logo

Đọc hiểu Ở xứ này khi bạn 17 tuổi

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Ở xứ này khi bạn 17 tuổi hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

Đọc hiểu Ở xứ này khi bạn 17 tuổi - Đề số 1

 Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

…Ở xứ này, khi bạn 17 tuổi – cái tuổi mà người lớn vẫn gọi là “ăn chưa no lo chưa tới”, những gì bạn được người lớn khuyên bảo chỉ là học thật tốt để thi đại học, kiếm bằng cấp, kiếm việc làm và… thu nhập cao. Đó quả là lời khuyên vô cùng hữu ích. Song ngẫm lại nếu bạn bị cuốn vào guồng quay đã được định sẵn này, bạn sẽ vô tình sống một cuộc sống tẻ nhạt, ích kỉ và chỉ vì bản thân mình.

17 tuổi bạn đã đủ lớn để bước ra vỏ bọc êm ái, nhìn ra xung quanh và thấy được những mặt xấu xí, lồi lõm của cuộc sống này. 17 tuổi, bạn đã đủ lớn để nghe những câu hỏi về những vấn đề nhức nhối của xã hội, của nhân loại và tự đặt cho mình câu hỏi : “Mình có thể làm gì giúp giải quyết những vấn đề này ?”

Tôi cũng như bạn, ở tuổi 17, chúng ta cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm câu trả lời. Nhưng tôi tin đến một ngày, sau những nổ lực và cố gắng, nếu biết đặt những câu hỏi, chúng ta sẽ có câu trả lời…”

(Đi, để hỏi – Đoàn Lê Quỳnh Trân, Trường THPT Năng Khiếu, Tp.HCM – Báo tuổi trẻ cuối tuần)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những từ ngữ nào miêu tả “một cuộc sống tẻ nhạt, ích kỉ và chỉ vì bản thân”?

Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: “Song ngẫm lại nếu bạn bị cuốn vào guồng quay đã được định sẵn này, bạn sẽ vô tình sống một cuộc sống tẻ nhạt, ích kỉ và chỉ vì bản thân mình”?

Câu 3. Cho biết hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong câu: “17 tuổi bạn đã đủ lớn để bước ra vỏ bọc êm ái, nhìn ra xung quanh và thấy được những mặt xấu xí, lồi lõm của cuộc sống này”.

Câu 4. Tác giả nhắn nhủ điều gì qua câu: “17 tuổi, bạn đã đủ lớn để nghe những câu hỏi về những vấn đề nhức nhối của xã hội, của nhân loại và tự đặt cho mình câu hỏi: “Mình có thể làm gì giúp giải quyết những vấn đề này?” ? Lời nhắn nhủ đó có ý nghĩa gì đối với anh/chị?

Lời giải

Câu 1. Những từ ngữ miêu tả: một cuộc sống tẻ nhạt, ích kỉ vì bản thân; học thật tốt để thi đại học, kiếm bằng cấp, kiếm việc làm và... thu nhập cao.

Câu 2. 

+ Tẻ nhạt vì: cuộc sống do cha mẹ bạn chọn, không phải bạn. Con đường đã được cha mẹ vạch ra sẵn, bạn chỉ đi theo, chẳng có điều gì thú vị, cũng chẳng có những thử thách, khó khăn.

+ Ích kỉ và chỉ vì cho bản thân: chỉ lo cho mình có bằng cấp, thu nhập cao. Vì ngoài xã hội còn nhiều những việc mang giá trị tình thần, giúp ích cho gia đình, xã hội.

Câu 3.

+ Vỏ bọc êm ái” chỉ cuộc sống bình yên, an toàn trong sự bảo bọc của gia đình. Giúp ta dễ hình dung ra cuộc sống an toàn đó.

+ “Mặt xấu xí, lồi lõm” chỉ những mặt không tốt của xã hội, đó là môi trường để con người được va chạm, trải nghiệm để trưởng thành.

Câu 5.

+ 17 tuổi, ta đã trưởng thành để nhận thức, hiểu xã hội, thế giới. Chúng ta cần có ý thức, trách nhiệm với thế giới mà ta đang sống, nhất là về những mặt chưa tốt của xã hội, của nhân loại để tìm ra giải pháp khắc phục.

+ 17 tuổi em cần có những hành động thiết thực để giúp ích cho xã hội.

>>> Tham khảo: Đọc hiểu Gửi con

Đọc hiểu Ở xứ này khi bạn 17 tuổi - Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi ưa nói, ưa tranh luận, nhưng khi tôi 17 tuổi nếu tôi giơ tay phát biểu trước lớp về một vấn đề không đồng ý với quan điểm của thầy cô, tôi bị dòm ngó, tẩy chay, cười mỉa... Hình như ở Việt Nam, người ta rất khó chấp nhận chuyện người nhỏ hơn mình “sửa sai” hay tranh luận thẳng thắn với người lớn.

