logo

Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương

Tham khảo Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, qua đó nắm được những ý chính và cách triển khai các luận điểm nhằm hoàn thành bài viết một cách hoàn chỉnh nhất. 

Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương | 900 bài Văn mẫu 9 hay nhất


Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương - Bài 1

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Dữ là một trong những cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XVI.

+ Chuyện người con gái Nam Xương trích trong Truyền kì mạn lục là một trong những truyện tiêu biểu cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Dữ.

- Khái quát chung về nhân vật: Vũ Nương người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.

b) Thân bài

* Khái quát chung

- Hoàn cảnh sáng tác: Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”, là thiên thứ 16 trong 20 truyện của Truyền kì mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền), được viết ở thế kỉ XVI.

* Phân tích nhân vật Vũ Nương

- Hoàn cảnh sống của Vũ Nương

    + Xã hội: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ

    + Gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.

- Vũ Nương là người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp

    + Người con gái thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.

    + Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng.

    + Người con dâu hiếu thảo: chăm sóc mẹ chồng như cha mẹ ruột, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất.

    + Người mẹ thương con hết mực: bù đắp thiếu thốn tinh thần của con bằng cách chỉ vào bóng mình trên tường giả làm cha đứa bé.

    + Người phụ nữ trọng nhân phẩm tình nghĩa.

- Số phận của nàng bất hạnh, hẩm hiu

    + Nàng là nạn nhân của chế độ nam quyền

Cuộc hôn nhân không bình đẳng về giai cấp: "vốn con kẻ khó" - "nhà giàu"

Hôn nhân không có tình yêu và sự tự do.

    + Nàng là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa

  • Chiến tranh khiến cho vợ chồng xa cách, tạo điều kiện cho sự hiểu lầm

  • Chiến tranh là ngòi nổ cho thói ghen tuông, đa nghi của Trương Sinh.

    + Bi kịch gia đình tan vỡ, phải tìm đến cái chết

  • Bị chồng nghi oan tấm lòng chung thủy, mắng nhiếc, đánh đuổi một cách phũ phàng.

  • Bế tắc, nàng tìm đến cái chết để giải nỗi oan ức

=> Cái chết tô điểm thêm tính chất bi kịch của thân phận Vũ Nương.

* Đặc sắc nghệ thuật xây dựng nhân vật:

    + Tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật

    + Khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại...

    + Yếu tố kì ảo, kịch tính và có thực.

c) Kết bài

- Tác giả Nguyễn Dữ với bút pháp miêu tả nhân vật sinh động, Chuyện người con gái Nam Xương khắc họa được nhân cách cao đẹp và số phận bi thảm của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn

- Truyền kì mạn lục trở thành áng thiên cổ kì bút trong nền văn học trung đại Việt Nam khi góp tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc.


Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương - Bài 2

1. Mở Bài

- Truyền kỳ mạn lục là áng thiên cổ kỳ bút của Nguyễn Dữ, tiêu biểu cho nền văn xuôi trong văn học trung đại Việt Nam.
- Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện tiêu biểu trong hai mươi truyện của tập Truyền kỳ mạn lục với hình ảnh nàng Vũ Nương, đại diện cho người phụ nữ Việt Nam xưa, dẫu mang nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng vẫn phải chịu số phận bất hạnh.

2. Thân Bài

* Tác giả, tác phẩm:

- Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỷ XVI, là người học rộng tài cao, nhưng lại không ham vinh hoa phú quý, ra làm qua được tầm một năm thì ông cáo quan lui về ở ẩn.

- Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của tập Truyền kỳ mạn lục.

* Nhân vật Vũ Nương

- Là người con gái có nhan sắc xinh đẹp

- Nhân phẩm cao quý

- Được Trương Sinh con một phú hộ cưới về làm vợ vì trọng vẻ đẹp của nàng.

* Vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương:

- Với chồng:

+ Ân cần dịu dàng, luôn thủy chung, lo toan chăm sóc

+ Bị chồng nghi ngờ, cũng không cự cãi mà hết mực nhỏ nhẹ giãi bày, khuyên giải mong giữ được gia đình êm ấm.

- Với mẹ chồng:

+ Hết lòng hiếu thuận, chăm sóc lúc đau ốm
- Khéo léo đối xử, được mẹ chồng thương yêu

+ Mẹ chồng mất thì lo tang lễ chu toàn như đối với cha mẹ đẻ.

