logo

Đọc hiểu Có một Trường Sơn đặc biệt

Đường Trường Sơn đặc biệt do một binh chủng đặc biệt làm nên hiểu là: con đường đó không phải làm từ đất, đá mà được tạo nên bởi các nhà thơ, nhà văn thời kì chống Mĩ. Dưới đây là đề Đọc hiểu Có một Trường Sơn đặc biệt. Mời các em cùng tham khảo!


Đề Đọc hiểu Có một Trường Sơn đặc biệt

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh xứng đáng được gọi là huyền thoại với 5 trục dọc, 21 trục ngang tạo nên “bát quái trận đồ” hùng vĩ trên trùng điệp vạn lý Trường Sơn. Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng... (Lê Duẩn). Chiến tranh đã lùi xa những dấu tích bi tráng của dân tộc trong những năm tháng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu) vẫn không phôi phai. Trong ký ức dân tộc, đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ bị mờ nhạt bởi những giá trị lịch sử, văn hoá đặc biệt có từ quá khứ và sự tiếp nối tốt đẹp hiện nay gắn với công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Cùng với đường Trường Sơn trải dọc ngang trên mặt đất như một công trình vĩ đại còn có một đường Trường Sơn khác hiện lên hùng tráng trong văn thơ một thời. Tôi muốn gọi đó là đường Trường Sơn “đặc biệt” do một “binh chủng đặc biệt” làm nên. Họ là các nhà văn, nhà thơ của thời chống Mỹ oanh liệt.

Còn nhớ, trong thi phẩm Nước non ngàn dặm, sáng tác năm 1973, nhà thơ Tố Hữu viết: Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình. Trường Sơn thời đánh Mỹ được coi như biểu tượng của lòng yêu nước cao cả, là nơi hội tụ chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn học dạt dào bởi hiện thực chiến tranh bộn bề cháy bỏng, gắn liền với ý thức công dân - chiến sĩ luôn được nêu cao.”

(Trích Có một đường Trường Sơn “đặc biệt”, Nguyễn Hữu Quý, Báo Văn nghệ, số 22 ngày 28-5-2022, tr.16)

Câu 1: Theo đoạn trích, trong ký ức dân tộc, đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ bị mờ nhạt bởi những yếu tố nào?

Câu 2: Em hiểu như thế nào là đường Trường Sơn “đặc biệt” do một “binh chủng đặc biệt” làm nên?

Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu văn: 

Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng.

Câu 4: Những bài học cuộc sống mà đoạn trích gợi ra cho em là gì?

Câu 5: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tình yêu đất nước trong cuộc sống.

Bộ đề Đọc hiểu Có một Trường Sơn đặc biệt hay nhất

>>> Xem thêm: Đọc hiểu Sức mạnh đồng lòng, đoàn kết

Đáp án

Câu 1:

Kí ức dân tộc không bị mờ nhạt bởi những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt có từ quá khứ và sự tiếp nối tốt đẹp hiện này gắn với công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Câu 2:

Đường Trường Sơn đặc biệt do một binh chủng đặc biệt làm nên hiểu là: con đường đó không phải làm từ đất, đá mà được tạo nên bởi các nhà thơ, nhà văn thời kì chống Mĩ.

Câu 3:

Biện pháp liệt kê: ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng.

Tác dụng: nhấn mạnh phẩm chất cao quý, đẹp đẽ của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn.

Câu 4:

HS tự rút ra bài học cuộc sống cho mình sao cho phù hợp.

Gợi ý:

- Bài học về tình yêu nước, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để xây dựng đất nước.

- Bài học cuộc sống về lòng biết ơn thế hệ trước.

Câu 5:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Sức mạnh của tình yêu đất nước trong cuộc sống.

- Giải thích: Tình yêu đất nước là tình cảm trân trọng, biết ơn quê hương đất nước.

- Sức mạnh của tình yêu nước đối với đời sống con người.

+ Tình yêu nước tạo ra sự bất khuất, dũng cảm của con người.

+ Tình yêu nước tạo ra sự đoàn kết giữa những con người trong một dân tộc. .

+ Tình yêu nước tạo ra những sức mạnh phi thường.

+ Tình yêu nước tạo động lực để con người cố gắng phát triển bản thân, đóng góp lợi ích cho quốc gia, cho dân tộc.

- Liên hệ bản thân, mở rộng:

+ Phê phán những người không trân trọng tình yêu nước, có tư tưởng lệch lạc.

+ Tích cực học tập, rèn luyện để bồi đắp thêm tình yêu nước.


Cảm nhận về bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Mẫu 1

Phạm Tiến Duật là Nhà thơ cách mạng của nền Văn học hiện đại Việt Nam. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964 nhưng sau đó không tiếp tục với nghề dạy học mà quyết định lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, Phạm Tiến Duật sáng tác rất nhiều tác phẩm và để lại nhiều bài thơ nổi tiếng như: Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Vầng trăng và những quầng lửa, Gửi em cô thanh niên xung phong... Thơ của Phạm Tiến Duật là tiếng nói ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước với giọng điệu sôi nổi, lạc quan và có chút gì đó tinh nghịch nhưng cũng rất sâu sắc.

Bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác cuối năm 1969, tại tỉnh Quảng Bình. Ngay khi mới ra đời, bài thơ đã luôn có mặt trong túi áo của mỗi người lính trên tuyến lửa. Khi bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thì chất thơ, chất nhạc quyện chặt với nhau, nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường, thôi thúc hàng triệu trái tim Việt Nam xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công, giải phóng đất nước.

Mở đầu bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là lời tự tình của đôi lứa yêu nhau nhưng phải chịu sự ngăn cách vời vợi của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, của thời chiến chinh ly loạn và khốc liệt:

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”

Bằng cấu trúc dễ nhớ, dễ thuộc, bình dị, mang âm hưởng đời thường và đậm màu chất lính, tính trữ tình quyện chặt với tính hùng ca. Nó đã truyền lửa vào trái tim của mỗi người ra trận. Những vần thơ ấy đã thành công về nghệ thuật, cảm xúc đong đầy. Tuy vậy, cái hay hơn có lẽ là nó đã nói lên được cảm xúc lớn của thời đại, của cả một thế hệ trẻ, của cả dân tộc thời ấy.

Mặc dù đã hoàn thành khóa học ngành Sư phạm. Thay vì làm một thầy giáo dạy học nhưng Phạm Tiến Duật lại xin vào quân ngũ với mong ước tha thiết được đi vào chiến trận. Khát vọng đi Bộ đội của Nhà thơ cách mạng này được chấp nhận khi ông trúng tuyển vào Tiểu đoàn Pháo cao xạ Tây Bắc. Trong tâm hồn của người đàn ông đích thực đầy lãng tử ấy đã có sẵn ham muốn được dịch chuyển:

“Trường Sơn Tây anh đi, thương em

Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo

Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Hết rau rồi, em có lấy măng không”

Phạm Tiến Duật hăm hở xin chuyển về Cục Vận tải quân sự thuộc Tổng cục Hậu cần chỉ vì muốn được đắm mình trong cuộc chiến, được tận mắt chứng kiến và nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh. Niềm đam mê tự do sáng tạo, cống hiến cho dân tộc cháy bỏng đã làm cho dấu chân Phạm Tiến Duật thật sự cất bước nhẹ nhõm vào chiến trường đầy cam go. Yêu nước là thế song nhà thơ vẫn giữ cho mình một khoảnh khắc riêng tư. Đó là nỗi nhớ về em, người bạn gái đang hành quân bên sườn Đông dãy Trường Sơn. Trong con người Phạm Tiến Duật, tình yêu nam nữ và tình yêu đất nước hòa quyện vào nhau. Nó trở thành động lực, hành trang nâng bước chân người chiến sĩ. Có thể nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và con đường Trường Sơn huyền thoại đã sinh ra một Phạm Tiến Duật thứ hai nhưng lại là con người duy nhất có sức mạnh thống soái và định hình một tính cách, một số phận Phạm Tiến Duật. Chính cuộc sống thời khói lửa đau thương, mất mát đã thắp lên ngọn lửa trong trái tim người sáng tác. Và không chỉ riêng mình nhà thơ viết “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” mà cả con muỗi, con bướm, cái gạt nước, ngọn măng rừng và đồng chí, đồng đội cùng viết chung với nhà thơ Phạm Tiến Duật, tạo nên một bài thơ vừa hài hòa, vừa đẹp đẽ, vừa có giá trị. Gắn bó với núi rừng Trường Sơn, với những người lính ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, đối mặt với bom đạn, chết chóc, Phạm Tiến Duật luôn có một tinh thần lạc quan. Ông nhìn mọi thứ kể cả những thực tế nghiệt ngã, những góc khuất và những bi kịch của cuộc chiến qua một lăng kính hồn nhiên, tếu táo đến lạ thường:

“Đông sang Tây không phải đường như

Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo

Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo

Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh”

Chiếc xe như một chiến hữu dũng cảm, như một người bạn thân, chung thủy sống chết đã rong ruổi cùng Phạm Tiến Duật trên những dặm dài đường rừng Trường Sơn. Chiếc xe chở Phạm Tiến Duật đi tác chiến trên những trận địa vừa dứt tiếng súng hay nằm vắt vẻo cùng với chủ nhân trên những chiếc xe tải chở vũ khí đạn dược vào chiến trường:

“Từ nơi em đưa đến nơi anh

Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn”

Sự yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, niềm tin chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa bằng một tượng đài anh dũng, bất khuất. Từ bên em và bên anh xa cách thăm thẳm nhưng rồi lại được nối kết bằng một đoàn hùng binh nối tiếp nhau ra trận địa trong một bầu không khí sục sôi, oai hùng, lẫm liệt. Tình yêu giữa anh với em và tình yêu nước Việt như cuồn cuộn, hóa thành mạch sống dâng trào trong tâm tư người lính Trường Sơn.

