1. Phép thử nghiệm
- Trong các trò chơi, thí nghiệm tung đồng xu, bốc thăm, gieo xúc xắc, quay xổ số,…, mỗi lần tung đồng xu hay bốc thăm như trên thì được gọi là một phép thử nghiệm.
- Các kết quả của trò chơi, thí nghiệm có thể xảy ra gọi là kết quả có thể.
- Khó dự đoán chính xác kết quả.
- Có thể liệt kê được tập hợp tất cả các kết quả có thể xảy ra của phép thử nghiệm
2. Sự kiện
Khi thực hiện trò chơi hoặc thí nghiệm, một sự kiện có thể xảy ra hoặc không xảy ra tùy thuộc vào kết quả ta nhận được khi thực hiện trò chơi, thí nghiệm đó.
+) Có thể xảy ra: Đúng với kết quả nhận được.
+) Không xảy ra: Không đúng so với kết quả nhận được.
Phương pháp:
Bước 1: Liệt kê các kết quả có thể xảy ra.
Bước 2: Viết các kết quả trong một tập hợp.
3. Đánh giá sự kiện
Phương pháp:
Bước 1: Thực hiện phép thử nghiệm hoặc trò chơi.
Bước 2: Kiểm tra sự kiện có xảy ra hay không.
Bước 3: Kết luận sự kiện có thể xảy ra hoặc không xảy ra.
Kĩ năng cần đạt:
Nhận biết tính không đoán trước trong kết quả của một trò chơi, thí nghiệm.
Liệt kê các kết quả có thể xảy ra trong các trò chơi, thí nghiệm đơn giản.
Nhận biết một sự kiện trong trò chơi, thí nghiệm có xảy ra hay không.
Ví dụ 1: Có một túi kín có chứa một số viên bi màu xanh và đen, có cùng kích thước. Trung và Hương chơi trò chơi với luật chơi như sau:
Mỗi người lấy ngẫu nhiên một viên bi từ túi, ghi màu viên bị lấy ra rồi trả lại viên bi vào túi. Mỗi người chơi 10 lần rồi tính số chênh lệch giữa số bi xanh và số bi đen lấy được (số lớn trừ số bé). Người nào có số bi chênh lệch lớn hơn thì sẽ thắng. Kết quả của Trung và Hương sau khi lấy 10 lần là:
Trung lấy được 4 bi đen, 6 bi xanh.
Hương lấy được 7 bi đen, 3 bi xanh.
Hỏi ai là người thắng?
Giải
Số chênh lệch giữa số bi xanh và số bi đen của Trung là: 6 - 4 = 2 (viên bi).
Số chênh lệch giữa số bi xanh và số bị đen của Hương là: 7 - 3 = 4 (viên bi).
Vậy Hương là người thắng.
Ví dụ 2:
Gieo đồng thời 2 con xúc xắc. Số chấm xuất hiện sau khi gieo lần 1 là 4 chấm, lần 2 là 3 chấm.
Quan sát số chấm xuất hiện và kiểm tra các sự kiện:
Giải:
+ Tổng số chấm xuất hiện trên hai con xúc xắc là số chẵn.
Tổng số chấm là 4+3 = 7. Đây là số lẻ nên sự kiện “Tổng số chấm xuất hiện trên hai con xúc xắc là số chẵn” không xảy ra.
+ Tổng số chấm xuất hiện trên hai con xúc xắc lớn hơn 6.
Tổng số chấm là 7 > 6. Vậy sự kiện “Tổng số chấm xuất hiện trên hai con xúc xắc lớn hơn 6” xảy ra.
Thông qua kiến thức Lý thuyết Toán 6 Bài 42 Kết quả có thể và sự kiện trong trò chơi, thí nghiệm, hi vọng các em sẽ giải thành thạo các bài tập trong SGK Toán 6 sách mới KNTT.