logo

Liên hệ bài thơ Khi mùa thu sang của nhà thơ Trần Đăng Khoa với một số bài thơ

“Góc sân và khoảng trời” là một trong những tập thơ nổi tiếng nhất của Trần Đăng Khoa trong đó có một bài thơ về mùa thu rất độc đáo đó là bài thơ “Khi mùa thu sang”. Với đề tài không mới nhưng qua cách cảm nhận, khai thác và cái nhìn trong trẻo của nhà thơ, người đọc vẫn thấy được nét riêng ở mùa thu Việt Nam trên trang thơ của ông. Chúng ta hãy cùng phân tích cái hay của tác phẩm và liên hệ bài thơ " khi mùa thu sang " của nhà thơ Trần Đăng Khoa với một số bài thơ khác để thấy được điều này.

Liên hệ bài thơ Khi mùa thu sang của nhà thơ Trần Đăng Khoa với một số bài thơ

Bài thơ “Khi mùa thu sang" có thể liên hệ với những bài nào?

1. Khi phân tích hình ảnh lá vẫn bay vàng sân giếng có thể liên hệ với bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến. Cả hai nhà thơ đều khai thác tín hiệu nghệ thuật đặc trưng của mùa thu là hình ảnh của lá vàng rụng, nhưng trên thơ Nguyễn Khuyến là lá vàng rụng trước gió, còn trên thơ Trần Đăng Khoa cụ thể hơn lá vàng rụng đầy sân giếng trước nhà. Hình ảnh mùa thu được khai thác trên nhiều chiều không gian hơn

2. Khi phân tích hình ảnh em nhỏ cưỡi trâu về ngõ có thể liên hệ với cậu bé chăn trâu trong “Ngàn sao làm việc” của Võ Quảng để thấy được vẻ đẹp của người lao động làm nên nét đẹp của mùa thu và đất trời. Mùa thu đẹp với thiên nhiên, không khí nhưng còn đẹp hơn chính ở con người nhất là những con người lao động với cuộc sống bình dị, thân quen.

>>> Tham khảo: Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ 


Liên hệ bài thơ Khi mùa thu sang với bài Thu điếu và Ngàn sao làm việc

      Cây bút thơ Trần Đăng Khoa được gọi là một trong những thần đồng của thơ ca Việt Nam. Làm thơ từ lúc còn rất nhỏ, những bài thơ của cậu bé luôn thể hiện những cái nhìn trong trẻo, đáng yêu và những liên tưởng rất thú vị về cuộc đời, con người. Bên cạnh những bài thơ về mùa xuân rực rỡ, mùa hè sôi động, mùa đông lạnh giá thì ông cũng có những bài thơ dành riêng cho mùa thu êm đềm, thi vị đó là “Khi mùa thu sang”

      Bài thơ có 4 khổ, mạch cảm xúc chủ đạo theo những cảm nhận về bước đi của thời gian, mùa thu đến với những nét đặc trưng của thiên nhiên, cảnh vật, mang đến những sự thay đổi của đất trời. Khổ thơ đầu tiên nhà thơ cảm nhận thiên nhiên mùa thu vào một thời điểm đặc biệt đó là khi trời xuống, khói bếp từ nhà ai đang tỏa ra, và qua con mắt tinh nghịch của nhà thơ thì ngọn khói xanh giống như thiếu nữ “lúng liếng” biết làm duyên điệu đà, gió sau vườn nhẹ nhàng và lá vàng vẫn bay đầy ở quanh sân giếng.

      Hình ảnh đặc trưng của mùa thu với lá vàng gợi liên tưởng đến một buổi chiều thu trên trang thơ Nguyễn Khuyến

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

      Nguyễn Khuyến cảm nhận mùa thu trong không gian hẹp, trên ao câu trước nhà, nhà thơ quan sát thấy lá vàng rụng và cảm nhận được bước chuyển tinh tế của thời gian khi mùa thu đến. Trần Đăng Khoa cảm nhận mùa thu bằng tín hiệu “lá vàng” quen thuộc nhưng trên một không gian rộng hơn, đó là ao, là bầu trời, là sân giếng. Và thiên nhiên trong thơ của Trần Đăng Khoa có nét tinh nghịch, tươi mới hơn thông qua các biện pháp tu từ nhân hoá, ngọn khói xanh “lúng liếng”, ngoài vườn “gió chẳng đuổi nhau”.

Liên hệ bài thơ Khi mùa thu sang của nhà thơ Trần Đăng Khoa với một số bài thơ (Ảnh 2)

      Bức tranh mùa thu tiếp tục được cảm nhận qua nhiều sự vật, hiện tượng khác, bằng những tín hiệu rất đặc trưng, đó là hương cốm mới, khoảng trời trong vắt điểm một vài ngôi sao. Thời gian cũng chuyển động dần dần từ chiều tối cho đến tối hẳn, để cảm nhận một bầu trời thu đặc trưng với nền trời trong leo lẻo, cao, thoáng đạt và mát mẻ đến lạ kỳ. Một loạt các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ như rung rinh, leo lẻo, thình lình khiến thiên nhiên thật gần gũi, thân quen và đáng yêu biết bao. Nó khác hẳn với vẻ trầm mặc, tĩnh lặng và có phần cổ điển trên trang thơ thu của Nguyễn Khuyến. Nhất là nổi bật lên trên bức tranh thiên nhiên của mùa thu ấy là con người

Em nhỏ cưỡi trâu về ngõ

Tự mình làm nên bức tranh

      Trung tâm của bức tranh của mùa thu không phải chỉ là thiên nhiên, cảnh vật mà là con người và lại là người lao động giản dị trong công việc thường ngày. Hình ảnh em nhỏ cưỡi trâu về ngõ gợi liên tưởng đến cậu bé trong “Ngàn sao làm việc” của Võ Quảng cũng thong dong trên lưng trâu trở về nhà sau một ngày lao động miệt mài

Trâu tôi đã ăn no

Trâu tôi đi đủng đỉnh

Như bước giữa ngàn sao

      Đó chính là vẻ đẹp của người lao động, là trung tâm của bức tranh mùa thu. Con người lao động đã làm nên vẻ đẹp của đất trời, làm cho mùa thu thêm sinh động, ấm áp. Đến khổ thơ cuối, nhà thơ thốt lên những dòng cảm thán “thu sang rồi đấy!thu sang!” như đang say sưa, ngây ngất với niềm vui của đất trời và vạn vật của mùa thu. 

      Mùa thu trên trang thơ của Trần Đăng Khoa không lạnh lẽo như thu của Nguyễn Khuyến, cũng không yêu kiều diễm lệ như đây mùa thu tới của Xuân Diệu, đó là một mùa thu rất nhẹ nhàng, ấm áp, đáng yêu, gần gũi, mùa thu rất riêng của Trần Đăng Khoa.

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Liên hệ bài thơ Khi mùa thu sang của nhà thơ Trần Đăng Khoa với một số bài thơ. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 21/04/2023 - Cập nhật : 03/07/2023

Tham khảo các bài học khác