logo

Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu

Hướng dẫn cách viết Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu hay nhất. Với các mẫu mở bài được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu - Mẫu số 1

Tóm lại, chỉ với 14 câu thơ đầu, bài thơ Tây Tiến đã để lại dấu ấn hết sức ấn tượng trong lòng độc giả. Những gian khổ, hi của những người lính là những kỉ niệm không bao giờ có thể quên được. Với bút pháp vừa hiện thực kết hợp với lãng mạn, Quang Dũng đã diễn tả tài tình nỗi nhớ, nỗi gian truân trên con đường cũng những người lính anh dũng, sự phấn đấu,cả những  hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ta. Nhưng ở họ vẫn ánh lên nét trẻ trung, niềm tin và kiêu hãnh.


Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu - Mẫu số 2

14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến để lại một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến mà sự thành công là kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Quang Dũng. Nửa thế hệ đã trôi qua, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ngày một thêm sáng giá như một khúc tráng ca, một bức tượng đài bất tử về người lính kháng chiến chống Pháp.


Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu - Mẫu số 3

Bằng ngòi bút hiện thực kết hợp lãng mạn đặc sắc, Quang Dũng đã khắc họa nên chặng đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến đầy khó khăn, thử thành nhưng cũng tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời. Qua đó, bạn đọc bắt gặp một Quang Dũng thật tài, thật tâm, thật sâu sắc.


Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu - Mẫu số 4

Với 14 câu thơ đầu dưới ngòi bút lãng mạn trữ tình của Quang Dũng đã trở thành kiệt tác của mọi thời đại. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt những câu thơ là nỗi nhớ. Quang Dũng đã miêu tả nỗi nhớ đó bằng ngòi bút tài tình giàu chất nhạc, chất hoạ và đậm chất thơ. Bài thơ là một khúc nhạc của tâm hồn, của cuộc sống. Bởi thế Xuân Diệu thật chính xác khi cho rằng bài thơ “Tây Tiến” như đang ngậm nhạc trong miệng. Bài thơ hay bởi có lẽ nó được viết lên từ ngòi bút hào hoa, lãng mạn và của một người lính Tây Tiến nên nó có cái rất riêng và rất đẹp. Mang chất lính nên Quang Dũng mới có thể viết được những vần thơ hay đến như thế. Bài thơ như một bức tượng đài bất tử đã tạc vào nền văn học Việt Nam hình ảnh những người lính trí thức vô danh. Bài thơ xứng đáng được xem là kiệt tác của Quang Dũng khi viết về người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa, phong nhã.


Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu - Mẫu số 5

Với mười bốn câu thơ đầu ngắn gọn mà giàu hình ảnh, cảm xúc, nhà thơ Quang Dũng đã phác họa nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội của đất trời Tây Bắc làm bức phông nền để từ đó làm nổi bật bức tranh chân dung, tâm hồn người lính Tây Tiến. Đoạn thơ đã góp phần làm nên sự thành công cho tác phẩm đồng thời khẳng định được tài năng nghệ thuật của tác giả.


Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu - Mẫu số 6

Chỉ với 14 câu thơ, Quang Dũng đã khắc hoạ được thiên nhiên Tây Bắc với đầy đủ sắc thái khác nhau. Từ đó làm nổi bật hình tượng người lính Tây Tiến nói riêng và những người lính trẻ nói chung. Họ sẵn sàng từ bỏ ánh điện phố thị, buông bút nơi giảng đường để cầm súng chiến đấu. Dù khó khăn, gian khổ chất chồng thì sự quyết tâm, tinh thần lạc quan và tâm hồn mơ mộng vẫn không hề vơi bớt.


Bài văn mẫu phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến

Bài văn mẫu 1

“Tây Tiến” là một sáng tác có giá trị sâu sắc về cả giá trị nội dung và nghệ thuật của nhà thơ Quang Dũng. Tác phẩm được coi là “sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn”. Có lẽ chính bởi rất nhiều người đọc cảm nhận được sự thăng hoa đó mà đến tận bây giờ, sức sống, những giá trị ý nghĩa của tác phẩm vẫn được người đọc nhắc đến. Mười bốn câu thơ đầu của tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc, nghĩ suy.

Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu hay nhất

Mười bốn câu thơ đầu bài thơ “Tây Tiến” là nỗi nhớ nhung da diết núi rừng Tây Bắc và đồng đội, đơn vị chiến đấu của nhân vật trữ tình. Mở đầu tác phẩm nhà thơ gợi ra hình ảnh dòng sông Mã đong đầy nỗi nhớ tình thương:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” tha thiết của người lính hay cũng chính là nhà thơ Quang Dũng vang lên từ chính thẳm sâu tâm hồn, gợi nhắc lại những kỷ niệm, những người đồng đội chí nghĩa chí tình đã từng gắn bó bao ngày. Nói về nỗi nhớ, trong “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu có viết:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”

Cũng viết về nỗi nhớ miền đất đã từng kháng chiến gian lao, Quang Dũng lại dùng ba từ “nhớ chơi vơi” đầy gợi hình, gợi cảm để diễn tả trọn vẹn nỗi nhớ da diết, cháy bỏng, đậm sâu. Nhớ về Tây Tiến là nhớ lại biết bao kỷ niệm đẹp gắn liền với các địa danh vùng đèo cao ghềnh dốc nơi đây:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Một loạt các địa danh được nhà thơ liệt kê ra vừa tạo thêm tính chân thực cho tác phẩm, đồng thời cũng gợi bao kỷ niệm ùa về. Đó là tháng ngày hành quân qua “Sài Khao” với thời tiết khắc nghiệt: “sương lấp”. Sương mù giăng lối, sương phủ mịt mù khắp không gian đất trời, phủ lên cỏ cây hoa lá, khắp đoạn đường hành quân khiến cho hành trình ra trận chiến đấu càng thêm gian lao, khắc nghiệt. Hiện thực đó được nhà thơ cực tả qua hình ảnh “đoàn quân mỏi”. Quang Dũng tiếp tục đưa dẫn hình dung tưởng tượng của người đọc qua Mường Lát, nơi đoàn quân Tây Tiến đã hành quân qua vào ban đêm. Dẫu cái tối đen mịt mù bao trùm khắp không gian đất trời, với tâm hồn lạc quan, yêu đời, người lính Tây Tiến vẫn cảm nhận được hương hoa rừng dịu mát trong đêm qua. Giữa bộn bề những gian nan, thử thách phải đối mặt, dường như hương hoa trong làn đêm Mường Lát ấy đã tạo thêm chút thi vị, nên thơ của cảnh sắc và khiến lòng người êm ái, thư giãn hơn.

Những câu thơ tiếp đó nhà thơ đã phác họa nên bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ nhưng cũng lắm gian truân, gập ghềnh với “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. “Khúc khuỷu” và “thăm thẳm”, hai từ láy ấy khi kết hợp cùng điệp từ “dốc” đã tái hiện chân thực độ dốc, độ sâu, độ xa ngút ngàn của thiên nhiên núi rừng. Một loạt các thanh trắc tác giả sử dụng ở đoạn này đã tinh tế gợi ra hình ảnh những con dốc ngoằn ngoèo, nhấp nhô, những thác ghềnh hiểm trở thử thách độ bền chí bền lòng của người lính Tây Tiến. Phác họa nên bức tranh hiện thực dữ dội ấy, Quang Dũng như thầm khẳng định và nhấn mạnh sức mạnh ý chí, tinh thần và sự kiên cường, bất khuất của người lính trên đường hành quân.

Có lẽ trong đoạn thơ, câu thơ “heo hút cồn mây súng ngửi trời” đã đem đến cho người đọc hình dung rõ nét nhất về những ngọn núi, triền đồi ngút ngàn đoàn quân phải vượt qua. Đảo ngữ “heo hút cồn mây” vừa phác họa một cảnh núi rừng quanh năm mây giăng phủ kín vừa nhấn mạnh vẻ cheo leo, nguy hiểm của con đường hành quân ra trận. Hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời” thể hiện sự lạc quan, yêu đời của người lính Tây Tiến đồng thời bộc lộ sự hóm hỉnh trong giọng thơ Quang Dũng. Hình ảnh gợi ta liên tưởng đến khung cảnh người lính đứng gác trên ngọn núi cao với tư thế chủ động, hiên ngang cứ ngỡ như mũi súng đã chạm đến bầu trời. Cách nhìn, sự liên tưởng ấy đã khẳng định vẻ đẹp tâm hồn người lính, những tâm hồn lạc quan, yêu đời dẫu thực tại còn nhiều khó khăn, khốc liệt. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc tiếp tục được nhà thơ khắc họa qua hình ảnh:

“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Dường như tác giả đang muốn nhắc nhớ về kỷ niệm những ngày ở Pha Luông với hình ảnh đậm chất phóng đại “mưa xa khơi”. Đó phải chăng là những ngày mưa nguồn suối lũ, chảy trôi ào ào từ thượng nguồn đổ về khắp các bản làng, thử thách ý chí, sự can trường của người lính. Dẫu vậy, với hình thức ngôn từ đa phần là thanh bằng, câu thơ lại đem đến cho ta một cảm giác tươi mát, êm dịu lạ thường và cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời luôn thắp sáng trong tâm hồn người lính Tây Tiến.

