logo

Dàn ý nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác

Mời các em tham khảo Dàn ý nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Top lời giải dưới đây để nắm được các ý chính cần triển khai cho bài văn mẫu, qua đó củng cố thêm kiến thức về tác phẩm, và tự viết cho mình một bài văn mẫu hay nhất. Cùng tham khảo nhé!


Dàn ý nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu số 1

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác.

2. Thân bài

a. Khổ thơ 1:

- Tác giả ở tận miền Nam mãi sau ngày độc lập dân tộc mới được ra thăm vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Hai từ “miền Nam” như nhấn mạnh hơn sự xa xôi trong khoảng cách địa lý giữa hai đầu Tổ quốc.

- Nhìn hàng tre quanh lăng Bác, nhà thơ chợt cảm thấy rằng những cây tre kia như ý chí con người Việt Nam qua bao năm tháng luôn luôn bất khuất, kiên cường, hiên ngang. Dù có trải qua “bão táp mưa sa” nhưng vẫn đoàn kết một lòng cùng nhau đứng lên.

- Từ láy “xanh xanh” diễn tả con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ luôn luôn “xanh” màu xanh bất diệt.

b. Khổ thơ 2:

- “Ngày ngày” là sự liên tục của thời gian, sự lặp lại tuần hoàn của thiên nhiên cũng như lý tưởng, ý chí của Người sẽ luôn luôn sáng tỏ như mặt trời kia vậy. Biện pháp nghệ thuật hoán dụ: nếu mặt trời soi sáng cho nhân loại thì Bác Hồ là mặt trời của cả dân tộc Việt Nam, mang đến ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc.

- Lần thứ hai, “ngày ngày” được lặp lại khi diễn tả dòng người đang lặng lẽ vào lăng thăm Người. Hàng người đi trong sự trang nghiêm và tĩnh lặng, trong nỗi tiếc thương, đau xót vô vàn.

- Người đọc như cảm thấy được sự tĩnh lặng, sự trải dài miên man vô tận của hàng người vào viếng Bác. Cả đoàn người ấy cứ lặng lẽ “đi trong thương nhớ”, thương nhớ vị lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu của dân tộc.

- Viễn Phương hòa cùng dòng người đem tấm lòng yêu kính chân thành của mình dâng lên Bác, dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” của Người. Cả cuộc đời Người, với bảy mươi chín mùa xuân, tất cả đều cống hiến cho dân tộc, không một phút giây nào ngơi nghỉ dành cho bản thân mình.

c. Khổ thơ 3

- Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng thanh thản như đang chìm trong một giấc ngủ ngon. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình.

- Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu, vậy mà vị Cha già của dân tộc đã phải ra đi. Vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Dù lý trí luôn tỏ tường rằng quy luật của thiên nhiên là bất biến, nhưng vẫn “nghe nhói ở trong tim”.

d. Khổ thơ cuối

- Bao nhiêu nỗi đau xót, nghẹn ngào cứ thế tuôn theo dòng lệ trào.

- Điệp từ “muốn” lặp lại ba lần như khẳng định lại ước muốn của nhà thơ. Đó là một ước muốn mãnh liệt, niềm khao khát cháy bỏng được ở lại bên cạnh Người chỉ để làm “một con chim hót”, “một đóa hoa”, “một cây tre trung hiếu”.

→ Cả khổ thơ đã thể hiện niềm mong ước cháy bỏng của tác giả, cũng chính là mong ước của mỗi người dân Việt Nam. Đó là luôn luôn được ở cạnh Người, ở cạnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.


Dàn ý nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu số 2

1. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả Viễn Phương: là nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ ca Việt Nam hiện đại; ông có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp thơ ca nước nhà và hai cuộc kháng chiến. Thơ ông dung dị, gần gũi mang cảm xúc sâu lắng, da diết với ngôn ngữ của người Nam Bộ.

- Dẫn vào tác phẩm: Viếng lăng Bác là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp thơ ca của ông. Tác phẩm được sáng tác vào tháng 4 năm 1976, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nước ta hoàn toàn thống nhất. Nhân dịp ra thăm lăng, ông đã viết bài thơ in trong tập “Như mây mùa xuân”.

