logo

Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Bạn đang gặp khó khi làm bài văn nêu cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy? Đừng lo! Hãy tham khảo những bài văn mẫu đã được tuyển chọn và biên soạn với nội dung ngắn gọn, chi tiết, hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được cách làm cũng như bổ sung thêm vốn từ ngữ nhé. Chúc các bạn có một tài liệu bổ ích!


Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy - Bài mẫu 1

Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy (ngắn gọn, hay nhất)

     Một câu thơ hay không chỉ giúp ta thấy được tình cảm để đồng cảm mà còn khiến ta quên đi ranh giới mình - ta, quên đi cảm xúc ấy là của ai mà cùng hòa vào với thế giới bên trong tác phẩm ấy. Đôi khi, chỉ đơn giản là những câu thơ mộc mạc, những hình ảnh quen thuộc… Và Nguyễn Duy đã làm được điều đó qua hình tượng nhân vật người bà trong “Đò Lèn”.

     Bài thơ “Đò Lèn” được sáng tác theo lối thơ tự do hiện đại, Bắt đầu từ một điểm ở thực tại, nhà thơ nhìn về quá khứ và bày tỏ kí ức, suy tư, tình cảm của mình về người bà dấu yêu. Mạch thơ hồn nhiên, dung dị, giọng thơ pha lẫn giữa bông lơn, nghiêm túc và xót xa, cay đắng. Nhờ chất giọng này mà những hình ảnh ngỡ như rất xưa cũ đã được làm mới lại trong cái bể tinh thần chứa đầy triết lí, hoài niệm sâu xa. Thơ Nguyễn Duy mang đậm chất trí tuệ trên cái nền ngôi từ bình dị, ngỡ như không có gì trau chuốt, đáng bàn.

     Hình ảnh người bà hiện lên trong hồi ức của cháu, qua những lời cháu kể.

     Đó là một người bà vất vả trong công cuộc mưu sinh:

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

     Một chữ “thập thững” mang theo bao bước chân già nua trong đói rét, như có cả hơi thở hổn hển. Không phải bước chân hốt hoảng của Hoàng Cầm: “Bước cao thấp bên bờ tre hun hút” (“Bên kia sông Đuống”) mà là bước đi thường ngày của người già: bước lên – bước xuống theo nhịp quang gánh trĩu nặng, yếu ớt. Những địa danh riêng “Quán cháo, đồng Quan, Đồng Giao,…” mà vẫn đem lại cảm xúc chung về quê hương nguồn cội; bà của “tôi” mà như của mọi người. “Tôi đâu biết” là cái giật mình đầy xa xót như cái giật mình đầy xa xót của biết bao người con khi nghĩ về bà, về mẹ - những người phụ nữ Việt Nam. Đại từ “tôi” bé nhỏ, âm thầm, không phải cái thế kiêu bạc của người lính chiến “ung dung buồng lái ta ngồi” (Phạm Tiến Duật) mà trĩu nặng những ân tình, bộc bạch, sẻ chia. Những nhận thức, ăn năn về đạo đức cứ nhẹ nhàng đến mà thấm thía như thế.

     Bà còn là hiện thân của tình yêu thương và đức hi sinh. Đằng sau cái vất vả , lam lũ là tình yêu thương vô bờ bến của bà dành cho cháu. Đằng sau cái lặng lẽ âm thầm là đức hi sinh cao quý. Trong kí ức của cháu, tự bao giờ bà đã đồng nhất với “Tiên, Phật, thánh thần”:

“Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực

giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần

cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm”

     “Trong suốt” – một cảm nghiệm tâm linh hay một ảo giác, một tín ngưỡng trong tâm hồn thơ dại? “Tiên, Phật, thánh thần” là hư mà cũng từng là thực trong niềm tin tuổi nhỏ. Bà là thực mà cũng là hư trong bao điều mà “tôi đâu biết”. Những tương phản tạo nên sức ám ảnh của câu thơ: hư – thực, hiện thực (“củ dong riềng luộc sượng”) và tâm linh huyền ảo (“mùi huệ trắng hương trầm”) hay niềm tin vượt lên hiện thực? Cái đói là hiện thực nhưng nó cũng không giết được cái đẹp mà giữ người ta trong trạng thái “trong suốt” – nhìn xuyên thấu, hòa nhập vào tâm linh. Trong mắt cháu, bà hiện lên là một ám ảnh, một niềm vui, một nỗi xót xa và cả sự tâm linh lạ kì.

