Tuyển tập các đề Đọc hiểu Quà của Bà - Vũ Tú Nam hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.
QUÀ CỦA BÀ
Bà tôi bận lắm, cặm cụi công việc suốt ngày. Nhưng chả lần nào đi chợ mà bà không tạt vào thăm hai anh em tôi, cho chúng tôi khi thì tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Ăn quà của bà rất thích, nhưng ngồi vào lòng bà nghe bà kể chuyện còn thích hơn nhiều.
Gần đây, bà tôi không được khỏe như xưa nữa. Đã hai năm nay, bà bị đau chân. Bà không đi chợ được, cũng không đến chơi với các cháu được. Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra. Chiều qua, đi học về, tôi chạy đến thăm bà. Bà ngồi dây, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!
Bà ơi bà! Ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho bố cháu, mẹ cháu và anh cháu… Cháu biết rồi, bà ơi… Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, ra chân tường sau bếp nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái. Rồi bà rửa, bà ngâm muối, bà phơi. Bà gói thành từng gói nhỏ, bà đợi các cháu đến bà cho…
(Theo Vũ Tú Nam)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2: Tìm các cụm danh từ trong câu sau: “Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì, khi thì cây mía, quả na hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra”
Câu 3: Qua câu chuyện em thấy tình cảm người bà dành cho cháu như thế nào?
Câu 4: Câu chuyện gợi cho em suy nghĩ gì về bổn phận của mình đối với ông bà?
Câu 5: Từ câu chuyện trên em hãy viết đoạn văn ngắn tả lại hình ảnh người bà thân yêu của em
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính là tự sự
Câu 2: Các cụm danh từ: mấy của dong riềng, mấy cây mía khúc sắn dây.
Câu 3: Qua câu chuyện em thấy tình cảm của bà dành cho cháu thật ấm áp yêu thương . Bà luôn quan tâm dành dụm cho cháu những món quà mà cháu thích nhất.
Câu 4: Câu chuyện gợi cho em suy nghĩ bổn phận của mình với ông bà: Cần phải yêu thương, chăm sóc ông bà, dành nhiều thời gian tình cảm, phụng dưỡng ông bà.
Câu 1: Theo em tác giả muốn nói điều gì qua văn bản trên?
Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu sau: “Bà ngồi dây, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!”
Câu 3: Những hành động của bà dành cho cháu?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1: Qua văn bản trên tác giả nói đến:
+ Tình yêu thương của bà dành cho cháu là tình yêu thiêng liêng, quý giá, yêu thương vô điều kiện.
+ Cháu cần phải yêu thương, kính trọng bà.
+ Cần kính yêu, tự hào, trân trọng tình cảm bà cháu.
Câu 2: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng là liệt kê.
+ Liệt kê các hành động của bà như: ngồi dậy, cười cười, mở, đưa.
Tác dụng: Thể hiện người bà hiền hậu với tình yêu thương trìu mến của bà dành cho cháu, luôn yêu thương và dành cho cháu những món quà đặc biệt mà cháu thích.
Câu 3: Mặc dù bận bịu với công việc hằng ngày nhưng mỗi lần đi chợ là bà dành tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Khi bà không đi chợ được nữa thì bà luôn dành quà cho cháu như mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra.
Câu 1 (0.5 điểm): Truyện được kể theo ngôi kể nào?
A. Ngôi thứ nhất.
B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ ba.
D. Kết hợp cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
Câu 2 (0.5 điểm): Xác định đề tài của văn bản trên.
A. Thiên nhiên.
B. Loài vật.
C. Gia đình.
D. Đất nước.
Câu 3 (0.5 điểm): Trong văn bản trên, bà bị bệnh gì?
A. Bệnh già.
B. Bị đau chân.
C. Bệnh đau tay.
D. Bị ho.
Câu 4 (0.5 điểm): Từ “chân” trong câu: “Bà bị đau chân.” và “Cái gậy có một chân” là từ:
A.Từ đa nghĩa.
B.Từ đồng âm.
C. Từ ghép.
D. Từ láy.
Câu 5 (0.5 điểm): Công dụng của dấu ngoặc kép trong câu: Anh em tôi, đứa nào cũng “mê” bà lắm là để:
A. Đánh dấu từ ngữ hiểu theo nghĩa mỉa mai, châm biếm.
B. Đánh dấu từ ngữ cần nhấn mạnh.
C. Đánh dấu từ ngữ không hiểu theo nghĩa thông thường.
D. Đánh dấu tên tác phẩm.
Câu 6 (0.5 điểm): Nhân vật “tôi” muốn thể hiện tình cảm gì với người bà qua văn bản trên?
A. Yêu thương và sự kính trọng dành cho bà.
B. Sự căm ghét bà.
C. Sự thù hận bà.
D. Sự tiếc nuối khi không còn bà.
Câu 7 (0.5 điểm): Hình ảnh người bà trong văn bản trên đã gợi cho em những suy nghĩ gì về bổn phận của mình đối với ông bà?
A. Chăm sóc, yêu thương, lo lắng.
B. Quan tâm giúp đỡ bà.
C. Không yêu thương, lo lắng.
D. Chăm sóc, yêu thương, lo lắng, quan tâm giúp đỡ bà.
Câu 8 (0.5 điểm): Theo em, điều mà nhân vật “tôi” biết được thể hiện trong câu nói “Bà ơi bà! Ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho bố cháu, mẹ cháu và anh cháu… Cháu biết rồi, bà ơi…” là gì?
A. Cháu biết được sự vất vả, lam lũ, khổ cực trong đời bà.
B. Cháu biết những bệnh tật, đớn đau đang dày vò bà.
C. Cháu biết bà muốn cháu nhận món quà ô mai sấu.
D. Cháu biết nhận ra tình yêu thương, sự quan tâm ấm áp của bà dành cho con cháu.
Câu 9 (1.0điểm): Qua câu chuyện em thấy tình cảm người bà dành cho cháu như thế nào?
Câu 10 (1.0điểm): Câu chuyện gợi cho em suy nghĩ gì về bổn phận của mình đối với ông bà?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. A
Câu 2. C
Câu 3. B
Câu 4. A
Câu 5. C
Câu 6. A
Câu 7. D
Câu 8. D
Câu 9.
Qua câu chuyện em thấy tình cảm của bà dành cho cháu thật ấm áp yêu thương . Bà luôn quan tâm dành dụm cho cháu những món quà mà cháu thích nhất.
Câu 10.
Con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ, ông bà, có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà đặc biệt khi cha mẹ, ông bà đau ốm, già yếu. Nghiêm cấm con cháu có hành vi ngược đãi, xúc phạm cha mẹ, ông bà
----------------------------------
Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Quà của Bà - Vũ Tú Nam. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.