logo

Đọc hiểu Ông già và nụ hoa (2 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Ông già và nụ hoa hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

ÔNG GIÀ VÀ NỤ HOA

Ở một tập thể kia, tại dãy nhà B, tầng một, có một ông già đến ở cùng con gái là cô Hòa, thợ dệt. Tên ông là gì, bọn trẻ con ở khu nhà này chưa biết và các cô các cậu ấy cũng chẳng cần hỏi. Đã có chú bé láu lỉnh tên là Đảo đặt ngay tên cho ông già là: Ông về hưu. Mà đúng ông cụ vừa về hưu thật. 

Mới chưa đầy tuần lễ, vạt đất đầy cỏ gấu trước nhà cô thợ dệt đã biến thành một vườn cây nhỏ. Song, đặc biệt có cây hoa hồng bạch, ra hoa trắng thì đứa nào cũng biết. Chẳng là hôm ông cụ đem về trồng, đã có sẵn một bông hoa to bằng cái chén uống nước.

Cây đem về trồng hôm trước, hôm sau đã có đứa trèo qua cổng vườn hái mất biến! Ông về hưu nhìn cây hoa lắc đầu. Nhưng rồi ông vẫn tưới bón và chăm chút cho cây hoa. Dễ đến hơn tháng sau thì cây hoa đơm nụ, đếm được sáu bảy cái. Ông già chiều nào, sớm nào cũng tưới cho cây hoa.

Thế rồi, một buổi chiều ra tưới cây, ông già thấy thiếu ngay hai nụ hoa to sắp nở. Đứa nào đã bẻ ngoéo. Mà bẻ ác chứ, gãy cả cái cành đó. Ông về hưu lắc đầu, vuốt lại cái cành cây mảnh mai. 

Mấy bữa sau, ông già vừa dắt xe, mở cổng vườn đi được độ năm phút, thì hai cô cậu, một trai một gái choai choai lên bảy, lên tám, vạch rào chui vào. Cậu bé vào đưa tay vặt cái nụ hoa to nhất cho cô bé thì ông già trở về. Cả hai đứng sững tại chỗ. Ông già vui vẻ: 

- Chào hai cháu!

Hai cô cậu trợn tròn mắt. […]

Ông già vừa dựa vào xe để hỏi:

- Các cháu vào hái nụ hoa à? 

[…] Cô bé đã thật thà: 

- Vâng ạ! 

Và xòe bàn tay có cái nụ hoa hồng bạch đã bẹp dí từ lúc nào. Ông già gật đầu bảo cả hai đứa: 

- Các cháu nhổ cả cây rồi đem về nhà đi, khỏi phải trèo rào đến đây hái trộm. 

Cô bé sợ hãi nép vào cậu bạn, còn cậu con trai thì ớ ra, cậu ta ngạc nhiên thật sự: 

- Sao thế ạ? 

Ông về hưu tủm tỉm cười: 

- Vì rằng, ông chăm chút cho cái cây này mãi mới được mấy nụ hoa thì lại bị các cháu đến bẻ mất, lại bẻ hỏng cả cành. Nếu thích, các cháu nhổ cả cây đem về trồng lấy, khỏi phải đi hái trộm. 

Chú bé lắc đầu:

- Nhưng mà nhà cháu ở tầng ba cơ! 

Ông già bật cười ha hả: 

- Thế thì làm sao bây giờ? 

Hai cô cậu nhìn nhau, cô bé như đã muốn khóc. Ông về hưu gật đầu, bảo: 

- Thế này nhé! Mấy ông cháu mình trồng chung vậy. Chiều chiều các cháu đến đây tưới cây với ông. Lúc nào nụ hoa nở, ông cho mỗi cháu một bông. Được không?

Chú bé nhoẻn cười có vẻ khoái, còn cô bé thì rụt rè: 

- Vâng ạ! 

Từ hôm ấy, cây hoa hồng bạch của ông về hưu không bị bẻ nụ hoa nữa. Và, chú bé kia, lại là đứa chăm đến tưới cây với ông già nhất. 

(Theo Phong Thu)

Đọc hiểu Ông già và nụ hoa

Đọc hiểu Ông già và nụ hoa - Đề số 1

Câu 1. Truyện sử dụng ngôi kể nào?

A. Ngôi thứ nhất  

B. Ngôi thứ hai 

C. Ngôi thứ ba  

D. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2. Nhân vật chính trong truyện là ai?

A. Chú bé Đảo 

B. Cậu con trai 

C. Cô Hòa 

D. Ông về hưu

Câu 3. Xác định trình tự kể trong truyện.

A. Trình tự không gian 

B. Trình tự thời gian

C. Trình tự nguyên nhân - kết quả 

D. Kết hợp trình tự thời gian và không gian 

Câu 4. Xác định các sự việc chính trong truyện.

A. Ông về hưu trồng cây hoa trước nhà, hai bạn nhỏ đến bẻ nụ hoa, ông về hưu bắt gặp và cho hai bạn nhỏ cùng chăm hoa với ông.

B. Ông về hưu trồng cây hoa trước nhà, hai bạn nhỏ đến bẻ nụ hoa, ông về hưu bắt gặp và phạt không cho hai bạn nhỏ cùng chăm hoa.

C. Ông về hưu trồng cây hoa trước nhà, hai bạn nhỏ đến bẻ nụ hoa, ông về hưu bắt gặp và mắng hai bạn nhỏ vì đã hái trộm nụ hoa.

