logo

Đọc hiểu Thưa thầy trước ngọn thước là con đường xa tắp (3 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Thưa thầy trước ngọn thước là con đường xa tắp hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi: 

THƯA THẦY 

Trước ngọn thước là con đường xa tắp 

Bông hoa nào cũng vẻ bình yên 

Và em tin, qua cay đắng vẫn tin 

Những ngọn suối không làm tan bóng lá 

Đã vấp ngã thưa thầy nhiều vấp ngã! 

Chẳng ở đâu xa, ở ngay giữa con người 

Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy 

Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ 

Đời mau quá, tóc thầy khói phủ 

Giáo án mong manh bão giật đời thường 

Cây trước cửa gió ở ngoài trang vở 

Thầy một mình vật vã với văn chương 

Đang mưa bão đường về sông nước ngập 

Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau. 

(Hữu Thỉnh, Thương lượng với thời gian, NXB Hội nhà văn, 2005) 

Đọc hiểu Thưa thầy

Đọc hiểu Thưa thầy - Đề số 1

Câu 1. Nêu tác dụng của biện pháp điệp được sử dụng trong các câu thơ sau: 

Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy 

Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ 

Đời mau quá, tóc thầy khói phủ 

Giáo án mong manh bão giật đời thường 

Câu 2. Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của đoạn thơ: 

Đã vấp ngã thưa thầy nhiều vấp ngã! 

Chẳng ở đâu xa, ở ngay giữa con người 

Câu 3. Lí giải điều tác giả tin tưởng trong hai câu thơ sau: 

Và em tin, qua cay đắng vẫn tin 

Những ngọn suối không làm tan bóng lá. 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Biện pháp điệp ngữ "đời mau quá" có tác dụng nhấn mạnh sự chảy trôi nhanh chóng của thời gian, sự giật mình đầy tính chiêm nghiệm, triết lí về thời gian. Con người chẳng ai thoát khỏi quy luật thời gian, cả "em" và "thầy" đều già đi theo năm tháng, tất cả chỉ còn là những kỉ niệm.

Câu 2. 

Em hiểu về ý nghĩa của đoạn thơ: Đây là một lời thưa cũng chính là lời tự thú. Tác giả đã nhận ra: “Đã vấp ngã. Thưa thầy nhiều vấp ngã!/ Chẳng ở đâu xa, ở ngay giữa con người”. Câu thơ tự nhiên uốn khúc bậc thang như những chỗ ngoặt của cuộc đời, vấp ngã ngay giữa con người. Giữa dòng đời xô bồ, con người không thể tránh khỏi những lúc mông lung, vô định và trong một giây phút nào đó có thể sai lầm, vấp ngã. Đây cũng là cách nhìn thẩm thấu và sâu sắc nhiều trực cảm. Hữu Thỉnh là thế, ông luôn thổn thức với đời bằng những suy nghĩ sâu lắng, bằng cách nói dung dị nhưng chạm tới lõi hạt nhân tình người nhân hậu. 

Câu 3. 

Điều tác giả tin tưởng trong hai câu thơ là: những thay đổi của cuộc đời không làm mất đi ý nghĩa và sức sống trong những bài giảng của thầy cũng như tình yêu của thầy đối với văn chương. Dù thời gian có chảy trôi, dù cuộc đời có thay đổi nhưng những giá trị nhân văn trong từng bài giảng của thầy mãi mãi còn trong tâm trí và trái tim các học trò. Dù con người có thay đổi, bao thế hệ qua đi nhưng những giá trị văn chương thì còn mãi trên từng trang giấy thấm nhuần vào tư tưởng mỗi người.


Đọc hiểu Thưa thầy - Đề số 2

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? 

Câu 2. Xác định hai biện pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong bài thơ trên.

Câu 3. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai dòng thơ sau: 

Và em tin, qua cay đắng vẫn tin 

Những ngọn suối không làm tan bóng lá. 

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của người học trò đối với thầy giáo được thể hiện trong văn bản trên.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Văn bản trên viết theo thể thơ tự do

Câu 2.

Hai biện pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong bài thơ trên là: ẩn dụ và điệp ngữ. 

