logo

Đọc hiểu Đường tới thành phố

Tuyển tập Đọc hiểu Đường tới thành phố hay nhất thi THPT Quốc gia. Trả lời các câu hỏi Đọc hiểu Đường tới thành phố chi tiết nhất.

Đọc hiểu Đường tới thành phố hay nhất thi THPT Quốc gia

Đọc hiểu Đường tới thành phố số 1

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu,

mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ

Chị đợi chờ quay mặt vào đêm

Hai mươi năm mong trời chóng tối

Hai mươi năm cơm phần để nguội

Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn

Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy

Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc

Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô

Xóm làng thương không khoe con trước mặt

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy

Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc

Vẫn được tiếng là người đứng vậy

[…]

Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời

Lột cái xác già nua dưới gốc cây cậm quẫy

Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra

Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại

Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình

Những đêm trở trời trái gió

Tay nọ ấp tay kia

Súng thon thót ngoài đồn dân vệ

Một mình một mâm cơm

Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền

(Trích Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh, theo www.dantri.com.vn, 27/4/2014)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 2. Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

Câu 3. Nêu ý nghĩa biểu đạt của từ côi cui trong câu thơ: Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình.

Câu 4. Sử dụng 02 phương thức biểu đạt, ghi lại cảm nhận của anh/chị về câu thơ: Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền. Chỉ rõ các phương thức biểu đạt đã sử dụng.

Lời giải

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ: biểu cảm.

Câu 2. Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện thông qua hàng loạt các chi tiết, hình ảnh: chị quay mặt vào đêm, mong trời chóng tối, cơm phần để nguội, tết đừng về nữa chị tôi buồn, thiếu anh nên chị bị thừa ra, côi cui một mình, tay nọ ấp tay kia, một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch…

Câu 3. Từ côi cui đặc tả sự lầm lũi và nỗi cô đơn của nhân vật chị tôi khi chồng đi chiến trận.

Câu 4. Thí sinh cảm nhận được tứ thơ thật “đắt” trong câu thơ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền: Câu thơ vừa tô đậm vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm của chị tôi, vừa khắc họa bi kịch cá nhân của người phụ nữ có chồng đi chiến đấu (tuổi xuân phai tàn, khát vọng hạnh phúc bị chôn vùi bởi chiến tranh đã chia cắt, làm biệt li đôi lứa vợ chồng).

Thí sinh sử dụng 02 phương thức biểu đạt đã học một cách phù hợp để ghi lại cảm nhận đó. Chỉ rõ các phương thức biểu đạt đã sử dụng.

icon-date
Xuất bản : 19/04/2021 - Cập nhật : 17/12/2021