logo

Dàn ý Cảm nhận bài thơ Chiều tối

Một trong những vấn đề then chốt để làm nên những bài văn hay đó là trước khi làm bài các em cần lập dàn ý cho bài viết đó. Với Dàn ý cảm nhận bài thơ Chiều tối ngắn gọn, hay nhất dưới đây hy vọng sẽ là một trong những gợi ý giúp các em hoàn thiện bài viết của mình một cách tốt nhất! Mời các bạn cùng tham khảo nhé!


Dàn ý Cảm nhận bài thơ Chiều tối ngắn gọn

Dàn ý cảm nhận bài thơ Chiều tối (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh, tập “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) và bài thơ “Mộ” (Chiều tối).

2. Thân bài

- Hai câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên hữu tình

+ Khung cảnh chiều tà có sự chuyển động của cánh chim và chòm mây

+ Vào thời khắc mặt trời xuống núi, ngày dần tàn, cánh chim mỏi cũng cần một nơi chốn nghỉ ngơi.

+ Sự khác biệt giữa “quyện điểu” và người tù chính trị: Chim có động lực thúc đẩy cất đôi cánh bay đi tìm chốn ngủ còn mỗi bước chân di chuyển của người tù ở đây gần như là vô nghĩa.

+ Trên bầu trời cao và rộng, có lẻ loi đám mây cô đơn  – “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

+ Khung cảnh buồn nhưng không hề có lấy một lời than oán trách móc, tất cả chỉ có sự thả hồn tận hưởng khung cảnh thiên nhiên.

=> Tình yêu thiên nhiên đến rạo rực, phong thái ung dung, tinh lần lạc quan thả hồn chắp nên những vần thơ tuyệt vời.

=> Sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng đặc tả cảnh vật.

- Hai câu thơ cuối: Bức tranh lao động của con người

+ “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”: Vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn và tràn đầy sức sống trong lao động thường ngày.

+ So sánh “sơn thôn thiếu nữ” trong nguyên tác và “cô em xóm núi” trong bản dịch.

+ Cấu trúc điệp liên hoàn được sử dụng trong câu 3 và 4: “ma bao túc” – “bao túc ma hoàn” tạo ra sự nhịp nhàng, uyển chuyển khéo léo.

+ Nhãn tự “hồng”: Bừng lên thứ ánh sáng để xua tan đi bóng tối và sự mệt mỏi, sưởi ấm không gian.

=> Hai câu thơ cuối của bài thơ “Chiều tối” đã tô điểm bức tranh trở nên hoàn hảo, có cảnh, có người.

=> Ý thơ còn bộc lộ được sức sống mãnh liệt cũng như tinh thần sắt đá của tác giả Hồ Chí Minh.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Chiều tối”.


Dàn ý Cảm nhận bài thơ Chiều tối chi tiết

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, nêu những ý chính trong bài thơ Chiều tối

+ Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại đồng thời là nhà thơ lớn của dân tộc. Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù) là tác phẩm tiêu biểu, được Bác viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943.

+ Mộ (Chiều tối) là bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo: Điều khác lạ là bài thơ được viết trong hoàn cảnh người bị giải đi trên đường, với gông cùm xiềng xích, nhưng không phải là một lời than vãn xót xa. Trái lại, đó là một nét hoan ca về cuộc sống, về con người, biểu hiện tâm hồn hết sức đẹp đẽ, nhân cách lớn lao của Hồ Chí Minh.

b) Thân bài

* Hai câu đầu

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

- Hai cầu mở đầu bài Chiều tối vẽ nên một bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống : chim bay về rừng tìm chốn trú ngụ, đám mây trôi lững lờ trên bầu trời chiều, chỉ vài nét chấm phá, những bức họa (trong bài thơ có họa) của thơ xưa. Song, phong vị cổ thi ấy do gần gũi về bút pháp. Còn thực ra, đây vẫn là buổi chiều nay, với cảnh thật và người thật (người tù - nhà thơ) đang tận mắt nhìn ngắm.

- Bức tranh phong cảnh kia tuy đẹp và nên thơ nhưng vẫn có nét buồn:

+ "Quyện" nghĩa là mỏi, chán, mỏi mệt.

+ "Tầm" là tìm kiếm.

-> Cánh chim sau ngày rong ruổi, trong cái giờ khắc của ngày tàn, mỏi mệt, phải trở về rừng để tìm kiếm chỗ trú.