- Tác dụng:

+ Ẩn dụ: “Những ngọn suối không làm tan bóng lá”, trước những đổi thay của cuộc đời không làm mất đi ý nghĩa và sức sống trong những bài giảng của thầy cũng như tình yêu của thầy đối với văn chương. 

+ Điệp ngữ: "tin", "vấp ngã” được lặp lại như sự khẳng định thêm phần chắc chắn rằng trong cuộc đời sẽ có rất nhiều vấp ngã và khẳng định niềm tin của nhân vật trữ tình. Điệp ngữ “Đời mau quá” như một sự giật mình thảng thốt đầy tính chiêm nghiệm về sự trôi chảy của thời gian.

Câu 3. 

Hai dòng thơ "Và em tin, qua cay đắng vẫn tin/Những ngọn suối không làm tan bóng lá" thể hiện niềm tin của người học trò về những điều tốt đẹp trên đời. Dù có phải trải qua nhiều vấp ngã, thất bại, người học trò ấy vẫn luôn luôn tin tưởng vào con người, vào cuộc đời, vào những điều tốt đẹp trên cuộc đời như dòng suối không thể nào làm tan bóng lá. Tuy trên đời này vẫn còn nhiều cái xấu, cái khó nhưng với ý chí đủ lớn thì những điều tốt đẹp sẽ không thể bị đánh bại. 

Câu 4.

Qua văn bản, ta thấy tình cảm của người học trò đối với thầy giáo là sự hoài niệm, là tình yêu thương, kính trọng với thầy giáo cũ của mình. Dù thời gian trôi qua, dù phải trải qua nhiều thử thách, bão giông cuộc đời nhưng người học trò vẫn nhớ về những bài học sâu sắc thầy từng dạy. Mặc dù ai cũng phải đầu hàng trước bước đi của thời gian, mái tóc của thầy bạc trắng nhưng những bài học của thầy vẫn sẽ được truyền lại và khắc sâu vào tâm trí các thế hệ học trò. Điều đó thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ của người học trò dành cho thầy giáo của mình. Ngoài ra, qua văn bản còn thể hiện sự đồng cảm với những mối lo đời thường và cả tình yêu đối với sự nghiệp văn chương của thầy.


Đọc hiểu Thưa thầy - Đề số 3

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Hình ảnh người thầy hiện lên như thế nào qua các hình ảnh: Đời mau quá, tóc thầy khói phủ / Giáo án mong manh bão giật đời thường / Cây trước của gió ở ngoài trang vở / Thầy một mình vật vã với văn chương?

Câu 3. Cảm nhận của anh / chị về tâm sự của người học trò đối với người thầy trong bài thơ trên. Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do

Câu 2. 

Qua các hình ảnh trên người thầy hiện lên đầy ám ảnh.

- Các hình ảnh tương phản: “Tóc thầy khói phủ” chứ không phải là tóc bạc và “Giáo án mong manh” đối với “Bão giật đời thường”. Chỉ với vài nét chấm phá đã vẽ nên chân dung người thầy giáo trong gian khó đời thường.

- Hai câu thơ ám ảnh nhất trong bài: “Cây trước cửa gió ở ngoài trang vở/Thầy một mình vật vã với văn chương”, với lối nói bỏ ngỏ của nhà thơ - đã có hiệu quả tối đa chạm tới lòng trắc ẩn của con người. Cây trước cửa (chứ không phải ngoài cửa) vẫn chịu “Gió ngoài trang vở” có thể là cây đời, cây người nhay là cây thầy giáo gieo trồng với biết bao niềm tin, hy vọng. Bài học không chỉ ở trong sách vở, mà rõ ràng văn chương đích thực bao giờ cũng hướng tới cuộc đời. Người sáng tạo vất vả đã đành, người chuyển tải qua từng trang giáo án cũng vất vả không kém: “Thầy một mình vật vã với văn chương”. Thật khó có thể thay thế được hai từ nào hay hơn “vật vã” ở trong văn cảnh này.

Câu 3. 

Bài làm: Cảm nhận của anh / chị về tâm sự của người học trò đối với người thầy trong bài thơ trên. Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Thưa thầy trước ngọn thước là con đường xa tắp. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 06/01/2023 - Cập nhật : 30/06/2023