logo

Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều Bài 9: Miễn dịch ở người và động vật

Tóm tắt Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều Bài 9: Miễn dịch ở người và động vật theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Tổng hợp lý thuyết Sinh học 11 trọn bộ chi tiết, đầy đủ.

Bài 9: Miễn dịch ở người và động vật


I. Nguyên nhân gây bệnh ở người và động vật

- Bệnh là sự rối loạn, suy giảm hay mất chức năng của các tế bào, mô, cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Bệnh được chia thành hai loại: bệnh truyền nhiễm (HIV/AIDS, cúm, nấm da, sốt rét, lở mồm long móng,...) và bệnh không truyền nhiễm (ung thư, loãng xương, thoái hoá khớp, cận thị....). 

- Bệnh truyền nhiễm thường do các nguyên nhân bên ngoài (virus, vi khuẩn, nấm, nguyên sinh vật,...) gây ra. Ngược lại, bệnh không truyền nhiễm do cả nguyên nhân bên trong (rối loạn di truyền, thoái hoá, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt,...) và nguyên nhân bên ngoài (các tia bức xạ, hoá chất độc hại,...) gây ra.

- Cơ thể chỉ bị bệnh khi tác nhân gây bệnh hội tụ đủ ba yếu tố: có khả năng gây bệnh (độc lực), có con đường xâm nhiễm phủ hợp và số lượng đủ lớn (vượt tầm kiểm soát của cơ thể). Trong thực tế, có nhiều tác nhân gây bệnh tồn tại trong môi trường tự nhiên nhưng xác suất để chúng xâm nhiễm và gây bệnh trên người và động vật rất nhỏ.


II. Miễn dịch ở người và động vật

1. Hệ miễn dịch

- Miễn dịch là cơ chế bảo vệ đặc biệt của cơ thể có chức năng ngăn chặn, nhận biết và loại bỏ những thành phần bị hư hỏng hoặc các tác nhân gây bệnh, nhờ đó mà cơ thể ít bị bệnh. Ví dụ: Miễn dịch chống lại sự xâm nhiễm và gây bệnh của virus, vi khuẩn, nấm,...

- Cơ chế miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh được thực hiện bởi hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch bao gồm các cơ quan, tế bào trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chống lại các tác nhân gây bệnh. Ví dụ: Ở người có các cơ quan như tuỷ xương, tuyến ức, hạch bạch huyết, lá lách, da, niêm mạc,... và các tế bào miễn dịch như đại thực bào, tế bào tua, bạch cầu trung tinh, tế bào giết tự nhiên, tế bào mast, tế bào lympho,... Các cơ quan, tế bào của hệ miễn dịch tạo thành tuyến phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Dựa vào tính đặc hiệu với tác nhân gây bệnh, miễn dịch được chia thành hai tuyến: miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.

Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều Bài 9: Miễn dịch ở người và động vật

2. Miễn dịch không đặc hiệu

Để có thể xâm nhiễm và gây bệnh trên người, trước hết tác nhân gây bệnh cần phải vượt qua các hàng rào bảo vệ của miễn dịch không đặc hiệu, đó là hàng rào bề mặt và hàng rào bên trong cơ thể.

Hàng rào bề mặt cơ thể

Hàng rào bảo vệ chống lại sự xâm nhiễm, ức chế hoặc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Hàng rào này gồm có: da, niêm mạc, lông, dịch nhày, chất tiết của cơ thể như nước mắt, nước tiểu; hàng rào hoá học như acid (dạ dày, đường sinh dục), lysozyme (có trong nước bọt, nước mắt).

Hàng rào bên trong cơ thể

Hàng rào này có chức năng loại bỏ tác nhận gây bệnh khi chúng xâm nhập vào trong cơ thể theo các cách thức khác nhau:
- Các tế bào thực bào như đại thực bào và bạch cầu trung tính sẽ bắt giữ, bao bọc, tiêu diệt tác nhân gây bệnh (hình 9.2).

