logo

Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đã từng được biết hoặc nghe hay đọc về những tấm gương, những con người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân. Bài viết này sẽ đưa ra cho các bạn dàn ý và bài văn mẫu kể một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân.


Dàn ý kể một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân

Mở bài

- Giới thiệu về người được kể đến: Người đó là ai? Ở đâu? Làm nghề gì?

Thân bài

- Câu chuyện kể diễn ra ở đâu? Vào lúc nào?

- Người đó đã làm những việc gì để góp phần vào việc chống đói nghèo, lạc hậu.

- Những việc làm đó mang lại kết quả hay lợi ích gì cho cộng đồng, xã hội. 

Kết bài

- Em cảm nhận, học hỏi được điều gì từ những con người đó.


Bài văn kể một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân - Mẫu số 1

Hồ Chủ Tịch, người không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, người còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân một di sản cao quý, đó chính là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Tư tưởng của Bác Hồ được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Quan điểm đạo đức của Bác bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, trước hết là với đất nước, với nhân dân. "Trung với nước, hiếu với dân". Đây cũng chính là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp xây dựng và gìn giữ, phát triển đất nước. Hiếu với dân tức là cán bộ phải là "đầy tớ trung thành của dân", "bao nhiêu quyền hạn đều của dân", "bao nhiêu lợi ích đều vì dân"; gắn bó với dân, gần dân, tin dân và vì dân, lấy dân làm gốc. Trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương con người là làm mọi việc vì con người; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng cho con người. Với mình thì nghiêm khắc; với người thì độ lượng, vị tha, kể cả người có sai với mình, người lầm đường, lạc lối, có nhiều khuyết điểm. Yêu thương con người phải giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ hơn và cần thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành. Cuộc đời của Bác là sự hội tụ tuyệt vời và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mmạg: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đó là cả đời phấn đấu hy sinh, tất cả vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người. Bác là tấm gương sáng về tính cách tiết kiệm trong lối sống, cách ăn, mặc, đi lại... Giữ mình liêm khiết, trong sạch, Bác Hồ sống trung thực, chân thành với chính mình và với tất cả mọi người. Bác biết nâng người khác lên, khuyến khích, động viên để họ thấy được giá trị đích thực của cuộc sống và sống có khát vọng.

Bác Hồ chính là vị cha già của dân tộc và mãi là tấm gương sáng cho toàn dân noi theo. Nhìn Bác em cũng đã học hỏi được rất nhiều điều. Em sẽ rèn luyện kỉ luật bản thân và tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện tốt để sau này trở thành một người có ích của gia đình và xã hội.  

Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân

Bài văn kể một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân - Mẫu số 2

Ngành y là một ngành học vốn dĩ đã rất khó khăn và khắc nghiệt, sau khi ra trường đi làm đây cũng là ngành có công việc vô cùng nhiều và còn liên quan đến tính mạng con người. Vậy mà Bác sĩ Hiếu - một chàng bác sĩ sinh năm 1990, đã từ bỏ công việc ở thành phố để tình nguyện lên Điện Biên giúp đỡ bà con. 

Bác sĩ Hiếu, anh tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Y Hà Nội đã từ bỏ công việc ở bệnh viện Thanh Nhàn, tạm xa cách vợ con, vượt 700 km đường rừng để đến chữa bệnh cho bà con Mường Nhé (Điện Biên). Huyện Mường Nhé là một trong những huyện nghèo bậc nhất của tỉnh Điện Biên, thuộc danh sách 63 huyện nghèo của Dự án 585, cách Hà Nội 700 km. Do điều kiện còn rất khó khăn, nên Bác sĩ Hiếu dù chuyên ngành Nội  - Nhi nhưng vẫn được bố trí làm việc với vai trò là một bác sĩ đa khoa. Bác sĩ Hiếu chia sẻ: “Như em kiêm bác sĩ điều trị nhi khoa, hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, đôi khi phụ gây mê cho bác sĩ mổ”. Khó khăn, vất vả không làm giảm sút tinh thần của bác sĩ trẻ, bác sĩ Hiếu còn học tiếng dân tộc để tiếp xúc với dân. “Khi mình nói được, bệnh nhân cũng thấy gần gũi và chia sẻ nhiều hơn”, bác sĩ Hiếu cho biết. Giữa những guồng quay xô bồ, bon chen của cuộc sống hiện đại, tinh thần tự nguyện cống hiến, yêu người bệnh như người nhà của BS. Hiếu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về truyền thống “yêu nước thương nòi” của dân tộc. 

Đây cũng chính là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo về tinh thần yêu nước, thương người, vì hạnh phúc và sức khỏe của nhân dân của anh. Qua đây nhiều người cũng tự soi chiếu lại bản thân và có thêm động lực để làm một điều gì đó có ích cho đời.


Bài văn kể một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân - Mẫu số 3

Trong cuộc sống em đã gặp rất nhiều người tốt, những tấm gương vượt khó, chống lại đói nghèo và quyết tâm đi lên từ hai bàn tay trắng, tự xây dựng tương lai, sự nghiệp cho mình. Một trong những người em đã gặp và để lại cho em nhiều ấn tượng nhất chính là cậu Út của em.

Ông bà ngoại em sinh được ba người con, hai người đi làm ăn xa, chỉ còn cậu Út ở nhà với ông bà. Ngày trước, nhà ông bà có ít ruộng nên thóc lúa không đủ ăn, mọi người phải đi làm thuê để kiếm sống. Cậu Út sau khi học hết lớp 12 đã quyết định ở lại quê hương để tự mình xây dựng sự nghiệp riêng. Hồi đó, ở xã bên có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, cậu Út đến xin làm ở đó. Cậu Út em là người rất chăm chỉ chịu khó nên được ông chủ tin tưởng và dạy nghề cho. Sau mấy năm học và làm việc vất vả, cậu đã thành thạo và về quê để tạo dựng cơ nghiệp riêng. Cậu Út cùng với mấy người bạn trong xóm đã lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mĩ nghệ. Hôm về thăm ông bà ngoại, bước vào sân, em đã thấy những khúc gỗ đủ mọi kích cỡ đặt la liệt khắp nơi. Dưới mái che bằng bạt, cậu út đang say mê tạc tượng em bé cưỡi trâu thổi sáo. Lúc đó, nhìn cậu tỉ mỉ làm việc, em thực sự bị cuốn hút vào công việc này. Cậu út một tay cầm đục, tay còn lại cầm chiếc dùi bằng gỗ, thận trọng gõ từng nhát. Chỉ một lát sau, hình thù bức tượng cậu bé và con trâu đã hiện ra nhưng còn đơn giản và sơ sài. Cậu út lấy một con dao nhỏ thật sắc, gọt tỉa từng đường nét mềm mại. Mỗi động tác của cậu đều toát lên sự cần mẫn, tài hoa như một người nghệ sĩ. Một lúc sau, bức tượng đã hoàn thành. Cậu út lấy giấy nhám đánh cho nhẵn rồi thoa lên một lớp vẹc ni nâu bóng cho bức tượng. Những đường vân gỗ hiện lên thật đẹp và trông rất tỉ mỉ. Cậu Út nâng bức tượng lên với đầy vẻ mãn nguyện, cậu ngắm nghía kĩ lưỡng và nở nụ cười rất vui. Cậu bảo em muốn thành công trong mọi việc, chúng ta cần phải có sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó và một lòng say mê quyết tâm cao độ. 

Cuối buổi, lúc em chuẩn bị về, cậu Út đã tặng lại em bức tượng đó để làm kỉ niệm, nhìn bức tượng cậu em làm, em càng mến phục tài nghệ của cậu em và những người thợ thủ công mỹ nghệ khác. Họ chính là những nghệ nhân đang góp phần làm đẹp cuộc đời.

----------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài kể một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. 

icon-date
Xuất bản : 16/12/2022 - Cập nhật : 30/06/2023