logo

Đọc hiểu Làng tôi không thiếu gì các loại cây (3 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Làng tôi không thiếu gì các loại cây hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

Đọc đoạn trích sau: 

     (…) Làng tôi không thiếu gì các loại cây nhưng hai cây phong này khác hẳn - chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm chúng cũng nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô hình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại thở dài một lượt như thương tiếc người nào. Và khi mây đen kéo đến cùng với bão dông, xô gãy cành, tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực. 


Đọc hiểu Làng tôi không thiếu gì các loại cây - Đề số 1

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Của ai? Nêu xuất xứ của văn bản.

Câu 2: Nhân vật “tôi” trong đoạn là ai? Nhân vật đó có vai trò thế nào trong văn bản?

Câu 3: Xác định và phân tích cấu tạo của một câu ghép trong đoạn. Cho biết vị trí của câu ghép đó đối với đoạn văn.

Câu 4: Tìm ít nhất hai từ tượng thanh, hai từ tượng hình trong đoạn và nêu tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung.

Câu 5: Kỷ niệm tuổi thơ luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người. Với cảm hứng được khơi gợi từ văn bản có những câu văn trên, hãy viết một đoạn văn ngắn về một kỉ niệm sâu sắc của mình. 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Đoạn văn trên trích từ văn bản “Hai cây phong” của tác giả Ai-mai-tốp và có xuất xứ từ truyện "Người thầy đầu tiên"

Câu 2: 

- Nhân vật “tôi” trong đoạn là người kể lại câu chuyện.

- Vai trò của nhân vật trong đoạn trích:

+ Là người dẫn dắt câu chuyện đi theo mạch kể chính và từng cung bậc cảm xúc trong tác phẩm.

+ Làm cho câu chuyện tăng thêm tính thuyết phục, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc hơn bằng chính những cảm xúc chân thực nhất mà nhân vật dành cho câu chuyện.

Câu 3: 

- Câu ghép trong đoạn văn là:

“Làng tôi không thiếu gì các loại cây nhưng hai cây phong này khác hẳn - chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu.”

- Vị trí của câu ghép trong đoạn văn: Đứng ở đầu đoạn văn.

- Tác dụng: Tác giả nhằm khẳng định vẻ đẹp tâm hồn riêng của hai cây phong đang được ẩn dấu trong chúng.

Câu 4: 

- Từ tượng thanh có trong đoạn văn là: rì rào, vù vù.

- Từ tượng hình có trong đoạn văn là: dẻo dai, nghiêng ngả.

- Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi tả hơn cho người đọc về vẻ đẹp tâm hồn phong phú và riêng biệt của hai cây phong.

+ Giúp hình ảnh hai cây phong càng nổi bật lên nét đẹp riêng và tạo hiệu ứng sinh động và gần gũi với người đọc hơn.

Câu 5:

Bài mẫu:

      Kỉ niệm tuổi thơ là khoảng thời gian đã để lại trong chúng ta biết bao nhiêu cảm xúc của một tuổi trẻ ngây ngô, khờ dại. Đó sẽ là những kỉ niệm vui vẻ, hạnh phúc và cũng có thể là những kỉ niệm sai lầm, bài học cuộc sống. Và tất cả nhưng kỉ niệm ấy sẽ chỉ nằm gỏn gọn trong kí ức của chúng ta và không thể quay ngược dòng thời gian để quay lại. Tuy nhiên, những kí ức tuổi thơ ấy sẽ đúc kết cho chúng ta những bài học và những trải nghiệm thực tế nhất về cuộc sống với những bước đi chập chững bước vào đời. Và đó sẽ là hành trang theo ta cả đời và khi nhớ lại những kí ức vui vẻ đó sẽ là liều thuốc tinh thần xoa dịu ta mỗi khi bản thân bất lực và buồn bã với những khó khăn, trở ngại bạn đang phải đối mặt khi lớn lên. Mặt khác, khi nhớ lại những kí ức sai lầm bản thân mắc phải ở tuổi trẻ sẽ khiến ta thấy ăn năn hối hận với những sai lầm trong quá khứ ta đã tạo ra. Bên cạnh đó, giúp ta có hướng đi tiến về phía trước và không để những kí ức sai lầm ấy được tái diễn trong tương lai để khi bạn nhìn lại bạn sẽ không phải hối tiếc về những kí ức ấy. Tóm lại, ký ức tuổi thơ cho dù đẹp hay không thì cũng sẽ là thứ mà khi chúng ta của hiện tại nhìn vào đó để định hướng và chuẩn bị cho bản thân một hành trang vững chắc trong tương lai.