- Tế bào giết tự nhiên nhận diện những biến đổi bất thưởng trên bề mặt các tế bào bệnh, tiết protein làm chết các tế bào bệnh.

- Các tế bào tổng hợp peptide và protein có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều Bài 9: Miễn dịch ở người và động vật

3. Miễn dịch đặc hiệu

Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các tế bảo thực bào sẽ tiêu diệt tác nhân gây bệnh và trình diện kháng nguyên trên bề mặt tế bào. Tế bào trình diện kháng nguyên kích hoạt các tế bào T hỗ trợ. Khi được kích hoạt, tế bào T hỗ trợ tăng sinh và kích hoạt tế bảo B và T độc thực hiện đáp ứng miễn dịch theo hai cơ chế: miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.

- Miễn dịch dịch thể: Tế bào T hỗ trợ kích hoạt các tế bào B tăng sinh, biệt hoá thành hai loại tế bào là tế bào B nhớ và tế bào plasma. Các tế bào plasma sản sinh kháng thể để liên kết đặc hiệu và bất hoạt kháng nguyên trong dịch cơ thể (miễn dịch dịch thể). Khi các tác nhân gây bệnh bị bất hoạt bởi kháng thể, các tế bảo thực bào dễ dàng bắt giữ và loại bỏ chúng.

- Miễn dịch qua trung gian tế bào: Tế bào T hỗ trợ kích hoạt các tế bào T độc để chúng liên kết đặc hiệu với các tế bào bị nhiễm bệnh, đồng thời sản sinh enzyme và perforin làm cho các tế bảo nhiễm bệnh bị phân huỷ

- Sử dụng vaccine – chủ động tăng cường miễn dịch đặc hiệu: Con người có thể chủ động tăng cường miễn dịch đặc hiệu bằng cách tạo ra vaccine và đưa vào cơ thể người hoặc động vật. Vaccine là chế phẩm có chứa kháng nguyên hoặc chất sản sinh kháng nguyên, khi dưa vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch hình thành kháng thể bất hoạt kháng nguyên, đồng thời ghi nhớ kháng nguyên. Nhờ hình thành trí nhớ miễn dịch nên hệ thống miễn dịch có khả năng nhận diện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh (chứa kháng nguyên tương tự) nhanh và hiệu quả nếu chúng xâm nhập vào cơ thể ở lần sau. 

4. Dị ứng và sự suy giảm miễn dịch khi mắc một số bệnh

- Dị ứng: là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch ở người với một số chất kích thích, gọi là dị nguyên. Dị nguyên có thể có trong thức ăn, nọc độc của côn trùng, nấm mốc, thuốc, phấn hoa,... Khi vào trong cơ thể, dị nguyên sẽ liên kết với kháng thể trên bề mặt tế bào mast và kích hoạt tế bào mast giai phóng histamine và những chất gây phản ứng viêm. Những chất này sẽ kích hoạt nhiều loại tế bào và có thể gây các triệu chứng như hạ huyết áp, mẫn ngứa, sốc phản vệ, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ức chế quá trình hô hấp....

- Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch có thể bị suy giảm do mắc một số bệnh như HIV/AIDS, ung thư, bệnh tự miễn.

- HIV/AIDS: Khi cơ thể bị nhiễm HIV, virus tấn công vào các tế bào của hệ miễn dịch, ví dụ như các tế bào thực bào, tế bào lympho, đặc biệt là các tế bào T hỗ trợ. Sự suy giảm của các tế bào miễn dịch này sẽ làm cho hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi. Do đó, người bị bệnh HIV/AIDS dễ dàng mắc một số bệnh như ung thư, nhiễm trùng và các bệnh cơ hội.

- Ung thư: Ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Khối u phát triển trên da và màng nhày có thể phá vỡ rào cản tự nhiên và cho phép tác nhân gây bệnh xâm nhiễm. Các khối u lớn đè lên các cơ quan, bộ phận gây tổn thương hoặc làm giảm sự lưu thông của máu trong cơ thể.

