logo

Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới (4 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

Đọc đoạn trích sau: 

      Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới. Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi như nhảy nhót. Hạt nọ tiếp hạt kia đan xuống mặt đất (...) Mặt đất đã kiệt sức bỗng thức dậy, âu yếm đón lấy những giọt mưa ấm áp, trong lành. Đất trời lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cỏ. Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ dầy, tràn lên các nhánh lá mầm non. Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt.

(Tiếng mưa - Nguyễn Thị Thu Trang)


Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới - Đề số 1

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?

Câu 2: Xác định và chỉ ra một biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong văn bản?

Câu 3: Mưa mùa xuân đã đem đến cho muôn loài điều gì?

Câu 4: Dựa vào nội dung câu in đậm trên, là một người con em sẽ trả nghĩa cho cha mẹ, thầy cô như thế nào khi đang ngồi trên ghế nhà trường?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt miêu tả.

Câu 2: 

Học sinh xác định chính xác một trong các biện pháp tu từ dưới đây:

- Biện pháp tu từ nhân hóa:

+ Nhân hóa hạt mưa “đan xuống” mặt đất.

+ Nhân hóa mặt đất “kiệt sức”, “thức dậy", “âu yếm” những giọt mưa.

+ Đất trời “dịu mềm”, “cần mẫn” với cây cỏ.

- Biện pháp tu từ so sánh: “Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi như nhảy nhót.”

- Biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu “Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt.” 

Câu 3: 

Mưa mùa xuân đã đem đến cho muôn loài sự sống và sức sống mãnh liệt.

Câu 4: 

Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ trả nghĩa cho cha mẹ và thầy cô bằng cách:

- Cố gắng chăm chỉ học và đạt được thành tích cao trong học tập.

- Luôn ngoan ngoãn, yêu thương và kính trọng cha mẹ, thầy cô.

Những giọt mưa còn đọng lại trên những nụ hoa xuân


Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới - Đề số 2

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Viết lại hai từ láy có trong đoạn trích trên

Câu 2: Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn sau: “Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới”. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn vừa phân tích thuộc kiểu câu nào?

Câu 3: Câu văn "Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ dầy, tràn lên các nhánh lá mầm non." được liên kết với câu văn "Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt" bằng phép liên kết nào? Chỉ ra từ ngữ làm phương tiện cho phép liên kết ấy. 

Câu 4: Trong câu văn: “Mặt đất đã kiệt sức bỗng thức dậy, âu yếm đón lấy những giọt mưa ấm áp, trong lành” đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. 

Câu 5: Mưa mùa xuân đã có tác động như thế nào đến vạn vật? 

Câu 6: Câu văn: “Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt.” gợi cho em nhớ đến câu tục ngữ nào có nói về truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Hai từ láy có trong đoạn trích trên là: xôn xao và phơi phới.

Câu 2: 

Cấu tạo ngữ pháp của câu văn:

Mưa mùa xuân / xôn xao, phơi phới. 

           CN                       VN 

Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn trên thuộc kiểu câu đơn. 

Câu 3: 

Câu văn "Mưa mùa xuân đã mang lại cho chúng cái sức sống ứ dầy, tràn lên các nhánh lá mầm non." được liên kết với câu văn "Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt" bằng phép nối. Từ “và” làm phương tiện cho phép nối đó.

Câu 4: 

Trong câu văn: “Mặt đất đã kiệt sức bỗng thức dậy, âu yếm đón lấy những giọt mưa ấm áp, trong lành” đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa.

Tác dụng: 

+ Tăng sức gợi hình, gợi tả hơn cho muôn vật trở nên có hồn và gần gũi với con người hơn.

+ Giúp cho câu văn trở nên sinh động, và hấp dẫn người đọc, người nghe hơn.

Câu 5: 

Mưa mùa xuân đã có tác động đến vạn vật là mang lại sức sống mãnh liệt cho muôn loài ươm mầm phát triển.

Câu 6: 

Câu văn: “Và cây trả nghĩa cho mưa bằng cả mùa hoa thơm trái ngọt.” gợi cho em nhớ đến câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là những câu tục ngữ nói về truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam luôn nhớ về cội nguồn và biết ơn nơi ta chôn rau cắt rốn.


Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới - Đề số 3

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Xác định đối tượng và trình tự miêu tả trong đoạn trích trên?

Câu 2: Chỉ rõ biện pháp tu từ có trong đoạn trích và phân tích tác dụng?

Câu 3: Nội dung khái quát của đoạn trích?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Đối tượng miêu tả trong đoạn trích trên là mưa mùa xuân và có trình tự miêu tả theo thời gian.

Câu 2: 

Trong đoạn trích trên có biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh và ẩn dụ.

Lưu ý: Học sinh trả lời đúng một trong ba biện pháp trên.

- Nhân hóa hạt mưa và đất trời cũng có những hành động như con người “đan”, “âu yếm”, “thức dậy”,…

- So sánh những hạt mưa rơi như đang nhảy nhót dạo múa giữa đất trời mùa xuân.

- Ẩn dụ về sự biết ơn của cây với những hạt mưa mà đất trời đã ban tặng trao cho cây để giờ đây cây đơm hoa kết trái làm quà gửi tặng cho đất trời.

Câu 3: 

Nội dung khái quát của đoạn trích: Thể hiện sự biết ơn của đất trời, muôn loài với món quà thiên nhiên ban tặng là “những cơn mưa mùa xuân”. Nó như xoa dịu, âu yếm đứa con của đất trời bằng những giọt mưa ấm áp mà gần gũi.


Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới - Đề số 4

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn. 

Câu 2: Tìm 01 cụm danh từ và 01 cụm động từ có trong hai câu văn sau: “Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót. Hạt nọ tiếp hạt kia đậu xuống lá cây ổi còng mọc lả xuống mặt ao.” 

Câu 3: Tìm và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ nổi bật trong đoạn văn. 

Câu 4: Khái quát nội dung của đoạn văn.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn là: biểu cảm.

Câu 2: 

Trong hai câu văn sau: “Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót. Hạt nọ tiếp hạt kia đậu xuống lá cây ổi còng mọc lả xuống mặt ao.” có:

+ 1 cụm danh từ là: Những hạt mưa bé nhỏ.

+ 1 cụm động từ là: đậu xuống lá cây ổi.

Câu 3: 

Biện pháp tu từ nổi bật trong đoạn văn là biện pháp nhân hóa những hạt mưa.

Tác dụng: Giúp cho câu văn trở nên sinh động và tăng thêm sức gợi hình, gợi tả hơn cho hình ảnh hạt mưa được gần gũi và thân thiện hơn với người đọc, người nghe hơn.

Câu 4: 

Nội dung của đoạn văn: Nhờ vào sự chăm sóc và âu yếm của những hạt mưa đã giúp cho vạn vật đất trời được xanh tốt và tràn trề sức sống đơm hoa kết trái để đáp lại tấm lòng của những cơn mưa xuân.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 07/01/2023 - Cập nhật : 01/07/2023