Hai cây phong trong kí ức và tuổi thơ của tác giả
Nhân vật “tôi” dưới bóng cây phong

Đọc hiểu Làng tôi không thiếu gì các loại cây - Đề số 2

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn

Câu 2: Đoạn văn trên là lời của ai?

Câu 3: Phân tích cấu tạo câu sau: “Dù ta tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm chúng cũng nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau.”

Câu 4: Tìm 2 từ tượng thanh, 2 từ tượng hình có trong đoạn văn.

Câu 5: Tìm các biện pháp được so sánh trong đoạn văn và nêu tác dụng.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Đoạn văn sử dụng phương thức biểu đạt tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm.

Câu 2: 

Đoạn văn trên là lời của nữ viện sĩ An-tư-nai nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ với hai cây phong.

Câu 3: 

Câu sau có 2 cụm chủ - vị:

Dù ta/ tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng/ cũng nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt

CN1                                    VN1                                CN2                                                           VN2

tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau.

Câu 4:  

- Có 2 từ tượng thanh trong đoạn văn: rì rào, vù vù.

- Có 2 từ tượng hình trong đoạn văn: dẻo dai, nghiêng ngả.

Câu 5: 

- Trong đoạn văn, biện pháp so sánh được sử dụng:

+ Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát

+ Có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô hình

+ Có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại thở dài một lượt như thương tiếc người nào

+ Hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực. 

- Tác dụng: Giúp cho hình ảnh hai cây phong trở nên sinh động và có hồn hơn. Qua ngòi bút đậm chất hội họa và cách sử dụng các hình ảnh so sánh linh hoạt tác giả đã làm nổi bật lên được nét đẹp hai cây phong một cách chi tiết cũng như cho thấy được tình cảm của nhà văn dành cho hai cây phong. 

Hai cây phong và những kí ức tuổi thơ
Hai cây phong giữa đồi thảo nguyên

Đọc hiểu Làng tôi không thiếu gì các loại cây - Đề số 3

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Gọi tên văn bản, tên tác giả của ngữ liệu trên.

Câu 2: Đoạn văn trình bày nội dung theo cách nào? Vì sao? 

Câu 3: Chỉ ra các từ láy là từ tượng hình, từ tượng thanh có trong đoạn văn. Hiệu quả của việc sử dụng những từ ngữ đó.

Câu 4: Qua ngữ liệu, em cảm nhận điều gì về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật "tôi"

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

- Tên văn bản của ngữ liệu trên là Hai cây phong.

- Tên tác giả của ngữ liệu trên là: Ai-mai-tốp

Câu 2: 

Đoạn văn trình bày nội dung theo đoạn văn song hành. Vì đây là đoạn văn triển khai các nội dung song song nhau và mỗi câu trong đoạn văn đều nêu ra một khía cạnh riêng của chủ đề đoạn văn mà không bao trùm lên nội dung nào. 

Câu 3: 

Các từ láy là từ tượng hình trong đoạn văn là: dẻo dai, nghiêng ngả

Các từ láy là từ tượng thanh trong đoạn văn là: rì rào, vù vù.

Câu 4: 

Tác giả Ai-mai-tốp là nhà văn có ngòi bút tả tâm trạng nhân vật và ngòi bút hội họa tả cảnh vô cùng chân thực và đặc sắc. Nhà văn đã phác họa thành công hình tượng nhân vật “tôi” với vai trò là người kể chuyện và là một họa sĩ đứng ở hiện tại để kể về những kỉ niệm thời thơ ấu với hai cây phong. Có thể nói bức tranh thiên nhiên hai cây phong đã được khắc họa lên bằng tầm nhìn không chỉ bằng tâm hồn mà còn là cả sự cảm nhận, tình cảm của nhân vật “tôi”. Trong đoạn văn, nhân vật “tôi” là một người con xa xứ kể về nơi sinh ra và gắn bó với cả tuổi thơ của cô bằng tình cảm thương nhớ quê hương và gắn bó tha thiết. Hình ảnh hai cây phong là hình ảnh giúp cho nhân vật “tôi” thể hiện được rõ nét hơn góc tâm trạng sâu thẳm bên trong của nhân vật. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, da diết khi nhớ về nơi ta chôn rau cắt rốn và những kỉ niệm đẹp không bao giờ phai nhòa trong tâm  trí nhân vật “tôi”.  

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Làng tôi không thiếu gì các loại cây. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 03/01/2023 - Cập nhật : 01/07/2023