logo

[TOP 10] Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa hay nhất

Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa - Toploigiai

Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa - Mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu qua về xuất xứ của tác giả tác phẩm: Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt được sáng tác vào năm 1963 khi tác giả đang đi tu nghiệp tại Nga giữa trời đông buốt giá, trong tâm trạng nhớ quê hương, tác giả Bằng Việt đã viết ra bài thơ với những rung động tự tận đáy lòng.

2. Thân bài

a. Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc:

Tình cảm của bà cháu rất sâu đậm, gắn liền với hình ảnh bếp lửa

Hình ảnh bếp lửa rất gần gũi, quen thuộc và thân thương

Người bà đã chắc chiu tình cảm của mình qua bếp lửa

b. Cảm nghĩ về bà và về bếp lửa:

- Hồi tưởng về những kỉ niệm đẹp bên bà:

Thời thơ ấu luôn lẻo đẽo theo bà

Người luôn mùi khóc

Nhem nhuốc vì than củi

Cuộc sống nghèo khó những không bao giờ quên

- Hồi tưởng những kỉ niềm bên bà:

Hình ảnh cứ quấn quýt bên bà

Tám năm hít khói bếp

Tình cảm bà cháu rất quấn quyét

Sự hi sinh vô bờ của bà dành cho người cháu thân yêu

- Cảm nghĩ về cuộc đời bà:

Cuộc đời vất vả, khó khăn

Yêu bà hơn

- Nỗi niềm thương nhớ bà:

Tình yêu và nhớ bà mãnh liệt trong tâm hồn cháu

Dù đi xa những cháu vẫn hướng về bà

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ bếp lửa

Ví dụ:

Bài thơ bếp lửa như một tình cảm của cháu dành cho bà qua các kí ức của tuổi thơ và niềm thương nhớ bà của tác giả.


Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa - Mẫu 2

Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa | Văn mẫu 9 hay nhất

Mở bài Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

- Tác giả: Có thể dẫn dắt bằng một câu nhận xét, nhận định về Bằng Việt. Sau đó dẫn dắt vào là nhà thơ là một trong những gương mặt trẻ được đánh giá là trưởng thành từ cách suy nghĩ cho đến việc đặt vào những vần thơ của mình trong thời kháng chiến chống Mĩ…

- Tác phẩm: Nếu không đưa nhận định về tác giả thì có thể đưa câu ca dao, tục ngữ hay câu nói về chủ đề tình bà cháu, tình gia đình để dẫn dắt vào.

Chẳng hạn:

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Với cách dẫn dắt, từ ngữ, hình ảnh giản dị để nói về tình bà cháu đẹp đẽ, nồng hậu, ấm áp lồng trong tình yêu quê hương, đất nước của Xuân Quỳnh trong Tiếng gà trưa thì với Bằng Việt tình bà cháu được thể hiện một cách riêng trong Bếp lửa.

Thân bài Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

- Bếp lửa được sáng tác vào năm 1963 – trong tập Hương Cây, ra đời ngay thời điểm tác giả đang theo du học ở nước ngoài, cách bà của mình đến nửa vòng trái đất.

- Bài thơ được xem là sản phẩm đầu tay trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ.

Khổ thơ thứ 1: Hình ảnh bếp lửa khiến những kí ức và tình cảm bên bà chợt ùa về trong tác giả

- “Chờn vờn”: mọi kỉ niệm, hình ảnh về người bà của nhà thơ hiện về không rõ ràng, đó là một sự chập chờn giữa làn khói mờ ảo của khói bếp. Nhưng thoáng chốc mọi thứ bỗng bừng sáng khi đốm lửa lóe lên, lan tỏa xung quanh và cả trong tâm hồn đứa cháu ngây ngô là tác giả. ® Hình ảnh người bà lúc nà hiện lên rõ nét.

- Khoảng cách bao xa không quan trọng, điều đáng trân trọng là dù cách xa muôn trùng trời mây nhưng tình yêu thương, sự vỗ về, che chở của người bà vẫn y nguyên trong tác giả, sự khéo léo, tận tụy của bà hiện rõ ngay trước mắt.

⇒ Một thứ tình cảm bà cháu hòa cùng tình yêu thương gia đình rất chân thật, thiêng liêng vô cùng. Nhà thơ chỉ tạm cất giấu nó sâu trong lòng, nó như những hòn than âm ỉ dưới lớp tro tàn kia, chỉ cần một cơn gió thổi qua là bừng sáng.

Bốn khổ thơ tiếp theo: hồi tưởng về tình yêu thương của hai bà cháu cùng những kỉ niệm gắn liền cùng năm tháng trưởng thành của tác giả

- Khi lên bốn tuổi, kỉ niệm đó thể hiện:

+ Một tuổi thơ dai dẳng với nhiều thiếu thốn, khó khăn vô cùng khi sự bao trùm của nạn đói năm 1945 đen mịt không lối thoát.

+ Trong cái đói, sự nghèo khó đó nổi bật lên nồng nàn hương vị khói. Bởi chiếc bếp lửa khi đó sử dụng vốn cũ kĩ, khói hun lên cay xè, tèm nhem mắt ®Hình ảnh được tả rất chân thực, ngôn từ giản dị, dễ hiểu trong đó là một tuổi thơ khốn khó hòa cùng niềm bùi ngùi, xúc động của hiện tại nhà thơ nhớ về, nhà thơ cảm nhận như mới ngày hôm qua, cảm xúc còn nguyên vẹn.

