logo

Đọc hiểu Con lật đật (3 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Con lật đật: Lúc mới chập chững bước đi, mỗi lần vấp té, người con thường làm gì? Một lần khác, vì sao sau khi con ngã, người mẹ dỗ mãi mà con vẫn không nín khóc? Sau cùng, người con nín khóc nhờ điều gì? Khi trưởng thành, những lúc mệt mỏi chán chường, người con nghĩ về điều gì?

Đọc kĩ câu chuyện sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Con lật đật

      Ngày tôi mới chập chững bước đi, chuyện vấp té là một điều không thể tránh khỏi. Mỗi lần vấp té, tôi vẫn thường nằm lì trên sàn nhà, chờ mẹ tới dỗ dành hoặc cho quà mới chịu ngồi dậy. Có một lần, tôi bị té khá đau, mẹ dỗ mãi vẫn không nín khóc được. Lần này không phải tôi cố tình làm nũng mà thực sự là tôi rất đau. Mẹ bỗng đứng lên, mở cái tủ nhỏ xíu vẫn hay đựng những thứ linh tinh của mẹ. Rồi mẹ đem đến trước mặt tôi một con lật đật. Mẹ đặt con lật đật xuống đất, đẩy cho nó ngã lăn ra rồi nói: 

      - Con hãy nhìn kìa, lật đật tuy nhỏ hơn con nhưng mỗi lần bị xô ngã, nó vẫn tự đứng dậy được. Nhìn xem con gái yêu của mẹ!

      Tôi nhìn con lật đật. Ðúng là khi bị xô ngã, lật đật bật dậy ngay. Tôi thích thú trước trò chơi mới và quên cả cái đau. Mẹ nhìn tôi cười dịu dàng và nói:

      - Con thấy không, dù thế nào đi nữa, lật đật cũng tự đứng dậy được. Lật đật rất ngoan và mẹ tin con gái của mẹ cũng ngoan như thế.

      Tôi đã nín khóc và cứ tròn xoe mắt nhìn con lật đật. Nó cứ lắc lư nhưng không bao giờ bị té. Ngày ấy tôi đã cố gắng giống như lật đật. Mỗi lần vấp té, tôi đều cố gắng bật dậy ngay. Mẹ vẫn hay gọi tôi là "Cô lật đật đáng yêu của mẹ".

      Bây giờ bên cạnh tôi không có mẹ. Tôi đã trưởng thành và phải tự mình lo liệu hết mọi thứ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn. Ðôi lúc mệt mỏi, chán chường, tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng hình ảnh con lật đật và những lời động viên của mẹ cứ hiện về. Tôi lại tiếp tục bật dậy, bởi tôi đã quyết tâm làm một con lật đật...

( Sưu tầm)

Đọc hiểu Con lật đật (3 đề)

Đọc hiểu Con lật đật - Đề số 1

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất:

Câu 1. Lúc mới chập chững bước đi, mỗi lần vấp té, người con thường làm gì?

A. Nén chịu đau, bật dậy ngay 

B. Khóc lóc thảm thiết, gọi mẹ hay người xung quanh đến nâng dậy.

C. Nằm lì trên sàn nhà đến khi nào hết đau thì thôi 

D. Nằm chờ mẹ đến dỗ dành hoặc cho quà mới chịu ngồi dậy.

Câu 2. Một lần khác, vì sao sau khi con ngã, người mẹ dỗ mãi mà con vẫn không nín khóc?

A. Vì người mẹ chưa cho con món quà đúng như mong muốn.

B. Vì người con cố tình  làm nũng với mẹ.

C. Vì lần ngã này thật sự rất đau.

D. Vì người con không hợp tác với mẹ.

Câu 3. Sau cùng, người con nín khóc nhờ điều gì?

A. Người con thích thú nhìn con lật đật bị xô ngã nhưng bật dậy ngay.

B. Mẹ mua cho người con một món quà mà con mong ước từ lâu: con lật đật.

C. Mẹ đứng lên, mở cái tủ nhỏ xíu , lấy cho con xem những thứ linh tinh trong tủ  .

D. Khóc mãi , khóc mãi rồi thấm mệt nên người con không khóc nữa.

Câu 4. Khi trưởng thành, những lúc mệt mỏi chán chường, người con nghĩ về điều gì?

