logo

Dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Tổng hợp Dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi do Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Qua dàn ý và các bài văn mẫu được biên soạn ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu, các cách hành văn khác nhau, qua đó có thể tiếp cận tác phẩm với cái nhìn đa chiều, mới mẻ hơn. Mời các bạn cùng xem!


Dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi - Mẫu số 1

Dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

- Đây là một bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi và của thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Đoạn thơ mở đầu bài thơ Đất nước đánh giá là hay nhất bài thơ vì biểu lộ cảm xúc trực tiếp về một mùa thu mới đang tới trên quê hương.

2. Thân bài

- Đoạn thơ nguyên là những mảng của hai bài thơ khác nhau nối lại với sự điều chỉnh và sửa chữa chút ít.

- Mở đầu, nhà thơ gợi lại hình ảnh của một “mùa thu đã xa” với không khí “xao xác” và hình ảnh “người ra đi” lặng lẽ. Nỗi xao xác bâng khuâng là âm điệu chính của câu đầu này.

- Tiếp theo, tác giả bộc lộ niềm vui giao hòa giữa lòng người và vật khi chứng kiến “mùa thu nay” đầy âm điệu háo hức

- Mùa thu của đất trời giải phóng. Hai chữ “vui nghe” không chỉ diễn tả một trạng thái tình cảm nhận thời mà còn nói rõ cách nghe hay là một cách nhận thức mới của nhà thơ về cuộc đời.

- Từ niềm vui nói trên, đoạn thơ chuyển ý rất tự nhiên nhấn mạnh ý thức sở hữu của cái ta cộng đồng với non nước mình, mặt khác, bộc lộ cảm xúc tự hào và sung sướng của nhà thơ trước vẻ đẹp đắm say của Tổ quốc.

- Phần cuối của đoạn thơ dẫn người đọc vào mạch suy tư về truyền thống anh hùng của đất nước, ở đây xuất hiện một định nghĩa rất thơ và cũng rất Nguyễn Đình Thi về Tổ quốc Việt Nam.

3. Kết bài

- Trong bài thơ “Đất nước” dường như cảm hứng thời đại đã hòa quyện với cảm hứng lịch sử trong một niềm xúc động thơ đẹp đẽ như vậy.


Dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi - Mẫu số 2

1. Mở bài:

     - Giới thiệu chung về tác giả Nguyễn Đình Thi.

     - Giới thiệu chung bài thơ Đất nước.

2. Thân bài

a. Phần 1

     * Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm (từ đầu đến… lá rơi đầy):

          - Tín hiệu gợi nhắc về mùa thu Hà Nội: sáng mát trong và gió thổi mùa thu hương cốm mới, đây là những nét đặc trưng quen thuộc của mùa thu Bắc Bộ, mùa thu Hà Nội.

          - Mùa thu Hà Nội trong hoài niệm:

               + Bức tranh mùa thu chân thực, thi vị, mang đậm đặc trưng mùa thu Hà Nội nhưng thoáng buồn: những buổi sáng mát trong, gió thổi, hương cốm, chớm lạnh, hơi may xao xác, nắng lá, phố phường Hà Nội => Bức tranh mùa thu có hình khối, đường nét, màu sắc những chứa đầy tâm trạng của người ra đi "Người ra đi... lá rơi đầy".

               + Hình ảnh người đi buồn bã, lưu luyến nhưng cũng đầy cương quyết: Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

          => Mùa thu Hà Nội đẹp nhưng buồn thấm thía bởi nhân vật trữ tình phải li biệt Hà Nội để đi tìm con đường thoát vòng nô lệ đau thương, tủi nhục.

     * Mùa thu cách mạng, mùa thu độc lập vui tươi, phấn chấn.

          - Tiếng reo vui trước mùa thu hiện tại độc lập, hạnh phúc.

