Đọc đoạn trích sau:
Hầu hết chúng ta đều mong muốn được người khác thấu hiểu, được sửa chữa lỗi lầm và quan trọng hơn là được tha thứ… Bởi suy cho cùng, không có ai hoàn hảo. Là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc phạm sai lầm, khi đó, chúng ta cầu mong được tha thứ.
Tuy nhiên, có một điều lạ lùng rằng, chúng ta luôn mong muốn người khác tha thứ cho mình, nhưng lại không thể bỏ qua cho những sai lầm của người khác…
Tại sao phải tha thứ?
Trong một giờ học, cô giáo mang vào lớp rất nhiều túi vải và khoai tây. Cô nói: “Chúng ta cùng chơi một trò chơi, mỗi khi oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, các em hãy viết tên người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi vải”. Các em học sinh tỏ ra thích thú và bắt đầu viết những người mình thù ghét cho vào túi và chỉ một lúc sau chiếc túi đã nặng. Sau đó cô giáo yêu cầu mọi người hãy mang túi khoai tây đó bên người trong thời gian một tuần lễ. Chỉ sau một thời gian ngắn, các em học sinh đã thấy mệt mỏi và phiền phức vì lúc nào cũng có túi khoai tây nặng kè kè bên mình.
…Hết một tuần, cô giáo tuyên bố trò chơi kết thúc. Đó cũng là lúc các học sinh cảm thấy thoải mái khi vứt túi khoai tây mà họ phải mang theo suốt nhiều ngày. Lúc đó cô giáo mới từ tốn nói: “Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở. Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ mãi khó chịu ấy trong lòng”.
Vì vậy, tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính mình, buông tha cho người khác cũng là buông tha cho chính mình. Hãy trao cho nhau những cơ hội để sửa chữa sai lầm, để yêu thương nhau nhiều hơn, vì cuộc sống này vô cùng ngắn ngủi!
…Mỗi chúng ta đều có thể phạm sai lầm, quan trọng là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Vì vậy, bạn hãy tập tha thứ, bắt đầu từ chính bản thân mình trước, để có một tâm hồn thanh thản bình yên.
(Trích Tự lập tuổi 20- Cao Phi Hải , NXB Lao Động -Xã Hội, tr. 72-73)
Thực hiện yêu cầu:
Câu 1. Xác định vấn đề chính được bàn luận trong văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra những tác hại khi con người mãi sống trong thù hận và oán ghét được đề cập trong văn bản.
Câu 3. Nêu tác dụng của yếu tố tự sự trong đoạn trích.
Câu 4. Nhận xét mục đích và thái độ của người viết thể hiện qua văn bản.
Câu 5. Từ văn bản, anh/chị hãy rút ra bài học có ý nghĩa.
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. Xác định vấn đề chính được bàn luận trong văn bản: Biết tha thứ trước những sai lầm của người khác.
Câu 2. Tác giả đã nêu ra những tác hại khi con người mãi sống trong thù hận và oán ghét:
+ Thật nặng nề và khổ sở;
+ Giữ mãi khó chịu trong lòng.
Câu 3. Việc đưa yếu tố tự sự vào trong đoạn trích có tác dụng:
- Làm sáng tỏ luận điểm, vấn đề được nói đến.
- Làm cho đoạn trích sinh động, hấp dẫn; tăng tính thuyết phục.
Câu 4. Nhận xét mục đích và thái độ của người viết thể hiện qua văn bản:
- Mục đích: khẳng định sự cần thiết của việc tha thứ lỗi lầm cho người khác, giúp bản thân biết cảm thông tạo cơ hội cho người khác sửa sai để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
- Thái độ: nghiêm túc khi nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề một cách khách quan về việc cần tha thứ lỗi lầm trong cuộc sống, thể hiện quan niệm sống theo chiều hướng tích cực.
Câu 5. Bài học từ văn bản:
- Cần biết bao dung, tha thứ để cuộc sống nhẹ nhàng hơn;
- Tha thứ không có nghĩa là dễ dàng bỏ qua sai lầm của người khác/chính mình mà hãy tạo cơ hội để sữa chữa sai lầm và hoàn thiện bản thân;
- Tập tha thứ cho người khác bắt đầu bằng việc tha thứ cho chính mình.