     Sự kiện “Bom Mĩ dội nhà bà tôi bay mất” khiến nhân vật bừng tỉnh. Bầu trời cổ tích vỡ tan và hiện thực nghiệt ngã về cuộc đời hiện ra: “Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Sự bừng tỉnh đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật trữ tình. Cậu bé hồn nhiên sống trong tình yêu thương vô điều kiện đã bước khỏi tuổi thơ để nhìn thấy bà trong đời thực. Khiến thánh thần bay mất: “thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết” như đang giải huyền thoại cho một niềm tin ngây thơ. Có sự hạ bệ thần thánh. Nhưng điều đặc biệt ở đấy là: hạ bệ trên cơ sở không tuyệt đối phủ nhận. Phép giải thiêng này đồng nghĩa với việc khẳng định sự trưởng thành của con người và cả sự trỗi dậy về nhận thức của con người đó. Cả bài thơ là sự đánh thức nhận thức sâu sắc về cuộc đời: thế giới này sẽ vĩnh viễn không bao giờ là cổ tích. Cổ tích chỉ là giấc mơ do con người ảo tưởng xây dựng lên mà thôi. Những ngôn ngữ đậm chất dân dã, hài hước càng rõ nét cho sự giải thiêng để khẳng định sức sống của con người bình thường.

     Đến những câu thơ cuối cùng, hình ảnh của bà là hình ảnh của chân lí, là tiếng nói cuối cùng thức tỉnh mỗi con người:

“khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”

     Cách kể “Tôi đi lính lâu không về quê ngoại” ngỡ như một lời tự sự bình thường mà dồn nén thời gian cả một cuộc chiến, chất chứa trong đó cả một cuộc đời. Đứa trẻ năm nào nhìn dòng sông trong sự toàn vẹn của nó: “bên lở bên bồi”. Thì ra, cuộc đời này vẫn luôn là thế: là sự được – mất, thành – không luôn song hành. Con người ta đôi khi để có được điều gì đó lại phải đánh đổi những điều rất quý giá của mình. Đôi khi, đến cuối con đường, lại nhận ra sự trả giá ấy là quá đắt: “biết thương bà thì đã muộn”. Cái “nấm cỏ” kia có thể là “cỏ khâu xanh rì” hay “sè sè nắm đất bên đường”, chẳng hề vô tri mà là cuộc đời của cả một con người, là dòng thác cuộn chảy của cả một thời kì lịch sử.

     Bài thơ gồm sáu khổ. Mỗi khổ dường như tồn tại độc lập. Câu cuối mỗi khổ như “nhãn cú” của khổ thơ ấy. Câu kết của bài thơ là “nhãn cú” cho toàn bộ bài. Một giọng thơ trữ tình ấm áp, hài hước, pha chút khinh bạc, đắng cay nhưng thấm đẫm nghĩa tình, đó chính là điều chúng ta cảm nhận được từ “Đò Lèn”. Chính nhờ cái giọng điệu bên ngoài có vẻ là bỡn cợt, bên trong là chua xót; nhờ lối cảm xúc hai tầng: bên trên là vô tư, vo lo, bên dưới là sự thấu hiểu đời đến tái tê; nhờ cách sử dụng ngôn ngữ: bên trên là cũ mòn nhưng bên dưới là cả sự dụng công. Nghệ thuật đạt đến đỉnh cao thì lại trở nên bình dị. Thơ Nguyễn Duy là vậy.

     Vậy ra, từ những cái nhìn bình thường, từ những điều thường nhỏ nhặt, từ một câu chuyện kể vể quá khứ mơ mộng vỡ tạn vì chiến tranh, không hề có sự gượng ép, nhà thơ đã gắn kết chúng thành nghệ thuật. Chúng trở nên thuộc về nhau một cách kì lạ và thuộc về bản lĩnh thơ độc đáo Nguyễn Duy.


Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy - Bài mẫu 2

     Cội nguồn tình yêu thương vô điều kiện là gia đình, từ lâu đã khơi nguồn cảm hứng bất tận của mỗi thi sĩ. Hình bóng thân thương của mẹ trong tiếng thơ Đỗ Trung Quân, Tố Hữu, tình anh em dưới ngòi bút Tạ Duy Anh,…Nhà thơ Nguyễn Duy cũng góp vào chủ đề đó hình ảnh người bà đáng kính trong bài thơ “ Đò Lèn”.

     Nhà thơ Nguyễn Duy là gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ ra đời năm 1983 khi bom đạn chiến tranh qua đi, đặt trong bối cảnh nhân vật “ tôi”- người cháu sau cuộc chiến, trở về thăm người bà, nhưng bà không còn nữa. Nhà thơ gửi gắm suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc qua cái nhìn của nhân vật trữ tình “ tôi” về hình tượng người bà trong dòng hồi tưởng.

     Người bà hiện lên trong dòng suy tưởng của người cháu với công cuộc mưu sinh lam lũ, vất vả:

“ Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”

“bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”

     Bà gắn với những công việc bình thường, dung dị: “ mò cua, xúc tép, đi gánh chè xanh”, bằng thể thơ tự do kết hợp giọng điệu sâu lắng, nhẹ nhàng làm nổi bật cuộc đời cơ cực của bà suốt một đời làm lụng, chẳng quản một nắng hai sương. Hình ảnh bà được đặt trong không gian dài rộng “ chợ Bình Lâm, đồng Quan, Quán Cháo, Đồng Giao, ga Lèn ” những địa danh cụ thể, xác định như từ trang đời đi thẳng vào trang thơ, gợi sự tất tả, ngược xuôi làm đậm tô chân dung người phụ nữ tảo tần sớm hôm, chăm lo cho cháu lớn khôn từng ngày. Láy từ “ thập thững”, cùng cách nói giàu hình ảnh “ những đêm hàn” không chỉ khắc họa dáng đi bước thấp bước cao trong màn đêm, âm thầm chịu đựng dãi dầu cái lạnh tái tê mà còn gợi chân thực những lo toan trải suốt đời bà. Hình ảnh thân thương gợi nhắc ta nhớ về chân dung cuộc đời người bà mà nhà thơ Bằng Việt cũng từng khắc ghi trong bài thơ “ Bếp lửa”:

“ Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”

     Cả hai nhà thơ gặp gỡ nhau khi tái hiện sống động nét đẹp chân quê nơi hình tượng người bà và cùng khơi dậy trong lòng người đọc những xúc cảm sâu sa.

     Người bà qua trang thơ của Nguyễn Duy còn hiện thân cho tình yêu thương, đức hi sinh cao cả. Bà làm lụng, bòn cọt cho cuộc sống mưu sinh để người cháu hồn nhiên trọn vẹn trong niềm vui tuổi thơ. Đôi khi đứa trẻ ngây thơ đồng nhất hình ảnh bà với tiên phật giữa cuộc đời:

“ Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực

giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần”

     Phải chăng với cháu, bà phúc hậu, hiền từ như thần thánh, như ánh sáng diệu kì soi chiếu những tháng ngày tăm tối của cháu? Bởi khi cơn bão táp cuộc đời ập đến, vẫn luôn là người bà ở bên, chở che cho đứa cháu bé bỏng:

“ cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm

Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”

