logo

Đọc hiểu gửi con

Đoạn trích Gửi con của Bùi Nguyễn Trường Kiên là những lời tâm tình của người cha dành cho con trai những điều trong cuộc sống. Để hiểu sâu sắc về ý nghĩa những lời nhắn của cha chúng ta cùng tìm hiểu lần lượt các đề đọc hiểu gửi con được Top lời giải biên soạn.


Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

GỬI CON

…..

Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng. Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.

Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.

…..

Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn

Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui

Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại

Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa

Chẳng sao

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ

Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay

May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may

Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.

Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công.

…..

Hãy hân hoan với điều nhân nghĩa

Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân

Và hãy tin vào điều có thật:

Con người – sống để yêu thương.

(Bùi Nguyễn Trường Kiên)


Đề đọc hiểu gửi con – Đề số 1

Câu 1. Xác định 2 phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về ý nghĩa các câu thơ sau:

 “Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng.  Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.

Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.”.

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả nói rằng:

” Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại

Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa

Chẳng sao

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.”

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?


Đáp án đề đọc hiểu gửi con – Đề số 1

Câu 1:

2 phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: nghị luận và biểu cảm.

( Nếu HS trả lời đúng một phương thức biểu đạt cho 0,25 điểm)

Câu 2:

- Ý nghĩa 2 câu thơ:

“Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng. Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.

Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.”.

- Qua câu thơ, người cha nhắc nhở con về việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống. Cần giúp đỡ mọi người song phải biết giới hạn, và đôi khi, từ chối cũng là một cách giúp đỡ. Học cách giúp đỡ người khác, nhiệt tình, đúng mực để sự giúp đỡ ấy phát huy giá trị tốt đẹp.

Câu 3:

- Tác giả cho rằng:

” Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại

Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa

Chẳng sao

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.”

Bởi vì: Cuộc sống của mỗi người luôn cần có ước mơ, khát vọng, nỗ lực vươn lên và phải biết khẳng định mình.Tuy nhiên, “tiến” và “ngước lên” không phải để ganh đua, bon chen, hãnh tiến, không vì vật chất, danh lợi bản thân mà bán rẻ lương tâm, phẩm giá. Điều cần thiết là “tiến” và “ngước lên” để biết “lùi”, biết “nhìn xuống”, biết nhìn nhận, suy ngẫm, đánh giá về chính mình để giữ gìn nhân cách. Đó là cuộc sống thanh thản, hạnh phúc.

Câu 4:

Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về thông điệp ấy:

– Chúng ta cần biết giúp đỡ người khác, nhiệt tình, đúng mực để sự giúp đỡ ấy phát huy giá trị tốt đẹp.

– Không nên tự cao, tự đại mà phải biết tự đánh giá và nhận ra tài năng, vị trí xã hội của mình.

– Bình tâm trước những vấn đề được- mất, thăng tiến bằng chính tài năng của mình và luôn giữ gìn đức độ, nhân cách

– Cuộc sống luôn cần có tình yêu thương. Tình yêu thương đem đến hạnh phúc cho nhân loại.

Đọc hiểu gửi con


Đề đọc hiểu gửi con – Đề số 2

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì ?

Câu 2. Xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ:“Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn/ Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui”.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa các câu thơ:“Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng/ Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu/ Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi” ?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả gửi gắm trong những câu thơ sau hay không ? Tại sao ?: “Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại/ Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa/ Chẳng sao”.

Câu 5. Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (200 chữ) trình bày suy nghĩ về quan niệm sống: “Con người – sống để yêu thương”.


Đáp án đề đọc hiểu gửi con – Đề số 2

Câu 1:

- Thể thơ: Tự do.

Câu 2:

- Xác định: Phép điệp, tương phản/đối.

- Giá trị: Nhấn mạnh những quy luật cảm xúc, đời sống, sự chuyển hóa các cung bậc đối nghịch nhau, tạo nhịp điệu cho câu thơ.

Câu 3:

- Người cha nhắc nhở con về việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống.

- Học cách giúp đỡ người khác, nhiệt tình, đúng mực, có giới hạn để sự giúp đỡ ấy phát huy giá trị tốt đẹp.

Câu 4:

Đây là câu hỏi mở, học sinh tùy theo suy nghĩ để trả lời nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

- Thể hiện quan điểm: đồng ý hoặc không đồng ý.

- Lí giải được một cách hợp lý, thuyết phục.

Câu 5:

Đảm bảo yêu cầu của đoạn văn:

- Viết đúng hình thức đoạn văn.

- Thí sinh có thể lựa chọn các hình thức đoạn văn khác nhau.

  • Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

  • Triển khai vấn đề cần nghị luận:

  • Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:

- Yêu thương là sự quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, quy mến… con người.

- Con người cần sống yêu thương vì đó là một lối sống đẹp. Sống yêu thương mang lại những điều kì diệu cho cuộc sống. Người cho và nhận yêu thương đều được bình yên và hạnh phúc.