- Với con:

+ Mang nặng đẻ đau, yêu thương vô cùng, một mình nuôi nấng, chăm bẵm

- Ngoài những đức tính nết na, hiếu thuận, thủy chung thì Vũ Nương còn là một người phụ nữ có lòng vị tha vô cùng:

+ Vị chồng nghi oan, nhưng không hề trách cứ mà vẫn nhẹ nhàng giải thích

+ Lúc ở dưới thủy cung, thì sẵn lòng tha thứ cho chồng, quay về chỉ để nói câu cảm tạ khiến chồng thôi đi những ân hận, đau xót vì nghi oan cho vợ.

* Bất hạnh của Vũ Nương:

- Tuy được gả vào nhà giàu có nhưng cuộc sống vẫn phải dè dặt vì sợ chồng ghen tuông mù quáng.

- Lấy chồng không lâu thì chồng đi xa lại phải chèo chống, gánh vác gia đình một mình; nuôi con khổ sở, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh

thần.

- Phải chịu nỗi oan lạ lùng, rồi phải lấy cái chết để minh oan.

- Dù được cứu sống và có cuộc sống an nhàn, bất tử dưới thủy cung thế nhưng nàng lại phải chịu sự cô quạnh, lạnh lẽo vì mong nhớ chồng con mà không thể trở về.

3. Kết Bài

- Với những biểu hiện của nhan sắc, phẩm chất tốt đẹp như thế, nết đảm đang, lòng hiếu thảo, đức hy sinh, thủy chung son sắt, lòng bao dung, vị tha to lớn, Vũ Nương chính là hiện thân cho vẻ đẹp của người con gái Việt Nam.
- Nguyễn Dữ viết về nhân vật Vũ Nương một bên là ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, một bên cũng phản ánh những bất công trong xã hội phong kiến xưa đối với thân phận người phụ nữ. Đó là những giá trị nhân đạo nhân văn thật sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt qua câu chuyện cũng như nhân vật của mình.


Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Vũ Nương 

   Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những tác phẩm hay và đặc sắc nhất của tác giả Nguyễn Dữ. Tác phẩm được lấy cốt từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương” kết hợp với những sáng tạo của tác giả tạo nên một áng văn tuyệt bút. Trong truyện nổi bật lên là vẻ đẹp và số phận bất hạnh của nhân vật chính – Vũ Nương.

   Vũ Nương là người hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống “tính đã thùy mị nết na lại được tư dung tốt đẹp” nhưng số phận của nàng lại hết sức bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết.

   Trước hết về vẻ đẹp của nàng, Vũ Nương là người vợ hiền thục, thủy chung, trong trắng, một lòng một dạ với chồng. Khi mới về nhà chồng, biết chồng mình có tính hay ghen nên Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, bảo vệ hạnh phúc gia đình để gia đình luôn yên ấm. Chiến tranh xảy ra, chồng nằm trong danh sách đi lính, ngày tiễn Trương Sinh, nàng chỉ tha thiết mong mang hai chữ “bình yên” trở về. Nàng không ham giàu sang, danh vọng mà chỉ mong một cuộc sống yên ổn, êm đềm bên gia đình bé nhỏ. Giây phút ngậm ngùi tiễn chồng ra trận càng cho thấy rõ hơn tình yêu thương, tấm lòng Vũ Nương dành cho Trương Sinh. Bởi vậy trong những năm tháng xa chồng, nàng luôn nhớ Trương Sinh tha thiết, thậm chí nàng còn trỏ bóng mình trên tường vừa để dỗ con vừa để vơi bớt nỗi nhớ chồng. Ngay cả khi bị Trương Sinh nghi oan thất tiết thì tình yêu, sự thủy chung của vẫn được thể hiện qua những lời phân trần hết sức tha thiết, mong tìm cách hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Nhưng mọi cố gắng của nàng đều đã không được đền đáp, dù phải tìm đến cái chết để chứng minh tấm lòng của mình nàng vẫn không hề oán hận, ở thủy cung nàng vẫn mong ngóng ngày về để đoàn tụ với gia đình.