+ Bếp lửa: hình ảnh không trừu tượng hóa mà rất thật, thấm đượm bao nghĩa tình.

- Tám năm trôi qua bên cạnh bà:

+ Hoàn cảnh: nước ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng, khi nạn đói chưa qua đi thì giặc ngoại xâm ập đến. Cháu lại ngày qua ngày bên cạnh bà, cha mẹ công tác không về, gia đình li tán, chia xa.

+ Cuộc sông trôi quạnh quẽ, lạnh lẽo thì chiếc bếp lửa ấm áp chính là người bạn gắn bó cùng họ. Hồi ức xa xăm không chỉ là mùi khói bếp mà còn là tiếng kêu chim tu hú mỗi khi chiều về.

+ Tiếng chim tu hú mỗi lúc kêu lên mang theo cảm xúc của con người, hiện trạng của vạn vật xung quanh. Lúc thì xa xa mơ hồ, khi thì gần gũi rồi lại dồn dập, gấp gáp hay những lúc buồn bã, não nề, thở than… → Tiếng chim mở ra một không gian quạnh vắng, đìu hiu, một cảm giác cô đơn ngập tràn. Hai bà lúc này chỉ nương tựa vào nhau mà sống qua ngày giữa cái đói tơi tả, cái tàn khốc của chiến tranh.

Khổ thơ cuối: ngậm ngùi nỗi nhớ thương, trăn trở về bà

- Điệp từ “trăm” vẽ ra một viễn cảnh bao la, rộng lớn cùng nhiều điều mới mẻ nhưng người cháu không một lúc nào ngừng nhớ thương về bà, về những kỉ niệm xưa cũ bên bà.

- Tình yêu thương, lòng biết ơn đối với bà trong tác giả luôn hiện hữu, thường trực bất cứ lúc nào.

Kết bài Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa

- Ngôn từ giản dị, hình ảnh chân thực nhưng chuyển tải một cách đầy đủ cảm xúc của tác giả.

- Bài thơ luôn mang một giá trị bền vững theo thời gian…


Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa - Mẫu 3

Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa (ngắn gọn, hay nhất)

1. Tác giả

- Tên thật: Nguyễn Việt Bằng- 1941

- Quê: Thạch Thất – Hà Tây

- Thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

- Thơ ông giàu cảm xúc tinh tế, giọng điệu tâm tình, mượt mà sâu lắng. Thơ Bằng Việt thường khai thác những kỉ niệm thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ.

- Các tác phẩm tiêu biểu:

+ Hương Cây – Bếp Lửa (In chung với Lưu Quang Vũ – 1968)

+ Những gương mặt, những khoảng trời (1973)

+ Đất sau mưa (1977)

+ Khoảng cách giữa lời (1983)

+ Cát sáng (1986)

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Sáng tác năm 1963 khi Bằng Việt là sinh viên đại học luật ở nước ngoài.

- Được in trong tập Hương cây – Bếp Lửa (In chung với Lưu Quang Vũ – 1968)

- Đây là một trong những sáng tác đầu tay, song ngay từ khi ra đời, bài thơ đã có một vị trí quan trọng trong đời thơ Bằng Việt và có một vị trí xứng đáng trong nền văn học nước nhà.

- Cùng với một số bài thơ khác trong Hương Cây – Bếp Lửa Bằng Việt đã tạo ra được một dấu ấn riêng, một phong cách thơ trầm lắng, nghiêng về những lời trao đổi tâm sự thấm thía nhưng không kém phần tài hoa, trí tuệ.

- Trong nền thơ hiện đại, Bếp Lửa được đánh giá là một trong không nhiều những bài thơ viết về tình bà cháu hay nhất.

b. Bố cục

- Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa, gợi những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu được bà, về lẽ sống của bà. Cuối cùng, trong hoàn cảnh xa cách, đứa cháu gửi nỗi nhớ mong được gặp bà.

- Bố cục bài thơ Bếp Lửa đi theo mạch cảm xúc: hồi tưởng ⇒ hiện tại, kỉ niệm ⇒ suy  ngẫm. Lựa chọn bố cục như thế là thích hợp với việc khắc hoạ kỉ niệm tuổi thơ. Bố cục đó còn cho thấy hình ảnh của bà khắc sâu vào tâm khảm của người cháu, thành chỗ dựa tinh thần để người cháu trưởng thành.

- Bố cục chia 3 phần:

+ 3 dòng đầu: hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc cho những hồi tưởng về bà.

+ 4 khổ tiếp: những kỉ niệm tuổi thơ và hình ảnh bà trong hồi tưởng của cháu.

+ Còn lại: suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.

c. Phân tích tác phẩm

Trong dòng chảy cuộc đời của mỗi con người, kỉ niệm tuổi thơ bao giờ cũng lắng đọng một góc sâu xa trong tâm hồn. Những kỉ niệm ấy thường gắn bó với những gì thân thương nhất. Nếu Tế Hanh nhớ về tuổi thơ, nhớ về quê hương là nhớ về dòng sông xanh biếc, Xuân Quỳnh bồi hồi khi bắt gặp một tiếng gà trưa khi dừng chân bên xóm nhỏ trên đường hành quân. Thì với Bằng Việt, bếp lửa bập bùng cháy và hình ảnh của người bà là tất cả những gì tha thiết nhất mà nhà thơ hằng lưu giữ trong lòng.

