logo

Đề đọc hiểu Tấm cám

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Tấm cám hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Tấm cám có đáp án trả lời chi tiết, đầy đủ nhất.


Đề đọc hiểu Tấm cám - Đề số 1

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

Một hôm người dì ghẻ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng bắt con tôm cái tép. Mụ ta hứa hẹn: “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ”.

Ra đồng, Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép. Còn Cám thì đủng đỉnh dạo hết ruộng nọ sang ruộng kia, mãi đến chiều vẫn không được gì.

Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị :

– Chị Tấm ơi, chị Tấm ! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng.

Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp, trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình, rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu.

( Trích Tấm Cám, Trang 66, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Văn bản trên kể về sự việc gì?

Câu 2. Chi tiết cái yếm đỏ có ý nghĩa gì?

Câu 3. Xác định thành ngữ dân gian trong văn bản? Nêu ý nghĩa của việc sử dụng thành ngữ đó?

Câu 4. Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ ) bày tỏ suy nghĩ về đức tính chăm chỉ.
 
Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Văn bản trên kể về sự việc:

+ Tấm và Cám thi nhau bắt tôm tép để giành chiếc yếm đào mà dì ghẻ trao thưởng.

+ Tấm ngồi khóc vì bị Cám lừa nên mất giỏ tép.

Câu 2. 

Chi tiết cái yếm đỏ là thứ hiện thân cho người con gái ngày xưa và cũng chính là thứ mà mụ dì ghẻ dùng để bóc lột sức lao động của Tấm.

Câu 3. 

Thành ngữ dân gian trong văn bản là mò cua bắt ốc ý chỉ cuộc sống vất vả của Tấm và công việc của cô hàng ngày.

Câu 4. Bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ về đức tính chăm chỉ.

I/ Mở bài: 

Nêu ý có liên quan (nhân vật Tấm chăm chỉ, siêng năng qua văn bản) để dẫn vào vấn đề (đức tính chăm chỉ) và nhận định đức tính chăm chỉ có nhiều tác dụng.

II/ Thân bài :

1/ Giải thích :

- “Đức tính chăm chỉ” là cần cù, siêng năng học tập, lao động, không bê trễ trong công việc, luôn hoàn thành công việc.

- Ví dụ: học sinh thuộc bài, làm đầy đủ bài tập..

2/ Bàn luận:

a/ Phân tích tác dụng của đức tính chăm chỉ:

- Trong cuộc sống, con người phải làm việc. Mỗi người đều có công việc. Việc gì cũng phải bỏ công sức.

- Với học sinh, chăm chỉ sẽ có kết quả học tập tốt, được lên lớp, đáp lại công lao của cha mẹ, thầy cô.

- Với mọi người, chăm chỉ sẽ hoàn thành được công việc, thành công trong cuộc sống, có người trở nên nổi tiếng.

- Chăm chỉ là đức tính tốt. Người chăm chỉ được quý trọng, được giúp đỡ..

b/ Phê phán:

Kẻ lười biếng, dựa dẫm, có khi trở thành gian dối, trộm cắp…không thể thành công.

3/ Bài học nhận thức và hành động:

– Nhận thức chăm chỉ là đức tính tốt, cầm phải chăm chỉ trong bất kì công việc gì

– Mọi người phải rèn luyện tính chăm chỉ, có kế hoạch làm việc và hoàn thành kế hoạch.

– Học sinh phải chăm chỉ học tập

III. Kết bài: 

- Đức tính chăm chỉ có nhiều tác dụng. Học sinh THPT cần chăm chỉ học tập và rèn luyện.


Đề đọc hiểu Tấm cám - Đề số 2

Đề đọc hiểu Tấm cám

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

Ngày xưa, có Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Hai chị em suýt soát tuổi nhau Tấm là con vợ cả. Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Dì ghẻ là người rất cay nghiệt. Hằng ngày, Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó thì Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng.

( Trích Tấm Cám, Trang 65, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nêu ý chính của văn bản trên?

Câu 2. Các từ ngữ chăn trâu, gánh nước, thái khoai,vớt bèo; xay lúa giã gạo đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào khi kể về nhân vật Tấm?

Câu 3. Xác định thành ngữ dân gian trong văn bản? Nêu ý nghĩa của việc sử dụng thành ngữ đó?

Câu 4. Xác định biện pháp nghệ thuật đối lập trong văn bản? Qua đó, nhân dân tỏ thái độ, tình cảm gì với nhân vật Tấm và Cám?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Văn bản trên có nội dung giới thiệu về nhân vật Tấm và Cám.

Câu 2. Các từ ngữ chăn trâu, gánh nước, thái khoai, vớt bèo; xay lúa giã gạo đạt hiệu quả nghệ thuật: Thông qua cách liệt kê hàng loạt công việc mà Tấm phải làm, tác giả dân gian thể hiện những vất vả mà Tấm phải gánh chịu khi phải sống trong cảnh mẹ ghẻ - con chồng.

Câu 3. Thành ngữ dân gian trong văn bản là ăn trắng mặc trơn. Ý nghĩa của việc sử dụng thành ngữ đó: gợi cuộc sống sung sướng mà nhàn hạ, không phải làm gì hoặc không phải làm việc vất vả của nhân vật Cám.

Câu 4. Biện pháp nghệ thuật đối lập trong văn bản: Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước…..mà không hết việc đối lập với Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng.