          - Mùa thu cách mạng tươi đẹp, sôi nổi: không gian nghệ thuật dịch chuyển từ những phố dài xao xác buồn bã sang không gian núi rừng tươi mới, tràn đầy sức sống (rừng tre phấp phới, trời thu thay áo mới) với những âm thanh ngân nga, vang vọng; trạng thái nhân vật trữ tình vui vẻ, hạnh phúc hòa trong sự phấn chấn của tạo vật (phấp phới, thiết tha).

          - Mùa thu độc lập, tự chủ: Trời xanh đây là của chúng ta…

          - Suy tư về hồn thiêng đất nước: Nước chúng ta…vọng nói về.

          => Niềm tự hào về đất nước.

          - Nghệ thuật đặc sắc trong đoạn thơ: hình ảnh thơ giàu sức gợi, câu thơ giàu tính nhạc, vận dụng hiệu quả phép điệp, giọng thơ phấn chấn sôi nổi, cảm xúc mãnh liệt…

          => Đoạn thơ thể hiện tình yêu tha thiết, niềm tự hào về quê hương đã được độc lập, có truyền thống anh hùng, bất khuất.

b. Phần 2

     * Đất nước đau thương trong chiến tranh:

          - Đất nước chìm trong máu và nước mắt: những cánh đồng quê chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều, bát cơm chan đầy nước mắt…đứa đè cổ đứa lột da.

          - Đất nước bật lên nỗi căm hờn: Từ những năm đau thương chiến đấu…căm hờn.

     * Đất nước vùng lên giành lấy chiến thắng vinh quang, chói lọi:

          - Vượt lên đau thương để lao động và chiến đấu, chống lại kẻ thù: Những đêm dài hành quân nung nấu, Xiềng xích chúng bay không khóa được….lòng dân ta yêu nước thương nhà.

          - Hình ảnh đất nước kì vĩ, chói lọi, quật khởi bừng dậy giữa hiện thực rung trời chuyển đất: Ôm đất nước những người áo vải / Đã đứng lên thành những anh hùng, Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

          - Nghệ thuật đặc sắc trong đoạn thơ: hình ảnh sáng tạo đầy sức gợi hình gợi cảm, thủ pháp đối lập, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đậm nét.

          => Bức tranh đất nước được tạo nên bằng chất liệu hiện thực (đường nét tương phản đối lập).

          => Hình tượng giàu tính sử thi, là cao trào của cảm xúc, thâu tóm được tư tưởng toàn bài

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận chung về đoạn thơ.


Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi - Bài mẫu 1

Dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

     Nguyễn Đình Thi – Một tâm hồn, một con người đa tài với những tác phẩm, bài viết đủ mọi thể loại. Văn học, soạn nhạc, triết học, lí luận phê bình… mặt nào cũng rất tài hoa. Về thơ ca, ông đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam với giọng thơ sôi nổi, đằm thắm và sâu lắng nhưng lại tao nhã, giản dị gần gũi với mọi người. Tác phẩm nổi bật trong thời kì này là bài thơ Đất nước. Được sáng tác từ 1948-1955, sự kết hợp hai bài thơ Đêm mít tinh và Sáng mát trong như sáng năm xưa đã giúp tác giả hình thành thái độ trân trọng, một cái nhìn đầy đủ về hình ảnh đất nước. Đất nước thực sự là cuốn biên niên sử bằng thơ hào hùng, oanh liệt, vinh quang và rực rỡ của dân tộc.

     Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi đã lấy hình ảnh mùa thu đã xa, một mùa thu với những kí ức và hình ảnh đã thuộc về quá khứ.

“ Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa”

     Nguyễn Đình Thi đứng trước mùa thu của hiện tại và hồi tưởng về mùa thu quá khứ. Với hình ảnh thu trong lành, mát trong của sáng sớm, với gió mùa thu mang theo hương cốm, tác giả khiến người đọc cảm nhận một mùa thu quen thuộc, một mùa thu xưa đẹp đẽ. Vẻ đẹp của mùa thu, với tác giả, muôn đời vẫn vậy chẳng đổi thay, nỗi nhớ thương về cùng hoài niệm.

