logo

Hình tượng văn học là gì? Ví dụ, đặc trưng của hình tượng văn học

icon_facebook

Tổng hợp nội dung trả lời Hình tượng văn học là gì? Ví dụ, đặc trưng của hình tượng văn học ngắn gọn, hay nhất, giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn. 


1. Hình tượng văn học là gì?

- Gọi là hình tượng vì một mặt, nó cũng sống động y và hấp dẫn như thật, nhưng mặc khác nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng con người, nó không phải là sự thật trăm phần trăm. Nhưng, thật sai lầm nếu chỉ quan niệm hình tượng nghệ thuật chỉ là phản quang đơn thuần của đời sống. Hình tượng, một mặt nó vừa mang tính khách quan, mặt khác vừa mang tính chủ quan của nghệ sĩ. Hình tượng không chỉ là thế giới đời sống, mà còn là “thế giới biết nói”. Thông qua các chi tiết, nhân vật trong tác phẩm, nhà văn muốn đối thoại với độc giả về quan niệm nhân sinh nào đó. Hình tượng là kết tinh của những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời làm nhà văn day dứt. Anh viết ra để nói to, để chia sẻ với mọi người. Hình tượng, như thế nó gắn liền với quan điểm, lí tưởng và khát vọng của nhà văn. Cuộc sống và con người được miêu tả trong văn học, vừa giống cái đã có và hiện có, vừa là cái có thể và cần có.

- Khái niệm hình tượng có những cội nguồn khác nhau. Trong tiếng la tinh, imago có nghĩa là chân dung, hình ảnh. Trong tiếng Nga, obraz có nghĩa là sự là sự lột tả theo mẫu nào đó. Trong tiếng Hán, tượng có nghĩa là hình vẽ để biểu đạt. Kinh Dịch, thiên Hệ từ truyện có câu: Thánh nhân lập tượng để tận ý (nghĩa là thánh nhân làm ra hình tượng để nói hết ý mình). Trong lí luận văn học cổ Trung Quốc, hình tượng thường được gọi là ý tượng hoặc đơn giản là tượng.

- Theo L. I. Timôphêép, hình tượng là bức tranh về đời sống con người vừa cụ thể vừa khái quát, được sáng tạo bằng hư cấu và giàu ý nghĩa thẩm mĩ . Đây là định nghĩa quen thuộc và phổ biến nhất.


2. Ví dụ về hình tượng văn học?

- Tuy nhiên không nên hiểu đơn giản hình tượng chỉ là những bức tranh đời sống, những hình ảnh (tượng ). Vì thế, ở đây cần phân biệt hai khái niệm hình ảnh và hình tượng. Hình ảnh chính là những bức tranh đời sống mà chúng ta gặp trong tác phẩm: cây đa, giếng nước, con đò, và cả con người… Nhưng tất cả mới chỉ là hình ảnh khi chúng chỉ mang ý nghĩa biểu vật cho chính nó. Thí dụ, cây tre chỉ cây tre, giếng nước chỉ giếng nước. Nhưng nếu những hình ảnh đó đã mang những ý nghĩa khác ngoài nó, những ý nghĩa mới, kết tinh, chứa đựng tư tưởng tình cảm của con người, tức những ý nghĩa nhân sinh, khi đó hình ảnh mới trở thành hình tượng. Các nhà mĩ học phương Tây cho rằng hình tượng có chức năng biểu ý, còn người Trung Hoa thường dùng khái niệm ý tượng (hình ảnh có ý) là vì thế. Cây tre trong bài thơ Tre Việt Nam (Nguyễn Duy) là hình tượng bởi ngoài nghĩa cụ thể, nó còn mang ý nghĩa khái quát về con người Việt Nam bất khuất, kiên cường, bền bỉ trong khó khăn, vất vả, đói nghèo. Cô Tấm (Tấm Cám) là hình tượng, bởi vì nhân vật đó đã thể hiện ước mơ về hạnh phúc, công lí của người xưa.

[ĐÚNG NHẤT] Hình tượng văn học là gì?

- Mọi hình thức của đời sống khi đã chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh mới mẻ, giàu tính thẩm mĩ, chứa đựng tư tưởng và tình cảm của con người sẽ trở thành hình tượng. Cho nên, hình tượng vừa cụ thể vừa khái quát, vừa khách quan vừa chủ quan, vừa vật chất vừa tinh thần là vì thế. Bởi lẽ, văn học xây dựng hình tượng vừa để khái quát hiện thực, cắt nghĩa, lí giải đời sống, vừa thể hiện tư tưởng, tình cảm dưới ánh sáng của một lí tưởng thẩm mĩ nhất định.

- Cụ thể hình tượng được xây dựng nhằm thỏa mãn về ước mơ công lí: cái ác bị trừng phạt, oan khuất được đền bù, kẻ hiền gặp lành; thỏa mãn về ước mơ: nồi cơm ăn hết lại đầy là ước mơ của những người quá cực nhọc vất vả vì miếng ăn ; chàng trai, cô gái nghèo xấu xí bỗng chốc hóa thành đẹp đẽ, khỏe mạnh, giàu có là ước mơ của những con người vất vả, nghèo hèn, đầy tủi nhục… Hình tượng văn học mang ý nghĩa đối với đời sống tinh thần con người.

- Như vậy, có thể hiểu, hình tượng là phương thức phản ánh thế giới đặc thù của văn học bằng những hình thức đời sống, được sáng tạo bằng hư cấu và tưởng tượng, vừa cụ thể vừa khái quát, mang tính điển hình, giàu ý nghĩa thẩm mỹ, thể hiện tư tưởng và tình cảm con người.


3. Đặc trưng của hình tượng văn học?

- Hình tượng gắn liền với thực tiễn đời sống. Hình tượng văn học tái hiện cuộc sống nhưng lại không đơn thuần là sao chép y nguyên những hiện tượng có thật mà là tái hiện một cách có chọn lọc, sáng tạo thông qua tài năng và trí tưởng tượng của nghệ sĩ, bằng sự khéo léo và tinh tế của mình, họ biến những sự vật dù tầm thường nhất trở thành các hình tượng đẹp có sức truyền cảm mạnh mẽ, mang những ấn tượng sâu sắc đến với người cảm thụ.

- Hình tượng được xây dựng lên sống động y và hấp dẫn như thật, nhưng cũng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng con người, nó không phải là sự thật trăm phần trăm. Bên cạnh đó hình tượng không chỉ là thế giới đời sống, mà còn là “thế giới biết nói”. Thông qua các chi tiết, nhân vật trong tác phẩm, nhà văn muốn đối thoại với độc giả về quan niệm nhân sinh nào đó.

- Hình tượng mang tính tinh thần vừa khái quát, vừa cụ thể. Hình tượng được sáng tạo là để thỏa mãn những khát vọng tinh thần của con người, những khát vọng mà hiện thực cuộc đời không mang đến được.

- Hình tượng mang tính thẩm mĩ, nói cách khác là mang tính nghệ thuật. Hình tượng được sáng tạo nhằm để giúp con người có thể thưởng thức và thoả mãn về mặt thẩm mĩ. Con người khi đọc thơ một câu chuyện, thường thích thú vì những hình ảnh đẹp, những vần thơ réo rắt, những cốt truyện li kì, hấp dẫn, những nhân vật có hình thức và tính cách quyến rũ… Sức hấp dẫn của hình tượng là một dấu hiệu quan trọng.

- Hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ. Ước lệ là biện pháp tái hiện sự vật, hiện tượng bằng hình tượng có tính quy ước. Nghệ thuật được hiểu là một cách thức mô phỏng lại cuộc sống. Song, dù phản chiếu cuộc sống chân thực đến đâu nghệ thuật cũng không thể mất đi yếu tố sáng tạo, tưởng tượng trong mỗi tác phẩm mà tất cả những yếu tố ấy gọi chung là tính ước lệ của hình tượng.

- Hình tượng là một phương thức chiếm lĩnh đời sống đặc thù của văn học. Trong hình tượng, có sự thống nhất của cái cá biệt và khái quát, tình cảm và lí trí, tái hiện và biểu hiện, truyền thống và sáng tạo, thể hiện tính muôn màu của thế giới và sức mạnh chủ thể của người sáng tạo.

- Anhxtanh từng nói: “Chân lý khoa học đạt được bằng cách giải phóng nó khỏi cái tôi của nhà khoa học”. Còn hình tượng trong nghệ thuật biểu hiện rõ nét những cảm xúc của nghệ sĩ.

- Nghệ sĩ bao giờ cũng tái hiện đời sống dưới ánh sáng của các lợi ích và lý tưởng của một giai cấp, của một thời đại nhất định. Khi xây dựng hình tượng, họ biểu hiện trong đó một thái độ, một cảm xúc riêng, nghĩa là họ hiện thân vào hình tượng.

- Hình tượng văn học là phương tiện đặc thù của nghệ thuật ngôn từ để phản ánh hiện thực khách quan. Nó phản ánh tính khái quát, tính quy luật của hiện thực qua hình thức cá thể, độc đáo, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ trong quá trình nhận thức và tái hiện cuộc sống. Người nghệ sĩ có quyền hư cấu, tưởng tượng nhưng không được bịa đặt một cách tùy tiện, chủ quan. Nghệ sĩ phải là thư ký trung thành của thời đại mình. Nếu nghệ sĩ không đếm xỉa đến chân lý đời sống thì tác phẩm sẽ rơi vào tình trạng tô hồng hoặc bôi đen, tức là xuyên tạc hiện thực khách quan.

- Dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ xuyên thấm từ cách tiếp cận hiện thực, cách phát hiện vấn đề và phương thức chuyển tải tư tưởng, tình cảm qua hình tượng. Hình tượng văn học nghệ thuật là vũ khí của người nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh cho lý tưởng. Người cầm bút phải dùng hình tượng để bảo vệ cái đẹp, lên án cái xấu, tác động đến xúc cảm người đọc, giáo dục người đọc về mặt thẩm mỹ.

- Sở dĩ, hình tượng văn học có sức thuyết phục cao vì trong cái cụ thể trực tiếp đã chứa đựng tính quy luật của đời sống. Trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ khám phá thế giới một cách riêng biệt, họ có thể nắm bắt được bản chất trong muôn vàn sự vật, hiện tượng đồng loại để rồi từ đó làm nổi bật những nét bản chất ấy qua một hình tượng cụ thể, độc đáo. 

-------------------------

Trên đây là bài viết hướng dẫn trả lời câu hỏi: "Hình tượng văn học là gì ?". Hi vọng bài viết trên của Top lời giải sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em đạt kết quả cao môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 07/04/2022 - Cập nhật : 31/05/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads