logo

“Huyền thoại mẹ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc là ai?

Câu trả lời đúng nhất: “Huyền thoại mẹ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc là mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại lần lượt hi sinh. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài bất hủ của tinh thần yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ Thứ được chọn làm nguyên mẫu cho công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng  - một công trình văn hóa cấp quốc gia, ghi nhớ công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).

Cùng Toploigiai tìm hiểu vì sao mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ được coi là một người mẹ huyền thoại trong bài viết dưới đây nhé!


1. Đôi nét về mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ 

Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, Mẹ lập gia đình với ông Lê Tự Trị. Năm 20 tuổi, Mẹ sinh con gái đầu lòng là chị Lê Thị Trị (còn gọi là Hai Trị). Bà có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm (từ năm 1948 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975). Bà trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Bà mất vào lúc 01 giờ 40 phút sáng ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Đà Nẵng.


2. Mẹ Nguyễn Thị Thứ - huyền thoại bất tử

Cuộc đời Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh. 

Thời gian trôi qua, mẹ có đến 12 người con, gồm 1 con gái và 11 con trai. Cuộc đời mẹ Thứ nuôi con trong những năm tháng lận đận, đói nghèo nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ lần lượt động viên 9 người con ra chiến trường. Người con gái lớn cùng Mẹ bám trụ với xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng.

Không có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 con rể của Mẹ Thứ tiếp chân nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc.

Nấm mồ này cỏ chưa kịp lên xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ khác. Mỗi lần nghe tin một người con hi sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Ðau thương không làm Mẹ gục ngã, Mẹ tiếp tục động viên những người con khác khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo.

Ở hậu phương, từ chống thực dân Pháp qua đánh đế quốc Mỹ, trong khu vườn của Mẹ luôn có 5 căn hầm bí mật dưới bụi tre, gốc mít, nơi Mẹ và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội, du kích. Bao đêm dài, Mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà. Trên miệng hầm, Mẹ trồng thật nhiều cỏ, vừa để ngụy trang, vừa cho bò ăn. Lúc không có địch, hai mẹ con mở hé cửa hầm cho người ở dưới dễ thở, hễ có động lại giả vờ ra dắt bò, cắt cỏ để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.


3. Mẹ Thứ - biểu tượng vĩnh hằng của Mẹ Việt Nam anh hùng

Hiếm có người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như mẹ Thứ. Trong chống Pháp và Mỹ, mẹ Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của 9 con trai và nhận tin con rể cùng 2 cháu ngoại hy sinh.

Sự mất mát, hy sinh của gia đình mẹ Thứ không có bút mực nào diễn tả hết. Nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ vẫn còn kể câu chuyện, vào năm 1998 khi một đoàn khách nước ngoài về thăm mẹ Thứ, một nhà báo, cựu chiến binh người Hàn Quốc đã hỏi mẹ: “Thưa bà, với quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận”?

Mẹ Thứ điềm tĩnh trả lời: “Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. Người cựu chiến binh Hàn Quốc sững người, rưng rưng nước mắt rồi thấp người xuống, cầm tay xin lỗi mẹ…

Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã qua đời hồi 1 giờ 40 phút ngày 10/12/2010, thượng thọ 106 tuổi. Mẹ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn.

Người Mẹ Việt Nam anh hùng huyền thoại tuy không còn trên cõi đời này nhưng tên tuổi Mẹ mãi mãi ngời sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bức tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ do tác giả Nguyễn Long Biểu sáng tác bằng đá sa thạch hiện được trưng bày tại khu vực ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chiếc nồi đồng bà dùng nấu cơm, đun nước uống cho chồng và các con cùng bộ đội, cán bộ cách mạng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam được trưng bày trong chuyên đề Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của bảo tàng này.

“Huyền thoại mẹ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc là ai?

Ngày 27 tháng 7 năm 2009, tại tỉnh Quảng Nam đã khởi công xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và khu tưởng niệm mang tầm vóc quốc gia lấy nguyên mẫu hình tượng của bà. Dựa theo thiết kế của họa sĩ Đinh Gia Thắng, tượng đài được xây dựng trên diện tích 15 ha trên đỉnh núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ. Tổng mức đầu tư cho tượng đài là hơn 411 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách và đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Đây là tượng đài về Mẹ Việt Nam lớn nhất cả nước.

icon-date
Xuất bản : 24/10/2022 - Cập nhật : 24/10/2022