logo

Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối

Hướng dẫn lập Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối ngắn gọn, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối - Mẫu số 1

Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

- Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển  và yếu tố hiện đại, giữa tâm hồn của người chiến sĩ và thi sĩ luôn luôn được thể hiện một cách tinh tế, sâu sắc.

- Chiều tối là một trong những bài thơ tiêu biểu và độc đáo nhất.

2. Thân bài

- Hoàn cảnh sáng tác: Sáng tác vào cuối thu năm 1942, khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và áp giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo (Trung Quốc), trong một buổi chiều chuyển ngục.

- Bức tranh thiên nhiên núi rừng trong hai câu thơ đầu:

+ Hình ảnh cánh chim là thi liệu vốn rất quen thuộc trong thơ cổ, nhưng vào trong thơ Bác lại xem lẫn cả nét hiện đại. Cánh chim mỏi mệt, tìm chốn ngủ có sự tương đồng với tình cảnh của Bác.

+ Hình ảnh chòm mây trôi lơ lửng, cũng là thi liệu cổ điển, gợi sự ung dung, tự tại, nhưng đồng thời mang nét hiện đại bộc lộ tâm trạng của người tù (lẻ loi, cô đơn).

- Bức tranh cuộc sống sinh hoạt:

+ Vẻ đẹp của con người: Sự tươi trẻ khỏe khoắn của người thiếu nữ, vẻ đẹp của cuộc sống lao động bình dị => Quan điểm mỹ học mới về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.

+ Vẻ đẹp của sự sống: Là sự kết hợp giữa nét vẽ cổ điển (lấy sáng tả tối, hình ảnh lò than rực hồng) và nét vẽ hiện đại (sự chuyển đổi thời gian, không gian, cảm giác).

3. Kết bài

- Vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh: Lạc quan, hướng về sự sống và ánh sáng, lòng nhân ái gắn liền với lòng yêu thiên nhiên.

- Bút pháp gợi tả thiên nhiên, tả cảnh ngụ tình, kết hợp hài hòa các yếu tố cổ điển, hiện đại.


Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối - Mẫu số 2

1. Mở bài

Giới thiệu sơ lược về tác giả, nêu cảm nhận chung về tác phẩm

   - Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại đồng thời là nhà thơ lớn của dân tộc. Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù) là tác phẩm tiêu biểu, được Bác viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943.

   - Mộ (Chiều tối) là bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo: Điều khác lạ là bài thơ được viết trong hoàn cảnh người bị giải đi trên đường, với gông cùm xiềng xích, nhưng không phải là một lời than vãn xót xa. Trái lại, đó là một nét hoan ca về cuộc sống, về con người, biểu hiện tâm hồn hết sức đẹp đẽ, nhân cách lớn lao của Hồ Chí Minh.

2. Thân bài

Hai câu đầu

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

   - Hai câu đầu vẽ nên một bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống, chim bay về rừng tìm chốn trú ngụ, đám mây trôi lững lờ trên bầu trời chiều, chỉ vài nét chấm phá, những bức họa (trong bài thơ có họa) của thơ xưa. Song, phong vị cổ thi ấy do gần gũi về bút pháp. Còn thực ra, đây vẫn là buổi chiều nay, với cảnh thật và người thật (người tù - nhà thơ) đang tận mắt nhìn ngắm.

   Bức tranh phong cảnh kia tuy đẹp và nên thơ nhưng vẫn có nét buồn. Quyện nghĩa là mỏi, chán, mỏi mệt. Tầm là tìm kiếm. Cánh chim sau ngày rong ruổi, trong cái giờ khắc của ngày tàn, mỏi mệt, phải trở về rừng đặng tìm kiếm chỗ trú. Cô là lẻ loi, một mình. Mạn mạn là dài và rộng, không là trên bầu trời dài, rộng mênh mông. Bản thân bầu trời vẫn dài rộng như là triệu năm qua, nhưng đám mây đơn lẻ kia đã khiến nó càng trở nên mênh mang hơn. Hai câu thơ, theo đúng nghĩa đen cũng chỉ ra một cảnh buồn. Với người bình thường, thậm chí đang vui, trước cảnh ấy, lòng hẳn không sao tránh một cảm xúc man mác, bâng khuâng. Câu thơ khiến người ta liên tưởng đến một buổi chiều khác, trong thơ cổ:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

