Cùng Top lời giải trả lời chi tiết, chính xác câu hỏi: “Đặt câu với từ quê mẹ” và đọc thêm phần kiến thức tham khảo giúp các bạn học sinh ôn tập và tích lũy kiến thức bộ môn Tiếng Việt 5.
+ Tôi lấy chồng ở Hà Nội, còn quê mẹ ở Vĩnh Phúc.
+ Dù đi đâu thì chúng ta đều nhớ về quê mẹ đã nuôi dưỡng cho ta lớn lên.
+ Quê mẹ có cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, có dòng suối mát lành, có tình yêu thương bao la vô bờ bến mà mãi mãi không bao giờ tôi quên được.
- Quê mẹ là danh từ nhằm chỉ về quê hương của con người, nơi sinh ra lớn lên, nơi gia đình, dòng họ mình đã qua nhiều đời làm ăn sinh sống, thường có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm của mẹ hay của chính bản thân ta.
- Quê quán, quê nhà, nơi chôn rau cắt rốn, quê hương, quê cha đất tổ
Câu 1: Tìm trong bài Thư gửi các học sinh hoặc Việt Nam thân yêu những từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc.
Lời giải chi tiết:
a) Thư gửi các học sinh: nước nhà, non sông.
b) Việt Nam thân yêu: đất nước, quê hương.
Câu 2: Tìm thêm những từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc.
Lời giải chi tiết:
- Những từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc: đất nước, quốc gia, giang sơn, quê hương.
Câu 3: Trong từ Tổ quốc, tiếng quốc có nghĩa là nước. Em hãy tìm thêm những từ chứa tiếng quốc.
Lời giải chi tiết:
- Những từ chứa tiếng quốc: ái quốc, quốc gia, quốc ca, quốc khánh, quốc huy, quốc kì, quốc ngữ, quốc phòng, quốc tế, quốc sử, quốc dân...
Câu 4: Đặt câu với một trong những từ dưới đây:
a) Quê hương
b) Quê mẹ
c) Quê cha đất tổ
d) Nơi chôn rau cắt rốn
Lời giải chi tiết:
a) Quê hương: Quê hương em ở thành phố Hồ Chí Minh – một thành phố sầm uất và náo nhiệt.
b) Quê mẹ: Quê mẹ có rừng cọ, đồi chè xanh bạt ngàn.
c) Quê cha đất tổ: Cho dù đi đâu, về đâu chúng ta cũng phải nhớ về quê cha đất tổ.
d) Nơi chôn rau cắt rốn: Mỗi lần trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn, ông nội lại bồi hồi, xúc động.
Đoạn văn mẫu 1
Quê em ở ngoại thành Hà Nội. Nơi đây có cánh đồng lúa bao la, chạy dài bạt ngàn một màu xanh mơn mởn. Xa xa là xóm làng núp dưới những vườn cây sum suê hoa trái. Dãy núi tím ngắt mờ xa lấp ló chân mây. Hàng bạch đàn lao xao trong gió. Con đường làng như một dải lụa vắt ngang qua cánh đồng. Vào mùa lúa chín, cánh đồng trông như như một tấm thảm màu vàng nhung. Ngày mùa, đồng quê rộn tiếng nói cười. Những chú trâu nhở nha gặm cỏ trên những triền đê cao và dài. Chiều chiều, nơi bãi cỏ rộng trên đê, em nằm ngắm bầu trời mây trôi, ngắm mặt trời lặn sau dãy núi cao cao kia. Em lắng nghe con sông hiền hòa thì thầm kể chuyện tháng ngày cần mẫn chảy bên làng. Em thấy cây cầu bắc qua sông nối đôi bờ, suốt ngày rộn tiếng xe đưa người qua lại. Đẹp nhất là những đêm trăng sáng, sân nhà văn hóa thôn em rộn tiếng vui đùa. Em chơi đến tận khuya. Đêm về, trong giấc ngủ, em vẫn thấy trăng vàng chảy khắp thôn quê. Quê em đẹp lắm! Em rất tự hào về vẻ đẹp thanh bình của quê hương em.
Đoạn văn mẫu 2
Quê hương em là một làng chài nhỏ ven biển miền Trung. Nơi đây có bãi cát trắng chạy dài theo biển. Quanh năm, sóng biển vỗ ì oạp, tung bọt trắng liếm vào bờ. Sáng sáng, mặt biển lung linh trong nắng sớm. Từng đoàn thuyền đi lưới cá về cập bến. Bến cá rộn lên tiếng nói cười mua bán. Nơi kia là xóm vạn chài em đó. Những mái nhà khuất sau rặng dương cao vút. Bãi dương rì rào gió thổi. Đường làng quanh co cũng được tráng bê tông. Giữa làng là ngôi trường em học. Ngày ngày vang lên giọng đọc bài ê a hòa trong tiếng sóng biển ngàn đời. Quê em vui nhất vào ngày hội làng và tạ lễ cá ông. Trẻ con rộn ràng trong tiếng trống hội. Người đến xem đông nghịt. Chúng em xúng xính trong quần áo mới đi theo đoàn rước lễ. Làng em tuy nghèo khó nhưng em vẫn yêu làng tha thiết.
