Sự kiện Bức tường Béc-lin sụp đổ (11 – 1989) là một trong những biểu tượng cho sự kết thúc của Chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh kết thúc đã mở ra những xu thế phát triển mới của thế giới. Bài viết Lý thuyết Lịch Sử 12 KNTT bài 3 Trật tự thế giới mới sau chiến tranh lạnh sẽ cho chúng ta thấy được những xu thế phát triển chính của thế giới sau chiến tranh lạnh
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới phát triển theo những xu thế chính sau:
- Xu thế lấy phát triển kinh tế là trọng tâm: Sau Chiến tranh lạnh, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung vào ưu tiên phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc gia, đồng thời nâng cao đời sống người dân.
- Xu thế toàn cầu hóa: Sự kết thúc Chiến tranh lạnh và Trật tự thế giới hai cực I-an-ta, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học – công nghệ đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hoá.
- Xu thế đối thoại, hợp tác trong quan hệ quốc tế: Nhu cầu ổn định để phát triển kinh tế, đặc biệt là xu thế toàn cầu hoá đã thúc đẩy xu thế đối thoại, cùng hợp tác, thay cho xu thế đối đầu giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau trong quan hệ quốc tế.
a. Khái niệm đa cực
Đa cực là một thuật ngữ dùng để chỉ một trật tự thể giới có sự tham gia của nhiều nước, nhiều trung tâm, trong đó không một chủ thể nào áp đảo cũng như chi phối sự phát triển của thế giới.
b. Xu thế đa cực
- Sự gia tăng sức mạnh, tầm ảnh hưởng và vị thế về kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại.... của các nước lớn như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)....
- Sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ trong tương quan so sánh với các cường quốc khác.
- Vai trò ngày càng gia tăng của các trung tâm, tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, khu vực.