Tuyển tập các đề Đọc hiểu Chú lừa thông minh hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.
CHÚ LỪA THÔNG MINH
Một hôm, con lừa của bác nông dân nọ chẳng may bị sa xuống một chiếc giếng cạn. Bác ta tìm mọi cách để cứu nó lên, nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được, lừa ta vẫn kêu be be thảm thương dưới giếng.
Cuối cùng, bác nông dân quyết định bỏ mặc lừa dưới giếng, bởi bác cho rằng nó cũng đã già, không đáng phải tốn công, tốn sức nghĩ cách cứu, hơn nữa còn phải lấp cái giếng này đi. Thế là, bác ta gọi hàng xóm tới cùng xúc đất lấp giếng, chôn sống lừa, tránh cho nó khỏi bị đau khổ dai dẳng.
Khi thấy đất rơi xuống giếng, lừa bắt đầu hiểu ra kết cục của mình. Nó bắt đầu kêu gào thảm thiết. Nhưng chỉ mấy phút sau, không ai nghe thấy lừa kêu la nữa. Bác nông dân rất tò mò, thò cổ xuống xem và thực sự ngạc nhiên bởi cảnh tượng trước mắt. Bác ta thấy lừa dồn đất sang một bên, còn mình thì tránh ở một bên.
Cứ như vậy, mô đất ngày càng cao, còn lừa ngày càng lên gần miệng giếng hơn. Cuối cùng, nó nhảy ra khỏi giếng và chạy đi trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người.
(Theo Bộ sách EQ- trí tuệ cảm xúc)
Câu 1: Em hãy cho biết văn bản “Chú lừa thông minh” thuộc loại truyện nào? Được kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 2: Em hãy cho biết ban đầu, khi thấy chú lừa bị sa xuống giếng, bác nông dân đã làm gì?
Câu 3: Hãy sắp xếp các chi tiết sau theo trình tự đúng của câu chuyện “Chú lừa thông minh”?
(1) Con lừa của bác nông dân bị sa chân xuống giếng, bác nông dân tìm cách cứu nó
(2) Con lừa cố gắng xoay sở
(3) Con lừa thoát ra khỏi cái giếng
(4) Cuối cùng, bác nông dân quyết định bỏ mặc nó
Câu 4: Xác định và nêu tác dụng của một phó từ trong câu: “Nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được, lừa ta vẫn kêu be be thảm thương dưới giếng”.
Câu 5: Nội dung của câu chuyện “Chú lừa thông minh” là gì?
Câu 6: Em hãy đóng vai chú lừa trong câu chuyện để khuyên mọi người sau khi chú thoát chết?
Trả lời câu hỏi
Câu 1:
- Văn bản “Chú lừa thông minh” thuộc loại truyện: Ngụ ngôn
- Được kể theo ngôi thứ ba
Câu 2: Ban đầu, khi thấy chú lừa bị sa xuống giếng, bác nông dân đã tìm mọi cách để cứu nó lên, nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được.
Câu 3:
Sắp xếp các chi tiết theo trình tự đúng của câu chuyện “Chú lừa thông minh”:
(1) Con lừa của bác nông dân bị sa chân xuống giếng, bác nông dân tìm cách cứu nó
(4) Cuối cùng, bác nông dân quyết định bỏ mặc nó
(2) Con lừa cố gắng xoay sở
(3) Con lừa thoát ra khỏi cái giếng
Câu 4: Xác định và nêu tác dụng của một phó từ trong câu: “Nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được, lừa ta vẫn kêu be be thảm thương dưới giếng”
Trong câu gồm có 2 phó từ:
- Phó từ “ vẫn”
- Tác dụng của phó từ “vẫn”: Chỉ sự liên tiếp
- Phó từ “ Không”
- Tác dụng của phó từ “không”: là chỉ sự phủ định
Câu 5: Nội dung của câu chuyện “Chú lừa thông minh” là từ kết cục của chú lừa, muốn nhắc nhở con người là cho dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu hãy biết thích ứng với hoàn cảnh khắc nghiệt đó.
Câu 6: Tôi là chú lừa trong câu chuyện Chú lừa thông minh, từ khi bi kịch của cuộc sống tôi xảy ra, không may bị sa xuống hố, mặc dù ở trong hoàn cảnh chớ trêu và trước sự nguy hiểm của cái chết, tôi đã tưởng cuộc đời của mình đến đây là kết thúc, nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi đã giữ được sự bình tĩnh, với suy nghĩ thông minh của mình tôi đã vượt qua nó. Qua câu chuyện của tôi, tôi muốn khuyên các bạn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hãy không ngừng hy vọng và bình tĩnh giải quyết những khó khăn vì việc gì cũng có hướng giải quyết, hãy tin vào bản thân mình trong hoàn cảnh không mong muốn.