     Chỉ với một câu thơ “gió thổi mùa thu hương cốm mới” đà đánh thức trong lòng người đọc hình ảnh mùa thu Hà Nội với vẻ đẹp truyền thống, tao nhã, bền vững và cổ xưa. Một chút gió héo may, một chút hương cốm thơm nức. Một hình ảnh quen thuộc kéo dài từ năm này qua năm khác không đổi thay.

     Câu thơ “tôi nhớ những mùa thu đã xa” giống như câu thơ bản lề, chuyển hướng, đẩy tâm sự người đọc hướng về hiện tại:

“ Sáng chớm, lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

     Khổ thơ sau vẫn là nhịp điệu chậm rãi, tràn đầy nhung nhớ. Nguyễn Đình Thi lại nhắc lại hình ảnh “sáng”. Nhưng ánh thu Hà Nội của hiện tại đẹp mà buồn, gợi bao sự thương nhớ. Sáng mùa thu chớm lạnh trong lòng Hà Nội, hay đúng hơn là cái chớm lạnh của lòng người trước mỗi đợt, mỗi khoảnh khắc thu về. Cái tinh tế của nhà thơ được thể hiện qua câu chữ “trong lòng Hà Nội”. Liệu có phải đây thực ra là nỗi nhớ qua những câu thơ đầy khắc khoải và ám ảnh.

     Ở đây, còn gợi thêm một hình ảnh nữa về đặc trưng của Hà Nội: “Con phố dài” và, thêm một nét tinh tế nữa của nhà thơ, đó là việc sử dụng từ láy “xao xác”. Tất cả đều gợi ra sự vắng vẻ, hiu quanh. Sự “xao xác” của lá thu hay là nỗi tâm sự đong đầy. Hình ảnh gió xao xác kết hợp với hình ảnh con phố dài đã tạo ra sự thu hút, sự sâu thẳm.

     Và, thật đột ngột, mạch cảm xúc của tác giả thay đổi, với hình ảnh người ra đi. Câu thơ thứ ba như một cái hất đầu ngạo nghễ, một sự quyết tâm đầy kiêu hãnh với chí lớn mang trong người. Nhưng câu thơ cuối lại là một tình cảm sâu lắng, trực tiếp, cảm xúc được dàn trải đều qua trang giấy qua cách ngắt nhịp của tác giả.

     Có người nói, hình ảnh của Hà Nội đã thu lại trong câu thơ cuối: “thềm nắng lá rơi đầy”. Câu thơ đẹp và giàu sắc thái thẩm mĩ. Bức tranh thu Hà Nội thấm đầy nắng, gợi nên sắc thái quyến rũ trong tâm trí người ra đi. Mà có khi làm sao mà đi nổi khi một Hà Nội đẹp thế, quyến rũ như thế cứ níu chân chẳng cho đi, làm sao không khỏi mềm lòng.

     Đó là mùa thu của quá khứ, còn mùa thu của bây giờ, của hiện tại rực rỡ hơn, tươi mát hơn. Và tự hào hơn trong lòng tác giả

“ Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

     Một lời khẳng định đầy kiêu hãnh, gợi mở cho người đọc hướng về hình ảnh mùa thu trong sự đổi mới với mùa thu xưa. Chữ “khác” dường như không chỉ là sự khác biệt về thời gian, không gian như xưa, nay mà còn là sự khác biệt trong nhận thức và tư tưởng của con người. Vì một lẽ đơn giản là muôn đời thu vẫn thế, vẫn gió heo may cùng hương cốm. Vấn đề là cảm nhận của con người mà thôi. Mùa thu xưa là mùa thu của dân tộc nô lệ. Kiếp người khổ đau, vì vậy mà thu có vẻ ảm đạm và thê lương. Khi đã độc lập, mùa thu như rạng rỡ hơn, chan hòa hơn. Giữa sự thay đổi của đất trời, của cuộc đời mới, mỗi người cũng hòa vào tiếng vui chung. Con người giao hòa với đất trời và vũ trụ. Con người lắng nghe được âm hưởng vui mừng của niềm vui độc lập, đó là niềm hạnh phúc tột độ.