- Cần phê phán những hiện tượng sống thờ ơ, ích kỉ, vô cảm trong xã hội.

- Đưa ra các dẫn chứng cụ thể, thuyết phục.

Chính tả, dùng từ, đặt câu

- Đảm bảo đúng chính tả, dùng từ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp.

Sáng tạo

- Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ, suy nghĩ sâu sắc.


Đề đọc hiểu gửi con – Đề số 3

Câu 1. Tìm các phương thức biểu đạt trong văn bản. (0.5 điểm)

Câu 2. Nêu hiệu quả cách nhà thơ dùng từ “hãy” ở đầu một số câu thơ. (1.0 điểm)

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào ý nghĩa hai câu thơ sau: Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công…(1.0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, người cha gửi đến con thông điệp gì qua văn bản trên? (1.5 điểm)


Đáp án đề đọc hiểu gửi con – Đề số 3

Câu 1

Các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự, nghị luận.

- HS trả lời đúng 2 PTBĐ biểu cảm và nghị luận hoặc biểu cảm và tự sự (0,5 đ)

- Trả lời 1 trong 3 phương thức trên : 0,25 điểm

Câu 2

Hiệu quả nhà thơ dùng từ hãy:

- Nhà thơ dùng từ hãy để nhắc nhở, nhắn gửi, khuyên bảo con (0,5đ)

- Nhằm nhấn mạnh tâm nguyện của người cha// tạo nhịp điệu (0,5đ)

Câu 3

Ý nghĩa hai câu thơ: Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công…

- Cần phải biết gặt hái những thành quả, những việc làm có ý nghĩa (0,5đ)

- Đem những gì có được giúp đỡ người khác. (0,5đ) àLưu ý: chấp nhận những cách hiểu khác (nếu thấy hợp lí).

Câu 4

Thông điệp của văn bản:

- Người cha khuyên con nên biết giúp đỡ, yêu thương mọi người trong cuộc sống. (0,5đ)

- Sống biết phấn đấu, biết hi sinh, biết làm việc nghĩa cho cuộc đời. (1,0 đ)

Lưu ý: chấp nhận những thông điệp khác học sinh nêu ra (nếu thấy hợp lí).


Đề đọc hiểu gửi con – Đề số 4

Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phụ huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng…của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy đợt dự thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích “Thư gửi con mùa thi đại học”, trên netchunetnguoi.com)

Câu 1 (0,5 điểm) Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2 (0,5 điểm) Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 3 (1,0 điểm) Trước ngưỡng cửa quan trọng của đời người, thái độ của người cha với con được bộc lộ như thế nào qua câu văn “Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình”.

Câu 4 (1,0 điểm) Ý nghĩa lời dặn của cha đối với con khi đứng trước ngưỡng cửa đại học?


Đáp án đề đọc hiểu gửi con – Đề số 4

Câu 1   

Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu 2    

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

Câu 3

Thái độ của người cha với con:

- Trân trọng suy nghĩ, khát vọng của con.

- Tin tưởng trao cho con quyền quyết định những việc quan trọng của đời mình.

Câu 4

Ý nghĩa lời dặn của cha đối với con: tình yêu thương, trách nhiệm, sự tin tưởng, quan tâm, động viên….của cha đối với con.


Đề đọc hiểu gửi con – Đề số 5

Câu 1. Xác định 2 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Người cha muốn nhắn gửi con điều gì qua những câu thơ sau: Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, Con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy. Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, Con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.

Câu 3. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình phụ tử.


Đáp án đề đọc hiểu gửi con – Đề số 5

Câu 1

2 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên: Nghị luận và Biểu cảm

Câu 2

Điều người cha muốn nhắn gửi con qua những câu thơ là: Phải biết đồng cảm và chia sẻ

Câu 3

Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ của bản thân về thông điệp ấy: - Trong cuộc sống, con người cần có sự đồng cảm và chia sẻ. - Biết hướng vào tương lai nhưng cần trân trọng quá khứ và hiện tại - Cuộc sống luôn cần có tình yêu thương. Tình yêu thương đem đến hạnh phúc cho nhân loại…

Câu 4

Học sinh có thể trình bày theo những cảm nhận khác nhau, tuy nhiên cần đảm bảo các ý:

- Cũng như tình mẫu tử, tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống.

- Người cha luôn hướng về con thân yêu của mình, luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất.

- Cho dù phải trải qua muôn vàn khó khăn trong cuộc đời, cha vẫn cố gắng từng ngày, để dành tặng cho con một tương lai tươi sáng.

- Phận làm con, phải biết kính yêu và giữ trọn đạo hiếu với cha

Hy vọng với bộ đề đọc hiểu gửi con, các bạn sẽ biết quý trọng tình mẫu tử, tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống. Cha mẹ luôn dành điều tốt nhất cho con. Vậy các bạn hãy cố gắng chăm học lên nhé!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021