logo

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ

icon_facebook

Câu hỏi: Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ

Trả lời:

Vào cuối thế kỷ XIV, triều Trần mục nát, Hồ Quý Ly, một đại thần có thế lực mạnh trong triều, ép vua Trần nhường ngôi cho mình, lập ra triều Hồ vào năm 1400. Hồ Quý Ly là người táo bạo, ông đã thực hiện một số cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội nhưng cũng chỉ là nhằm cứu vãn sự sụp đổ của nhà nước phong kiến và củng cố địa vị của dòng họ mình, không giải quyết được những mâu thuẫn gay gắt của xã hội đương thời. Ông lại mưu đồ cướp ngôi nhà Trần, một triều đại đã có nhiều công tích trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc nên ông bị mất lòng dân. Thế lực của đất nước suy yếu. Bấy giờ ở Trung Quốc, nhà Minh đang cường thịnh. Lợi dụng tình hình không ổn ở Đại Việt, Minh Thành Tổ quyết định đưa quân sang xâm lược.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ.

Ngày 19/11/1406, Trương Phụ thống lĩnh gần 50 vạn quân, trong đó có trên 20 vạn quân chiến đấu tiến vào nước ta. Trước đó, triều Hồ đã chuẩn bị kháng chiến. Nhưng chiến lược của nhà Hồ là tăng cường số lượng quân thường trực, sắm sửa nhiều vũ khí tốt và xây dựng các tuyến phòng thủ, lấy đó để dàn trận đối đầu với địch. Hồ Quý Ly có ý định xây dựng một quân đội đến một triệu người, chắc chắn rằng ông chưa thực hiện được. Vũ khí của nhà Hồ có loại súng thần cơ do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy chế tạo tốt hơn súng của nhà Minh. Hồ Quý Ly cũng cho sắm cọc gỗ, chăng xích sắt ở các cửa sông hiểm yếu. Một phòng tuyến quy mô lớn được xây dựng từ núi Tản Viên (Hà Tây) theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng xuống Nam Định rồi lại theo sông Luộc, sông Thái Bình sang Bình Than trên sông Lục Đầu dài khoảng 400km. Thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Tây) được coi là cứ điểm then chốt của phòng tuyến.

Quân Minh nhanh chóng vượt qua các trận đánh chặn của quân Hồ, hội quân trước tuyến phòng thủ Đa Bang. Ngày 20/11/1407, thành Đa Bang bị hạ, tuyến phòng thủ tan vỡ, quân Hồ tổn thất nặng, rút về Thăng Long rồi lại rời Thăng Long về giữ vùng hạ lưu sông Hồng (Nam Định). Quân Minh vào Thăng Long rồi đuổi tiếp xuống phía Nam nhưng bị đánh lại quyết liệt, phải về đóng đô ở Hàm Tử.

Tháng 4/1407, quân Hồ tổ chức phản công lớn nhưng bị địch mai phục, tổn thất nặng phải rút chạy vào Thanh Hoá. Quân Minh thừa thắng truy kích gắt gao. Tháng 6/1407, Hồ Quý Ly cùng triều đình bị địch bắt ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Cuộc kháng chiến của nhà Hồ chống quân xâm lược nhà Minh chấm dứt, nhưng ở nhiều nơi nhân dân ta vẫn tiếp tục nổi dậy chống ách đô hộ của quân Minh.


Kiến thức tham khảo về nhà Hồ


Nhà Hồ thành lập như thế nào?

Vào cuối thế kỷ 14, đất nước ở trong tình trạng rối ren. Triều Trần đã trở nên ruỗng nát, bị lung lay tận gốc. Nhân hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một quý tộc có vây cánh và thanh thế trong triều đã lấn át dần quyền lực nhà Trần rồi đến năm 1400, phế truất hẳn vua Trần lập ra một vương triều mới - Triều Hồ.

Hồ Quý Ly dòng dõi người Chiết Giang, Trung Quốc. Từ đời Ngũ Quý sang Việt Nam sống ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), sau chuyển ra Thanh Hoá. 

