logo

Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó

Hướng dẫn lập dàn ý Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học tập. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó

- Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

- Diễn biến câu chuyện : Trình bày các khó khăn mà nhân vật gặp phải và lòng kiên trì vượt khó của nhân vật.

- Kết thúc câu chuyện : Nêu kết quả mà nhân vật đạt được hoặc nêu nhận xét về nhân vật, về ý nghĩa câu chuyện.


Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó - Mẫu số 1

Đầu năm lớp ba, ba mẹ chuyển công tác nên em cũng phải chuyển trường lên thành phố học. Em được xếp vào lớp ba một, là lớp bồi dưỡng học sinh năng khiếu của trường, cuộc chiến đấu kiên trì vượt khó của em bắt đầu từ đây.

Ở trường huyện, em đã là học sinh giỏi nhưng chưa phải là học sinh năng khiếu. Mặc dù em được mẹ kèm cặp và bản thân mình tự học thêm khá tốt, em vẫn chưa thể bắt kịp các bạn ở lớp năng khiếu được rèn luyện từ lớp một. Kỳ thi kiểm tra sát hạch đầu tiên, em xếp cuối lớp: đứng thứ hai mươi tám trong tổng số hai mươi tám học sinh. Từ bé, đi học, em chỉ xếp nhất lớp, vậy mà. Em nhìn phiếu kiểm tra, lòng buồn tủi làm sao. Một số bạn nhìn em có vẻ chế nhạo nữa. Trên đường về nhà, em miên man suy nghĩ và hạ quyết tâm phải tăng tốc học các môn Toán và Tiếng Việt. Phải chọn cho mình từng nấc tiến. Mỗi kỳ kiểm tra, em chọn hai bạn trước mình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Học sinh lớp năng khiếu cứ hai tuần lại có một bài kiểm tra xếp loại. Cứ hai tuần một, em tiến lên có số điểm tổng các môn bằng số điểm hai bạn xếp hạng trên mình. Muốn vậy, em phải học tập chăm chỉ, làm rất nhiều toán nâng cao, toán dành cho học sinh giỏi Olympic. Tổng kết học kì một, em xếp hạng tốt hơn: thứ mười hai trên hai mươi tám bạn. Một số bạn trước đây hay coi thường, chế nhạo em giờ đây cũng không chọc ghẹo em nữa. Em thật sự không giận các bạn ấy. Mẹ em dạy: “Chỉ có học tập giỏi, hạnh kiểm tốt mới khẳng định nhân cách của mình. Con phải học tập thật xuất sắc!”. Nhớ lời mẹ dạy và nhờ mẹ kèm cặp, chăm sóc, em tiến bộ rất nhanh. Mẹ em bận công tác, phần lớn em cũng phải tự học. Mẹ tuy không thể có thời gian giảng tỉ mỉ cho em các đề bài nhưng mẹ mang về cho em rất nhiều sách toán, tài liệu hay. Nhờ vậy, cuối năm, em xếp hạng sáu trên hai mươi tám học sinh lớp năng khiếu và lọt vào danh sách chính thức của đội tuyển học sinh giỏi Toán. Năm lớp bốn này, đội tuyển lớp em sẽ tham gia các kì thi học sinh giỏi cấp Quận, Thành phố và Quốc gia. Em sẽ cố gắng đạt thành tích tốt để thầy cô và cha mẹ vui lòng.

Nhìn lại chặng đường một năm rèn luyện tu dưỡng đã qua, em rất vui vì quá trình ấy có kết quả tốt đẹp. Nhớ những lúc mày mò tìm phương pháp giải toán, em lại thấy tinh thần dâng lên niềm hăng say học hỏi. Toán khó như thách đố em và cũng nhờ toán mà em tự học, tự rèn, có tinh thần tự chủ rất tốt. Em sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để có kết quả tốt trong các kì thi tới.

Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó

Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó - Mẫu số 2

Khi em chuẩn bị lên lớp ba, kinh tế gặp khó khăn, ba em mất việc ở thành phố nên cả nhà chuyển về quê nội sinh sống. Gia đình em lâm vào cảnh khó khăn khiến việc học của em cũng lắm gian nan vất vả.