                                                   (Cảnh chiều hôm - Bà Huyện Thanh Quan)

   Buổi chiều xưa không vắng lặng, nhưng lòng người đã tím ngát nỗi buồn. Còn cảnh ở đây, vốn là đơn chiếc. Cảnh ấy nói hộ lòng người, hẳn đang buồn. Đúng thôi, ngay đến cánh chim kia, khi chiều tắt đã vội trở về. Thế mà, giờ này, người tù mắt mờ, chân yếu, lại bị gông cùm, vẫn đang lê bước trên đường dài. Người đó không than vãn, do nhân cách vĩ đại, song ai không cảm được nỗi đau rất thật từ cảnh tình ấy?

Hai câu cuối

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng

   - Hai câu kết chuyển hướng vận động của hình tượng thơ. Ở trên, cảnh vật mênh mông, vắng lặng, ánh nắng ngày đang dần tắt, nhường chỗ cho bóng đêm ập xuống. Còn ở đây, dù không tả nhưng ai cũng biết, đất trời đã vào đêm, bóng tối len dày muôn nơi. Vậy, điều gì khiến người ta cảm nhận được từng bước đi của thời gian, cảm nhận thấy được ánh sáng và bóng tối? Đó là cánh chim đơn lẻ bay về chốn cũ. Đặc biệt, đó là ánh rực hồng của lò than nơi xóm núi. Đây cũng là lối chấm phá, lấy ánh sáng tả bóng tối.

   - Nhưng sự chuyển hướng đích thực của hình tượng thơ không chỉ có vậy. Nếu cảnh ở trên mang nét buồn của sự lẻ loi, hoang vắng, thì cảnh ở đây, dù là đêm tối nhưng ấm áp, giàu sức sống. Đôi mắt của người nghệ sĩ ở cảnh trước khi phóng nhìn ra xa và lên cao, càng nhìn càng mất hút và trống trải. Khi đôi mắt ấy nhìn gần, đã bắt gặp hình ảnh không ngờ:

    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

   - Vóc dáng người thôn nữ cùng với công việc lao động dường như là thường ngày ấy đã xua đi sự cô quạnh giữa miền sơn cước. Và, đến lúc công việc đã xong, thì ánh sáng tràn ngập.

    Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.

   Trong bóng đêm, ánh sáng ấy càng có sức lan tỏa. Lòng người từng man mác buồn đã ấm lại cùng với ánh lửa kia. Đến đây thì sự vận động của hình tượng thơ được trọn vẹn.

3. Kết bài

   "Mộ" là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh Khi sử dụng thể thơ luật Đường, tác giả đã vận dụng khá nhuần nhuyễn bút pháp chấm phá để tả cảnh, lấy động tả tĩnh, đặc biệt là lấy cảnh tả tình. Trong bài thơ, không có từ hay chi tiết nói về chủ thể trữ tình, nhưng người đọc vẫn nhận ra đôi mắt, tấm lòng của con người ấy. Tuy nhiên, dù mang phong vị cổ điển, đây vẫn là bài thơ hiện đại. Chất hiện đại bộc lộ ở sự vận động hình tượng thơ, nhất là ở tấm lòng và tư tưởng của thi nhân. Dù bị gông cùm, xiềng xích, con người đó vẫn hết sức ung dung tự tại, luôn quên mình để nhìn ngắm cuộc sống và rung động với từng biểu hiện, dù chỉ nhỏ nhoi, tinh tế.


Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

1. Mở bài

     Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, người cha già đáng kính của dân tộc. Người vừa là chiến sĩ vừa nhà thơ, nhà văn kiệt xuất của dân tộc. Những vần thơ của Người luôn có sự hài hòa giữa cố điển và hiện đại đặc biệt luôn có sự hướng về ánh sáng. Và có thể nói, bài thơ Chiều tối (trích Nhật kí trong tù) là một trong những sáng tác tiêu biểu cho đặc điểm thơ Hồ Chí Minh.