2. Thân bài

Bố cục bài thơ bao gồm 4 phần tương ứng 4 khổ thơ:

-    Khổ 1: Cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng và khung cảnh bên ngoài lăng bác.

-    Khổ 2: Cảm xúc của tác giả trước đoàn người vào viếng lăng bác.

-    Khổ 3: Cảm xúc của tác giả trước linh cữu Bác Hồ.

-    Khổ 4: Cảm xúc của tác giả trước lúc ra về.

Phân tích nội dung bài thơ:

-  Niềm xúc động của tác giả khi lần đầu đến viếng lăng bác:

   + Thể hiện qua đại từ nhân xưng con – bác.

   + Chọn lựa ngôn từ “thăm” thay cho viếng

   +  Vẽ nên bức tranh cảnh vật quanh lăng bằng ngôn từ, sử dụng hình ảnh hàng tre quanh lăng để hoán dụ với những đức tính anh hùng, bất khuất của dân tộc ta trong chiến tranh dựng nước và giữ nước.

-    Cảm xúc của nhà thơ trước đoàn người vào viếng lăng:

   + Hình ảnh ẩn dụ đặc sắc “mặt trời”: ví Bác với mặt trời với vầng thái dương soi sáng dân tộc, mở ra cho dân tộc một thời đại mới. Đồng thời thể hiện lòng thành kính, nể phục trước vĩ lãnh tụ của đất nước.

   + Điệp từ “ngày ngày” chỉ sự trôi chảy của thời gian, cứ nối tiếp làm thành một chuỗi kéo dài vô tận ví như sự nhớ thương không thôi của nhân dân với Bác.

   + Hình ảnh “tràng hoa”, ẩn dụ cho những người vào viếng lăng bác như những bông hoa, dòng người kia chính là tràng hoa xinh đẹp nhất kính dâng lên người.

   + Hình ảnh “bảy mươi chín mùa xuân” là một hình ảnh hoán dụ tinh tế và khéo léo, mỗi mùa xuân là một năm tuổi người dành cho đất nước.

-    Cảm xúc khi rời lăng của nhà thơ 

   + Cuộc chia ly đầy lưu luyến của tác giả 

  • Mai về miền Nam thương trào nước mắt: như là một lời giã từ đặc biệt của người con miền Nam, lời nói diễn tả tình cảm sâu lắng, dung dị của tác giả đối với Bác.
  • Cảm xúc lưu luyến, luyến tiếc, không muốn rời xa Bác.
  • Ước nguyện chân thành muốn được hóa thân thành thành những vật dung dị trong lăng để được ở gần bên Bác 

   + Hình ảnh cây tre kết là một cách kết thúc khéo léo, hình ảnh cây tre kiên cường, trung hiếu được nhân hóa mang phẩm chất trung thành, lưu luyến như con người. 

  • Hình ảnh “Cây tre trung hiếu” mang bản chất của con người Việt Nam: trung hiếu, thẳng thắn, gắn bó và bất khuất.
  • Đây cũng là lời hứa sống có trách nhiệm với cuộc sống, với đất nước, với nhân dân của tác giả và nhân dân Việt Nam.

3. Kết bài

-    Tình cảm sâu sắc của tác giả dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc.

-    Tình cảm ấy được thể hiện qua giọng điệu trang trọng, tha thiết, hình ảnh ẩn dụ gợi cảm, ngôn từ bình dị và hàm súc.


Dàn ý nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu số 3

1. Mở bài

Giới thiệu chung về vấn đề cần nghị luận: bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

2. Thân bài

-  Hoàn cảnh sáng tác

- Tác giả: Viễn Phương là nhà thơ tiêu biểu miền Nam.

- Tác phẩm: tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng. Nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác khi lăng vừa khánh thành.

- Nội dung: thể hiện lòng thành kính, biết ơn cùng nỗi xúc động vô vàn của một người con đối với Bác Hồ trên đường vào lăng viếng.

