logo

Đọc hiểu Xin thầy hãy dạy cho con tôi

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Xin thầy hãy dạy cho con tôi hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Xin thầy hãy dạy cho con tôi đầy đủ nhất.


Đọc hiểu Xin thầy hãy dạy cho con tôi - Đề số 1

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi

… Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến của riêng bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến ấy là không đúng.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với người hòa nhã và cứng rắn đối với kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu phải biết lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lí để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi

Xin hãy dạy cho cháu biết mỉm cười khi buồn bã…Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước những ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy đối xử dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có đủ can đảm biểu lộ sự kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm….

(Trích “Thư Tổng thống Mĩ A. Li-côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình”)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Chỉ ra 01 biện pháp tu từ nổi bật trong đoạn trích và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy?

Câu 3: Vì sao A. Li-côn lại xin thầy giáo của con trai “hãy dạy cho cháu biết mỉm cười khi buồn bã”.

Câu 4: Anh/chị nhận được thông điệp gì từ câu nói “chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn”?

Câu 5. Từ văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn theo lối quy nạp (20 dòng) nêu suy nghĩ của mình về câu nói của Tổng thống Mĩ Lin-Côn “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”.

Đáp án:

Câu 1: 

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: 

Biện pháp tu từ nổi bật: lặp cú pháp (xin hãy dạy cho cháu…)

Tác dụng: làm nổi bật mong muốn thiết tha, thành khẩn con mình được giáo dục, dạy dỗ của Tổng thống A. Li –côn.

– Biết mỉm cười khi buồn bã: lạc quan

Câu 3: 

A. Li-côn lại xin thầy giáo của con trai “hãy dạy cho cháu biết mỉm cười khi buồn bã” vì:

– Khi buồn bã là những khi ta chán nản, bế tắc, tuyệt vọng, thất bại. Ta cần biết “mỉm cười”, lạc quan tin tưởng để nhận ra những thiếu sót của bản thân từ đó rút kinh nghiệm.

– Khi biết lạc quan con người sẽ biết cần phải nỗ lực, ý chí để bước tiếp, có thể đạt đến mục đích sống, đạt đến thành công.

Câu 4:

– Câu nói gửi đến thông điệp: Hãy biết dấn thân vào những thử thách, khó khăn trong cuộc sống bởi chỉ có những khó khăn, thử thách thực sự của cuộc sống mới có thể tôi luyện nên những phẩm chất tuyệt vời, đáng quý cho con người.

Thông điệp của tác giả: Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn nơi giáo dục nhân cách học sinh, trong đó người thầy giáo có vai trò định hướng để đào tạo ra những con người toàn diện về thể chất và trí tuệ, tâm hồn (đức, trí, thể, mỹ)

Câu 5

Hướng dẫn làm bài

1. Yêu cầu chung: Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết

2. Yêu cầu cụ thể

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: chấp nhận thi rớt một cách trung thực còn vinh dự hơn thi đỗ nhờ gian lận; đề cập đến đức tính trung thực của con người.

c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ…

- Giải thích câu nói:

+ Câu nói khẳng định: chấp nhận thi rớt một cách trung thực còn vinh dự hơn thi đỗ nhờ gian lận; đề cập đến đức tính trung thực của con người.

+ Trung thực là thật thà, ngay thẳng, không gian dối.

- Bàn luận:

+ Trung thực trong khi thi tức là phải làm bài bằng thực lực và chỉ chấp nhận đỗ đạt bằng thực chất của mình.

+ Gian lận trong thi cử tức là làm mọi cách để thi đỗ bằng được mà không cần thực chất. Gian lận để có được kết quả cao nhưng mất đi nhân cách.

+ Câu nói nhắc chúng ta phải trung thực trong thi cử cũng như trong cuộc sống. Coi trọng thực chất, không chấp nhận gian dối.

+ Phê phán những người thiếu trung thực trong thi cử và trong cuộc sống.

- Bài học nhận thức và hành động: 

+ Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người.

+ Phê phán lối học, lối sống giả dối

+ Liên hệ bản thân.

d.  Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc), thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Bài văn mẫu:

Trung thực là sự ngay thẳng, thành thực với bản thân cũng như với mọi người xung quanh. Đây là một đức tính tốt đẹp giúp con người sống ý nghĩa hơn, cao cả hơn, đồng thời đây cũng là nhân tố quan trọng làm nên những mối quan hệ vững chắc ngoài xã hội. Bàn về vai trò của lòng trung thực, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn trong lá thư gửi thầy hiệu trưởng cho con trai mình đã viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”.

“Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”, câu nói của Tổng thống Lin-côn đã khẳng định về tầm quan trọng của việc trung thực, chấp nhận thi rớt một cách thành thực với năng lực bản thân sẽ vinh dự hơn rất nhiều so với việc thi đỗ, đạt kết quả cao nhưng nhờ sự gian dối. Về thực chất, câu nói đã bàn đến đức tính trung thực ở con người, đây cũng là đức tính đáng quý mà tổng thống A. Lin-côn mong muốn nhà trường sẽ định hướng rèn luyện cho con trai mình.

“Trung thực khi làm bài thi” là làm bài bằng chính thực lực, tri thức mà mình đang có và chỉ chấp nhận đỗ đạt bằng chính thực chất của bản thân. Gian lận lại là hành vi gian dối dùng những hành động thiếu minh bạch để đạt được kết quả cao trong khi năng lực bản thân không hề có. Đối với người học, việc trung thực với bản thân, với thầy cô là vô cùng cần thiết, trung thực trong khi thi dù đạt được những kết quả không như ý muốn thì đó vẫn là vinh dự vì chúng ta đã tự nhận thức được năng lực bản thân, dám thừa nhận sự thiếu xót trong năng lực và cũng thể hiện thái độ tôn trọng đối với thầy cô. Trong tư cách của một thí sinh, trung thực khi thi là điều quan trọng hơn cả.

Trung thực là đức tính tốt, có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện bản thân, nâng cao giá trị con người. Trung thực là sự ngay thẳng, thành thật trong mọi việc, đó không chỉ là sự thành thật với những người xung quanh mà còn là sự thành thật với chính mình. Khi con người trung thực, mọi năng lực, cố gắng của bản thân sẽ được đánh giá một cách chính xác, khách quan, hơn nữa nhờ đức tính trung thực, con người có thể tạo niềm tin, tạo sự vững chắc cho những mối quan hệ xã hội.

Trung thực là phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách của con người, khi con người trong xã hội có đức tính trung thực sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ của xã hội. Sống trung thực là một niềm hạnh phúc cao quý làm cho cuộc sống của con người trở nên nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn.

Không trung thực là làm những việc giả dối, khuất tất. Thiếu trung thực không chỉ làm giảm đi giá trị đích thực của con người, đánh mất niềm tin ở người đối diện mà còn có thể làm cho con người trở nên đê tiện. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng sống thiếu trung thực có thể làm cho con người đánh mất đi những nhân cách tốt đẹp của bản thân, gây ra những nguy hại đối với xã hội.

Qua câu nói của A.Lin-côn, ta thấy được vai trò quan trọng của trung thực, đó là phẩm chất tốt đẹp làm nên nhân cách của con người. Trong cuộc sống của con người sẽ có rất nhiều những khó khăn, thách thức nhưng khi đối diện với nó, thậm chí cả khi chúng ta gặp phải những thất bại cũng cần ngay thẳng đối diện, dù thua thiệt cũng phải sống cho trung thực.

Là học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước, chúng ta cần không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức để có được phẩm chất trung thực, đồng thời cần có hành động bảo vệ sụ trung thực, kiên quyết đấu tranh với những hành động thiếu trung thực trong xã hội.

Để hoàn thiện nhân cách, phát huy giá trị tốt đẹp của bản thân cũng như vì sự tiến bộ của xã hội, con người cần đề cao đức tính trung thực, có ý thức đấu tranh với những hành động, lời nói thiếu trung thực.


Đọc hiểu Xin thầy hãy dạy cho con tôi - Đề số 2

Câu 1 (0,5 điểm). Nêu nội dung chính của văn bản?

Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 4 (1,0 điểm). Thông điệp mà tác giả gửi đến bạn đọc qua văn bản trên là gì?.

Đáp án:

Câu 1 

Nội dung: Người cha mong thầy giáo hãy dạy cho con biết sự quý giá của sách, biết yêu quý cuộc sống, biết ứng nhân xử thế, có lòng trung thực, có sức mạnh, có niềm tin vào bản thân.

Câu 2 

Các phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 3  

- Biện pháp nghệ thuật: Liệt kê, lặp cấu trúc cú pháp, so sánh, đối lập, điệp từ, điệp ngữ. (HS cần xác định đúng 03 biện pháp).

- Tác dụng: Nhấn mạnh những ước muốn tha thiết của Tổng thống Mĩ Lin-Côn với thầy hiệu trưởng; thể hiện tình yêu cao cả của người cha đối với con;  mối quan hệ gắn bó giữa gia đình với nhà trường.

Câu 4  

Thông điệp của tác giả: Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn nơi giáo dục nhân cách học sinh, trong đó người thầy giáo có vai trò định hướng để đào tạo ra những con người toàn diện về thể chất và trí tuệ, tâm hồn (đức, trí, thể, mỹ)

icon-date
Xuất bản : 21/09/2021 - Cập nhật : 21/09/2021