- Bệnh tự miễn: Bệnh tự miễn là hiện tượng hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại một số phân tử của cơ thể do nhầm tưởng đó là kháng nguyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tự miễn như di truyền, môi trường sống có nhiều chất độc hại, chế độ làm việc căng thăng và chế độ dinh dưỡng không phù hợp.


III. Trắc nghiệm Sinh học 11 Cánh Diều Bài 9

Câu 1: Cơ chế của việc tiêm vacxin phòng bệnh là: 

A. Đưa kháng thể vào cơ thể, kích thích cơ thể sản xuất kháng nguyên

B. Đưa kháng nguyên vào cơ thể, kích thích cơ thể hình thành kháng thể

C. Đưa kháng thể vào cơ thể để tiêu diệt tác nhân gây bệnh

D. Đưa kháng nguyên vào cơ thể để tiêu diệt tác nhân gây bệnh

Giải thích: Cơ chế của việc tiêm vacxin phòng bệnh: Đưa kháng nguyên vào cơ thể, kích thích cơ thể hình thành kháng thể. Vacxin là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các vi rút hay vi khuẩn sống, giảm độc lực) dùng để kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch, đặc hiệu chủ động chống lại tác nhân gây bệnh.  

Câu 2: Tuyến nào sau đây được xem là tuyến bảo vệ thứ 3 của cơ thể người và động vật? 

A, Da và miễn dịch đặc hiệu

B. Đại thực bào và bạch cầu trung tính

C. Miễn dịch đặc hiệu

D. Miễn dịch không đặc hiệu

Giải thích: Tuyến bảo vệ thứ 3 của cơ thể người và động vật là miễn dịch đặc hiệu.

Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, các tế bào thực bào sẽ tiêu diệt tác nhân gây bệnh đồng thời trình diện kháng nguyên trên bề mặt tế bào. Tế bào trình diện kháng nguyên kích hoạt các tế bào limpho T hỗ trợ. Khi được kích hoạt, tế bào limpho T hỗ trợ tăng sinh và kích hoạt tế bào limpho B và limpho T độc thực hiện đáp ứng miễn dịch theo 2 cơ chế: 

+ Miễn dịch dịch thể 

+ Miễn dịch qua trung gian tế bào.

Câu 3: Thành phần nào sau đây có trong sữa mẹ mà không có trong các loại sữa bột và sữa đặc? 

A. Kháng nguyên

B. Kháng thể và lizozim

C. Chất vi lượng

D. Lơi khuẩn

Câu 4: Điều nào sau đây là đặc điểm riêng của miễn dịch thể dịch?

A. Đều là miễn dịch không đặc hiệu

B. Có sự hình thành kháng nguyên

C. Tế bào T độc tiết ra protein độc có tác dụng làm tan tế bào bị nhiễm virut

D Có sự hình thành kháng thể

Câu 5: Bệnh truyền nhiễm có hai phương thức lan truyền là:

A. Truyền thẳng; truyền chéo

B. Truyền ngang; truyền dọc

C. Truyền thẳng; truyền ngang

D. Truyền ngang; truyền chéo

Giải thích: Bệnh truyền nhiễm có hai phương thức lan truyền là: Truyền ngang; truyền dọc. 

+ Truyền ngang: Qua sol khí: bắn ra khi ho hoặc hắt hơi, Qua đường tiêu hóa (VSV từ phân vào cơ thể qua thức ăn). Qua tiếp xúc trực tiếp hay qua vết thương, qua quan hệ tình dục, đồ dùng hằng ngày. Qua côn trùng đốt, động vật cắn.

+ Truyền dọc: Truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, nhiễm khi sinh nở hoặc qua sữa mẹ. 

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Tóm tắt Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều Bài 9: Miễn dịch ở người và động vật  theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới Lớp 11 nhé. Chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 07/08/2023