+ "Cô" là lẻ loi, một mình.

+ "Mạn mạn" là dài và rộng

+ "Không" là trên bầu trời dài, rộng mênh mông.

-> Bản thân bầu trời vẫn dài rộng như là triệu năm qua, nhưng đám mây đơn lẻ kia đã khiến nó càng trở nên mênh mang hơn.

=> Hai câu thơ, theo đúng nghĩa đen cũng chỉ ra một cảnh buồn. Với người bình thường, thậm chí đang vui, trước cảnh ấy, lòng hẳn không sao tránh một cảm xúc man mác, bâng khuâng. Câu thơ khiến người ta liên tưởng đến một buổi chiều khác, trong thơ cổ:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

                                                    (Cảnh chiều hôm - Bà Huyện Thanh Quan)

- Buổi chiều xưa không vắng lặng, nhưng lòng người đã tím ngát nỗi buồn. Còn cảnh ở đây, vốn là đơn chiếc. Cảnh ấy nói hộ lòng người, hẳn đang buồn. Đúng thôi, ngay đến cánh chim kia, khi chiều tắt đã vội trở về. Thế mà, giờ này, người tù mắt mờ, chân yếu, lại bị gông cùm, vẫn đang lê bước trên đường dài. Người đó không than vãn, do nhân cách vĩ đại, song ai không cảm được nỗi đau rất thật từ cảnh tình ấy?

* Hai câu cuối

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng

- Hai câu kết chuyển hướng vận động của hình tượng thơ. Ở trên, cảnh vật mênh mông, vắng lặng, ánh nắng ngày đang dần tắt, nhường chỗ cho bóng đêm ập xuống. Còn ở đây, dù không tả nhưng ai cũng biết, đất trời đã vào đêm, bóng tối len dày muôn nơi. Vậy, điều gì khiến người ta cảm nhận được từng bước đi của thời gian, cảm nhận thấy được ánh sáng và bóng tối? Đó là cánh chim đơn lẻ bay về chốn cũ. Đặc biệt, đó là ánh rực hồng của lò than nơi xóm núi. Đây cũng là lối chấm phá, lấy ánh sáng tả bóng tối.

- Nhưng sự chuyển hướng đích thực của hình tượng thơ không chỉ có vậy. Nếu cảnh ở trên mang nét buồn của sự lẻ loi, hoang vắng, thì cảnh ở đây, dù là đêm tối nhưng ấm áp, giàu sức sống. Đôi mắt của người nghệ sĩ ở cảnh trước khi phóng nhìn ra xa và lên cao, càng nhìn càng mất hút và trống trải. Khi đôi mắt ấy nhìn gần, đã bắt gặp hình ảnh không ngờ:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

- Vóc dáng người thôn nữ cùng với công việc lao động dường như là thường ngày ấy đã xua đi sự cô quạnh giữa miền sơn cước. Và, đến lúc công việc đã xong, thì ánh sáng tràn ngập.

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.

=> Trong bóng đêm, ánh sáng ấy càng có sức lan tỏa. Lòng người từng man mác buồn đã ấm lại cùng với ánh lửa kia. Đến đây thì sự vận động của hình tượng thơ được trọn vẹn.

c) Kết bài

- "Mộ" là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh với bút pháp chấm phá để tả cảnh, lấy động tả tĩnh, đặc biệt là lấy cảnh tả tình.

- Trong bài thơ, không có từ hay chi tiết nói về chủ thể trữ tình, nhưng người đọc vẫn nhận ra đôi mắt, tấm lòng của con người ấy. Tuy nhiên, dù mang phong vị cổ điển, đây vẫn là bài thơ hiện đại. Chất hiện đại bộc lộ ở sự vận động hình tượng thơ, nhất là ở tấm lòng và tư tưởng của thi nhân. Dù bị gông cùm, xiềng xích, con người đó vẫn hết sức ung dung tự tại, luôn quên mình để nhìn ngắm cuộc sống và rung động với từng biểu hiện, dù chỉ nhỏ nhoi, tinh tế.

---/---

Dựa vào Dàn ý cảm nhận bài thơ Chiều tối được Top lời giải sưu tầm được, hy vọng các em sẽ có thêm nhiều kiến thức và những gợi ý hay để có thể làm tốt bài văn của mình. Chúc các em học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021