2. Thân bài

     Hai câu mở đầu bài thơ bài thơ là bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô lâm mạn mạn độ thiên không

(Chim mỏi về rừng từng chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

     Hai câu thơ với bút pháp chấm phá cùng việc sử dụng những hình ảnh thơ cổ điển đã gợi nên cái không khí tĩnh lặng của cảnh vật, cái mênh mông của thiên nhiên. Có thể nói hình ảnh cánh chim là một hình ảnh thơ quen thuộc trong thơ ca cổ điển, chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh cánh chim chiều trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” hay trong ca dao cũng có câu: “Chim bay về núi tối rồi”. Hình ảnh cánh chim ấy như để diễn tả nhịp chuyển của thời gian – ngày đã xế chiều và cảnh vật cũng đang chìm dần vào tĩnh lặng. Và thêm vào đó, ở đây chúng ta cảm nhận được sự đồng điệu giữa hình ảnh cánh chim với tâm hồn thi sĩ: cánh chim đã mỏi sau một ngày dài sải cánh đang tìm chốn ngủ còn thi sĩ cũng đã thấm mệt sau một ngày dài bước đi. Thêm vào đó, bức tranh thiên nhiên xế chiều còn được tô vẽ bằng hình ảnh chòm mây – “cô vân”. Sử dụng hình ảnh thơ cổ điển cùng việc sử dụng từ láy “mạn mạn” diễn tả điệu trôi chậm chậm, trôi nổi, lững lờ của chòm mây, tác giả đã gợi lên  cái cao rộng, bao la của thiên nhiên và từ đó cũng làm nổi bật lên sự cô đơn của chòm mây. Như vậy, hai câu thơ đầu với bút pháp chấm phá cùng việc sử dụng những hình ảnh thơ cổ điển, tác giả đã gợi nên sự mênh mông, bát ngát, pha sự cô đơn của cảnh vật lúc chiều tà. Qua đó hiện lên nhân vật trữ tình yêu thiên nhiên, lạc quan vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và khát vọng tự do. Chỉ khi có một tâm hồn yêu thiên nhiên, một tinh thần vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và một sự cảm nhận tinh tế thì tác giả mới có thể cảm nhận và vẽ nên một bức tranh chiều tà như vậy.

     Nếu như hai câu thơ đầu bài thơ, tác giả sử dụng hàng loạt các hình ảnh thơ cổ điển đề vẽ nên bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà thì trong hai câu thơ còn lại của bài thơ, tác giả lại sử dụng bút pháp hiện đại để khắc họa hình ảnh con người:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”

(Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng)

     Trên cái nền bao la, rộng lớn của thiên nhiên, hình ảnh cô gái trong tư thế lao động hiện lên thật đẹp, xua tan đi cái cô quạnh của cảnh vật nơi xóm núi. Thêm vào đó nghệ thuật điệp ngữ “ma bao túc” (xay ngô tối) gợi nên sự chuyển động lặp đi lặp lại của cối xay ngô và đó cũng chính là nhịp điệu của cuộc sống, của sự chăm chỉ, chịu khó trong công việc của cô gái xóm núi. Đồng thời, qua hình ảnh cô gái xóm núi cần cù, chăm chỉ trong lao động cũng gợi nên trong chúng ta vẻ đẹp trong tâm hồn của Bác: luôn dành một nỗi niềm, một sự quan tâm sâu sắc đối với những người dân lao động. Đặc biệt, người đọc như bừng sáng lên qua chữ “hồng” ở cuối bài thơ. Có thể nói, chữ “hồng” chính là “nhãn tự”, “là con mắt thơ” của toàn bộ bài thơ. Chữ với một chữ “hồng” thôi nhưng có sức mạnh ghê gớm. Nó không chỉ xua đi cái lạnh lẽo, cô quạnh của buổi chiều nơi xóm núi mà qua đó nó còn gợi nên sức sống, niềm vui, niềm tin vào ngày mai tươi sáng của người tù. Và ánh sáng ấy cũng chính là niềm ước ao, là mơ ước của Bác về một ngày mai tươi sáng cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam. Thêm vào đó, qua chữ “hồng” cũng đã cho thấy mạch vận động của bài thơ – sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng.

3. Kết bài

Tóm lại, bài thơ Chiều tối với việc sử dụng hình ảnh thơ cổ điển, từ ngữ cô đọng, hàm súc cùng các biện pháp tu từ đã thể hiện một cách rõ nét tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với những con người lao động và tinh thần lạc quan yêu đời vượt lên mọi hoàn cảnh của thi sĩ. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện phong cách thơ của Người – sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại.

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021