Bếp lửa là hình ảnh quen thuộc và bình dị trong mỗi gia đình, nó gợi sự ấm áp, gần gũi và đoàn tụ. Bởi vậy, chọn biểu tượng bếp lửa khi viết về tình bà cháu và lấy Bếp Lửa là tiêu đề cho cả bài thơ thì đây là một tiêu đề, một biểu tượng rất giàu ý nghĩa. Nó thể hiện những suy tư sâu lắng trong phong cách thơ Bằng Việt.

* Khổ thơ đầu:

Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa quen thuộc, bình dị ở mỗi làng quê Việt Nam:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

… Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Ba tiếng “một bếp lửa” láy đi láy lại, trở thành điệp khúc da diết ngay từ những dòng thơ đầu tiên. Bếp lửa được nhóm lên vào buổi sáng sớm, rung rinh, mờ tỏ. Hình ảnh ấy gợi cái ấm áp giữa “chờn vờn sương sớm”, gợi cái thân thương với biết bao “ấp iu nồng đượm”. Hai chữ “chờn vờn” giúp ta hình dung được ngọn lửa bập bùng, lay động, khi tỏ khi mờ. Từ láy “ấp iu” không chỉ diễn tả thật chính xác công việc nhóm lửa mà còn gợi liên tưởng tới đôi bàn tay kiên trì, khéo léo và tấm lòng ấm áp, đôn hậu của người nhóm lửa.

Từ hình ảnh bếp lửa, rất tự nhiên, dòng hồi tưởng về bà chợt ùa về: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Khổ thơ đầu kết thúc trong cảm nhận của người cháu. Cảm nhận ấy bật ra bằng một chữ “thương”, nó lan toả trong câu thơ và thấm sâu vào lòng người đọc.

Cả bài thơ có hai chữ “thương”, Bằng Việt đã dành trọn để “thương bà” (Cháu thương bà biết mấy nắng mưa, Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc). “Biết mấy nắng mưa”, chỉ 4 chữ đã gợi ra hình ảnh của bà với bao lo toan, vất vả, lặng lẽ, âm thầm. Người cháu hiếu thảo cũng đôi lần nhắc lại: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa” – nỗi vất vả nhọc nhằn của bà trở thành nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi trong lòng cháu suốt đời. Hình ảnh người bà hiện lên trong tâm trí tác giả rất nhẹ nhàng, sâu lắng, mỗi lúc một rõ ràng và trở thành hình ảnh trung tâm trong các khổ thơ tiếp theo.

* 4 khổ thơ tiếp:

Là dòng chảy của kí ức về những năm tháng tuổi thơ sống bên bà.

– KỈ NIỆM KHI LÊN 4 TUỔI:

Lên 4 tuổi cháu đã quen mùi khói

… Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay

5 câu thơ gợi lại cả một tuổi thơ nhọc nhằn, gian khổ. Tuổi thơ ấy có bóng đen ghê rợn của nạn đói khủng khiếp năm 1945. Bởi vậy, gây ấn tượng mạnh mẽ với cháu là cái đói, cái nghèo. Cái đói dai dẳng và mòn mỏi khắp chốn thôn quê. Thành ngữ “đói mòn đói mỏi” và cách diễn đạt bằng hình ảnh đầy ấn tượng “khô rạc ngựa gầy” vừa phản ánh chân thực cuộc sống, vừa gợi những xúc cảm thật sâu sắc và đậm nét  của người trong cuộc.

Song nếu ấn tượng không quên là cái đói, cái nghèo, thì ấn tượng sâu đậm hơn cả lại là mùi khói:

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

“Khói hun nhèm mắt” là khói từ củi ớt cay xè từ bếp lửa nhà nghèo. Nhà thơ đã lựa chọn được một chi tiết sát thực để vừa miêu tả được chân thực cuộc sống tuổi thơ, vừa diễn tả được những xúc động bâng khuâng, da diết: “Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. “Còn cay” là còn nguyên nỗi xúc động. Cảm xúc hiện tại và kỉ niệm năm xa đồng hiện, hoà lẫn vào nhau. Hai dòng thơ rất thực mà tràn ngập cảm xúc.

Thơ Bằng Việt có sức truyền cảm mạnh mẽ nhờ ở những chi tiết, ngôn từ giản dị mà chân thực. Cái “bếp lửa” kỉ niệm của ông mới chỉ khơi lên, thoang thoảng mùi khói, mờ mờ sắc khói mà đã đầy ắp những hình ảnh hiện thực, thấm đẫm bao tình nghĩa sâu nặng.

– KỈ NIỆM CỦA 8 NĂM Ở CÙNG BÀ:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

… Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế

Giặc đói chưa qua thì giặc ngoại xâm tràn tới. Gia đình li tán “Mẹ cùng cha công tác bận không về”, cháu lại gắn bó cùng bà. “Tám năm ròng” con số không lớn, nhng ngày tháng sao kéo dài nặng nề, ròng rã thế! Vì “Những ngày ở Huế” ấy, cuộc sống gia đình thật quạnh vắng, chỉ có hai bà cháu cặm cụi bên nhau, nhóm lửa mỗi sớm, mỗi chiều trong tiếng tu hú kêu da diết. Nếu trong hồi ức xa là “mùi khói”, thì ở đây, ấn tượng khắc chạm trong tâm khảm người cháu chính là tiếng chim tu hú ấy.