Tiếp nối những câu thơ miêu tả sự hùng vĩ và gian nan tột độ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc là những dòng thơ khắc họa hình ảnh người lính cùng đậm đà, thắm thiết một tình quân dân với đồng bào nơi đây. Trước hết nhà thơ bày tỏ niềm thương nỗi nhớ đồng đội, nhớ đoàn quân qua hai câu thơ:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Chiến tranh tàn khốc nổ ra không bao giờ ta tránh khỏi những mất mát, đau thương. Người lính Tây Tiến biết điều đó, và dũng cảm đối diện với thực tế rằng mình, đồng đội của mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Quang Dũng nhắc về sự hy sinh ấy với hình ảnh nói giảm nói tránh vừa làm nguôi ngoai nỗi đau vừa thể hiện sự trân trọng dành cho những hy sinh cao cả của đồng đội mình.

Nét dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc lại tiếp tục được nhà thơ khắc họa qua những hình ảnh sống động:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Tiếng thác nước đổ ào ào, tiếng cọp kêu dữ tợn vừa thể hiện sự dữ tợn, hiểm nguy của thiên nhiên nhưng cũng nhấn mạnh sự dũng cảm, lạc quan của người lính Tây Tiến. Cùng với đó, trên đoạn đường hành quân gian khổ ấy, nhân vật trữ tình còn không quên nhớ về và trân trọng những kỷ niệm, những phút giây gắn bó, sẻ chia yêu thương của đồng bào nơi đây:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Tiếng thơ “Nhớ ôi Tây Tiến” đã bày tỏ một tình cảm dạt dào, một tiếng lòng da diết nhớ thương của người lính về những kỷ niệm xưa. Hình ảnh “cơm lên khói” và “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” đã thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cũng như một tấm lòng khát khao cuộc sống ấm êm, hòa bình của người lính Tây Tiến. Hơn ai hết, họ hiểu và trân quý vô cùng những tình cảm đồng bào thiêng liêng ấy, nó như một nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh ý chí, tinh thần để họ có thể vượt qua những gian truân, thử thách trên chặng đường hành quân còn dài rộng phía trước.

Với mười bốn câu thơ đầu ngắn gọn mà giàu hình ảnh, cảm xúc, nhà thơ Quang Dũng đã phác họa nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội của đất trời Tây Bắc làm bức phông nền để từ đó làm nổi bật bức tranh chân dung, tâm hồn người lính Tây Tiến. Đoạn thơ đã góp phần làm nên sự thành công cho tác phẩm đồng thời khẳng định được tài năng nghệ thuật của tác giả.

Bài văn mẫu 2

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng chiếm lĩnh tâm hồn người đọc bởi tâm hồn lịch lãm, lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng và rất đỗi hồn hậu. Bài thơ Tây Tiến là một trong những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến của ông. Với 14 câu thơ đầu, cùng sự kết hợp hiện thực với lãng mạn, Quang Dũng dựng lại cảnh núi rừng Tây Bắc hung vĩ, dữ dội trong nỗi nhớ miên man đầy ắp của người lính Tây Tiến.

“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Bài thơ sáng tác tại Phù Lưu Chanh vào năm 1948 khi Quang Dũng đã chuyển đơn vị. Nhưng những ngày tháng Quang Dũng chiến đấu, sống ở đoàn quân Tây Tiến chưa lâu, với những kỷ niệm khó quên nên nỗi nhớ Tây Tiến da diết, cồn cào trong lòng tác giả. Toàn bài thơ là một nỗi nhớ. Tác giả nhớ về cuộc sống gian khổ, nhớ về kỷ niệm những đêm liên hoan, về cái âm u, hoang dã của rừng núi và in đậm nhất là nỗi nhớ của người lính Tây Tiến.

