logo

Đọc hiểu Một người lính nói về thế hệ mình

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu: Một người lính nói về thế hệ mình hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu: Một người lính nói về thế hệ mình giúp các em ôn tập đạt kết quả cao.

Đọc hiểu: Một người lính nói về thế hệ mình - Đề số 1

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Ngày chúng tôi đi

Các toa tàu mở toang cửa

Không có gì phải che giấu nữa

Những thằng lính trẻ măng

Tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ

Những thằng lính trẻ măng

Quân phục xùng xình

Chen bám ở bậc toa như chồi như nụ

Con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ

Và dài muốn đứt hơi

Hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ

thế hệ chúng tôi

Hiệu còi ấy là một lời tuyên bố

Một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận

Mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

Vẫn thường vác trên vai

Một thế hệ thức nhiều hơn ngủ

Xoay trần đào công sự

Xoay trần trong ý nghĩ

Đi con đường người trước đã đi

Bằng rất nhiều lối mới

    (Một người lính nói về thế hệ mình – Thanh Thảo, 123, NXB Hội Nhà văn, 2007, tr. 63 – 64)

Câu 1. Trong văn bản trên, tác giả đã sử dụng thể thơ gì? Anh/ chị dựa vào đâu để xác định như vậy?

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và nêu tên các biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản.

Câu 3. Đại từ “chúng tôi” trong đoạn thơ chỉ đối tượng nào? Ngoài đại từ này, đối tượng đó còn được gọi tên bằng một số cụm từ khác. Hãy chép ra các cụm từ ấy.

Câu 4. “Thế hệ chúng tôi” được khắc họa trong văn bản có những đặc điểm gì nổi bật? Tác giả đã dựng chân dung của thế hệ mình với thái độ như thế nào?

Trả lời:

Câu 1: Thể thơ được dùng trong văn bản: thể thơ tự do.

Căn cứ để xác định: số chữ trong các câu không đều nhau; cách ngắt dòng phóng túng; vần gieo không theo mô hình cố định, thậm chí có chỗ bỏ qua vần…

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: biểu cảm (hoặc trữ tình) và tự sự.

Các biện pháp tu từ nổi bật: ẩn dụ, so sánh.

Câu 3: Đối tượng được chỉ định bằng đại từ “chúng tôi”: những người lính trẻ thời chống Mỹ cứu nước.

Một số cụm từ khác cùng chỉ về đối tượng: “những thằng lính trẻ măng”, “thế hệ chúng tôi”, “một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận”, “một thế hệ thức nhiều hơn ngủ”.

Lưu ý: Vế thứ nhất của câu hỏi giúp xác định mức độ hiểu biết của thí sinh về tác giả và bối cảnh được miêu tả trong văn bản. Vế thứ hai của câu hỏi kiểm tra một kỹ năng đọc thơ mang tính đặc thù: nhận ra sự lặp lại với một số biến hóa của những từ/ hình ảnh then chốt, từ đó, xác định được hình tượng trung tâm và thông điệp chính của văn bản.

Câu 4: “Thế hệ chúng tôi” được khắc họa với những đặc điểm nổi bật: cởi mở, tinh nghịch, trẻ trung (không có gì phải che giấu nữa, tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ, chen bám ở bậc toa như chồi như nụ); dám gánh vác trách nhiệm trước đất nước (hiệu còi ấy là một lời tuyên bố); dày dạn, kiên trì trước những thử thách khốc liệt (mỗi ngày đều đụng trận, vác cối nặng, thức nhiều hơn ngủ, xoay trần đào công sự…); đầy tinh thần sáng tạo trong hành trình cuộc sống (xoay trần trong ý nghĩ, đi… bằng rất nhiều lối mới…).

Thái độ của tác giả khi dựng chân dung thế hệ mình: tự tin, yêu quý, tự hào, không hề có một chút mặc cảm.

Lưu ý: Thí sinh không nhất thiết phải dùng đúng các từ định danh đặc điểm đối tượng miêu tả/ khắc họa và các từ khái quát về thái độ của nhà thơ giống như trong đáp án. Điều quan trọng là nhận ra được nội dung biểu đạt và sắc thái ý nghĩa riêng của những cụm từ/ hình ảnh nổi bật có trong văn bản được chọn in nghiêng ở trên.

>>> Xem thêm: Hoan hô chiến sĩ điện biên Đọc hiểu

Đọc hiểu: Một người lính nói về thế hệ mình - Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

ngày chúng tôi đi

các toa tàu mở toang cửa

không có gì phải che giấu nữa

những thằng lính trẻ măng

tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ

những thằng lính trẻ măng

quân phục xùng xình

chen bám ở bậc toa như chồi như nụ

con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ

và dài muốn đứt hơi

hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ

thế hệ chúng tôi

hiệu còi ấy là một lời tuyên bố

một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận

mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

vẫn thường vác trên vai

một thế hệ thức nhiều hơn ngủ

xoay trần đào công sự

xoay trần trong ý nghĩ

đi con đường người trước đã đi

bằng rất nhiều lối mới

    (Một người lính nói về thế hệ mình – Thanh Thảo, 123, NXB Hội Nhà văn, 2007, tr. 63 – 64)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? 

A. Miêu tả 

B. Biểu cảm 

C. Tự sự 

D. Nghị luận

Đáp án B

Câu 2: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ dưới đây: 

những thằng lính trẻ măng 

tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ 

những thằng lính trẻ măng 

quân phục xùng xình

A. Điệp từ 

B. Điệp cú pháp 

C. So sánh 

D. Ẩn dụ

Đáp án B

Câu 3: Một thế hệ thức nhiều hơn ngủ để chỉ:

A. Những người mẹ thức đợi con 

B. Cha ông đã hi sinh 

C. Những người lính trẻ 

D. Những người vợ nơi hậu phương

Đáp án C

Câu 4: “Thế hệ chúng tôi” được khắc họa trong văn bản với những đặc điểm nổi bật nào? Chọn đáp án không phù hợp:

A. cởi mở, tinh nghịch, trẻ trung

B. Dám gánh vác trách nhiệm với đất nước 

C. Kiên trì, dũng cảm 

D. Vị tha, đôn hậu

Đáp án D

icon-date
Xuất bản : 19/05/2022 - Cập nhật : 19/11/2022