Cho đến bây giờ, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây vẫn là một bài thơ hay, có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Đối với những người chiến sĩ Trường Sơn từng chiến đấu và hy sinh một thời thì coi đây là bài thơ bất tử, là nghĩa tình đồng đội và niềm tự hào mỗi khi họ cùng nhau nhắc về Trường Sơn hùng vĩ, anh hùng.

Bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là một đúc kết từ thực tiễn của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bài thơ được sáng tác trên cảm hứng lịch sử, được ngân lên bằng tiếng lòng, tình cảm đằm thắm, sức sống mãnh liệt và niềm tin tất thắng trong tâm hồn của những người lính Trường Sơn thuở ấy.


Cảm nhận về bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Mẫu 2

Đây là một sáng tác của nhà thơ Phạm Tiến Duật được viết hồi cuối năm 1969 tại một làng nhỏ ở bên bờ sông Son của tỉnh Quảng Bình. Đây là một ngôi làng nghèo mà nền nếp. Cái làng ấy cũng cách không xa cổng đường 20 xe ngang qua dãy núi Trường Sơn. Và bài thơ này đã truyền lửa cho bao nhiêu thế hệ. Cũng chính là bài thơ thành công khi đã chuyển tải được mạch cảm xúc của thời đại và của cả một thế hệ trẻ, cả dân tộc thời ấy.

Phạm Tiến Duật là một nhà thơ tiêu biểu cho phong cách người lính trong kháng chiến chống Mỹ. Từ cảm hứng đến giọng điệu đều được cất lên từ đôi cánh lãng mạn và giàu nhiệt huyết. Ở đó ta cảm nhận được một niềm vui phơi phới của những người chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ.

Nhà thơ cũng đã từng gửi gắm một phần tuổi trẻ của mình trên chiến trường. Ông là người của binh đoàn 559 – Binh đoàn Trường Sơn và cũng đã sông những ngày trong những năm tháng ấy. Đó cũng chính là lý do tại sao nhà thơ lại viết được những vần thơ sâu sắc tới vậy. Với góc nhìn hiện thực gần gũi ông đã thành công trong việc khắc họa những hình ảnh ấy.

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Ðường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.

Hình ảnh anh và em trong bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây là hai trong số những cư dân chiến sĩ Trường Sơn. Họ đã ngày đêm vật lộn với mưa bom bão đạn quân thù để chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ mà tổ quốc giao phó. Tuy là những chất liệu thường nhưng chính tình yêu của những người chiến sĩ đã làm cho bức tranh ấy thêm phần thi vị hơn. Ở đó không phải sự xù xì gân guốc của chiến trường mà đã chân thành, đằm thắm hơn.

Trường Sơn tây anh đi, thương em

Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo

Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Rau hết rồi, em có lấy măng không.

Những vật vô tri vô giác như mưa, nắng, khe, măng… đều cùng tham dự vào diễn biến tình yêu. Và đó cũng chính là dòng bộc lộ cảm xúc tha thiết và nhớ nhung của đôi lứa đang yêu. Bởi cảnh vật xung quanh như cũng hiểu thêm về tâm trạng của lứa đôi, của con người ấy.

Điểm đặc biệt trong bài thơ Trường Sơn đông Trường Sơn tây chính là nhà thơ đã thành công trong việc cách tân để phù hợp với không khí của cuộc chiến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao thơ ông lại có sự hòa quyện giữa cái chung và cái riêng cá nhân. Chính vì vậy nhân vật trữ tình được đặt trong một phông nền lớn của đồng đội và đám đông tập thể. Đó là những da diết riêng tư không được tách rời với hơi thở và nhịp sống của cả một thế hệ.

Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Ðông Trường Sơn nối tây Trường Sơn.

Ở đây ông đã thành công trong việc nhìn nhận lại cuộc chiến với những khía cạnh khác với một tâm thế khác. Giữa hau chiều quá khứ đã có sự kết hợp với thành một miền ký ức sâu thẳm. Để rồi khi những năm tháng chiến tranh đã trôi qua nhưng không gian của Trường sơn đó đã là ngôi nhà của tình yêu của bao nhiêu sự hò hẹn… đó cũng chính là tình yêu của người lính đầy trong sáng và ngây thơ, tình tứ. Cũng chính là tình yêu của những người chiến sĩ, nó đã cho họ những hương vị ngọt ngào để thêm sức mạnh, chiến đấu và chiến thắng.

Trường Sơn đông Trường Sơn tây là một bài thơ, một bài ca hay có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Đối vơi những người chiến sĩ Trường Sơn lúc bấy giờ thì đây là bài hát bất tử. Cũng chính là tình đồng đội, niềm tự hào khi nghĩ về Trường Sơn hùng vĩ. Đó chính là cái hay và là giá trị mà bài thơ này mang lại. Qua bài thơ này, Phạm Tiến Duật đã thành công trong việc khắc họa và thắp sáng ngọn lửa lý tưởng và sáng ngời của người lính thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

>>> Xem thêm: Đọc hiểu Họa sĩ tài giỏi nhất

icon-date
Xuất bản : 02/07/2022 - Cập nhật : 19/11/2022