D. Ông về hưu trồng cây hoa trước nhà, hai bạn nhỏ đến bẻ nụ hoa, ông về hưu bắt gặp và dọa hai bạn nhỏ khóc, không dám đến nữa.

Câu 5. Trong câu Mấy ông cháu mình trồng chung vậy., thành phần nào của câu được mở rộng bằng cụm từ?

A. Chủ ngữ, trạng ngữ 

B. Vị ngữ, trạng ngữ

C. Không có thành phần nào

D. Chủ ngữ, vị ngữ

Câu 6. Chỉ ra phó từ trong câu Nhưng rồi ông vẫn tưới bón và chăm chút cho cây hoa.

A. vẫn 

B. tưới bón 

C. chăm chút 

D. và

Câu 7. Trong đoạn văn, em hãy tìm một câu văn cho thấy ông về hưu là người yêu lao động.

Câu 8. Khi được ông về hưu cho cơ hội sửa sai, hai bạn nhỏ đã có những hành động thay đổi so với ban đầu. Hãy tìm các chi tiết thể hiện sự thay đổi hành động của hai bạn ấy.

Câu 9. Từ câu chuyện, em hãy rút ra một bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu:

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

C

D

B

A

A

A

Câu 7: Từ đoạn văn trên câu văn cho thấy ông về hưu là người yêu lao động là: “Vì rằng, ông chăm chút cho cái cây này mãi mới được mấy nụ hoa thì lại bị các cháu đến bẻ mất, lại bẻ hỏng cả cảnh”

Câu 8: Khi được ông về hưu cho cơ hội sửa sai, hai bạn nhỏ đã có những hành động thay đổi so với ban đầu. Các chi tiết thể hiện sự thay đổi hành động của hai bạn ấy như sau:

+ “Chú bé nhoẻn cười có vẻ khoái, còn cô bé thì rụt rè

- Vâng ạ !"

+ “Và, chú bé kia, lại là đứa chăm đến tưới cây với ông già nhất”

Câu 9: Bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân:

Chúng ta không nên tự ý hái hoa bẻ cành khi chưa xin phép chủ của cây hoa. Thay vì thích bông hoa đó chúng ta xin phép chủ được sự cho phép thì mới được bứt hoa. Hành động tự ý như vậy là xấu, việc ông cụ về hưu bắt được hai đứa nhỏ hái hoa và giáo dục cho hai bé không được tự ý hành động khi chưa được sự cho phép giúp hai bé thay đổi hành đông, suy nghĩ của mình. Từ đó, ta cũng tự rút ra bài học cho bản thân là không nên ngắt hoa, bẻ cành, không tự ý hành động ngắt hoa hay lấy đồ của người khác khi chưa được sự cho phép.


Đọc hiểu Ông già và nụ hoa - Đề số 2

Câu 1: Câu chuyện được kể theo ngôi thứ mấy? Phương thức biểu đạt chính là gì?

Câu 2: Xác định những nhân vật chính trong câu chuyện “Ông già và nụ hoa”.

Câu 3: Trước sự việc cây hoa hồng cứ đơm nụ, nở hoa lại bị vặt mất, “ông về hưu” đã có thái độ và hành động như thế nào? Hãy tìm những chi tiết thể hiện điều đó.

Câu 4: Khi bắt gặp hai em nhỏ đang hái hoa, “ông về hưu” đã giải quyết sự việc đó như thế nào? Em có nhận xét gì về nhân vật này?

Câu 5: Từ câu chuyện, em rút ra cho mình những bài học ý nghĩa nào trong cuộc sống?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu:

Câu 1: 

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba

Phương thức biểu đạt chính là Tự sự

Câu 2: Các nhân vật chính trong câu chuyện “Ông già và nụ hoa”: Ông già, hai cô cậu

Câu 3: Trước sự việc cây hoa hồng cứ đơm nụ, nở hoa lại bị vặt mất, “ông về hưu” đã có thái độ và hành động như sau: Ông lắc cái đầu và vuốt lại cái cành cây mảnh mai.

Câu 4: Khi bắt gặp hai em nhỏ đang hái hoa, “ông về hưu” đã giải quyết sự việc đó bằng cách hỏi chuyện và khuyên giải hai em nhỏ. Theo em, ông Hai là người nhân từ, bao dung, bình tình nói chuyện với các bạn nhỏ thay vì trách móc hay quát mắng. Ông rất hiểu biết về tâm lí các bé, nói chuyện nhẹ nhàng giúp các bé hiểu ra vấn đề và thay đổi say nghĩ của mình.

Câu 5: Chúng ta cần phải biết bao dung với mọi người. Biết bình tĩnh để giải quyết mọi việc, khi nóng giận, bạn chỉ thoả mãn chính bản thân ngay lúc đó. Đây là lối sống yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh thay vì thù hằn, ghét bỏ. Khi bạn bao dung, bạn sẽ không chấp nhặt lỗi lầm lặt vặt của người khác. Điều này không có nghĩa là bỏ qua mọi lỗi lầm, hay nhắm mắt làm ngơ trước điều ác. Nhưng tùy từng trường hợp, chúng ta hãy có cách xử lý bao dung, hợp lý nhất.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Ông già và nụ hoa. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 30/12/2022 - Cập nhật : 28/08/2023