Hồ Quý Ly tham dự vào chính sự nhà Trần khoảng 28 năm, sau khi bức vua Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn (1400) Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Ðế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Ðại Ngu. Quý Ly làm vua chưa được một năm, bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con thứ Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng hoàng, cùng coi việc nước.

Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, Quý Ly đã từng bước tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt. Về mặt hành chính, Quý Ly đổi các lộ xa làm trấn, đặt thêm các chức An phủ phó sứ, Trấn phủ phó sứ cùng các chức phó khác ở các châu huyện. Ở các lộ thì đặt các chức quan lớn như Ðô hộ, Ðô thống, Thái thú quản cả việc quân sự và dân sự. Quý Ly còn đặt chức Liêm Phóng Sứ tại mỗi lộ để dò xét tình hình quân dân.


Đánh giá về thời đại nhà Hồ

Đánh giá về triều đại nhà Hồ, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Các sử gia thời trung đại ở nước ta theo quan điểm của hệ tư tưởng phong kiến thì đa số ý kiến đều phủ nhận những đóng góp của Hồ Quý Ly dưới triều Trần. Ngày nay, các học giả đã nhìn nhận những đóng góp của vương triều Hồ đối với lịch sử dân tộc Việt Nam một cách công bằng hơn, nhất là về vấn đề cải cách do Hồ Quý Ly tiến hành, khởi đầu trong những năm tháng cuối cùng của triều Trần. Tuy nhiên, khi đánh giá về thất bại của nhà Hồ, tất cả các phái đều thống nhất nguyên nhân thất bại của nhà Hồ là: không được lòng dân. Vì vậy, nên nhà Hồ không phát động được cuộc chiến tranh nhân dân (nhân tố quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh giữ nước ở Việt Nam) khi đất nước bị ngoại bang xâm lược. Mặc dù có quân đội mạnh, thành cao, hào sâu nhưng cuộc kháng chiến chỉ kéo dài được hơn 6 tháng. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con trai cả của Hồ Quý Ly) cũng nhận ra điều này, khi cả quyết: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”1. Đặc biệt, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, người có công rất lớn trong việc phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, xây dựng nên triều đại nhà Lê là Nguyễn Trãi (đỗ đạt ở triều Hồ và cùng với cha là Nguyễn Phi Khanh giữ chức trọng, quyền cao tới khi nhà Hồ sụp đổ) đã đánh giá rất sâu sắc trong Bình Ngô đại cáo: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà, Để đến nỗi lòng người oán hận”. Nhận xét của một bậc đại trí, đại hiền từng đỗ đạt và hưởng bổng lộc ở triều nhà Hồ chắc hẳn không sai.

Với tham vọng, hoài bão lớn và tư tưởng cải cách rất mới mẻ, toàn diện, Hồ Quý Ly đã xây dựng Đại Ngu trở thành một quốc gia mạnh về quốc phòng nhưng kết cục mất nước khi ngoại bang xâm lược. Sở dĩ như vậy là vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do “lòng dân không theo” bởi chế độ lao dịch nặng nề làm cho nhân dân bất an, sợ hãi. Nhà Hồ tiến hành đồng thời cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và quân sự với mục đích bảo vệ vương triều, phục vụ chiến tranh là chính, chứ không phải vì đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với đó, do không làm tốt khâu tuyên truyền nên nhân dân chỉ thấy mặt tiêu cực của cải cách, vô cùng chán ghét khi cuộc sống thường nhật bị thay đổi. Nguy hại hơn, vào giai đoạn cuối của nhà Trần, thế nước đã suy, nguồn lực trong nước cạn kiệt, nhân dân đói khổ, nhưng Hồ Quý Ly không những không “khoan thư sức dân” mà còn tiến hành chiến tranh với Chiêm Thành và tổ chức dời Đô về Thanh Hóa xây thành trì kiên cố khiến cho dân chúng càng thêm lầm than, dẫn tới “nhân tâm ly tán”.

icon-date
Xuất bản : 13/05/2022 - Cập nhật : 02/12/2022

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads