Câu hỏi: Hãy sưu tập tư liệu và chọn giới thiệu một di sản lịch sử - văn hoá thời Lý mà em thích nhất. Giải thích vì sao?
Trả lời:
Chùa Dạm, hay chùa Rạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm. Đây là trung tâm Phật giáo lớn và cũng là một trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng.
Sau thắng lợi huy hoàng trên dòng sông Như Nguyệt năm 1077 với nền độc lập trường cửu đã được ghi rõ trong: “Nam quốc sơn hà”, niềm hưng khởi đó đã thúc đẩy phát triển mọi mặt, nền văn hóa Đại Việt đã có những bước tiến quan trọng. Từ năm 1085 Nguyên Phi Ỷ Lan “dạo chơi núi sông, ý muốn dựng xây chùa tháp” và sau đó năm 1086 triều đình ra lệnh cho xây dựng chùa Đại Lãm Sơn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm Bính Dần (1086), vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 2 “Làm chùa ở núi Đại Lãm”. Năm sau (1087), “Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn. Đêm ban yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 4 (1088), “Mùa đông, tháng 10, xây tháp chùa Lãm Sơn”. Năm 1094 (vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Hội Phong năm thứ 3), “mùa hạ, tháng 4, tháp chùa Lãm Sơn xây xong”.
Đến năm 1105, vua Lý “Mùa thu, tháng 9, làm ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn”. Như vậy, qua thư tịch có thể biết rằng: chùa Dạm được khởi dựng từ mùa Đông năm 1086, đến mùa Thu năm 1094 hoàn thành. Công việc xây dựng tháp cứ dần dần được bổ sung về sau. Đây là một công trình quan trọng nên vua Lý Nhân Tông rất quan tâm và chăm lo đến công trình chùa Dạm. Trong quá trình xây dựng đích thân nhà vua nhiều lần về thăm, đề thơ, viết biển và nghỉ qua đêm ở đây, nhà vua đã dùng nơi đây để thết đãi triều thần. Voi của nhà vua được thả ở chân núi Rùa, đó là cánh đồng Cỏ Voi. Sau khi hoàn thành vua Lý Nhân Tông đặt tên cho chùa là “Cảnh Long Đồng Khánh”.
Trong 56 năm ở ngôi, vua Lý Nhân Tông (1072-1128) cùng mẹ là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã dựng hàng trăm ngôi chùa thờ Phật, mà chùa Dạm là một trong những ngôi chùa lớn do đích thân nhà vua đứng ra hưng công xây dựng. Đây là ngôi chùa lớn của Hoàng gia trên vùng đất phía Bắc, cùng với chùa Phật Tích và một số chùa khác đã làm nên hệ thống chùa Phật giáo Hoàng gia trên vùng đất tổ cố hương của vương triều Lý. Vua Lý Nhân Tông được coi là “vua giỏi triều Lý” trị vì vào thời đại “dân được giàu thịnh, nước được thái bình”.
* Em thích nhất là chùa Rạm vì: Đây không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn, trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng mà nó còn là một di sản lịch sử - văn hóa gắn liền với sự phát triển của đất nước.