Mười một câu thơ mà âm vang tới 5 lần tiếng kêu của loài chim lẻ loi ấy. Lúc vẳng vẳng, mơ hồ từ “những cánh đồng xa”, lúc gần gũi, giục giã “sao mà tha thiết thế”, lúc gióng giả, dồn dập “kêu hoài”, lúc khắc khoải như than thở, sẻ chia…. Tiếng chim tu hú gợi ra cả một không gian trống vắng, khơi sâu thêm cái cảm giác quạnh vắng, cô đơn. Trên cái nền hoang tàn vì khói lửa chiến tranh, giữa cái âm thanh khắc khoải bồn chồn của tiếng chim tu hú, hai bà cháu nương tựa vào nhau để duy trì cuộc sống. Thương con tu hú bơ vơ mới càng thêm thấm thía cái ơn được bà yêu thương, chắm chút, đùm bọc.

Giọng thơ thủ thỉ như giọng kể của một câu chuyện cổ tích. Đưa âm thanh đồng nội ấy vào trong thơ, thi sĩ Bằng Việt quả có một tâm hồn gắn bó sâu nặng với quê hương, xứ sở.

Trong những cung bậc khác nhau của tiếng chim tu hú, tình cảm của người cháu mỗi lúc một thiết tha và hình ảnh người bà dần hiện rõ:

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Bên bếp lửa hồng, bà đã thay thế vai trò người mẹ. Bà “kể chuyện”, chuyện đời thực ngày nay, chuyện cổ tích ngày xa… Rồi “bà bảo cháu nghe, bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”. Từng việc, từng việc, nhỏ nhẹ, âm thầm. Các câu thơ ngắn, liệt kê diễn tả một cách sâu sắc tấm lòng yêu thương, chăm chút, tỉ mỉ, ân cần mà bà đã dành cho cháu, nuôi cháu lớn khôn, soi sáng trí tuệ và tâm hồn của cháu. Sống trong tình yêu thương, chở che của bà, cháu ơn bà biết bao, nên những dòng thơ cứ bật ra thật tự nhiên mà cảm động: “thương bà khó nhọc”.

Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa

Nghệ thuật nhân hoá khiến lời thơ thành lời gọi tâm tình. Ẩn sau lời trách cứ nhẹ nhàng ấy là bao nỗi nhớ thương. Bây giờ là thương bà cô đơn, quạnh vắng…

Dòng kỉ niệm cứ trải ra mênh mông như ánh sáng của bếp lửa trong nhà hắt ra toả sáng cả xóm làng, đất nước:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

… Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

Đọc đoạn thơ, ta thấy được bức tranh cuộc sống làng quê chân thực, nguyên khối. Đó là cảnh xóm làng bị “giặc đốt” “cháy tàn cháy rụi”, xơ xác, tiêu điều. Nhưng trong hoàn cảnh thử thách khốc liệt của chiến tranh, chúng ta càng thấm thía hơn vẻ đẹp tinh thần của con người Việt Nam một thời lửa đạn. Đó là tình đoàn kết xóm làng “Hàng xóm… lều tranh” , đó là ý chí, nghị lực, niềm tin bền vững của những người bà, người mẹ ở hậu phương luôn hướng ra tiền tuyến. Lời bà dặn cháu “Cứ bảo ở nhà…” không chỉ cho ta thấy được hình ảnh một người bà đảm đang, tần tảo, mà còn làm sáng lên phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: kiên cường, anh dũng, hi sinh. Phần buồn lo bà gánh hết, để giành cho con cháu niềm an vui.

Và như thế, vẻ đẹp lung linh, sáng ngời của tình bà cháu gắn bó đã hoà quyện trong tình yêu đất nước, quê hương.

– KHỔ THƠ THỨ 5 :

Từ hình ảnh cụ thể, tả thực, tĩnh tại ⇒ trừu tượng: từ hình ảnh bếp lửa, lời thơ bừng sáng thành “ngọn lửa” – một sự chuyển hoá hợp lí và mang một tầng nghĩa mới:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

… Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng

Nếu “bếp lửa” ở những câu thơ trên là vật hữu hình, cụ thể trong mỗi gia đình gần gũi, quen thuộc, là hình ảnh của cs âm thầm, lặng lẽ của hai bà cháu, thì đến đây, rất tự nhiên, người cháu liên tưởng tới một “ngọn lửa” vô hình. Nó mang ý nghĩa khái quát và rộng lớn hơn: đó là ngọn lửa thiêng liêng trong lòng bà, ngọn lửa của tình thương, của sức sống lặng thầm mà mãnh liệt, của niềm tin vào tương lai của cháu, tương lai của quê hương, dân tộc và cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Điệp từ “một ngọn lửa” làm giọng  thơ mạnh mẽ, hình ảnh thơ lung linh và làm ấm lòng ngời đọc. Vững tin ở tương lai, bà kiên trì nhóm lửa, giữ cho ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của niềm tin luôn ấm nóng, toả sáng. “Ngọn lửa” là biểu tượng của sức sống muôn đời.

Kỉ niệm tuổi thơ lắng xuống, mạch thơ chuyển từ cx nhớ thương của người cháu với bà sang những suy nghĩ sâu sắc về bà, về gia đình và những ân nghĩa sâu nặng:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

… Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!

