logo

Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người

Một trong những vấn đề then chốt để làm nên những bài văn hay đó là trước khi làm bài các em cần lập dàn ý cho bài viết đó. Với Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người ngắn gọn, chi tiết dưới đây hy vọng sẽ là một trong những gợi ý giúp các em hoàn thiện bài viết của mình một cách tốt nhất! Mời các bạn cùng tham khảo nhé!


Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác Thiền Sư - Mẫu số 1

Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

- Khái quát tác giả: Mãn Giác Thiền Sư là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ.

- Giới thiệu bài thơ: Cáo bệnh bảo mọi người vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng).

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh ra đời cũng như mục đích sáng tác của bài thơ

- Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh.

- Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả.

b. Phân tích hai câu thơ đầu: Quy luật của tự nhiên

- Hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian.

- Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận.

c. Phân tích hai câu giữa: Quy luật của cuộc đời

- Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi.

- Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên.

d. Phân tích hai câu cuối: Tư tưởng của nhà thơ

- Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục.

- Thiền sư khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác.

3. Kết bài

- Tổng kết giá trị của bài thơ

- Cảm nghĩ của người viết.


Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác Thiền Sư - Mẫu số 2

Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Thiền sư Mãn Giác là nhà thơ đại biểu cho dòng văn học Lý - Trần thông qua bài "Cáo bệnh, bảo mọi người".

- Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ thể hiện rất rõ lòng yêu đời với cái nhìn lạc quan của nhà thơ. Lời kệ được viết khi nhà thơ đau bệnh nhưng nó vẫn toát lên sự bình thản yêu đời, xuất phát từ một thể trạng tinh thần khoẻ mạnh, đầy bản lĩnh, đạt đến độ tự tại ung dung.

2. Thân bài

a. Quy luật cuộc sống

- Hai câu thơ đầu diễn tả quy luật biến đổi của thiên nhiên:

+ Cây cối biến đổi theo thời tiết. Thông thường mùa xuân đến hoa nở “Xuân tối trăm hoa tươi”.

+ Bài thơ nói về hoa rụng trước, hoa nở sau => sự luân hồi của thiên nhiên. Hoa tàn rồi hoa lại nở. Hình ảnh xuân và hoa mang đến cái đẹp, sự ấm áp tràn đầy sức sống của thời tiết và cây cối.

- Câu 3 và 4 diễn tả quy luật biến đổi của đời người:

+ Thời gian sự việc qua đi, con người trải qua năm tháng cùng già đi.

+ Mái đầu bạc là tượng trưng cho tuổi già. Đó là biểu hiện cụ thế nhất sự biến đổi của con người trước thời gian.

+ Tâm trạng nhà thơ như nuối tiếc, xót xa bởi thời gian của vũ trụ thì vô thuỷ vô chung còn thời gian của đời người thì ngắn ngủi.

b. Quan niệm nhân sinh mới mẻ

- Trong hai câu thơ cuối, tác giả mượn việc miêu tả thiên nhiên mà nói đến một quan niệm triết lí trong Phật giáo: khi con người đã giác ngộ đạo (hiểu được chân lí và quy luật) thì có sức mạnh lớn lao, vượt lên trên cả lẽ sinh diệt thông thường. Thiền sư đắc đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt như nhành mai kia cứ tươi bất kể xuân tàn.

- Hình tượng cành mai đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận: 

     + Trong quan niệm của người xưa, hoa mai là loài hoa chịu được cái giá rét của mùa đông. Trong sương tuyết lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu cho mùa xuân đến.

     + Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, thử thách, gian nan => Hình tượng hoa mai vì thế tượng trưng cho sức sống bất diệt của con người.

3. Kết bài

     Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật: bằng lối sử dụng từ ngữ, hình ảnh tương phản, giàu biểu tượng đã thể hiện được cái nhìn lạc quan yêu đời của nhà thơ ngay khi bệnh tật.


Bài văn mẫu phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người

    Thơ văn Lí - Trần là một đỉnh cao rực rỡ của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong dòng văn học đậm chất Thiền đó, Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một tên tuổi tiêu biểu dù ông sáng tác không nhiều. Ông là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ. Với bài thi kệ "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng), Mãn Giác Thiền Sư được xem như là một nhà thơ có công đặt nền móng cho dòng thơ thiền thời Lí.

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua xuân trước một nhành mai.

                                             (Bản dịch của Ngô Tất Tố)

     "Cáo bệnh bảo mọi người" vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng). Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh. Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả. Dù tuổi cao, bệnh nặng nhưng vẫn lạc quan, tư duy tích cực và tha thiết yêu đời.

     Mở đầu bài thơ là hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian:

Xuân đi, trăm hoa rụng,

Xuân đến, trăm hoa cười.