Câu 1: Văn bản “Chú lừa thông minh” thuộc thể loại truyện gì?
A. Truyện cổ tích
B. Truyện truyền thuyết
C. Truyện ngụ ngôn
D. Truyện cười
Câu 2: Văn bản “Chú lừa thông minh” được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ ba
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ nhất
D. Kết hợp nhiều ngôi kể
Câu 3: Trong văn bản “Chú lừa thông minh” ban đầu, khi thấy chú lừa bị sa xuống giếng, bác nông dân đã làm gì?
A. Bác nông dân tìm cách để không bận tâm đến con lừa nữa.
B. Bác nông dân tìm cách để cứu lấy con lừa.
C. Bác nông dân nhờ hàng xóm đến để giúp con lừa.
D. Bác nông dân đến bên giếng và nhìn nó.
Câu 4: Phó từ “vẫn, không” trong câu sau có tác dụng gì?
“Nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được, lừa ta vẫn kêu be be thảm thương dưới giếng”.
A. vẫn: chỉ thời gian; không: chỉ sự phủ định.
B. vẫn: chỉ sự tiếp diễn tương tự; không: chỉ mức độ.
C. vẫn: chỉ sự cầu khiến; không: chỉ sự kết quả.
D. vẫn: chỉ sự tiếp diễn tương tự; không: chỉ sự phủ định.
Câu 5: Trong văn bản “Chú lừa thông minh”, tại sao bác nông dân quyết định bỏ mặc con lừa dưới giếng?
A. Vì bác nông dân cho rằng con lừa đã già, không đáng phải tốn công, tốn sức nghĩ cách cứu, hơn nữa còn phải lấp cái giếng này đi.
B. Vì bác nông dân không muốn cứu con lừa và cần phải lấp cái giếng này đi.
C. Vì bác nông dân chê con lừa yếu ớt không làm được việc.
D. Vì bác nông dân không thích con lừa có hình dạng xấu xí.
Câu 6: Trong văn bản “Chú lừa thông minh”, tại sao con lừa thoát khỏi cái chết khi rơi xuống giếng?
A. Bác nông dân đã cứu con lừa lên.
B. Dân làng đã cứu con lừa lên.
C. Con lừa đã nghĩ ra cách tự cứu lấy mình thoát chết.
D. Con lừa không bị rơi xuống giếng.
Câu 7: Qua văn bản “Chú lừa thông minh”, em thấy con lừa có tính cách như thế nào?
A. Nhút nhát, sợ chết
B. Bình tĩnh, thông minh
C. Nóng vội, dũng cảm
D. Chủ quan, kiêu ngạo
Câu 8: Qua văn bản “Chú lừa thông minh” tác giả dân gian muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
A. Buông xuôi trước những khó khăn trong cuộc sống
B. Sự đoàn kết của con người và loài vật
C. Tình yêu thương giữa con người với loài vật
D. Biết thích ứng với hoàn cảnh khắc nghiệt trong cuộc sống
Câu 9: Qua văn bản “Chú lừa thông minh” em rút ra được bài học gì trong cuộc sống?
Trả lời
Bài học:
- Trong mọi hoàn cảnh phải bình tĩnh (ý 1), tin vào phán đoán của mình (ý 2), không nên quá mong chờ vào sự cứu vớt của người khác.(ý 3)
- Phải biết thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh khắc nghiệt.(ý 4)
Câu 10: Từ văn bản “Chú lừa thông minh”, em có đồng tình với quyết định bỏ mặc lừa dưới giếng và lấp cái giếng của bác nông dân không? Vì sao?
Trả lời
* Gợi ý:
Cách 1:
- Quan điểm đồng tình.
- Lí giải:
+ Vì trước đó bác nông dân đã tìm mọi cách để cứu lừa nhưng không cứu được.
+ Vì bác nông dân muốn giải thoát cho lừa để lừa khỏi đau khổ dai dẳng.
Cách 2:
- Quan điểm không đồng tình.
- Lí giải: Vì quyết định này cho thấy:
+ Bác nông dân là một người vô tâm, vô cảm, không yêu thương loài vật.
+ Bác nông dân chỉ quan tâm lợi ích của bản thân chứ không quan tâm đến điều gì khác.
-----------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Chú lừa thông minh. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.