Bài thơ mở đầu bằng một lời gọi tha thiết:

“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi"

"Tây Tiến ơi" như chứa đựng cả một bầu trời thương nhớ với bao bâng khuâng hụt hẫng và nuối tiếc. Dường như dòng cảm xúc không thể kìm nén mà đã bật lên thành nỗi nhớ. Điệp từ “nhớ” như hai nốt nhấn khiến câu thơ đong đầy nỗi nhớ cháy bỏng, da diết đến quặn lòng. “Nhớ rừng núi” nhớ về thiên nhiên Tây Bắc, nhớ con đường hành quân cũng là nhớ về Tây Bắc. Hai từ “chơi vơi” khiến ta có cảm giác bồng bềnh, huyền ảo lơ lửng. dường như nỗi nhớ xóa nhòa khoảng cách thời gian, không gian, đưa con người đắm vào quá khứ, sống với kỉ niệm. Từ nỗi nhớ của Quang Dũng khiến ta nhớ đến nỗi nhớ của nhân vật trữ tình trong câu ca dao:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”

Nỗi nhớ trong ca dao là nỗi nhớ của tình yêu, nhớ đến đỏ lòng sốt ruột, còn nỗi nhớ của Quang Dũng là nỗi nhớ dành cho đồng đội cứ chảy trôi đến vô chừng. Từ nỗi nhớ ấy, bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ hoang sơ cứ dần dần hiện ra.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Tác giả liệt kê các địa danh “Sài Khao, Mường Lát” không chỉ gợi bao cảm xúc nhớ thương mà còn tạo ấn tượng về sự xa xôi, heo hút, hoang vu, bí ẩn, của những vùng đất lạ, chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách ý chí con người. những hình ảnh tả thực “sương lấp”, “đoàn quân mỏi” khiến ta như đang chứng kiến cảnh các chiến sĩ Tây Bắc đang phải vất vả hành quân trong đem sương giá lạnh. Sương giăng che lấp cả đoàn quân. Chữ “mỏi” nói lên bao gian khó mà người lính đã trải qua. Đằng sau những gian khổ vất vả ấy là hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” thật đẹp, vừa khắc họa vẻ thơ mộng của người lính vừa gợi tả nét lạc quan ở những người lính trẻ và chất lãng mạn trong hồn thơ của Quang Dũng.

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"

Giọng thơ bỗng trở nên gần gũi, dồn dập góp phần nhấn mạnh vào một địa thế hiểm trở đồng thời giúp người đọc cảm nhận được bước chân chắc nịch của người lính hằn in trên sỏi đá. Một loạt những từ láy giàu chất tạo hình "thăm thẳm", "khúc khuỷu", "heo hút" mở ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, núi non trùng trùng điệp điệp. Hình ảnh “sung ngửi trời” được tác giả nhan hóa thật thú vị, vừa tả độ cao của núi, của dốc như cao đến tận trời vừa thể hiện nét tinh nghịch, đậm chất lính của Quang Dũng.

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Hình ảnh mở ra một không gian xa rộng. Người lính tạm dừng chân bên dốc núi, phóng tầm mắt ra xa. Trong màn mưa giăng mịt mù, những ngôi nhà sàn của người dân tộc như bồng bềnh ẩn hiện. Một loạt thanh bằng như gợi tả niềm vui, một chút bình yên trong tâm hồn người lính.

Tiếp tục trong dòng chảy cảm xúc của Quang Dũng người đọc nhận ra giữa không gian núi rừng heo hút, giữa cái thăm thẳm của chốn đại ngàn vẫn hiện lên vẻ đẹp chân dung người lính Tây Tiến:

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

Biết bao khó khăn gian khổ của lính Tây Tiến được Quang Dũng dồn nén vào chữ "dãi dầu" thể hiện sự từng trải, nám sạm nắng mưa dạn dày sương gió, tư thế phớt lờ, coi thường hiểm nguy coi thường cái chết. Thì ra đó là những chàng trai giàu đức hi sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng chỉ như là khoảnh khắc thiếp đi vì mệt mỏi mà thôi.

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Giữa bao gian khổ khó khăn, thử thách khắc nghiệt đã thành ấn tượng thì niềm vui dù ít ỏi thì càng đáng nhớ hơn. Khói bếp, mùi thơm cơm nếp gợi cái ấm cúng của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Nỗi nhớ “chơi vơi” đã được lên thành “nhớ ôi Tây Tiến” - một nỗi nhớ sâu đậm chỉ có ở những con người sống tình nghĩa, chân thật.

Tóm lại, qua 14 câu thơ đầu, với sự kết hợp hiện thực với lãng mạn, Quang Dũng dựng lại cảnh núi rừng Tây Bắc hung vĩ, dữ dội trong nỗi nhớ miên man đầy ắp của người lính Tây Tiến. Đoàn quân Tây Tiến đã vượt qua những chặng đường dài vô cùng gian khổ, có mất mát, hi sinh nhưng vẫn ánh lên niềm tin, nét trẻ trung, kiêu hãnh.

---/---

Trên đây là các bài mẫu Kết bài Tây Tiến 14 câu đầu do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 20/03/2022 - Cập nhật : 15/11/2022