Khi lớn, tôi có đọc Cơ sở văn hóa Việt Nam của GS Trần Ngọc Thêm, ông có giải thích về văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, “sống lâu lên lão làng”... Tôi không rõ lắm, nhưng nói như vậy để thấy 17 tuổi tôi không được ủng hộ cho chuyện được nói lên suy nghĩ của bản thân, nếu tôi nói khác với số đông, tôi lập tức là “cá biệt” mà không cần biết đúng hay sai.

Còn ở nhà, 17 tuổi tôi phải nhất nhất làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, nếu tôi dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào “hỗn hào và bất hiếu”.

Bao giờ mới trưởng thành?   

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi thật sự thấy mình đã trưởng thành (22 tuổi mới thấy trưởng thành, có lẽ khá muộn so với độ tuổi của bạn bè trên thế giới), khi đã có công việc và tự lập với thu nhập kiếm được. Tôi nghĩ có lẽ cuộc sống của mình đã “dễ thở” hơn. Đó cũng là lúc tôi thấy con đường mà tôi đã đi như ý gia đình là không sai, nhưng thật tình như bạn nói: rất tẻ nhạt.

Tôi luôn có cảm giác không được sống đúng với sở thích, cá tính của bản thân. Nói đến đây, chắc rất nhiều bạn hỏi sao tôi không đấu tranh, không đủ dũng khí sống với cá tính, đam mê của mình mà lúc nào cũng nhất nhất nghe theo gia đình. Cũng “khởi nghĩa” vài lần, nhưng kết quả thì lần nào cũng thất bại, vì bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý.

…Đừng nói là 17 tuổi, đến 27 tuổi tôi vẫn chẳng thể tự do quyết định cuộc sống của mình. Và tôi biết có rất nhiều bạn trẻ giống tôi.

Tất cả những sự thay đổi trong tư tưởng đều cần rất nhiều thời gian. Tôi sẽ không thể thay đổi mình, thay đổi hoàn cảnh năm tôi 17 tuổi, nhưng tôi hi vọng thế hệ sau tôi có được điều đó, khi các em có được những người bố, người mẹ là chúng tôi.

(Đặng Anh, Sống đúng là mình, Tuoitre.vn, 9/9/2013)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Khi viết văn bản này, người viết mong muốn điều gì?

Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng trong xã hội của người Việt "bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý"?

Câu 4. Theo anh/chị, người nhỏ tuổi nên hay không khi sửa sai hay tranh luận thẳng thắn với người lớn? Vì sao?

Lời giải

Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2. Khi viết văn bản này, người viết mong muốn thế hệ sau sẽ được thay đổi (không phải chịu sự áp đặt từ cha mẹ hay người lớn).

Câu 3. Tác giả cho rằng trong xã hội của người Việt "bố mẹ bao giờ cũng là... chân lý" bởi vì:

- Văn hóa của người Việt là làng xã, văn hóa trọng người lớn tuổi, vậy nên con cái thường phải làm theo tất cả những gì bố mẹ sắp đặt, không dám (hoặc ít khi) làm ngược lại, hay thay đổi.

- Nếu dám tranh luận lại (dù là tranh luận rất nhỏ nhẹ và lễ phép), lập tức bị khép vào "hỗn hào và bất hiếu".

Câu 4. Nếu học sinh trả lời theo hướng đồng thuận (nên) thì cần lập luận:

+ Vì đôi khi người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Tranh luận giúp người khác nhận ra sai lầm để sửa chữa là việc nên làm.

+ Qua việc tranh luận, người nhỏ tuổi được bộc lộ quan điểm, suy nghĩ, bản thân cũng trưởng thành hơn. Tuy nhiên cần phải thái độ lễ phép, lập luận khéo léo, thuyết phục…

- Nếu học sinh trả lời theo hướng không đồng thuận (không nên) thì cần lập luận:

+ Người lớn tuổi thường giàu kinh nghiệm, ít khi sai.

+ Người nhỏ tuổi chưa đủ tri thức cũng như kinh nghiệm sống để phản bác hay sửa sai cho người lớn nên cần tôn trọng, lắng nghe và học hỏi từ người lớn…

>>> Tham khảo: Đọc hiểu Điều gì là quan trọng

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài đọc hiểu Ở xứ này khi bạn 17 tuổi. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 12/10/2022 - Cập nhật : 19/11/2022