     Trước sự tàn phá dữ dội của trận đói, bà vẫn bền bỉ duy trì cuộc sống của cháu với những “ củ dong riềng luộc sượng”. Đến sự bạo tàn của đế quốc Mỹ, nỗi cơ cực đè nặng hơn đôi vai gầy của bà, những cụm từ tăng tiến “ bay, bay mất, bay tuốt” gợi vô vàn mất mát với bà nói riêng hay cả dân tộc ta nói chung. Lúc đó cháu còn mộng mơ “giữa hai bờ hư- thực”, còn bà ở lại còm cõi, hi sinh vì cháu. Bút pháp đối lập giữa “ thánh với phật” và người bà làm đậm tô nét đẹp rạng ngời về bà trong mắt cháu. Tình yêu thương vô bờ bến bà dành cho cháu là điểm tựa tâm hồn nâng đỡ, giúp cháu mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn, lạc quan hơn khi vẫn cảm nhận cái đẹp xung quanh mình: “ mùi huệ trắng, hương trầm”. Nhà thơ khắc tạc hình ảnh muôn đời của người phụ nữ truyền thống mang vẻ đẹp vĩnh hằng. Đó là dòng suy cảm của cháu khi trưởng thành nhớ về người bà, với lòng biết ơn, trân trọng, cùng sự tiếc nuối khi bà đã ra đi: “ bà chỉ còn một nấm cỏ thôi”, bà vẫn lặng lẽ, âm thầm như thế.

     Tiếng thơ Nguyễn Duy nhẹ nhàng, sâu lắng gửi gắm những triết lý sâu sa qua bài thơ “ Đò Lèn”, khắc họa hình ảnh người bà sống động bởi ngôn từ tự nhiên, với thể thơ tự do giàu tính tự sự và biểu cảm, chất giọng hóm hỉnh, trầm mặc để lại trong lòng bạn đọc suy tư sâu sắc về tình cảm gia đình, tình thương yêu vô điều kiện.


Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy - Bài mẫu 3

Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

     Nguyễn Duy đã rất thành công trong việc miêu tả thành công nhân vật người bà trong tác phẩm, đó là hình tượng thành công trong sự nghiệp văn học của ông. Hình ảnh đó đã trở thành một hình mẫu văn học đẹp trong văn học.
Có thể thấy trong nền văn học Việt Nam, hình tượng người bà khá là phổ biến và nó là một hình mẫu đẹp trong nền văn học, tất cả những hình ảnh đó đang dần trở thành một đề tài mà mỗi nhà thơ đều khai thác và đi sâu vào nghiên cứu rộng, chính vì vậy, muốn phát triển thêm cho hình tượng của mình, mỗi tác giả phải có cái nhìn riêng, những trải nghiệm, những khám phá đặc sắc về nhân vật đó. Trong bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy ông đã tận dụng tối đa chất liệu từ chính cuộc đời với người bà của mình

     Mở đầu bài thơ, tác giả nhớ về những ngày thơ ấu, những trò chơi thân thuộc thuở nhỏ. Và ngay trong những dòng hồi ức đầu tiên, hình ảnh người bà cũng xuất hiện thật tự nhiên với bao tình cảm thân thương nhất:

“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

Níu váy bà đi chợ Bình Lâm

Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”

     Từ khi còn rất nhỏ, tác giả Nguyễn Duy từng “níu váy” bà để đến những phiên chợ quê, từng vui chơi những trò chơi con nít quen thuộc tại vành tai tượng phật và những trò chơi nghịch ngợm “ăn trộm nhãn chùa Trần”. Người cháu cũng từng theo bà đến những chùa chiền để cầu mong những điều tốt đẹp “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng”, hương thơm của huệ trắng và hương trầm cũng đã trở thành một phần của tiềm thức tuổi thơ.

“Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

Chân đất đi đêm xem đèn Sòng

Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”

     Có thể thấy tuổi thơ của tác giả cũng bình dị như bao đứa trẻ nào khác lớn lên ở miền quê, cuộc sống có thể thiếu thốn về vật chất nhưng lại vô cùng đủ đầy về tinh thần. Hình ảnh người bà thân yêu của tác giả còn hiện lên qua những công việc nặng nhọc để nuôi lớn đứa cháu thơ “bà mò cua xúc tép ở đồng Quan”, đi “gánh chè Ba Trại”.