Nếu từ đầu bài thơ, hình ảnh bà và bếp lửa song hành thì đến đây hoà vào làm một. Những từ láy gợi cảm “lận đận, nắng mưa” kết hợp với cụm từ chỉ thời gian “mấy chục năm rồi” và các phó từ “tận, vẫn” gợi tả một cách sinh động cuộc đời gian nan, vất vả và sự tần tảo, đức hi sinh của bà. Điệp từ “nhóm” được nhắc lại 4 lần mang những ý nghĩa khác nhau, bồi đắp cao dần, ngày càng toả sáng. Khi bà “nhóm bếp lửa” cũng là lúc bà “nhóm niềm yêu thương”, truyền cho cháu tình ruột thịt nồng ấm, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, thắp sáng hoài bão, ước mơ….

Bởi vậy, ngày ngày bà nhóm bếp lửa là nhóm lên sự sống, niềm vui, sự yêu thương. Nhờ ngọn lửa mà bà “ủ”, bà “nhen”, bà “giữ”, cháu thêm hiểu, thêm yêu con người, đất nước, sống ân nghĩa, thuỷ chung, cháu có nghị lực để vượt qua gian khó, trưởng thành. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa.

Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!

Người cháu yêu bà, nhận ra từ hình ảnh bếp lửa bình dị, thân thuộc ấy sự kì diệu, thiêng liêng. Bếp lửa luôn gắn bó với bà – người phụ nữ Việt Nam tảo tần đầy yêu thương, bếp lửa là đời bà gian khổ, là tình bà ấm nóng, là tay bà chăm chút, là lòng bà ước mơ. Bếp lửa ấy cùng hình ảnh người bà toả sáng trong tâm hồn cháu, nâng đỡ cháu trên suốt mỗi chặng đường đời, trở thành một phần hồn, một phần kí ức sáng đẹp trong cháu. Bếp lửa “kì lạ” và thiêng liêng là vì thế!

* Khổ thơ cuối:

Những dòng thơ cuối cùng sâu lắng và dạt dào cảm xúc nhớ thương.

Giờ cháu đã đi xa có ngọn khói trăm tàu

… Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Điệp từ “trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ. Cháu đã được sống trong những niềm vui rộng mở, giữa những “ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, nhưng vẫn không quên bếp lửa của bà, không nguôi nhớ thương bà, nên vẫn “không quên nhắc nhở”: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa”. Nỗi nhớ bà trở thành nỗi nhớ thường trực, hình ảnh bà trở thành hình ảnh thiêng liêng trong tâm hồn. Làm ấm lòng, nâng đỡ cháu trên mỗi gian nan của cuộc đời. Hình ảnh bà cũng chính là hình ảnh quê hương đất nước một thời gian khó, đạn lửa.

3.  Kết bài

Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất. Nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ Bếp Lửa của ông.


Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa - Mẫu 4

 1. Mở bài

 Giới thiệu về bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.

2. Thân bài:

* Hoàn cảnh ra đời:

- Sáng tác vào năm 1963 khi Bằng Việt đang đi du học ở nước ngoài.

- Là một trong những sáng tác đầu tay của ông.

- Được in trong tập “Hương cây – Bếp lửa” vào năm 1968. 

* Phân tích:

- Khổ thơ 1: 

+ Bài thơ mở ra bằng hình ảnh bếp lửa quen thuộc.

+ Từ láy “chờn vờn” cùng hình ảnh “ấp iu”  cảm giác về một ngọn lửa bập bùng, ẩn hiện trong làm sương sớm vừa gợi đôi bàn tay khéo léo và tấm lòng ấm áp, đôn hậu của người nhóm lửa.

+ Chữ “thương” tình cảm lan tỏa ra từng câu từng chữ để rồi thấm vào tận sâu thẳm trái tim người đọc.

- 4 khổ thơ tiếp: Ký ức về bà gắn liền với quá trình trưởng thành của cháu.

+ Kỷ niệm khi cháu lên 4 tuổi: với cái “đói mòn đói mỏi”, hình ảnh “khô rạc ngựa gầy”  những năm tháng đầy đói khổ, vất vả.

+ Kỷ niệm năm cháu 8 tuổi: giặc ngoại xâm kéo đến tàn phá nhưng cũng không thể xóa nhòa tình làng nghĩa xóm. Lời dặn “Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”  hình ảnh của một người phụ nữ tần tảo, đảm đang, kiên cường

- Khổ thơ cuối: Những trăn trở, suy tư của cháu về bà

+ Dù khoảng cách có xa xôi bao nhiêu, dù cho “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” cháu luôn nhớ về bà bằng tất cả tình yêu thương, sự biết ơn và nỗi nhớ của mình.

 3. Kết bài

 Khẳng định lại giá trị của bài thơ: Bằng hình ảnh tả thực cùng những cảm xúc thật của tác giả  bài thơ ngay từ khi ra đời cho đến nay vẫn luôn có một vị trí riêng của nó.


Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa - Mẫu 5

Dàn ý Phân tích bài thơ Bếp lửa (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

1. Mở bài phân tích Bếp lửa

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Bếp lửa

- Dẫn dắt nội dung bài thơ

2. Thân bài phân tích Bếp lửa

a. Những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu

- Dòng hồi tưởng về bà bắt nguồn từ hình ảnh bếp lửa

+ Bếp lửa “chờn vờn sương sớm” - bếp lửa thực

+ Bếp lửa “ấp iu nồng đượm” diễn tả sự dịu dàng, ấm áo, kiên nhẫn của người nhóm lửa

=> Hình ảnh thân thuộc gần gũi với người cháu, làm trỗi dậy dòng kí ức về bà và tuổi thơ

- Kỉ niệm về tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn

+ “Đói mòn đói mỏi” người cháu thấy ám ảnh bởi nạn đói và quá khứ đau thương của dân tộc

+ Khói bếp hun nhèm mắt cháu để khi nghĩ lại “sống mũi còn cay”

+ Dòng hồi tưởng, kỉ niệm gắn với âm thanh tiếng tu hú của chốn đồng nội: tiếng tu hú được nhắc tới 5 lần trong bài khi thảng thốt, lúc khắc khoải, mơ hồ => gợi lên không gian mênh mông, bao la, buồn vắng 

=> Tâm trạng của cháu vì thế cũng tha thiết, mãnh liệt hơn bởi sự đùm bọc, che chở của bà

- Tuổi thơ được bà yêu thương, che chở

+ ”bà dạy”, bà chăm” => thể hiện sâu đậm tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương vô bờ và sự chăm chút của bà đối với cháu

+ Ngay cả trong gian khó, hiểm nguy của chiến tranh bà vẫn vững vàng – phẩm chất cao quý của những người mẹ Việt Nam anh hùng (Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh)

=> Qua dòng hồi tưởng về bà, những dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình chính là sự kết hợp, đan xen nhuần nhuyễn giữa các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự, nỗi nhớ của người cháu thể hiện tình yêu thương vô hạn đối với bà

b. Những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của bà và hình tượng bếp lửa

* Suy ngẫm về cuộc đời bà

- Từ những kỉ niệm, hình ảnh bếp lửa luôn gắn với hình ảnh người bà

+ Hình ảnh bếp lửa kết tinh trong hình ảnh ngọn lửa: ngọn lửa của tình yêu thương, sự hhi sinh luôn ủ sẵn trong lòng bà để làm sáng lên hy vọng, ý chí

+ Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu, người bà nhen nhóm những điều thiện lương tốt đẹp đối với cháu.

-> Hình ảnh người bà trong lòng cháu là người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa, truyền niềm tin, sức sống tới thế hệ tương lai.

- Sự tần tảo, hi sinh của bà

+ Cuộc đời bà đầy những gian truân, vất vả, lận đận trải qua nắng mưa 

+ Điệp từ “nhóm” lặp lại bốn lần: người bà đã nhóm lên, khơi dậy những yêu thương, kí ức và giá trị sống tốt đẹp trong lòng người cháu

- Hình ảnh bếp lửa kết tinh thành hình ảnh ngọn lửa chất chứa niềm tin, hy vọng của bà

+ Người cháu như phát hiện ra điều kì diệu giữa cuộc sống đời thường “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa” => thấm nhuần được tình yêu thương và đức hi sinh của bà.

c. Nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi về người bà

+ Lời tự bạch của đứa cháu khi trưởng thành, xa quê hương: người cháu vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình yêu thương vô bờ của bà.

+ Tự vấn “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”: niềm tin dai dẳng, nỗi nhớ luôn thường trực trong lòng người cháu;

Kết bài phân tích Bếp lửa

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

+ Nội dung: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương đất nước.

+ Đặc sắc nghệ thuật: sáng tạo ra hình tượng bếp lửa mang ý nghĩa thực và ý nghĩa biểu tượng; kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự phù hợp với dòng hồi tưởng và tình cảm của cháu.

- Cảm nghĩ về bài thơ: Bài thơ chứa đựng triết lý, ý nghĩa thầm kín: những điều thân thiết của tuổi thơ của mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình cuộc đời, tình yêu thương và lòng biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, quê hương.


Phân tích bài thơ Bếp lửa - Bài mẫu

     Bằng Việt cũng có riêng ông một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ “Bếp lửa” của ông. Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ “Bếp lửa” được ông sáng tác năm 1963 lúc 19 tuổi và đang đi du học ở Liên Xô.

     Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà, với gia đình, quê hương, đất nước. Tình cảm và những kỉ niệm về bà được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa. Ở nơi đất khách quê người, bắt gặp hình ảnh bếp lửa, tác giả chợt nhớ về người bà:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

     Hình ảnh “chờn vờn” gợi lên những mảnh kí ức hiện về trong tác giả một cách chập chờn như khói bếp. Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật và toả sáng tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Bếp lửa được thắp lên đó cũng là bếp lửa của cuộc đời bà đã trải qua “biết mấy nắng mưa”. Từ đó, hình ảnh người bà hiện lên. Dù đã cách xa nửa vòng trái đất nhưng dường như Bằng Việt vẫn cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, chăm chút từ đôi tay kiên nhẫn và khéo léo của bà.

     Trong cái khoảnh khắc ấy, trong lòng nhà thơ lại trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Tình cảm bà cháu thiêng liêng ấy cứ như một dòng sông với con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm mà suốt cuộc đời này chắc người cháu không bao giờ quên được và cũng chính từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa lan toả toàn bài thơ. Khổ thơ tiếp theo là dòng hồi tưởng của tác giả về những kỉ niệm của những năm tháng sống bên cạnh bà.

