nhé.


Mục lục nội dung

Nghị luận bài thơ Nhàn

Nghị luận bài thơ Nhàn | Văn mẫu 10 hay nhất

           Văn học có sứ mệnh nâng đỡ tâm hồn con người, khéo con người thoát khỏi vũng bùn lầy của sa ngã và cám dỗ. Vậy nên, dù một bài thơ, bài văn hay đến mấy, xúc cảm dạt dào đến mấy, nó nhất thiết chỉ có giá trị khi nó mang chứa một tư tưởng lớn, một triết lý sống thanh cao để hướng người đọc đến thế giới của chân thiện mỹ. Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm với những triết lý sâu sắc đã gửi gắm những chiêm nghiệm cả một đời thơ của thi nhân, từ đó nâng đỡ tâm hồn người đọc và hướng xúc cảm của người thưởng thức đến thế giới của cái đẹp.

          Mở đầu bài thơ, người đọc ngay lập tức cảm nhận được nhịp điệu chậm rãi, thong thả và sự thanh thản trong tâm hồn của người nghệ sĩ đằm mình vào trang viết:

“Một mai một cuốc một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

          Các từ một lặp lại 3 lần, cho thấy phần nào sự chuẩn bị đã sẵn sàng và độc thời khiến nhịp thơ càng thêm chậm, và mang đến cảm giác thư thái cho người đọc. Những hình ảnh một mai, một cuốc, một cần câu ấy đã khiến hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện trong câu thơ trên giống như một lão nông tri điền và một bậc tao nhân mặc khách, ông cáo quan về ở ẩn, tránh xa chốn quan trường bụi bặm về ẩn nơi thôn dã vui với thú điền viên, hòa mình với thiên nhiên cảnh vật. Đặc biệt, cách dùng từ rất giàu sức gợi của tác giả cũng phần nào giúp người đọc cảm nhận được rõ hơn tâm hồn, tư thế và tâm thế của tác giả. Từ “thơ thẩn” dã toát lên phần nào tư thế và tâm thế của nhân vật trữ tình, thoải mái, ung dung tự tại mà cũng đầy kiêu ngạo như một lời thách thức với đời rằng mặc ai vui thú nào, ta đây vẫn say sưa với thú điền viên, với thú an nhàn, qua đó phần nào giúp ta thấy được sự gắn bó của nhà thơ với nông thôn, với cuộc sống dân dã, bình dị đời thường.

         Tiếp tục mạch thơ trên, hai câu thơ thực lại gây ấn tượng trong lòng độc giả bởi sự sâu sắc, triết lý mà nó gợi ra:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

          Nơi vắng vẻ là nơi con người hiền hòa, hòa mình vào thú vui bình dị, không ganh đua đố kị. Và đó cũng là nơi tâm hồn con người tìm được cho mình những khoảng lặng giữa sự bộn bề của cuộc đời nặng nhọc bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Ngược lại, chốn lao xao là chốn quan trường với những ganh đua, ganh ghét, là cửa ải danh lợi ồn ào, phiền não. Như vậy, có thể thấy ở đây nhà thơ sử dụng lối nói ngược mang hàm nghĩa mỉa mai: Người khôn vậy mà cứ đến chốn lao xao sống, như con thiêu thân lao đầu vào ngọn đèn. Họ có biết đâu ở đấy đầy rẫy những ganh đua, đố kị, mưu sâu kế hiểm thâm độc, sống ở đó con người luôn luôn phải mệt mỏi, phải suy nghĩ đắn đo, vạch mưu tính kế, liệu có vui sướng được chăng? Hóa ra, cái dại của nhà thơ lại là cái dại khôn. Cái khôn của người hóa ra là cái khôn của dại. Cái dại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Đại trí như ngu”- cái dại của kẻ hiểu được quy luật vần xoay của thế sự nhân sinh:

          Từ đó, người đọc càng thấy được cái tâm và cái tầm của Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫu chỉ qua hai câu thực hàm súc, cô đọng. Việc rời xa chốn lao xao, tránh xa thị phi vòng danh lợi giúp ta thấy được tâm hồn thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời một cách kín đáo gửi gắm quan niệm về triết lý sống nhàn. Nhàn ở đây, là gắn với sự thanh cao, không bị vướng vào vòng danh lợi để tự tha hóa bản tính tốt đẹp của chính mình.

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

         Hai câu thơ trên ta đều thấy sự xuất hiện của những hình ảnh dân dã quen thuộc, bình dị của chốn thôn quê. Trở về với thiên nhiên, với xóm làng, tác giả thật sự hòa mình với cuộc sống thôn quê, cuộc sống của người nông dân chất phác đôn hậu, cuộc sống thanh đạm an nhàn. Mùa nào thức nấy, chẳng cần phải lo lắng, bon chen. Đó là sự hòa mình, gắn bó gần gũi với thiên nhiên, ngay trong sự giản dị nhưng ta vẫn cảm nhận được sự giàu có phong phú mà tự nhiên mang lại cho con người.

          Tuy nhiên, nếu đan xen ở các câu thơ trên vừa là những triết lý sâu sắc vừa là những chiêm nghiệm thấm thía thì đến câu kết, dường như toàn bộ tâm tư phía trên của nhà văn mới được bộc lộ trọn vẹn:

“Rượu, đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

          Trong câu thơ trên, có sử dụng điển tích chỉ phú quý công danh chỉ là ảo mộng, chỉ là áng phù vân trôi nổi, có rồi lại mất như một giấc mộng mà thôi. ở đây từ đó ta có thể thấy thái độ coi thường phú quý, vinh hoa, xem chúng chỉ là những điều phù phiếm thoáng hiện rồi lại vụt bay. Đó quả thực là một thái độ sống rất đáng trân trọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi ông sống trong chế độ phong kiến khủng hoảng, nền tảng đạo đức bắt đầu rạn nứt, thời đại con người lấy tiền ra để đo mọi thứ và những giá trị nhất thời được tôn sùng thì ở đó ta vẫn bắt gặp một bậc triết nhân với tâm hồn thanh cao, chính trực, không màng danh lợi.

          Bằng những vần thơ gần gũi mà không phô trương nhưng đằm sâu triết lý, bài thơ Nhàn giống như một thứ khí giới thanh cao đắc lực để giúp chúng ta - những người luôn bị vướng vào những cái “chùng chình hay vòng vèo” của cuộc sống được hiểu sâu hơn về lẽ đời, về những cám dỗ mà bản thân thường mắc phải. Vì thế nên bài thơ giống như một tấm gương để người đọc thế hệ sau răn mình, sửa mình, không bị sa xuống vũng bùn lầy của những cám dỗ ấy mà sống người hơn, hướng thiện hơn để hướng tới hai chữ CON NGƯỜI viết hoa. Có lẽ vì thế chăng mà giữa dòng thời gian chảy trôi vô thủy vô chung, Nhàn vẫn sống mãi với những giá trị nhân văn của nó.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021