   Nàng còn là một người con dâu hết sức hiếu thảo. Chồng đi lính nàng ở nhà chăm mẹ chồng, bà vì thương nhớ con bệnh ngày một nặng, nàng thuốc thang cầu khấn trời phật mong cho mẹ nhanh khỏi bệnh, nàng hết lòng chăm sóc. Tấm lòng ấy được thể hiện rõ nhất qua lời cuối cùng bà nói trước khi mất: “sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Lời nói ấy chính là lời ghi nhận nhân cách và công lao to lớn của Vũ Nương với mẹ chồng. Khi mẹ chồng chết nàng thương xót làm ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình. Với đứa con nhỏ, nàng là người hết mực yêu thương con. Nàng chăm sóc bé Đản chu đáo, hiểu được những thiếu thốn của con, nàng đã chỉ bóng mình trên vách để con luôn được sống trong tình yêu thương của cha.

   Không chỉ vậy, nàng còn là người phụ nữ trọng nhân phẩm, tình nghĩa và lòng bao dung, vị tha. Bi kịch lớn nhất của đời nàng là bị chồng nghi ngờ và không làm cách nào để minh oan được. Thất vọng, đau đớn nàng phải tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương chỉ trở về nói lời đa tạ rồi từ biệt. Nàng không hề trách móc, oán hận Trương Sinh, điều đó đã giúp chồng vơi bớt nỗi lòng, nỗi ân hận. Người phụ nữ nào cũng mong muốn được hưởng cuộc sống hạnh phúc từ hơi ấm gia đình, Vũ Nương cũng không phải trường hợp ngoại lệ, nhưng nàng không trở về là bởi đã giữ lời hứa với Linh Phi “thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ”. Vũ Nương là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, mang trong mình vẻ đẹp phẩm chất rất đáng trân trọng, ngợi ca.

   Mặc dù vậy, số phận của nàng lại hết sức bất hạnh. Mầm mống bi kịch của Vũ Nương bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không bình đẳng. Chồng là kẻ độc đoán, hay ghen. Hưởng gia thất chưa lâu, chiến tranh xảy ra, nàng và Trương Sinh phải li tán, sống cô đơn, mòn mỏi chờ chồng. Ngày gặp chồng lại là giây phút oan nghiệt, bi kịch. Không những không được minh oan mà nàng còn bị đối xử thô bạo, vũ phu, tàn nhẫn. Nàng bị đẩy đến bước đường cùng phải tự tử mà thực ra là bị bức tử. Dù sống bất tử dưới thủy cung nàng vẫn không hạnh phúc, luôn nhớ chồng con. Cho dù được minh oan, nàng vẫn không trở về, hạnh phúc tan vỡ không thể lành, bi kịch vẫn là bi kịch. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Đầu tiên phải kể đến Trương Sinh – người chồng vũ phu, hay ghen, trước lời cầu xin của vợ, hắn đã không cho Vũ Nương cơ hội giải thích chỉ đánh đập, rồi đuổi nàng đi. Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa, nếu không có chiến tranh, gia đình Vũ Nương không phải chịu cảnh li tán thì đâu đến nỗi Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất lạ lùng như vậy. Nguyên nhân sâu xa do xã hội phong kiến nam quyền độc đoán, gia trưởng đã đẩy Vũ Nương vào con đường tuyệt vọng, phải nhảy sông tự vẫn. Bi kịch, cái chết của Vũ Nương là số phận tiêu biểu của nhiều phụ nữ khác trong xã hội đó. Nó là lời tố cáo mạnh mẽ và đanh thép chế độ phong kiến đương thời. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ.

   Nghệ thuật xây dưng nhân vật: nhân vật được khắc họa tâm lý, tính cách thông qua đối thoại, lời tự bạch đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau. Đặc sắc trong việc sử dụng yếu tố kì ảo đã làm hoàn chỉnh, tô đậm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: Nặng tình nghĩa, coi trọng nhân phẩm, vị tha mặc dù ở thế giới khác vẫn quan tâm đến chồng con, vẫn luôn muốn khôi phục danh dự.

   Với nghệ thuật xây dựng truyện độc đáo, hấp dẫn tác phẩm đã vẽ nên chân dung đẹp đẽ đức hạnh toàn tài của người phụ nữ phong kiến xưa mà đại diện tiêu biểu là nàng Vũ Nương. Nhưng những người phụ nữ ấy phải chịu nỗi oan khuất lạ thường, bị tước đoạt hạnh phúc. Qua đó, tác phẩm đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ, đồng thời cảm thương cho số phận bất hạnh của họ. Và lên án, tố cáo xã hội nam quyền phi nghĩa đẩy con người đến bước đường cùng.

Tham khảo:

---/---

Trên đây là Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương của Nguyễn Dữ mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021