logo

Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ lớp 10

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 1

       Đặng Trần Côn (chưa rõ năm sinh, năm mất) người làng Nhân Mục, tên nôm là làng Mộc, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. về sáng tác, ngoài tác phẩm chính là Chinh phụ ngâm, ông còn làm thơ chữ Hán và viết một số bài phú chữ Hán. Theo các tài liệu lịch sử, đầu đời Lê Hiển Tông, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long. Triều đình cất quân đánh dẹp, nhiều trai tráng phải từ giã người thân ra trận. Đặng Trần Côn cảm động trước nỗi khố đau mất mát của con người, nhất là những người vợ lính trong chiến tranh, đã viết Chinh phụ ngâm.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 2

       Khác với giai đoạn đầu của văn học trung đại say sưa trong cảm hứng ca ngợi hùng tâm tráng chí của người anh hùng, ca ngợi những chiến công vĩ đại của cả dân tộc, thì đến những thế kỉ 18, 19 khi mà nhà nước phong kiến bắt đầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng với sự diễn ra liên miên của các cuộc chiến tranh nội bộ, cướp đi sự bình yên của biết bao mái nhà, văn học lên ngôi và phát triển rực rỡ với cảm hứng nhân đạo, thay cho tiếng nói tha thiết về quyền sống của con người. Trong số đó phải kể đến “ Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn, được Đoàn Thị Điểm dịch lại.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 3

       Ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVIII với nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn, Chinh Phụ Ngâm đã mau chóng đi vào lòng mọi tầng lớp quần chúng. Trải qua hơn hai thế kỉ rưỡi cho đến nay, Chinh Phụ Ngâm luôn giữ nguyên giá trị của một viên ngọc văn chương sáng ngời, một sản phẩm đáng tự hào của xứ sở vốn "nổi tiếng thi thư". Trong đó, đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho thấy rõ tâm trạng cô đơn của người vợ nhớ chồng ra trận và nghệ thuật miêu tả tâm trạng bậc thầy của hai tác giả Đặng - Đoàn, với nghệ thuật diễn Nôm đặc biệt xuất sắc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Đoạn trích tinh cảnh lẻ loi của người chinh phụ viết về tình cảnh và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, buồn khổ trong thời gian dài người chồng đi đánh trận mà không rõ tin tức.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 4

       Văn học thế kỉ XVIII là văn học của những tiếng nói cảm thương, cảm thông cho số phận bất hạnh của người phụ nữ. Ngoài kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du ta cũng không thể không nhắc đến tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Tác phẩm là tiếng lòng thiết tha, thổn thức của người phụ nữ khi có chồng phải ra chiến trận. Tâm trạng của nhân vật được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 5

       Chinh phụ ngâm được tác giả Đặng Trần Côn sáng tác bằng chữ Hán vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, thời kì vô cùng rối ren của xã hội phong kiến. Chiến tranh xảy ra liên miên hết Lê - Mạc đánh nhau đến Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước chia làm hai nửa. Ngai vàng của nhà Lê mục ruỗng. Nông dân bất bình nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi. Dân chúng sống trong cảnh loạn li nấu da nấu thịt, cha mẹ xa con, vợ xa chồng. Văn học thời kì này tập trung phản ánh bản chất tàn bạo, phản động của giai cấp thống trị và nỗi đau khổ của những nạn nhân trong chế độ thối nát ấy. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra đời đã nhận được sự đồng cảm rộng rãi của tầng lớp Nho sĩ. Có nhiều người dịch tác phẩm này sang chữ Nôm, trong đó bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được đánh giá là hoàn hảo hơn cả bởi nó thể hiện gần như trọn vẹn giá trị nội dung và nghệ thuật của nguyên tác.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 6

       Nhà văn Tô Hoài đã từng khẳng định: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Và Đặng trần Côn đã sáng tác ra “Chinh phụ ngâm” bằng ngòi bút nhân đạo của mình, soi chiếu hiện thực tàn khốc gây ra bởi chiến tranh đã chia cắt bao tình yêu đôi lứa. Đặc biệt, qua đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” Đặng Trần Côn đã chiếu ngòi bút của mình xuống những nỗi đau của người phụ nữ trong chiến tranh để cất lên tiếng nói của con người thời đại, tiếng nói oán ghét chiến tranh phi nghĩa, tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 7

       Phải chăng trong bất cứ cuộc chia li nào thì người ở lại cũng là người đau khổ nhất. Nền văn học Việt Nam đã chứng kiến biết bao cuộc chia li trong lịch sử, đặc biệt ở thế kỉ XVIII, Đặng Trần Côn đã lấy bối cảnh cuộc chia li đầy lưu luyến, bi thương của người phụ nữ phải xa chồng trong thời gian dài, chờ tin chồng ra trận trở về với khao khát hạnh phúc lứa đôi qua khúc ngâm Chinh phụ ngâm khúc. Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" là đoạn trích tiêu biểu nhất diễn tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 8

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”

       Văn học Việt Nam đã từng chứng kiến biết bao những cuộc chia li, tiễn biệt đầy lưu luyến như thế. Và ở thế kỉ thứ XVIII, “Chinh phụ ngâm” một tác phẩm lấy từ đề tài chia li trong chiến tranh đã của Đặng Trần Côn đã cho chúng ta thấy được một cuộc tiễn biệt thấm đẫm tâm trạng, đằng sau đó là nỗi đau người phụ nữ có chồng đi chinh chiến. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã làm nỗi bật lên nỗi lẻ loi cô đơn cùng những nhớ mong, và có cả những khao khát hạnh phúc của người chinh phụ.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 9

       Thơ hay là hay ở cảm xúc, để từ đó nó không chỉ khiến người ta đắm chìm vào cách gieo vần hay tứ thơ, mà còn khiến trái tim người đọc phải rung lên những xúc cảm để đồng điệu cùng nỗi lòng nhân vật. Đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” dưới bản dịch xuất sắc của Đoàn Thị Điểm đã làm được điều ấy. Đoạn thơ khắc họa hình ảnh người chinh phụ đơn độc, vò võ canh trường ngóng chờ tin tức người chinh phụ trên chiến trận.


Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu số 10

       Sự kết hợp hoàn hảo giữa Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã cho ra đời một kiệt tác lưu danh ngàn đời “Chinh Phụ Ngâm”. Trong đó, đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, tuy chỉ là một trích đoạn nhưng đã phần nào thâu tóm được linh hồn của cả khúc ngâm, khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến tình cảnh cô đơn, cô độc của người chinh phụ khi ngóng trông tin tức người chinh phu.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Mở bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 10/05/2021 - Cập nhật : 10/05/2021
/* */ /* */
/*
*/