     Hai hình ảnh đối lập phản ánh một quy luật tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi nữa. Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận. Tuy nhiên, thế nhân không phải ai cũng hữu tâm mà để ý hơn thế còn khái quát quy luật ấy một cách cô đúc, nhẹ nhõm đến như vậy. Con người chúng ta ai cũng chuộng mùa xuân, ai cũng thích nhìn hoa nở nên không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối đến buồn phiền khi mùa xuân qua, cánh hoa rơi xuống. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng thở dài:

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại.

     Sau này, nhà thơ Xuân Diệu cũng u hoài vì cái nỗi:

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

     Thế đấy, bao lớp thi nhân đã từng băn khoăn, tiếc nuối vì quy luật vô tình của tạo hóa. Chỉ có những con người đã trải qua bao thăng trầm, đã hiểu rõ quy luật của trời đất, đã thấm nhuần những tư tưởng uyên thâm mới có thể an nhiên mà sống giữa cái vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông; sinh lão bệnh tử; thành, trụ, hoại, không... một Thiền sư như Mãn Giác chắc chắn là người rõ nhất và "vô tâm" nhất trước cái quy luật vĩnh hằng đó "Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền".

     Nhưng Mãn Giác còn là một nhà sư sống giữa thời đại mà tôn giáo không tách biệt hoàn toàn với việc nước, việc đời. Thời Lí, đạo Phật là quốc giáo, rất nhiều nhà sư đã có công lớn trong việc gìn giữ giang sơn xã tắc. Với tinh thần nhập thế tích cực, Thiền sư Mãn Giác cũng chiếu cố đến quy luật của cuộc sống nhân sinh:

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

     Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi. Dấu vết thời gian trên mái đầu của con người thì không ai tránh khỏi. Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên nhận thức rõ thời gian của bản thân không còn bao nhiêu nữa. Tuổi già đến cũng là một quy luật mà con người có chống cũng không nổi. Huống chi vị Thiền sư có thừa thông tuệ để thấu đáo và xem như một điều tất yếu. Chỉ có điều, là một nhân tố tích cực của xã hội và thời đại thì mấy ai không cảm thấy mình vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành, chưa cống hiến hết cho quốc gia, dân tộc. Đó hoàn toàn không phải là lòng ham sống bình thường mà có sự cao thượng và ý thức trách nhiệm của một người sớm đã dâng hiến đời mình cho chúng sinh, hiểu một góc hẹp hơn đó chính là nhân dân vậy.

     Một chút bùi ngùi chợt lắng xuống nhường chỗ cho tâm thế tích cực, lạc quan vút lên trong hai câu thơ cuối:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua xuân trước một nhành mai.

     Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục. Đáng nói là trong mạch cảm xúc của bài thơ thì hai câu cuối này thật sự gây một ấn tượng mạnh mẽ. Nếu bốn câu trước như một lời tri nhận những quy luật bất biến của thiên nhiên và cuộc sống thì hai câu cuối này lại như đảo dòng quy luật ấy. Đảo dòng nhưng không hề phi lí mà vẫn thuyết phục người đọc một cách tài tình. Ai cũng hiểu, xuân tàn hoa sẽ rụng nhưng ai cũng sẽ vui mừng khi đâu đó chợt bắt gặp một cành mai nở muộn cuối mùa. Điều đó đặc biệt như một món quà của thiên nhiên và từ đó khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác. Càng đáng quý hơn khi đó là lời khuyên của một bậc Thiền sư đang trong những ngày đau ốm, bệnh tật.

    "Cáo bệnh bảo mọi người" từ một bài kệ dạy đệ tử của Mãn Giác Thiền sư đã trở thành một bài thơ cô đọng, hàm súc, mượn cảnh nói tâm hết sức độc đáo. Bài thơ không chỉ gửi gắm triết lí Phật Giáo Thiền tông mà còn chứa đựng một nhân sinh quan cao thượng, đẹp đẽ. Nội dung sâu sắc được gói ghém trong hình thức thơ trang nhã, hài hòa, nhẹ nhàng dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người đọc và đọng lại những cảm xúc tốt đẹp nhất. Từ bài thơ, bao thế hệ người đọc đã ngộ ra chân lí sống giữa cuộc đời, biết chấp nhận những quy luật hằng tồn đồng thời cũng biết chọn góc nhìn và cách sống lạc quan, tích cực phù hợp với quy luật và phát huy ưu điểm của bản thân mình.

---/---

Dựa vào Dàn ý phân tích bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người được Top lời giải sưu tầm được, hy vọng các em sẽ có thêm nhiều kiến thức và những gợi ý hay để có thể làm tốt bài văn của mình. Chúc các em học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021