Đoạn văn mẫu 3
Quê hương tôi không đẹp nên thơ nhưng cũng đủ để tự hào mà nói rằng được thả diều mỗi chiều trên đê quả là tuyệt. Những tia nắng cuối cùng trong ngày còn sót lại cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi kéo nhau ra bãi cát chân đê chơi. Từng làn gió mát phả trong không khí đưa những chiếc diều bay xa và bay cao. Nó gửi gắm ước mơ về một tương lai tươi đẹp của bọn trẻ thôn quê. Thêm vào đó, con sông Hồng quanh năm mải miết chảy bồi đắp phù sa cho hai hàng cây tỏa bóng soi mình xuống mặt nước khiến cảnh vật trở nên hữu tình. Đứng ngắm hoàng hôn đang dần tắt, ánh hồng đang dần mất đi cảm giác tiếc nuối lạ kỳ. Chao ôi! Một ngày sôi động, ồn ã đã kết thúc để nhường chỗ cho một đêm yên ả!
“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra biển. Tình yêu nhà, yêu miền quê trở thành tình yêu Tổ quốc” (Lòng yêu nước”- Ilia Erenbua). Cuộc sống dẫu có bao biến thân, nhân loại dù có ở thời kì chiến tranh hay thời bình thì trong mỗi chúng ta cũng luôn có tình yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn.
Cuộc đời của mỗi cá nhân vốn là một cuộc trường chinh, chúng ta có thể vì cuộc sống mưu sinh, vì một lý do cá nhân mà dịch chuyển về nhiều nơi khác nhau nhưng quê hương, đất nước thì chỉ có một mà thôi. Ấy là nơi trao cho ta dòng máu luôn chảy trong tim, là nơi trao cho tính cách và tâm hồn.
Tình yêu quê hương, đất nước là yêu cảnh sắc của quê hương mình. Những cảnh sắc ấy không phải là những gì lớn lao, kì vĩ, hùng hào, mà đến từ những gì bình dị và thân thuộc nhất. Ấy là cây đa, mái đình nơi gắn bao kỉ niệm ấu thơ. Ấy là con đường rợp bóng ta đi hằng ngày. Ấy là dòng sông tắm mát tuổi thơ. Ấy là cảnh sắc núi non hùng vĩ mà thơ mộng trải dọc nam chí bắc. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” hiện lên với cái tôi yêu Huế, yêu sông Hương, vì yêu mà sẵn sàng công phu đi kiếm tìm một huyền thoại về cái tên của nó và yêu Huê, chính là yêu quê hương, yêu đất nước đó thôi.
Tình yêu với quê hương, đất nước, chính là vì đất nước mà hi sinh con người mình. Hầu như mọi dân tộc đều phải trải qua những cuộc chiến tranh trường kì và gian lao, những cuộc chiến ấy đã làm đổ máu không biết bao người con của họ trên mảnh đất mẹ. Trong cuộc chiến tranh trường kì ấy, đất nước phải bảo vệ lãnh thổ của mình thì tình yêu với người mẹ đất nước ấy trước hết là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Từ đời Triệu, đến đời Đinh, đời Lý, đời Trần,.., đời nào cũng vậy, nếu không là chiến tranh ngoại quốc thì là nội tộc. Nếu không nhòe tình yêu nước của bao người thì dân tộc ta có được độc lập như ngày hôm nay? Nếu không nhờ những người như bác sĩ Đặng Thùy Trâm, như mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, như anh Nguyễn Văn Thạc,.. bỏ lại phía sau cả một thời thanh xuân thì bầu trời xanh, thì một đất nước không có bom rơi, đạn nổ, chúng ta có thấy?
Khi đất nước đi qua thời chiến, trở về với thời bình, mỗi người dân không còn là một chiến sĩ mà trở về là những người bình thường trong cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn. Yêu nước giờ đây là đóng góp một phần sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc. Con người, dù trên mặt trận nào cũng nguyện cống hiến hết sức mình để đưa đất nước ngày càng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi mọi giá trị văn hóa lâu đời của quê hương xứ sở đang ngày càng mai một thì là một người con của đất nước, chúng ta phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị đó. Trong bối cảnh giao lưu giữa Đông - Tây, yêu quê hương, đất nước còn là hiếu khách, là hòa nhập mà không hòa tan, là giữ gìn thể diện, giữ gìn hình ảnh đất nước với bạn bè năm châu.
Tình yêu quê hương, đất nước không phải đến từ những lời nói chung chung, những xáo ngữ mà phải bắt đầu từ hành động, từ trái tim của mỗi chúng ta. Quê hương, đất nước mãi chỉ có một, do đó, hãy luôn hướng về nó như hướng về người mẹ kính yêu.