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập từ những đêm hàn”

     Từ nhỏ tác giả đã sống cùng với bà nên bà không chỉ đóng vai trò là một người bà mà còn thực hiện trách nhiệm của người bố, người mẹ. Bao gánh nặng gia đình đều đè nặng lên đôi vai gầy yếu của bà. Sự thơ ngây của tuổi thơ khiến người cháu chưa thấu hiểu được nỗi vất vả của bà nhưng trong cảm nhận của người cháu bà cũng hiền từ, bao dung như tiên, phật, thần thánh.

“ Tôi trong suốt giữa hai bờ hư- thực

Giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần

Cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

Cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm”

     Không chỉ giàu yêu thương, tần tảo mà bà còn là một người phụ nữ kiên cường hơn bất cứ ai. Trong mưa bom bão đạn bà vẫn kiên cường chống đỡ để trở thành chỗ dựa vững chắc cho đứa cháu:

“Bom Mĩ dội, nhà bà tôi bay mất

Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”

     Trong cái dữ dội của cuộc chiến tranh, bom Mĩ đã tàn phá hết quê hương, xóm làng, cả ngôi nhà nhỏ của hai bà cháu cũng bị phá hủy. Cả chùa chiền, thánh, phật cũng bay theo bom đạn của giặc Mĩ. Thế nhưng một người trần mắt thịt như bà lại vẫn kiên cường đứng ở ga Lèn bán trứng. Cái khốc liệt của chiến tranh có thể làm mất đi đời sống tâm linh nhưng sức sống mạnh mẽ của con người thì không gì có thể phá hủy nổi. Bà vẫn đi bán trứng để mưu sinh, để chăm lo cho sự lớn khôn của đứa cháu.

     Đó là những ngày tháng khó khăn trong cuộc đời tác giả và người bà của mình. Hình ảnh nhà bà bay cũng như những đến Sòng, chùa chiền bay, thánh với phật rủ nhau đi đâu hết đã lột tả hết sự gian ác khốc liệt của cuộc chiến tranh ấy. Bà lại phải đổi nghề khác đó chính là bán trứng ở ga Lèn. Những hình ảnh kia như nói lên được sự khủng khiếp của chiến tranh nó không chỉ phá mất nhà của hai bà cháu mà ngay cả chỗ linh thiêng như chùa chiền cũng bị bom đạn làm cho biến mất tàn trụi.

     Và giờ đây khi người cháu ấy đã lớn khôn hiểu ra những nỗi vất vả cơ cực của bà thì đã quá muộn bà đã ra đi và đến bên thế giới bên kia. Nhưng sự ra đi của bà không làm cho bà mất đi trên cõi đời này vì bà luôn còn sống mai trong chính tâm tưởng tình cảm của người cháu thân yêu:

“Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”

     Dù cho tác giả đã đi lính nhưng thời gian thì cứ trôi dòng sông thì vẫn ngày đêm bên lở bên bồi, và bà ngoại thì cũng cứ già thế nên khi tác giả nhận ra những tình cảm và sự cơ cực của bà thì đã quá muộn. bây giờ bà chỉ còn một nấm cỏ khô mà thôi.

     Kết lại bài thơ Đò Lèn là một nỗi buồn, nỗi nhớ thương hoài cổ. Hình ảnh người bà tảo tần với những buôn bán ngược xuôi, với những lo toan trong cuộc sống, với tình yêu thương vô bờ dành cho cháu sẽ vẫn mãi luôn in sâu trong tâm trí người đọc. Bà về với đất, “chỉ còn là một nấm cỏ thôi” nhưng hình bóng bà vẫn mãi còn đó, mãi dõi theo cháu trong suốt cả cuộc đời.

     Khi đã trưởng thành, đi lính người cháu đã thấu hiểu được những vất vả hi sinh của bà nhưng cũng đã muộn vì bà đã không còn “bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Dù có xót xa, nuối tiếc nhưng tình cảm thiêng liêng của người cháu dành cho bà vẫn luôn đáng trân quý, đáng trân trọng như thế, tình cảm ấy như ánh sáng soi đường để người cháu tiếp tục cầm súng thực hiện trách nhiệm bảo vệ sự sống, sự bình yên của đất nước, quê hương.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021