Qua đó, nhân dân tỏ tình cảm thương yêu, ca ngợi đức tính chăm chỉ, siêng năng với nhân vật Tấm và thái độ phê phán, không đồng tình với sự lười biếng của nhân vật Cám.


Đề đọc hiểu Tấm cám - Đề số 3

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Thuộc thể loại gì của văn học dân gian ?

Câu 2. Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?

Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Đoạn trích trên được trích từ văn bản “Tấm Cám”, thuộc thể loại truyện cổ tích của văn học dân gian.

Câu 2. 

Nội dung chính của đoạn văn trên là kể về sự vất vả và những tủi nhục Tấm phải chịu khi ở với dì ghẻ.

Câu 3. 

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên là: 

+ Liệt kê “chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn say lúa giã gạo mà không hết việc”.

+ So sánh: Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép. Còn Cám thì đủng đỉnh dạo hết ruộng nọ sang ruộng kia, mãi đến chiều vẫn không được gì.

→ Tác dụng: Nhấn mạnh vào sự khác nhau giữa Tấm và Cám và những khổ cực mà Tấm phải chịu.


Đề đọc hiểu Tấm cám - Đề số 4

Đọc và trả lời những câu hỏi sau:

Dịu dàng là thế Tấm ơi

Mà sao em phải thiệt thòi, vì sao?

Phận nghèo hôm sớm dãi dầu

Hoá bao nhiêu kiếp, ngọt ngào, đa đoan.

người ngoan ở với người gian

Dẫu hiền như Bụt cũng tan nát lòng

Tin em, em cướp mất chồng

Đành làm quả thị thơm cùng nước non…

(trích Lời của Tấm – Ánh Tuyết)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những chi tiết nào nói về “phận nghèo” “thiệt thòi” của nhân vật Tấm trong truyện Tấm cám?

Câu 2. Trong truyện Tấm Cám, Tấm đã “hoá bao nhiêu kiếp”? Đó là những kiếp nào?

Câu 3. Sự hoá kiếp của Tấm, sự xuất hiện của nhân vật ông Bụt cho thấy truyện Tấm Cám thuộc loại nào?

Câu 4. Liệt kê nhân vật “người ngoan” và “người gian” trong truyện Tấm Cám

Câu 5. Giá trị tư tưởng của truyện cổ tích Tấm Cám là gì? (Viết không quá 5 câu để cụ thể hoá tư tưởng ấy)

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

- Bố mất sớm, phải ở với dì ghẻ và Cám

- Làm lụng từ sáng đến tối không hết việc

- Bị mẹ con cám áp bức

Câu 2. 

Tấm hoá 4 kiếp: Vàng anh, Xoan đào, Khung cửi, Quả thị

Câu 3. Tấm Cám thuộc truyện cổ tích thần kỳ

Câu 4. 

- Người ngoan: Tấm

- Người gian: Dì ghẻ và Cám

Câu 5. Thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân về sự chiến thắng tất yếu của cái thiện trước cái ác, về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng trong xã hội, về năng lực phẩm chất tuyệt vời của con người.

- Nêu những tấm gương đạo đức nhằm giáo dục con người, đặc biệt là trẻ em: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, gieo gió gặp bão.


Đề đọc hiểu Tấm cám - Đề số 5

Đề đọc hiểu Tấm cám (ảnh 2)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

“…Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào vỏ quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon canh ngọt sẵn sàng thì lấy làm lạ…”

(Trích Tấm Cám, Ngữ văn 10, tập 1, trang 71 – NXB GDVN)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2. Nêu nội dung chủ yếu của đoạn trích.

Câu 3. Kể tên năm truyện cổ tích Việt Nam khác mà anh/chị biết .

Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 5. Anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 15 – 20 dòng) trình bày suy nghĩ của anh chị về vai trò của đức tính cần cù, siêng năng trong học tập.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Tự sự.

Câu 2. 

Nội dung chủ yếu của đoạn trích là: Kể về việc Tấm ẩn mình trong quả Thị và giúp đỡ bà lão mọi công việc nhà.

Câu 3. 

Kể tên năm truyện cổ tích Việt Nam khác: Sọ Dừa, Thánh Gióng, Cây tre trắm đốt, Sơn Tinh -Thủy Tinh, Sự tích trầu cau.

Câu 4.

Hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích là:

+ So sánh: Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay.

+ Liệt kê: cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước.

Câu 5. 

     Học tập không phải con đường duy nhất nhưng nó chính là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Trong học tập, điều cần thiết nhất chính là phải có đức tính siêng năng, cần cù. Siêng năng, cần cù trong học tập là việc ta tự giác, chăm chỉ, chịu khó học tập mà không cần ai nhắc nhở hay quản giáo. Khi ta siêng năng học tập, ta sẽ tích góp cho mình được nhiều kiến thức và thành công hơn. Để có được đức tính tốt đẹp này, chúng ta cần biết tôn trọng và sử dụng hợp lý thời gian, rèn luyện được trong mình thói tự giác. Cần tích cực, chủ động hơn trong mọi công việc. Chăm chỉ tìm tòi, phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, học tập và trải nghiệm thật nhiều để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa. Người xưa từng nói “Cần cù bù thông minh”. Thông minh có thể không rèn luyện được nhưng cần cù chắc chắc có. Đức tính đó sẽ mang lại cho ta rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Do đó hãy rèn luyện cho mình đức tính này và có cho mình nhiều thành cồn trong cuộc sống.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đề đọc hiểu Tấm cám. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 12/06/2021 - Cập nhật : 25/12/2022