Từ nhà nội đến trường không có tuyến xe cộ nào cả. Em phải đi bộ ba ki-lô-mét đường làng để đến trường. Những ngày nắng ráo còn đỡ, ngày mưa thì đường lầy lội, đất sét nhão nhoét dưới chân trơn trượt, rất khó đi. Ba em làm việc cho nhà máy gần Uỷ ban xã còn mẹ em làm kế toán cho Uỷ ban.

Ba mẹ em cũng bận cả ngày nên em phải tự chăm sóc mình, giúp bà nội trông coi đàn gà, đàn vịt, tự học và tự đến trường. Quen ở thành phố từ bé, lúc đầu em khổ sở vô cùng với việc đi bộ, nhưng dần em cũng quen. Chỉ khổ một chút là nếu trời mưa thì phải đi học sớm hơn vì đường làng trơn trượt, việc đi bị chậm lại. Một năm lớp ba trôi qua, em quen dần và ngày càng nhanh nhẹn trong mọi việc: lùa vịt vào khung rào, cho gà ăn, đi học không phiền ba mẹ đưa đi nữa. Và cái quan trọng nhất là em thấy mình trưởng thành hơn trước, không phải vì những việc khó khăn ấy mà em học tập sa sút, em vẫn học tập tốt như mọi khi. Em đã tập đi xe đạp vững vàng. Cuối năm lớp ba, em đã đi xe đạp đến trường. Em đang cố gắng rèn luyện để tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp trường và huyện sắp đến.

Hôm nay ba đi công tác thành phố về. Ba đặt lên bàn mấy quyển sách toán lớp bốn dành cho học sinh giỏi, ba nói: “Khó khăn rèn giũa con người con ạ. Ba mong con cố gắng học tập tốt”. Em thương ba quá, da ba đen sạm đi. Em sẽ cố gắng học lập để lớn lên có thể giúp gia đình, để cả nhà em sẽ có tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

>>> Xem thêm: Câu tục ngữ nói về siêng năng kiên trì


Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó - Mẫu số 3

Nam là một học sinh trường miền núi. Đầu học kì hai lớp bốn, cậu đạt điểm tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi và được triệu tập học tập trung tại lớp bồi dưỡng của huyện để chuẩn bị kì thi học sinh giỏi tỉnh: Khó khăn mà Nam vượt qua không phải là nhỏ.

Nhà Nam rất nghèo. Mờ sáng, ba mẹ cậu đã vác cuốc lên rẫy, tối mịt mới về. Nam học buổi sáng theo chương trình bình thường ở trường Tiểu học miền núi. Buổi chiều Nam học lớp bồi dưỡng của huyện. Huyện cách nhà Nam hai mươi mốt ki-lô-mét. Không một ai đưa đón cậu vì nhà cậu không có phương tiện, xe cộ gì cả. May thay, có một tuyến xe bus từ xã cậu ở về huyện, mỗi ngày xe chỉ chạy bốn chuyến. Thế là vượt qua tất cả trở ngại vì thiếu thốn mọi phương tiện, Nam học xong chương trình ở trường, cậu về nhà ăn nhanh bữa cơm trưa rồi chạy vội ra bến xe bus. Một giờ trưa, cậu đã có mặt tại lớp học. Cậu phải đến sớm như vậy vì không có chuyến xe nào khác cả. Thời gian chờ đến giờ học, cậu ngồi ôn bài. Buổi học kết thúc, Nam vội vã chạy ra bến xe bus. Cậu trở về nhà bằng chuyến xe lúc mười bảy giờ của phố huyện. Không chỉ khó khăn về mặt xe cộ. Nam còn thiếu thốn rất nhiều thứ: sách vở, giấy bút. Nam tiết kiệm và tận dụng từng mảnh giấy, dù chỉ bé bằng bàn tay. Lớp học bồi dưỡng của huyện kéo dài hơn hai tháng. Nam đã có kết quả kì thi tỉnh của cậu: Nam đạt giải ba học sinh giỏi tỉnh. Tinh thần vượt khó và thành tích của Nam trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy thật đáng khâm phục.