* Khổ 1: Cảm xúc trước lăng Bác.

- Câu tự sự mở đầu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

- Cách xưng hô: “con – Bác” => Đậm chất Nam Bộ.

=>Thể hiện sự gần gũi, thân thương đối với Bác.

- Dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng”: nói giảm nói tránh, giảm sự chua xót đau thương về sự thật Bác không còn nữa. => Con ở miền Nam xa xôi ra thăm Bác, nước nhà đã thống nhất mà Bác không còn nữa

- Hình ảnh hàng tre quanh lăng: Là hình ảnh đầu tiên tác giả thấy được; vừa là hình ảnh tả thực, vừa là hình ảnh biểu tượng.

- Ý nghĩa tả thực: miêu tả hàng tre có thật quanh lăng Bác.

- Ý nghĩa biểu tượng: cây tre là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, đại diện cho dân tộc Việt Nam. Bác yên nghỉ như về với đất mẹ, về với điệu hồn dân tộc, về với dân tình làng cảnh Việt Nam.

- Thành ngữ “Bão táp mưa sa”: ẩn dụ chỉ những khó khăn, vất vả. Nhưng dù có gian nan bao nhiêu thì tre vẫn đứng thẳng hàng.

=>Khẳng định tinh thần hiên ngang, sức sống mạnh mẽ, kiên cường của dân ta.

* Khổ 2: Sự thương nhớ khi đứng trước lăng.

* Hai câu thơ đầu: Cặp hình ảnh sóng đôi:

- Mặt trời thứ nhất: mặt trời tự nhiên

- Mặt trời thứ hai: hình ảnh ẩn dụ chỉ Người.

=>Ý nghĩa:

- Khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của Bác như mặt trời tự nhiên.

- Bác như ánh mặt trời soi rọi đường đi, mang lại nguồn sáng, độc lập, tự do cho dân tộc.

* Hai câu thơ sau: 

- Hình ảnh “dòng người”: thể hiện lòng kính cẩn của người dân với Bác, ngày nào cũng có người tới thăm Bác với lòng tiếc thương vô hạn.

- Kết hợp với điệp cấu trúc “Ngày ngày…”: nhấn mạnh sự tuần hoàn.

- Hình ảnh “tràng hoa”: thể hiện lòng biết ơn với người cha già.

- Hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân”: chỉ số tuổi của Bác => cuộc đời Bác tận hiến cho dân tộc.

* Cảm xúc khi viếng lăng, nhìn thấy Bác

- Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền”: liên tưởng từ ánh sáng dịu nhẹ ở trong lăng.

- Nhớ tới hình ảnh trăng xuất hiện dày đặc trong thơ Bác => nhắc nhớ lại tâm hồn thanh cao của Người.

- Gợi lên niềm xúc động, bồi hồi với tâm hồn Bác: vừa vĩ đại thanh cao vừa giản dị gần gũi.

- Hình ảnh “trời xanh”: hình ảnh ẩn dụ khẳng định sự trường tồn của Bác, Bác sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.

- Cảm xúc “Nghe nhói ở trong tim”: sự quặn thắt, xúc động của tác giả khi đứng trước di hài lãnh tụ dân tộc.

- Sự rung cảm sâu sắc, chân thành của nhà thơ.

* Khổ 4: Cảm xúc khi về miền Nam

- Hình ảnh “thương trào nước mắt”: bộc lộ nỗi xót xa bị kìm nén cuối cùng đã tuôn thành dòng lệ.

- Điệp ngữ “Muốn làm”: thể hiện khao khát hoá thân của nhà thơ để đền đáp một phần công ơn của Người.

- Sự quyến luyến không nỡ rời xa Bác.

3. Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp bài thơ.

- Bày tỏ cảm xúc của bản thân.

---/---

Từ Dàn ý nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác mà Top lời giải đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 9 ngắn gọn, chi tiết, hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học vui và học tốt!

icon-date
Xuất bản : 03/06/2021 - Cập nhật : 03/06/2021