A. Những món đồ chơi được mẹ mua cho thuở nhỏ, trong đó có con lật đật.

B. Lúc còn nhỏ, mỗi lần ngã đau, mẹ luôn dịu dàng dỗ dành, nâng đỡ.

C. Những món đồ đơn sơ gắn liền với thời thơ ấu hạnh phúc trong vòng tay của mẹ.

D. Hình ảnh của con lật đật và những lời động viên của mẹ.

Câu 5. Từ đồng nghĩa với  từ “động viên” là:

A. Động lực                    

B. Khích lệ                

C. Dạy dỗ              

D. Khuyên  nhủ                     

Câu 6. Các câu trong đoạn văn sau được liên kết bằng cách nào?

“Tôi đã nín khóc và cứ tròn xoe mắt nhìn con lật đật. Nó cứ lắc lư nhưng không bao giờ bị té. Ngày ấy tôi đã cố gắng giống như lật đật.”

A. Lặp từ ngữ.

B. Thay thế từ ngữ

C. Sử dụng từ ngữ nối

D. Lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ

Câu 7. Dấu phẩy “,” có tác dụng gì trong câu sau ? 

“Mẹ đặt con lật đật xuống đất, đẩy cho nó ngã lăn ra”

Câu 8.   

a) Qua hình ảnh của người mẹ trong câu chuyên trên, em hãy ghi lại  từ ngữ chỉ phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 

b) Với từ vừa tìm được, em hãy viết 1 câu ghép ca ngợi người mẹ kính yêu của em.

Câu 9. Câu chuyện trên khuyên chúng ta điều gì?


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Đáp án đúng: D. Nằm chờ mẹ đến dỗ dành hoặc cho quà mới chịu ngồi dậy.

Câu 2. 

Đáp án đúng: C. Vì lần ngã này thật sự rất đau.

Câu 3. 

Đáp án đúng: A. Người con thích thú nhìn con lật đật bị xô ngã nhưng bật dậy ngay.

Câu 4. 

Đáp án đúng: D. Hình ảnh của con lật đật và những lời động viên của mẹ.

Câu 5. 

Đáp án đúng: B. Khích lệ    

Câu 6. 

Đáp án đúng: D. Lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ

Câu 7. 

Tác dụng của dấu phẩy “,” trong câu: “Mẹ đặt con lật đật xuống đất, đẩy cho nó ngã lăn ra” nhằm ngăn cách các thành phần vị ngữ trong câu.

Câu 8. 

a) Qua hình ảnh của người mẹ trong câu chuyên trên, những từ ngữ chỉ phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam là dịu dàng/ hết lòng yêu thương con

b)

Gợi ý đặt câu:

- Mẹ em là một người phụ nữ dịu dàng, mẹ còn là người luôn tần tảo và chăm sóc gia đình.

- Mẹ là một người mẹ tốt, mẹ luôn hết lòng yêu thương con.

Câu 9. 

Câu chuyện trên khuyên chúng ta:

- Trước những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, chúng ta không được phép cho bản thân gục ngã và khuất phục khi chưa hành động.

- Để đạt được thành công, kiên cường là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách.

- Không để bản thân mất đi niềm tin và nản chỉ trước những thất bại, lấy thất bại là bàn đạp và bài học để đột phá bản thân.


Đọc hiểu Con lật đật - Đề số 2

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. 

Câu 2. Chỉ ra thành phần trạng ngữ trong những câu sau và cho biết trạng ngữ bổ sung thông tin gì cho câu: 

- Ngày tôi mới chập chững bước đi, chuyện vấp té là một điều không thể tránh khỏi. 

- Mỗi lần vấp té, tôi đều cố gắng bật dậy ngay.

Câu 3. Người mẹ đã khéo léo dạy con bài học gì từ hình ảnh con lật đật khi còn bé? 

Câu 4. Từ câu chuyện trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 6-8 câu trình bày suy nghĩ của mình về bài học được nhắn gửi từ câu chuyện


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Trong văn bản trên, phương thức biểu đạt chính là tự sự.

Câu 2. 

- Ngày tôi mới chập chững bước đi, chuyện vấp té là một điều không thể tránh khỏi.

+ Trạng ngữ trong câu là: Ngày tôi mới chập chững bước đi

+ Trạng ngữ bổ sung cho câu: thời gian - thời gian khi nhân vật còn bé

- Mỗi lần vấp té, tôi đều cố gắng bật dậy ngay.

+ Trạng ngữ trong câu: Mỗi lần vấp té

+ Trạng ngữ bổ sung cho câu: nơi chốn - nơi chốn chỉ những lúc nhân vật bị té

Câu 3.

Qua hình ảnh con lật đật, người mẹ đã khéo léo dạy con những bài học đầu tiên từ khi còn bé đó là mỗi khi vấp té con hãy biết tự đứng dậy ngay. Khuyên con không được ngồi khóc, không bỏ cuộc mỗi khi gục ngã. Mà hãy luôn mạnh mẽ, vươn lên bằng chính thực lực của bản thân để khi đứng trước những thử thách con luôn giữ cho mình một tâm thế tự tin.

Câu 4.

Qua câu chuyện trên, tác giả đã thành công khắc họa vẻ đẹp của nhân vật người mẹ một cách chân thật và gắn liền với thực tiễn nhất. Người mẹ trong câu chuyện rất yêu thương con và luôn răn dạ con những bài học vô cùng ý nghĩa về giá trị cuộc sống để con có cho mình một hành trang vững chãi khi bước vào đời. Qua hình ảnh con lật đật, người mẹ đã nhấn mạnh cho con thấy được rằng mỗi khi vấp ngã con hãy đứng lên nhanh chóng, không được khóc hay bỏ cuộc trước vấp ngã đó. Bởi khi bé đó lẽ chỉ là những lần té ngã nhẹ nhưng khi bước vào đời mỗi lần té ngã nếu bản thân con không có ý chí kiên cường để đương đầu với thử thách thì con sẽ không thể thành công trong cuộc sống được. Hãy cứ vấp ngã và tự mình đứng dậy bởi sau những lần vấp ngã ấy sẽ đem lại cho con những bài học kinh nghiệm vô cùng đáng nhớ.


Đọc hiểu Con lật đật - Đề số 3

Câu 1. Xác định kiểu câu sau: Ngày tôi mới chập chững bước đi, chuyện vấp té là một điều không thể tránh khỏi. 

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt 

Câu 3. Nêu công dụng dấu ngoặc kép trong câu sau: Mẹ vẫn hay gọi tôi là "Cô lật đật đáng yêu của mẹ".


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

- Câu: "Ngày tôi mới chập chững những bước đi, chuyện vấp té là một điều không thể tránh khỏi" thuộc kiểu câu ghép.

- Phân tích câu

+ Trạng ngữ chỉ thời gian: "Ngày"

+ Chủ ngữ 1: "Tôi"

+ Vị ngữ 1: "Mới chập chững những bước đi"

+ Chủ ngữ 2: "Chuyện vấp té"

+ Vị ngữ 2: "Là một điều không thể tránh khỏi"

Câu 2.

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên là: tự sự, miêu tả kết hợp biểu cảm.

Câu 3. 

Công dụng của dấu ngoặc kép trong câu: Mẹ vẫn hay gọi tôi là "Cô lật đật đáng yêu của mẹ" là:

+ Tăng sức gợi cảm à gợi tả hơn cho văn bản.

+ Nhằm nhấn mạnh tình yêu thương của người mẹ dành cho con của mình.

+ Bộc lộ rõ nét cảm xúc của tác giả dành cho người mẹ trong văn bản.

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Con lật đật. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

icon-date
Xuất bản : 29/04/2023 - Cập nhật : 29/06/2023