     Ở đây, không gian thu được mở rộng khoáng đạt hơn. Với tiếng gió thổi rừng tre phấp phới. Vẫn là gió thu, nhưng không phải lặng lẽ, buồn bã, mà là tiếng gió (thổi vào rừng tre) phấp phới. Như muốn gửi trọn niềm vui của con người vào thiên nhiên, vũ trụ.

     Hình ảnh rừng tre tượng trưng cho sức mạnh Việt Nam, vẻ đẹp của Việt Nam, niềm vui của thu độc lập. Tất cả như muốn cất lên tiếng reo ca tột độ.

     Và trong xúc cảm thăng hoa, Nguyễn Đình Thi có những câu thơ hết mực tài hoa:

“ Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

     Mùa thu như được nhân hóa. Và người đọc cảm thấy mùa thu như một thiếu nữ điệu đà, thướt tha đang khoác tấm áo mới rạng rỡ, tươi tắn và dịu dàng. Phải chăng tấm áo ấy là của sự độc lập, tự do của dân tộc.

     Mùa thu ở đây vừa có nét tươi trong trẻo của một mùa thu muôn đời, lại vừa có sự phấn khởi, vui mừng. Câu thơ đã gợi ra tất cả xúc cảm, sâu lắng, huyên náo… tạo ra sự giao hòa giữa niềm vui của con người và niềm vui của đất trời trong ngày độc lập.

     Và cảm xúc của nhà thơ như trải dài qua khổ thơ:

“ Trời xanh đay là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

     Các câu thơ như cuốn vào nhau. Với cách ngắt nhịp mạnh mẽ, ngắn, tạo ra âm hưởng hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào.

     Nguyễn Đình Thi bây giờ như đang là một hướng dẫn viên, giới thiệu và tỏ bày với mọi người về cảnh sắc quê hương. Đây là núi rừng, trời xanh, kia là cánh đồng, ngả đường, xa hơn nữa là dòng sông.

     Tất cả như đang phơi bày vẻ đẹp, sự mỹ lệ vốn có của bản thân. Hay nói đúng hơn, đây là sự háo hức, tất cả sự hãnh diện, vinh dự với tư cách là “người làm chủ”. Tác giả nhấn mạnh vào quan hệ từ “của” như muốn khẳng định sự sở hữu và quyền tự chủ của bản thân.

     Ở đây đã có sự thay đổi về cách xưng hô, có sự hòa nhập giữa cái tôi của Nguyễn Đình Thi, của người nghệ sĩ với cái chung của cả dân tộc. Nguyễn Đình Thi không chỉ nói tiếng nói chung của mình mà còn nói tiếng nói chung của cả dân tộc, của mọi người bằng hai tiếng “chúng ta” đầy kiêu hãnh.

Vào thời Pháp thuộc, không hề có chuyện quan niệm “chúng ta”. Tất cả đều đặt dưới sự kiểm duyệt gắt gao của bọn thực dân. Chỉ có thời đại mới, chỉ có xã hội và cái chung “của chúng ta”, chỉ có thời đại mới, chúng ta mới có thể hít thở không khí mát lành của thu tự do, chứ không còn bức bối ngột ngạt như trước. Nguyễn Đình Thi như muốn, khẳng định tính ưu biệt của xã hội mới.

---/---

Thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi tiêu biểu được Top lời giải tuyển chọn từ những bài viết xuất sắc của các bạn học sinh. Mong rằng các em sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và hữu ích khi học môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021