     Lời thơ giản dị như lời kể, như những câu văn xuôi, như thủ thỉ, tâm tình, tác giả như đang kể lại cho người đọc nghe về câu chuyện cổ tích tuổi thơ mình. Nếu như trong câu chuyện cổ tích của những bạn cùng lứa khác có bà tiên, có phép màu thì trong câu chuyện của Bằng Việt có bà và bếp lửa.

     Trong những năm đói khổ, người bà đã gắn bó bên tác giả, chính bà là người xua tan bớt đi cái không khí ghê rợn của nạn đói 1945 trong tâm trí đứa cháu. Cháu lúc nào cũng được bà chở che, bà dẫu có đói cũng không để cháu thiếu bữa ăn nào, bà đi mót từng củ khoai, đào từng củ sắn để cháu ăn cho khỏi đói:

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”

     Chính “mùi khói” đã xua đi cái mùi tử khí trên khắp các ngõ ngách. Cũng chính cái mùi khói ấy đã quyện lại và bám lấy tâm hồn đứa trẻ. Dù cho tháng năm có trôi qua, những kí ức ấy cũng sẽ để lại ít nhiều ấn tượng trong lòng đứa cháu để rồi khi nghĩ lại thấy “sống mũi còn cay”. Là mùi khói làm cay mắt người người cháu hay chính là tấm lòng của người bà làm đứa cháu không cầm được nước mắt?

“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm bếp

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”

     “Cháu cùng bà nhóm lửa”, nhóm lên ngọn lửa của sự sống và của tình yêu bà cháy bỏng của một cậu bé hồn nhiên, trong trắng như một trang giấy. Chính hình ảnh bếp lửa quê hương, bếp lửa của tình bà cháu đó đã gợi nên một liên tưởng khác, một hồi ức khác trong tâm trí thi sĩ thuở nhỏ. Đó là tiếng chim tu hú kêu.

     Tiếng tu hú kêu như giục giã lúa mau chín, người nông dân mau thoát khỏi cái đói, và dường như đó cũng là một chiếc đồng hồ của đứa cháu để nhắc bà rằng: “Bà ơi, đến giờ bà kể chuyện cho cháu nghe rồi đấy!”. Từ “tu hú” được điệp lại ba lần làm cho âm điệu câu thơ thêm bồi hồi tha thiết, làm cho người đọc cảm thấy như tiếng tu hú đang từ xa vọng về trong tiềm thức của tác giả.

     Tiếng “tu hú” lúc mơ bà, lúc văng vẳng từ những cánh đồng xa lâng lâng lòng người cháu xa xứ. Tiếng chim tu hú khắc khoải làm cho dòng kỉ niệm của đứa cháu trải dài hơn, rộng hơn trong cái không gian xa thẳm của nỗi nhớ thương. Nếu như trong những năm đói kém của nạn đói 1945, bà là người gắn bó với tác giả nhất, yêu thương tác giả nhất thì trong tám năm ròng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, tình cảm bà cháu ấy lại càng sâu đậm:

“Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa”

     Trong tám năm ấy, đất nước có chiến tranh, hai bà cháu phải rời làng đi tản cư, bố mẹ phải đi công tác, cháu vì thế phải ở cùng bà trong quãng thời gian ấy, nhưng dường như đối với đứa cháu như thế lại là một niềm hạnh phúc vô bờ. Cùng bà, ngày nào cháu cũng cùng bà nhóm bếp. Và trong cái khói bếp chập chờn, mờ mờ ảo ảo ấy, người bà như một bà tiên hiện ra trong câu chuyện cổ huyền ảo của cháu.

     Nếu như đối với mỗi chúng ta, cha sẽ là cánh chim để nâng ước mơ của con vào một khung trời mới, mẹ sẽ là cành hoa tươi thắm nhất để con cài lên ngực áo thì đối với Bằng Việt, người bà vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là cánh chim, là một cành hoa của riêng ông. Cho nên, tình bà cháu là vô cùng thiêng liêng và quý giá đối với ông. Trong những tháng năm sống bên cạnh bà, bà không chỉ chăm lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ mà còn là người thầy đầu tiên của cháu.

     Bà dạy cho cháu những chữ cái, những phép tính đầu tiên. Không chỉ thế, bà còn dạy cháu những bài học quý giá về cách sống, đạo làm người. Những bài học đó sẽ là hành trang mang theo suốt quãng đời còn lại của cháu. Người bà và tình cảm mà bà dành cho cháu đã thật sự là một chỗ dựa vững chắc về cả vật chất lẫn tinh thần cho đứa cháu bé bỏng.

     Cho nên khi bây giờ nghĩ về bà, nhà thơ càng thương bà hơn vì cháu đã đi rồi, bà sẽ ở với ai, ai sẽ người cùng bà nhóm lửa, ai sẽ cùng bà chia sẻ những câu chuyện những ngày ở Huế,… Thi sĩ bỗng tự hỏi lòng mình: “Tu hú ơi, chẳng đến ở cùng bà?”. Một lời than thở thể hiện nỗi nhớ mong bà sâu sắc của đứa cháu nơi xứ người. Chỉ trong một khổ thơ mà hai từ “bà”, “cháu” đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần gợi lên hình ảnh hai bà cháu sóng đôi, gắn bó, quấn quýt không rời.