Tổng kết năm học, bạn Hồ Kì Nam, học sinh trường Tiểu học miền núi huyện em nhận hai phần thưởng: phần thưởng học sinh giỏi ở lớp và phần thưởng học sinh giỏi tỉnh. Cậu nhận được học bổng một năm do một công ty ở quê em tài trợ. Nam là tấm gương sáng cho tất cả học sinh chúng em noi theo. Buổi phát thưởng được tổ chức long trọng tại hội trường Ban giáo dục huyện. Ra về, em vẫn nhớ mãi khuôn mặt rám nắng, vầng trán cao và đôi mắt sáng của Nam rạng rỡ trong cờ, sao, hoa, bằng khen và đèn màu lễ đài.


Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó - Mẫu số 4

Trong lớp tôi trước đây, Hùng là người có chữ viết xấu nhất lớp. Các bài làm của bạn ấy lúc nào cũng bị trừ điểm. Có nhiều chữ không đọc được. Các thầy cô đều nói: Chữ của Hùng chẳng khác nào “hàng rào ấp chiến lược”. Vậy mà bây giờ không chỉ so với trong lớp mà ngay cả toàn khối, không cỏ nét chữ của bạn nào sánh được.

Đúng như câu tục ngữ đã nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hùng thường tâm sự với tôi: “Có được những nét chữ như bây giờ, mình phải trải qua một quá trình khổ luyện hết sức vất vả. Mình còn nhớ lại, vào một buổi tối, cô giáo chủ nhiệm đến chơi nhà, trao đổi với bố mẹ mình về chữ viết của mình. Sau khi cô ra về, bố mẹ gọi mình lại nói chuyện. Bố quy định: “Bắt đầu từ sáng mai trở đi mỗi ngày con viết cho bố một bài chính tả trong sách giáo khoa. Ngày nào bố cũng kiểm tra”. Thế rồi mình bắt đầu vào trận.

Những ngày đầu thật vất vả, gò cho được một chữ đúng nét, ngay hàng thẳng lối đâu phải dễ dàng đối với mình. Nhiều khi viết cứng cả tay, chuột rút đau không thể tưởng. Có những bài phải viết ba bốn lần mới xong. Tháng đầu tiên quả là cực hình đối với mình. Nhiều lúc tưởng phải liều, bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến lời cô giáo nhắc nhở và nhất là nhìn nét mặt mẹ buồn buồn khi cầm những quyển tập của mình lên xem.

Rồi bố mình nữa, bố rất nghiêm khắc. Viết chưa xong, chưa đạt yêu cầu thì không được bước ra khỏi nhà nửa bước. Nghĩ cho cùng cô giáo hay bố mẹ nhắc nhở hay bắt buộc mình cũng chỉ vì sự tiến bộ của mình mà thôi. Nghĩ thế mà mình vui vẻ luyện tập. Tháng sau, chữ viết của mình tiến bộ trông thấy. Rồi suốt cả ba tháng hè năm lớp Ba mình đều thực hiện đều đặn lịch rèn luyện chữ viết. Mỗi lần Viết xong, ngắm thấy những dòng chữ đều tắp, mình cứ muốn ngắm mãi và thầm cám ơn bố mẹ thầy cô đã cho mình những nét chữ mềm mại, đẹp đẽ như bây giờ.


Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó - Mẫu số 5

Nguyễn Ngọc Ký (sinh ngày 28 tháng 6 năm 1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là nhà giáo tại Việt Nam. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và bị bại liệt cả 2 tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình và trở thành nhà giáo ưu tú, lập kỷ lục Việt Nam "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".

Năm 1951, khi lên 4 tuổi, ông bị bệnh và dẫn đến bị liệt 2 tay. Năm 7 tuổi, ông rất muốn đến trường nhưng vì bệnh nên ông không thể đi học. Hằng ngày, ông đều đến trước cửa lớp để nghe cô giảng. Khi về nhà ông luyện chữ và dùng chân viết các từ ở lớp như các bạn đã học. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, ông đạt được hạng 5 và được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Hồ Chí Minh. Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên.

Từ năm 1994, ông chuyển vào sống tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh và từ đó đến năm 2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên cấp 2, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Năm 1992, ông được nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết" . Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace (thành phố Hồ Chí Minh).

Nguyễn Ngọc Kí chính là một tấm gương sáng trong học tập cho chúng ta noi theo.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Hướng dẫn Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì, vượt khó để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt !

icon-date
Xuất bản : 07/06/2022 - Cập nhật : 07/06/2022