     Chiến tranh, một danh từ bình thường nhưng sức lột tả của nó thì khốc liệt vô cùng, nó đã gây ra đau khổ cho bao người, bao nhà. Và hai bà cháu trong bài thơ cũng trở thành một nạn nhân của chiến tranh: gia đình bị chia cắt, nhà bị giặc đốt cháy rụi…

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:

Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"

     Cuộc sống càng khó khăn, cảnh ngộ càng ngặt nghèo, nghị lực của bà càng bền vững, tấm lòng của bà càng mênh mông. Qua đó, ta thấy hiện lên một người bà cần cù, nhẫn nại và giàu đức hi sinh. Dù cho ngôi nhà, túp lều tranh của hai bà cháu đã bị đốt nhẵn, nơi nương thân của hai bà cháu nay đã không còn, bà dù có đau khổ thế nào cũng không dám nói ra vì sợ làm đứa cháu bé bỏng của mình lo buồn.

     Bà cứng rắn, dắt cháu vượt qua mọi khó khăn, bà không muốn đứa con đang bận việc nước phải lo lắng chuyện nhà. Điều đó ta có thể thấy rõ qua lời dặn của bà: “Mày có viết thư chớ kể này kể nọ / Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”. Lời dặn của bà nôm na giản dị nhưng chất chứa biết bao tình. Gian khổ, thiếu thốn, bao nỗi nhớ thương con bà đều phải nén vào trong lòng để yên lòng người nơi tiền tuyến.

     Hình ảnh người bà không chỉ còn là người bà của riêng cháu mà còn là một biểu tượng rõ nét cho những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hi sinh, thương con quý cháu. Kết thúc khổ thơ, Bằng Việt đã nâng hình ảnh bếp lửa trở thành hình ảnh ngọn lửa, một ngọn lửa:

“Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn,

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”.

     Hình ảnh ngọn lửa toả sáng trong câu thơ, nó có sức truyền cảm mạnh mẽ. Ngọn lửa của tình yêu thương, ngọn lửa của niềm tin, ngọn lửa ấm nồng như tình bà cháu, ngọn lửa đỏ hồng soi sáng cho con đường đứa cháu. Bà luôn nhắc cháu rằng: nơi nào có ngọn lửa, nơi đó có bà, bà sẽ luôn ở cạnh cháu. Những dòng thơ cuối bài cũng chính là những suy ngẫm về bà và bếp lửa mà nhà thơ muốn gởi tới bạn đọc, qua đó cũng là những bài học sâu sắc từ công việc nhóm lửa tưởng chừng đơn giản:

     “Nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm”. Một lần nữa, hình ảnh bếp lửa “ấp iu”, “nồng đượm” đã được nhắc lại ở cuối bài thơ như một lần nữa khẳng định lại cái tình cảm sâu sắc của hai bà cháu. “Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi”. Nhóm lên bếp lửa ấy, người bà đã truyền cho đứa cháu một tình yêu thương những người ruột thịt và nhắc cháu rằng không bao giờ được quên đi những năm tháng nghĩa tình, những năm tháng khó khăn mà hai bà cháu đã sống vơi nhau, những năm tháng mà hai bà cháu mình cùng chia nhau từng củ sắn, củ mì.

     “Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui”, “Nồi xôi gạo mới sẻ chung vui” của bà hay là lời răn dạy cháu luôn phải mở lòng ra với mọi người xung quanh, phải gắn bó với xóm làng, đừng bao giờ có một lối sống ích kỉ. “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Bà không chỉ là người chăm lo cho cháu đầy đủ về vật chất mà còn là người làm cho tuổi thơ của cháu thêm đẹp, thêm huyền ảo như trong truyện.

     Người bà có trái tim nhân hậu, người bà kì diệu đã nhóm dậy, khơi dậy, giáo dục và thức tỉnh tâm hồn đứa cháu để mai này cháu khôn lớn thành người. Người bà kì diệu như vậy ấy, rất giản dị nhưng có một sức mạnh kì diệu từ trái tim, ta có thể bắt gặp người bà như vậy trong “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh:

“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.”

     Suốt dọc bài thơ, mười lần xuất hiện hình ảnh bếp lửa là mười lần tác giả nhắc tới bà. Âm điệu những dòng thơ nhanh mạnh như tình cảm dâng trào lớp lớp sóng vỗ vào bãi biển xanh thẳm lòng bà. Người bà đã là, đang là và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ở bất kì phương trời nào. Bà đã trở thành một người không thể thiếu trong trái tim cháu. Giờ đây, khi đang ở xa bà nửa vòng trái đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà:

“Giờ cháu đã đi xa

Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

     Xa vòng tay chăm chút của bà để đến với chân trời mới, chính tình cảm của hai bà cháu đã sưởi ấm lòng tác giả trong cái mùa đông lạnh giá của nước Nga. Đứa cháu nhỏ của bà ngày xưa giờ đã trưởng thành nhưng trong lòng vẫn luôn đinh ninh nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau.

     Đứa cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của đứa cháu đã được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó. “Đọc xong bài thơ, nhắm mắt lại tưởng tượng, bạn sẽ hình dung thấy ngay hình ảnh bếp lửa hồng và dáng người bà lặng lẽ ngồi bên. Hình ảnh có tính sóng đôi này hiện lên thật sống động, rõ ràng như thể nét khắc, nét chạm vậy…” (Văn Giá).

     Bài thơ Bếp lửa sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc nhờ sức truyền cảm sâu sắc của nó. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của ta.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Phân tích bài thơ Bếp lửa để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 19/11/2022